Giúp học sinh hiểu và thêm yêu quê hương

Nội dung giáo dục địa phương do các tỉnh, thành phố biên soạn, đưa vào giảng dạy từ cấp trung học cơ sở (THCS) là một trong những điểm mới nhất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc biên soạn, triển khai nội dung này một cách hiệu quả sẽ tạo tiền đề quan trọng trong việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông một cách toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn hát Xoan trong giờ học nội dung giáo dục địa phương tại Trường THCS Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Biểu diễn hát Xoan trong giờ học nội dung giáo dục địa phương tại Trường THCS Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước. Nội dung này trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, cấp THCS và trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây là lần đầu triển khai nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông từ cấp THCS một cách bài bản, có hệ thống, tương đương một môn học cho nên nhiều địa phương còn lúng túng, khó khăn trong quá trình biên soạn, nhất là các địa phương vùng khó khăn, dân tộc thiểu số có đặc điểm địa lý, văn hóa đa dạng.

Vì vậy, để giúp các địa phương sớm hoàn thành, đưa nội dung giáo dục địa phương vào dạy học theo đúng quy định, quá trình triển khai Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã hỗ trợ các tỉnh khu vực khó khăn nhất, địa phương vùng dân tộc thiểu số, xây dựng bộ tài liệu nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; hỗ trợ tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện nội dung này và sử dụng bộ tài liệu đã được biên soạn.

Giám đốc Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất Đào Ngọc Nam cho biết, quá trình triển khai, 17 tỉnh thuộc vùng khó khăn, có học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương ở cả bốn khối lớp từ lớp 6 đến 9. Đến nay, toàn bộ tài liệu giáo dục địa phương của 17 tỉnh đã được hội đồng thẩm định của các tỉnh thẩm định, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương cấp phép phát hành. Ngoài ra, dự án đã hoàn thành hoạt động in ấn và cung cấp hơn 1,1 triệu cuốn tài liệu giáo dục địa phương lớp 6, 7, 8, 9 cho các địa phương, trường THCS thụ hưởng; tập huấn cho gần 34 nghìn giáo viên về tài liệu giáo dục địa phương, góp phần thúc đẩy triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả.

Chúng tôi có mặt trong giờ học nội dung giáo dục địa phương của Trường THCS Đồng Thịnh, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ), một trong số 17 tỉnh được hỗ trợ xây dựng, biên soạn, cung cấp tài liệu giáo dục địa phương. Cô giáo Đinh Thị Hảo và các học sinh say sưa với những làn điệu hát Xoan truyền thống. Những điệu múa, những câu hát được các em học sinh thể hiện thuần thục với sự hướng dẫn của cô giáo, tạo không khí vui tươi, hứng khởi cho tiết học.

Theo thầy giáo Trần Xuân Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Thịnh, truyền thống văn hóa và nếp sống cộng đồng có tác động tích cực đến sự nghiệp giáo dục trong và ngoài nhà trường. Trong đó, hát Xoan, loại hình dân ca nghi lễ, phong tục lâu đời ở Phú Thọ là một trong những nội dung được giảng dạy cho học sinh từ nhiều năm nay. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, những vấn đề về địa lý, di tích, văn hóa, lịch sử, trong đó có hát Xoan của tỉnh Phú Thọ được biên soạn khoa học, kỹ lưỡng trong Tài liệu giáo dục địa phương với sự hỗ trợ của Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất đã tạo thuận lợi cho công tác dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cũng là giờ giáo dục địa phương, tại Trường THCS Phan Chu Trinh, xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk), nhờ có bài học trong tài liệu giáo dục địa phương mà em Phạm Cao Nguyên biết được về văn hóa, nhà ở, chế độ mẫu hệ của người Ê Đê và có thể giới thiệu khá lưu loát cho mọi người hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong vùng mà em đã được học.

Cô giáo Lê Thị Bình An, Trường THCS Phan Chu Trinh cho biết, thời gian đầu khi mới triển khai nội dung giáo dục địa phương còn khá mới mẻ, giáo viên phải tự tìm hiểu các nội dung kiến thức để dạy. Từ khi có cuốn Tài liệu giáo dục địa phương do Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất hỗ trợ với nội dung phong phú, hấp dẫn, gần gũi với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, xã hội của người dân trong vùng, hoạt động dạy và học của cô trò trở nên khá sinh động, hào hứng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa chia sẻ, quá trình biên soạn tài liệu giáo dục địa phương THCS trên địa bàn tỉnh nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất từ khâu biên soạn đến cung cấp cho học sinh kịp thời sử dụng để học tập. Vì vậy, giáo dục của tỉnh nói chung, vùng sâu, vùng xa nói riêng có điều kiện tiếp cận đổi mới, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS của 17 tỉnh vùng khó khăn được biên soạn phù hợp với những quy định của Luật Giáo dục; đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tài liệu được biên soạn tuân thủ những quy định của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, định hướng phát triển năng lực, nhằm trang bị cho học sinh hiểu biết về nơi sinh sống, giúp các em có thêm tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.