Giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Nhờ sự vào cuộc trách nhiệm, tinh thần làm việc sát cơ sở, gần dân của cán bộ dân vận, khuyến nông, mấy năm gần đây, tỉnh Điện Biên có thêm hàng nghìn héc-ta cây công nghiệp dài ngày được trồng mới và hàng nghìn héc-ta đất trồng lúa nương kém hiệu quả được chuyển sang cây ăn quả.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Huyện ủy Mường Nhé thăm mô hình trồng cỏ voi trên đất bạc màu tại xã Huổi Lếch.
Lãnh đạo Huyện ủy Mường Nhé thăm mô hình trồng cỏ voi trên đất bạc màu tại xã Huổi Lếch.

Từ đó, người dân khai thác hiệu quả đất đai, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập. Nhiều gia đình dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.

Chung Chải - một trong những xã vùng cao biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn trong huyện nghèo nhất nước là Mường Nhé, vì địa bàn xa xôi cách trở, người dân sống chủ yếu nhờ cây ngô, cây lúa trên nương.

Vậy nhưng mấy năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc: Hà Nhì, Si La, H’Mông ở Chung Chải đã chủ động khai hoang thêm ruộng nước, chuyển đổi đất nương sang trồng các loại cây hoa màu như: lạc, sắn, đậu tương, khoai tây và các loại cây lâm nghiệp khác gồm: Dổi lấy hạt, quế, cây gai xanh. Nhờ đó, nhiều gia đình vừa bảo đảm lương thực cho người, gia súc, vừa có thêm nguồn thu ổn định.

Ông Pờ Xè Chừ, Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải cho biết: Giảm dần diện tích lúa nương, hai năm trở lại đây người dân trong xã chỉ tập trung trồng gần 190ha lúa chiêm xuân, lúa mùa; diện tích các loại cây: Ngô, sắn, lạc, khoai, dổi, quế, gai xanh toàn xã lên tới gần 120ha.

Có được kết quả này nhờ sự vào cuộc tích cực của các đồng chí thành viên tổ dân vận huyện phụ trách địa bàn, mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng, thường xuyên về từng bản lắng nghe nguyện vọng và tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân.

Với những người chưa thông chủ trương hay chưa tin tưởng hiệu quả cây trồng mới, đồng chí trực tiếp giải thích, dẫn chứng về hiệu quả cây trồng đồng thời yêu cầu Phòng Nông nghiệp huyện giao nhiệm vụ cụ thể đến cán bộ chịu trách nhiệm phụ trách địa bàn: Phải hướng dẫn người dân ngay từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch.

Với các xã khác trong huyện Mường Nhé, như: Nậm Kè, Huổi Lếch, Sín Thầu, Nậm Vì có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc thì cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Mường Nhé đã động viên, hướng dẫn người dân trồng cỏ voi trên các khoảnh nương bạc màu để chủ động thức ăn cho trâu, bò.

Cùng với đó, cán bộ nông nghiệp huyện cũng thường xuyên hướng dẫn người dân các xã này trồng cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng để tăng nguồn thu từ rừng; thí điểm trồng cây dổi lấy hạt, cây gai xanh và quế. Được huyện chỉ đạo sát sao, cán bộ nông nghiệp hướng dẫn tận tình, sau hơn hai năm triển khai toàn huyện Mường Nhé đã trồng hơn 920ha các loại cây: Dổi, sa nhân, thảo quả, sả java, quế và cây mắc-ca.

Điều kiện thuận lợi hơn Mường Nhé, nhưng sản xuất nông nghiệp ở huyện Tủa Chùa lại gặp nhiều khó khăn do tác động biến đổi khí hậu làm nguồn nước ngày càng khan hiếm.

Thời gian qua, người dân các xã trên địa bàn đã chủ động chuyển hơn 200ha đất nương bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của từng vùng. Điển hình các xã: Xá Nhè, Sính Phình chuyển sang trồng cây xoài Đài Loan; Lao Xả Phình, Sín Chải trồng cây lê Ðài Loan (Trung Quốc); Trung Thu, Lao Xả Phình, Sín Chải trồng cây chanh leo và các xã: Mường Ðun, Sính Phình, Tủa Thàng, Tả Phìn, Sín Chải, Huổi Só trồng cây sa nhân, khoai sọ...

Tại huyện Ðiện Biên, ngoài cây lúa ruộng truyền thống thì mấy năm gần đây nông dân các xã vùng lòng chảo: Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Xương, Pom Lót, Noong Hẹt… đã chủ động chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang rau màu, các loại cây ăn quả cho nguồn thu cao hơn trồng lúa và góp phần cải tạo dinh dưỡng cho đất.

Bà Nguyễn Thị Cúc, đội 3, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) cho biết: Được cán bộ nông nghiệp huyện, xã tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, mấy năm nay, tôi và nhiều người dân trong xã chuyển những khu đất thiếu nước, đất vườn sang trồng rau xanh cung cấp cho thị trường thành phố Ðiện Biên Phủ và các xã lân cận. Trồng rau mang lại thu nhập cao hơn từ 15-20% so với trồng lúa và một số cây trồng khác.

Thông tin kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong toàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Chu Thị Thanh Xuân cho biết:

Ngoài 3.983ha mắc-ca do người dân, doanh nghiệp trồng mới, trong giai đoạn 2017-2021, nhờ sự vào cuộc tích cực của cán bộ nông nghiệp, đội ngũ khuyến nông, cán bộ dân vận các cấp toàn tỉnh đã chuyển đổi 3.029ha đất nương, ruộng kém hiệu quả sang cây trồng khác.

Trong đó, 1.551ha được chuyển sang trồng cây ăn quả, cây lâu năm (chủ yếu là dứa, bưởi, xoài, nhãn) tập trung ở các huyện: Mường Chà, Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ; 380ha tại các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà được chuyển sang trồng cây thức ăn gia súc…

Đánh giá kết quả các mô hình chuyển đổi cây trồng đều cho thấy năng suất, thu nhập tăng rõ rệt, người dân có nguồn thu thường xuyên và ổn định. Riêng các diện tích được chuyển sang trồng cây ăn quả cho nguồn thu từ 200-250 triệu đồng/ha/năm.

Với những diện tích chuyển sang trồng cây thức ăn gia súc (chủ yếu cỏ voi) mang lại giá trị sản xuất cao hơn từ 40-50 triệu đồng/ha/năm so với trồng lúa nương. Diện tích chuyển đổi sang các cây trồng khác, như: Cây dong riềng, sa nhân, thảo quả, dứa… hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2-3 lần so với trồng lúa nương, cây màu hằng năm.

Đặt mục tiêu trong năm 2022, Điện Biên sẽ chuyển hơn 2.155ha đất trồng lúa nương và đất ruộng một vụ kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tăng cường phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tùy điều kiện thổ nhưỡng, tập quán sản xuất người dân từng địa bàn, Sở thường xuyên thông tin, khuyến cáo chính quyền, nhân dân địa phương lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp; cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, tăng cường tập huấn hướng dẫn người dân khi chuyển đổi cây trồng bảo đảm hiệu quả ổn định, bền vững.