Bình Thuận có hai hồ thủy điện Hàm Thuận-Đà Mi và Đại Ninh đã phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ hệ thống thủy lợi, bảo đảm nguồn nước trong mùa khô hạn, giúp người dân thuận lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Cây trồng vượt hạn nhờ đủ nước
Trong tháng 5, nhiều địa phương tỉnh Bình Thuận dù chưa mưa nhưng vẫn có nguồn nước để nông dân sản xuất. Dọc tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết (đi qua các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình), những cánh đồng ruộng đang ngập nước xâm xấp. Những vườn xoài, thanh long, bưởi luôn có lá xanh mơn mởn và trái sum xuê.
Trước đó, trong những ngày tháng 3, tháng 4, thời tiết khô hạn khiến nhiều khu vực huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, khu vực các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình vẫn đủ nước sản xuất.
Đang chỉnh lại đường mương dẫn nước từ kênh Phan Rí-Phan Thiết vào 2,5 ha cây lúa và 5 sào cây xoài, nông dân Trần Văn Toản (xã Sông Bình, huyện Bắc Bình) nhớ lại: Từ nhiều năm nay, nguồn nước gần như không bao giờ thiếu. Vào mùa khô, hồ thủy điện Đại Ninh xả nước xuống là người dân đủ nước sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, vì không có chỗ trữ cho nên nước chảy xuống hết mà không giữ được, Do vậy thời điểm đó, nông nghiệp chủ yếu trồng lúa. Tuy nhiên, sau khi có hồ thủy lợi Sông Lũy, nguồn nước được điều tiết, bảo đảm ổn định, người dân đầu tư trồng thêm cây lâu năm. Bên cạnh đó, nước sản xuất cũng nhiều hơn khi Nhà nước đầu tư xây dựng các kênh thủy lợi, mương nội đồng.
Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sông Bình kể: Trước kia, nông dân chủ yếu trồng lúa; mùa mưa trồng thêm cây ngắn ngày như cây mì, ngô. Từ khi có nguồn nước từ công trình thủy điện, thủy lợi, nhiều nông dân trồng thêm cây lâu năm như bưởi, xoài. Nhờ vậy, kinh tế phát triển bền vững hơn. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng toàn xã là hơn 12.700 ha. Để bảo đảm nguồn nước ổn định, xã thường xuyên nạo vét kênh mương. Giao thông nội đồng được lấy từ ngân sách cùng với vận động nhân dân làm mương thủy lợi bằng xi-măng, sỏi.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tánh Linh cho biết: Tổng diện tích lúa gieo trồng của huyện là hơn 11.500 ha, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả ổn định diện tích hơn 30.000 ha. Nhờ có nguồn nước ổn định mà hơn 2.000 ha diện tích lúa đông xuân thu hoạch sớm. Những tháng đầu năm 2024, tình hình thời tiết nắng nóng và lưu lượng xả nước của Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi về hạ lưu thấp chỉ 27-32 m3/s. Do đó, một số địa phương Đồng Kho, Gia An, Đức Bình... xảy ra thiếu nước cục bộ với diện tích thiệt hại khoảng 470 ha. Thiếu nước trong giai đoạn lúa từ 8 đến 20 ngày tuổi dẫn đến tình trạng cỏ phát triển nhanh. Nhờ chủ động trong công tác chỉ đạo phòng, chống hạn, từ ngày 29/2 đến ngày 31/3 vừa qua, Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi tăng lưu lượng chạy máy tối thiểu 40 m3/s, thời gian 14 giờ/ngày. Bên cạnh đó, sự điều tiết hợp lý lịch bơm, tưới của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho nên cơ bản ổn định nước tưới cho các diện tích sản xuất. Để sử dụng nguồn nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác trên đất trồng lúa với diện tích hơn 1.800 ha.
Nhằm tiết kiệm nguồn nước, huyện Hàm Thuận Bắc nạo vét, phát dọn 627 tuyến với hơn 470 km mương nội đồng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Huyện phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Nhà máy thủy điện điều tiết nguồn nước tại các hồ. Nhờ vậy, trữ lượng nước ở các hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa cung cấp bảo đảm cho sản xuất, cho nên thu hoạch vụ đông xuân vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, huyện đưa ra phương án bố trí nguồn nước phù hợp tương ứng với diện tích sản xuất, đồng thời định hướng nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả thông qua áp dụng hỗ trợ khoa học-kỹ thuật để hạn chế tưới nước.
Cán bộ Nhà máy thủy điện Đại Ninh vận hành điều tiết, giữ nước cho khu vực hạ lưu. |
Khai thác hiệu quả nguồn nước
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Thuận duy trì trạng thái nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên cạn kiệt. Ông Võ Đức Anh, Chi Cục trưởng Thủy lợi Bình Thuận cho biết: Nguồn nước tích trữ tại các hồ chứa thủy lợi thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, gây thiếu nước. Thời gian qua, Nhà máy thủy điện: Đại Ninh và Hàm Thuận-Đa Mi duy trì thời gian cấp nước về hạ du cho nên cơ bản đáp ứng, kịp thời bổ sung nguồn nước tiếp vào các hồ thủy lợi cung cấp phục vụ sinh hoạt, tưới cho hàng chục nghìn ha đất canh tác nông nghiệp. Đặc biệt, hồ thủy điện bổ sung nguồn nước phục vụ chống hạn tại các thời điểm xảy ra hạn hán, thiếu nước cho các địa phương ở hạ du hồ thủy điện gồm các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết.
Trong mùa khô, Công ty Thủy điện Đại Ninh làm việc với tỉnh Bình Thuận thống nhất lưu lượng chạy máy hằng tháng. Cụ thể, tháng 3 cung cấp 56,4 triệu m3 và tháng 4 cung cấp 35,8 triệu m3. Ông Phùng Văn Chuẩn, Quản đốc phân xưởng vận hành Công ty Thủy điện Đại Ninh cho biết: Lượng nước đưa đến hồ thủy lợi Sông Lũy để cung cấp nước sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp cho huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết. Trong tháng 5, công ty tiếp tục vận hành để cấp nước hạ du theo kế hoạch thống nhất với địa phương, tối thiểu trung bình tháng là 14m3/s, tương ứng 37,5 triệu m3. Bảo đảm tích giữ nước, an ninh cung cấp điện, hài hòa mục tiêu cấp nước và phát điện; định kỳ hằng tháng, căn cứ vào lưu lượng vào hồ thực tế, cũng như dự báo tình hình thủy văn trên lưu vực hồ, công ty phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ Hệ thống Điện quốc gia để vận hành bảo đảm cung cấp điện các tháng còn lại của mùa khô năm 2024.
Ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi cho biết: Công ty cung cấp nước ổn định cho sinh hoạt, canh tác, tưới tiêu nông nghiệp cho các huyện: Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh với diện tích hơn 17.000 ha. Cụ thể, lưu lượng nước chạy máy trung bình 5 tháng đầu năm 2024 là 36,27 m3/s, yêu cầu là 32,59 m3/s, đạt 111,28%.
Ông Hồ Đắc Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết: Tính đến đầu tháng 5, lượng nước hữu ích tại các hồ Thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi còn 232/522 triệu m3, cao hơn cùng kỳ 144 triệu m3; hồ thủy điện Đại Ninh còn 103/251 triệu m3 cao hơn cùng kỳ 68 triệu m3. Trong bốn tháng đầu năm, tổng lượng nước mà hai nhà máy thủy điện cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt hơn 535 triệu m3, thấp hơn năm ngoái là 154 triệu m3. Lượng nước này đã phục vụ sản xuất nông nghiệp với diện tích khoảng 37.900 ha gồm 28.200 ha lúa vụ đông xuân, 9.700 ha thanh long và cấp nước cho sinh hoạt khoảng 170.000 m3/ngày đêm. Thủy điện Đại Ninh giúp cho hơn 14.500 ha lúa, hơn 9.700 ha thanh long. Thuỷ điện Hàm Thuận-Đa Mi phục vụ sản xuất hơn 13.600 ha lúa.
Ông Võ Đức Anh, Chi Cục trưởng Thủy lợi Bình Thuận cho biết: Nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước cấp về hạ du của thủy điện Hàm Thuận, không phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ thủy điện nhằm chủ động được nguồn nước cho các địa phương vùng đồng bằng sông La Ngà và huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh và huyện Hàm Thuận Nam, trong thời gian tới, tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư các hồ chứa thủy lợi gồm: La Ngà 3, Ka Pét, Đa Khuynh, Măng Tố và cải tạo, nâng cấp hồ Biển Lạc để tích trữ nguồn nước cấp nước về hạ du của thủy điện Hàm Thuận.