Chiến sĩ Lê Văn Ðạt, thuộc Trung đội 4, Ðại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 297, Quân khu 2, quê xã Minh Nông, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), có hoàn cảnh gia đình khó khăn: Bố mất, mẹ làm công nhân may Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, trước khi nhập ngũ, Lê Văn Ðạt ở cùng mẹ, bà nội và em trai.
Ngày đầu về đơn vị, chiến sĩ Ðạt thường lơ là trong thực hiện các chế độ, nền nếp sinh hoạt. Qua gặp gỡ, trò chuyện của cán bộ Trung đội 4, Ðạt bộc bạch: Bố em mất từ khi em còn nhỏ, mẹ một mình nuôi hai anh em và bà nội; bà em thường hay ốm đau. Trước khi nhập ngũ, ở nhà em giúp mẹ một số công việc gia đình và chăm sóc bà… Biết được hoàn cảnh gia đình của chiến sĩ Ðạt, "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân" của đơn vị đã thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ, động viên giúp Ðạt vượt qua khó khăn. Sau hơn một tuần nhập ngũ về đơn vị, chiến sĩ Ðạt đã xác định tốt nhiệm vụ, yên tâm học tập, rèn luyện, hòa đồng tham gia vào các hoạt động của đơn vị.
Thiếu tá Bùi Công Mùi, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 297 cho biết, mùa huấn luyện năm nay, đơn vị quản lý, huấn luyện 170 chiến sĩ mới đến từ các địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ. Qua rà soát chất lượng chính trị, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình chiến sĩ mới, đơn vị xác định 15 chiến sĩ mới có hoàn cảnh gia đình khó khăn, với nhiều lý do như: bố mẹ ly hôn; bố mất; mẹ mất; gia đình kinh tế khó khăn.
Ðể giúp các chiến sĩ ổn định tư tưởng, yên tâm học tập, rèn luyện, gắn bó xây dựng đơn vị, ngay sau khi ổn định tổ chức, biên chế, ngoài việc giúp chiến sĩ làm quen với 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần, các chiến sĩ mới còn được huấn luyện ngoại khóa điều lệnh đội ngũ, 4 bài thể dục buổi sáng, được cán bộ trung đội, tiểu đội hướng dẫn cách gấp chăn, màn, cách sắp đặt nội vụ vệ sinh… Tiểu đoàn yêu cầu cán bộ các cấp phải mẫu mực, làm gương cho chiến sĩ trong mọi công việc, quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội.
Theo Thiếu tá Mùi, "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân" được thành lập trong đơn vị không chỉ giúp đội ngũ cán bộ kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ giúp chiến sĩ khắc phục khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, mà còn trang bị thêm nhiều kiến thức về pháp luật, việc chấp hành kỷ luật, điều lệnh, điều lệ trong quân đội để chiến sĩ mới từng bước hòa nhập, trưởng thành.
Có mặt tại Trung đoàn 82, chúng tôi được hòa mình vào bầu không khí vui tươi, hào hứng của những chàng lính trẻ tuổi mười tám, đôi mươi, khi các em cùng tham gia vào các hoạt động thể thao, tăng gia sản xuất.
Tại khuôn viên Ðại đội 2, Tiểu đoàn 4, các chiến sĩ đang chăm chú nhặt cỏ, tưới các bồn hoa làm đẹp đơn vị. Trung úy Lê Thanh Lương, Trung đội trưởng Trung đội 2, Ðại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 82 hào hứng trò chuyện với các chiến sĩ, giới thiệu với bộ đội về các thủ trưởng đang là lãnh đạo Quân khu 2, chỉ huy trung đoàn, tổ chức biên chế đơn vị và nắm hoàn cảnh từng chiến sĩ... Chiến sĩ Pờ Xí Tài, quê xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tâm sự: Ngày đầu về đơn vị tôi rất nhớ gia đình, người thân, còn bỡ ngỡ với môi trường quân đội, nhưng được cán bộ các cấp nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo, tôi đã nhanh chóng làm quen môi trường quân đội. Thời gian tới, tôi sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt để không phụ công chỉ bảo, hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ đơn vị.
Mùa huấn luyện năm nay, Trung đoàn 82 tiếp nhận, quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới là con em 16 dân tộc khác nhau, thuộc 3 tỉnh: Ðiện Biên, Sơn La, Lai Châu. Nhiều chiến sĩ mới có hoàn cảnh rất khó khăn. Ðể giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập, Ðảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 82 và các Tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, huấn luyện bộ đội. Thí dụ như, đơn vị biên chế các chiến sĩ có chung ngôn ngữ sinh hoạt, học tập ở cùng tiểu đội, trung đội; đồng thời biên chế cán bộ trung đội, tiểu đội cùng chung ngôn ngữ, hoặc biết tiếng đồng bào ở cùng trung đội, tiểu đội với chiến sĩ mới để tạo thuận tiện trong quản lý, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nâng cao kết quả huấn luyện, rèn luyện.
Các chiến sĩ mới nhập ngũ tại Trung đoàn 82 thường có hộ khẩu ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, địa bàn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn chiến sĩ mới lần đầu xa gia đình, quê hương. Thời gian đầu, anh em có nhiều suy tư. Ðảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 82 và các tiểu đoàn quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới thường xuyên quan tâm, chăm lo, bảo đảm tốt nhất nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội. Ngoài chế độ, tiêu chuẩn chiến sĩ mới được hưởng theo thông tư của Bộ Quốc phòng, các thiết chế văn hóa đều được trung đoàn đầu tư, xây dựng, nâng cấp. Thời gian tới, tổ chức đoàn các cấp sẽ tổ chức chương trình Câu lạc bộ kết thân để gắn kết tình đồng chí, đồng đội giữa chiến sĩ mới và chiến sĩ cũ trong đơn vị.
Các tiểu đoàn đầu tư thêm kinh phí mua sắm nhiều dụng cụ thể thao: Bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông để bộ đội vui chơi trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Khuôn viên được cải tạo, trồng mới, bổ sung nhiều loại hoa, cây cảnh giúp chiến sĩ mới thư giãn sau mỗi giờ học tập, rèn luyện trên thao trường. Từng đại đội đều được trang bị hai máy điện thoại bàn do chính trị viên hoặc chính trị viên phó đại đội trực tiếp quản lý; khi chiến sĩ mới có nhu cầu thông tin, liên lạc về gia đình vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, đăng ký đều được đơn vị quan tâm, tạo điều kiện.
Thượng tá Cao Xuân Thành, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 82 cho biết: Ðảng ủy, chỉ huy Trung đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp trung đội, tiểu đội, quản lý huấn luyện chiến sĩ mới phải thân thiết, gắn bó, công bằng với bộ đội. Ðội ngũ cán bộ các cấp phải mẫu mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong công tác nhanh nhẹn, hoạt bát, cởi mở, tạo nên hình ảnh đẹp về người cán bộ để chiến sĩ mới học tập, làm theo. Cán bộ cần quan tâm, chăm lo, sẻ chia với chiến sĩ, nhất là chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, giúp anh em sớm hòa nhập, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao.