* Thưa ông, đầu tuần này khi Trung tâm của ông thành lập cũng là lúc hơn một nghìn người thuộc chín dòng họ Đỗ ở xã Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên kiến nghị lên ngành Tư pháp đòi "đổi họ" vì họ vốn không phải họ Đỗ. Ngành Tư pháp chưa có tiền lệ "giải quyết" những vụ việc rắc rối như thế này, nhưng đứng ở góc độ "phả học", ông thấy thế nào?
- Tôi không bất ngờ lắm về chuyện này. Nếu có điều kiện tôi sẽ khuyên các ông ấy không nên thay đổi làm gì, cho dù thay đổi là để trở về với họ gốc của mình. Về mặt phả học, thì việc dòng họ các ông ấy mấy trăm năm qua đổi họ cũng là chuyện bình thường. Các họ của nước ta thay đổi luôn luôn ấy chứ. Nhà Trần lên, người họ Lý phải đổi hết sang Nguyễn (vì kiêng tên bố nhà vua là Trần Lý). Họ Mạc sau thời làm vua, phải đổi sang họ Trình, họ Hoàng. Họ Đặng Vũ ở Xuân Trường, Nam Định (hậu duệ là tướng Đặng Vũ Hiệp, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu), vốn là họ Vũ đấy chứ, nhưng vì làm con nuôi cho người họ Đặng từ thời xưa, mà đổi thành Đặng Vũ. Có họ Trần cũng đổi thành hai họ. Họ thứ nhất là họ Đặng Trần (có Đặng Trần Côn, tác giả Chinh phụ ngâm khúc), hậu duệ họ Đặng Trần bây giờ ở Chương Mỹ (Hà Tây). Họ thứ hai là họ Lý Trần (có danh nhân Lý Trần Quán). Nếu bây giờ người của các họ này đều nhất nhất muốn chuyên về họ cũ cho khỏi "đứt mạch" thì không biết sẽ ra sao. Cho nên tốt nhất là cứ để nguyên thế.
* Mấy chục năm nay, chuyện việc chắp nối lại phả hệ tìm họ hàng rất mạnh mẽ. Các dòng họ lập được Ban liên lạc, soạn lại tộc phả (mà họ nào truy ra cũng có ông tổ là một vị vua!). Rồi ba năm trước, ông Lý Xương Căn ở tận bên Hàn Quốc cũng về dâng tộc phả nhận là hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ. Ông nhận thấy xu hướng này như thế nào?
- Mấy năm nay, tôi thấy đang có cả một cao trào chứ không chỉ phong trào tìm lại nguồn cội. Nhiều người đã đến tìm tôi để nhờ làm công việc này. Thường thì họ gặp rắc rối do gia phả bị gián đoạn (chỉ chép từ ba đến năm đời), những đời trước chỉ chép vài chữ, hoặc không có. Ví như có ông cụ họ Nguyễn ở Nghệ An, trong gia phả về những đời trước chỉ chép mỗi chữ "ở Trường Tân chạy loạn Hồ Quý Ly về". Ông cụ lặn lội ra Hà Nội hỏi Giáo sư Trần Bá Trí. Giáo sư Trí lại bảo đến tìm tôi. Tôi bảo cụ nên về Gia Lộc (Hải Dương) đến làng Gia Tân mà tìm, vì ngày xưa đấy là huyện Trường Tân. Ông cụ sau đó tìm được đến cảm ơn mãi. Thường thì để chắp nối phải có một vài chữ, một ít tích truyện hay một vài dấu vết nơi điền dã. Đó là căn cứ để lần tìm qua các sách cổ có liên quan.
- Xin cảm ơn ông!