Đưa vào sử dụng hai phòng mổ chất lượng cao
Sáng 27-2, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố đưa vào sử dụng hai phòng mổ chất lượng cao gồm hệ thống chụp cắt lớp vi tính di động trong phòng mổ BodyTom và phòng mổ OR1 NEO với nhiều ưu điểm vượt trội.
Theo GS, TS Trần Bình Giang, hệ thống chụp cắt lớp vi tính di động trong phòng mổ BodyTom có nhiều ưu điểm cho chất lượng hình ảnh rõ nét, độ tương phản của các cạnh xương cao; quy trình vận hành nhanh chỉ có năm bước. “Điều đặc biệt quan trọng là với độ chính xác của hình ảnh cao khi tích hợp với hệ thống Robot làm cho độ chính xác của mổ robot lên tới mức tối đa, nhất là trong các ca mổ khó”, GS Giang nói.
Phòng mổ hiện đại được sử dụng cho các phẫu thuật thần kinh sọ não, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật kết hợp với Robot, chẩn đoán hình ảnh, điều trị ung thư, chấn thương, can thiệp mạch. Ứng dụng này cũng được sử dụng trong phẫu thuật cột sống cổ, cột sốt thắt lưng, chỉnh vẹo, chỉnh gù, cắt thân đốt sống.
Bên cạnh đó, việc đưa hệ thống OR1 TM vào sử dụng sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực như chuẩn hóa quá trình phẫu thuật; Nâng cao hiệu suất công việc, thông tin được trao đổi tốt hơn và tối ưu hóa được công việc phẫu thuật. Hệ thống giúp giảm thời gian mổ và điều trị của các ca phẫu thuật.
Ngoài ra, các hội đồng và hội chuẩn từ xa và phòng đào tạo có thể nhìn được quá trình thực hiện nhờ hệ thống mạng lưới nhìn, truyền tải thông tin hai chiều được tích hợp vùng với sự đồng hóa từ phòng mổ với hệ thống thông tin của bệnh viện Trung ương qua hệ thống mạng Lan được kết nối.
Phòng mổ là cơ sở cho một hệ thống tùy biến và các ứng dụng tương thích cùng với ba thành phần của nó: Tích hợp hệ thống, quản lý dữ liệu và tài liệu cũng như y học từ xa. Mỗi một thành phần tự mang một giải pháp đáng tin cậy, tổng thể của các thành phần này tạo thành một hệ thống đa chức năng hoàn chỉnh.
Phòng mổ mới hỗ trợ các bác sĩ thực hiện phẫu thuật robot chính xác lên mức tối đa.
GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, mỗi năm, bệnh viện khám và điều trị cho gần 400 nghìn bệnh nhân bao gồm nhiều mặt bệnh đa dạng, tỷ lệ số người cần điều trị nội trú hoặc cần can thiệp phẫu thuật lên tới 70 nghìn. Hiện nay, tỷ lệ các bệnh ung thư, tim mạch, chấn thương do tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông tăng cao và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Số lượng người bệnh mắc các bệnh trên có nhu cầu theo dõi, khám chữa bệnh tư vấn, dự phòng ngày càng tăng. Từ nhu cầu thực tế đó, bệnh viện đã không ngừng cập nhật các kỹ thuật giải pháp trong khám bệnh và điều trị, đặc biệt ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị, việc cải thiện cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế theo xu hướng và công nghệ hiện đại của thế giới là rất cần thiết giúp thực hiện kịp thời các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán, rút ngắn thời gian chờ đợi, thời gian điều trị cho người bệnh.
Vượt các mục tiêu đề ra
Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã triển khai 31 kỹ thuật mới trong đó 23 kỹ thuật lâm sàng, tám kỹ thuật cận lâm sàng, gần 200 ca ghép thận, 15 ca ghép gan… Năm 2019, bệnh viện đã có số giường theo kế hoạch 1.508 giường, nhưng thực tế bệnh viện đang phải triển khai 1.728 giường bệnh với công suất sử dụng 102%. Mặc dù có nhiều kỹ thuật mới được thực hiện nhưng GS Trần Bình Giang khẳng định, các kỹ thuật này đều được bệnh viện chuẩn bị kỹ càng, khoa học, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh, không làm để chạy theo phong trào hay làm để lấy thành tích.
GS, TS Trần Bình Giang cho biết, Ban Giám đốc bệnh viện đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút hơn nữa bệnh nhân đến khám và điều trị, thực hiện hơn 70 nghìn ca mổ, nhưng thực tế, đến cuối năm 2019, con số này đã vượt chỉ tiêu được giao, cao hơn ba nghìn ca so với năm 2018. Năm 2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Y tế về thành tích xuất sắc trong ghép phổi và ghép tạng.
“93% những ca phẫu thuật tại đây là ca mổ hạng đặc biệt, hạng nặng. Bệnh viện cũng mạnh dạn, tự tin làm chủ nhiều kỹ thuật mới trong ghép tạng như đưa ghép phổi trở thành thường quy, ghép hai tạng trên một người bệnh, vừa ghép phổi vừa chữa bệnh lý tim. Các bác sĩ cũng làm chủ các kỹ thuật mổ chuyên sâu như phẫu thuật robot trong lĩnh vực chấn thương, tạo hình; phẫu thuật não nhưng bệnh nhân vẫn tỉnh”, GS Giang tự hào nói.
Theo GS, TS Trần Bình Giang, những thành tựu này có được nhờ vào những định hướng đúng đắn của Ban chấp hành Đảng bộ. Nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện tốt tại bệnh viện, đó là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Khi có Nghị quyết của đảng bộ, các đồng chí được giao sẽ thực hiện theo nghị quyết, không xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Hướng tới sự hài lòng của người bệnh, bệnh viện đã tổ chức 63 khóa học về thái độ ứng xử giao tiếp với sự giảng dạy của các giảng viên có chuyên môn. “Chúng tôi đã mời cả những giảng viên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam về giảng dạy cho đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ công tác xã hội tại viện. Nhờ đó, thái độ tiếp xúc, quan tâm người bệnh của đội ngũ cán bộ y tế đã có sự thay đổi rõ rệt và tỷ lệ người bệnh hài lòng với chất lượng bệnh viện ngày càng tăng so với trước”, GS Giang cho hay.
Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, năm qua, bệnh viện đã chuyển giao 63 cuộc đào tạo cho hơn 500 cán bộ tại các địa phương. Đặc biệt, kỹ thuật ghép tạng đang được mở rộng cho nhiều địa phương. Sau Phú Thọ, Nghệ An, tới đây có một vài tỉnh, thành tiếp tục được chuyển giao kỹ thuật về ghép thận, giúp hồi sinh cho nhiều người bệnh đang phải sống phụ thuộc vào chạy thận, chất lượng cuộc sống giảm sút.
Trước một năm bản lề với nhiều ngày kỷ niệm lớn, GS Trần Bình Giang cho biết, bệnh viện luôn sẵn sàng hoàn thành những nhiệm vụ chính trị được giao và sớm đưa cơ sở hai tại Hà Nam vào hoạt động trong năm 2020. “Bệnh viện tập trung vào phát triển công tác chuyên môn đi đôi với việc thay đổi và càng ngày càng làm tốt hơn thái độ phục vụ người bệnh. Chúng tôi đặt ra bốn khẩu hiệu là trình độ chuyên sâu, thiết bị hiện đại, phong cách chuyên nghiệp, chăm sóc tận tình với mục tiêu là là tiến tới sự hài lòng của người bệnh. Hài lòng ở đây không phải chỉ là tươi cười mà phải làm cho người bệnh hài lòng với chất lượng chuyên môn, dịch vụ, thái độ của nhân viên y tế, hài lòng với môi trường cảnh quan”, GS Trần Bình Giang cho hay.
Sau thành công của ca phẫu thuật thức tỉnh đầu tiên cho bệnh nhân mắc bệnh về não, năm 2020, bệnh viện tiếp tục hợp tác với các Giáo sư đầu ngành tại Pháp, phát triển mạnh hướng này. “Chúng tôi sẽ phát triển mạnh các kỹ thuật phẫu thuật liên quan lĩnh vực động kinh mà trước đây chúng ta chưa dám động vào”, GS Giang nói.