Không chỉ kinh tế nông nghiệp mà khu vực nông thôn cũng được dự báo sẽ chịu nhiều khó khăn, tổn thất trong và sau dịch bệnh.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, việc tiêu thụ nhiều loại nông sản, lương thực, thực phẩm vẫn gặp khó dẫn đến tình trạng tồn đọng, rớt giá. Mất thu nhập sau một mùa vụ, nhiều hộ nông dân e ngại trong tái đầu tư sản xuất vụ tiếp theo, khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đã hiển hiện ở nhiều ngành hàng. Còn ngay trước mắt, điều đó đã ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của hàng triệu lao động nông thôn.
Chưa kể, khi nền kinh tế chung của cả nước chịu tác động bởi đại dịch, sản xuất công nghiệp suy giảm; dịch vụ du lịch đóng băng như thời gian qua, thì một lượng lớn lao động đã trở về quê. Sau dịch, có thể nhiều người trong số họ không còn trở lại thành phố, vô hình trung tạo thêm áp lực cho đời sống nông thôn trên nhiều mặt, như: kinh tế, y tế, giáo dục, môi trường…
Trong bối cảnh đó, cần sớm có giải pháp kịp thời chăm lo cho nông nghiệp, nông thôn, để khu vực này giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế như nhiều năm qua. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở nhiều tỉnh, thành phố. Đặc biệt, nâng cao năng lực thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được các cơ quan nhà nước ban hành.
Ngoài việc tập trung cho doanh nghiệp, cũng cần sớm nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng nông thôn trong điều kiện dịch Covid-19 để có ứng phó phù hợp trong các vấn đề: việc làm cho lao động, an sinh xã hội và an ninh trật tự khu vực nông thôn thời gian tới. Theo đó, các địa phương cần đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất để không bị đứt gãy nguồn cung, bảo đảm ổn định nguồn lương thực, thực phẩm cho từng hộ dân nông thôn.
Về lâu dài, các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn cần được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn, dựa trên những thay đổi và xu hướng chuyển dịch lao động từ dịch Covid-19. Tạo cơ chế đột phá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tập trung đất đai, xây dựng những vùng nguyên liệu lớn phục vụ các nhà máy chế biến nông sản, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân; các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn...