Giữ vững tấm lòng son sắt đầu tuyến lửa

Những ngày tháng 7 lịch sử này, đối với mỗi cán bộ, đảng viên từng công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V, niềm vinh dự, tự hào được nhân lên gấp bội. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng, là đánh giá, ghi nhận công lao to lớn, sự hy sinh quên mình của cán bộ, đảng viên, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu V trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn Khu V năm 1972.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn Khu V năm 1972.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Kim Tuấn (cán bộ phụ trách tờ Tạp chí Tiền Phong của Khu V), Trưởng Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Khu V khi ông đang hoàn thành những công việc cuối cùng chuẩn bị cho buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong ngôi nhà nhỏ nằm trong ngõ trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP Đà Nẵng, ông Tuấn đang kiểm tra lại tấm bảng lớn ghi tên cán bộ, đảng viên, nhân viên đã từng công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V. Mấy cuốn sổ dày được ông ghi chi tiết tên, điện thoại, địa chỉ từng đồng đội hiện còn sống. Mở lại những tấm ảnh đen trắng đã ngả màu thời gian, ông kể cho chúng tôi nghe về những tháng năm hào hùng với niềm tin trọn vẹn, trái tim nhiệt huyết của những người lính trên mặt trận tư tưởng từng vào sinh, ra tử trên mảnh đất Khu V.

Ông Nguyễn Kim Tuấn cho biết, Ban Tuyên huấn Khu V được thành lập tháng 5-1960 tại căn cứ Nước Là (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) sau khi có Nghị quyết 15 (khóa II) của T.Ư Đảng về đường lối cách mạng ở miền nam Việt Nam từ đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang tiến đến giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Là cơ quan tham mưu cho Khu ủy Khu V, Trung ương Đảng về công tác tư tưởng chính trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại chiến trường Khu V, Ban được giao quản lý và chỉ đạo nội dung chuyên môn thuộc các binh chủng gồm tuyên truyền, huấn học, báo chí, thông tấn xã, giáo dục, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh, các đoàn nghệ thuật, nhà in, Đài Minh Ngữ, Trường Đảng, Trường Tuyên huấn. Các binh chủng trên mặt trận tư tưởng đã được Ban Tuyên huấn Khu V lãnh đạo tổ chức phối hợp tác chiến theo định hướng tư tưởng qua từng bước ngoặt của cách mạng tại chiến trường Khu V. Nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn Khu V là vừa xây dựng bộ máy, vừa phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị trong mọi hoàn cảnh của chiến trường. Khi mới thành lập, Ban chỉ có ba cán bộ do đồng chí Trương Chí Cương, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Khu ủy làm Trưởng ban. Đến năm 1961, khi có các cán bộ từ miền bắc vào và các địa phương điều động lên, đơn vị phát triển thêm các tiểu ban chuyên môn. Đến năm 1964, Ban đã hoàn chỉnh bộ máy chuyên môn với đội ngũ cán bộ hơn 600 người, có thành tích xuất sắc là thành lập được các đơn vị nhà in giải phóng, thông tấn xã và Đài Minh Ngữ. Trong bảng thành tích chung của Ban Tuyên huấn Khu V, từng bộ phận, từng tiểu ban đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn đi đầu trong công cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, trong đó vai trò của Thông tấn xã Trung Trung bộ đặc biệt quan trọng. Người phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (lúc đó là Việt Nam Thông tấn xã) đầu tiên có mặt tại chiến trường Khu V tháng 4-1959 là đồng chí Võ Thế Ái. Đến năm 1965, Thông tấn xã Trung Trung Bộ có 60 phóng viên, thuộc các bộ phận chuyên môn nhiếp ảnh, kỹ thuật và phóng viên thường trú các tỉnh miền trung. Hằng ngày, Thông tấn xã Trung Trung Bộ chuyển ra Thông tấn xã Việt Nam hơn 20 tin, bài. Thông tấn xã có Đài Minh Ngữ là phương tiện kỹ thuật bảo đảm giữ liên lạc thu phát với Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng. Tháng 1-1961, Báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ và Tạp chí nội san Tiền phong - tạp chí lý luận, học tập xây dựng Đảng của Khu ủy ra đời. Hai tờ báo này với số lượng phát hành hàng nghìn bản trong thời kỳ bom đạn chiến tranh ác liệt, đã phản ánh sinh động những tấm gương anh dũng của quân và dân ta và phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân từ thành thị đến nông thôn, cùng với hàng loạt bài chuyên luận kết hợp giữa lý luận và thực tiễn chiến trường giúp lãnh đạo các cấp có cơ sở lý luận để phân tích diễn biến tình hình cách mạng ở mỗi địa phương.

Các bộ phận nòng cốt khác của Ban Tuyên huấn Khu V gồm điện ảnh Khu V, Tiểu ban Văn nghệ, hội họa và các đoàn nghệ thuật Khu V, các Tiểu ban: Huấn học, Tuyên truyền, Trường Đảng, Giáo dục, Tổ công tác hậu cần… đã thật sự là cánh tay nối dài tin cậy, vững chắc cho các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Khu V và Trung ương trong công tác chỉ đạo, phối hợp, tác chiến trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Không thể kể hết những vất vả, hy sinh trong những năm tháng đó, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Khu V đã băng rừng, lội suối về cơ sở đem ánh sáng, đem “con chữ”, đến với đồng bào các dân tộc. Với nhiệm vụ tập trung xóa nạn mù chữ, đào tạo cán bộ để phát triển ngành giáo dục trong thời chiến ở Khu V, trong suốt những năm tháng chiến tranh cho đến ngày thống nhất đất nước, Tiểu ban giáo dục Khu V đã xóa mù chữ, nâng trình độ văn hóa từ cấp I đến cấp II cho 4.000 người, đào tạo 2.000 giáo viên từ cấp I đến cấp II…

Mỗi tiểu ban có nhiệm vụ, trọng trách khác nhau, nhưng có thể nói, Tiểu ban tuyên truyền được xem như lực lượng xung kích bám sát các địa phương tuyên truyền đường lối cách mạng. Nhiều bộ phim tài liệu có giá trị về chiến trường Khu V cùng với phim tài liệu, phim truyện từ miền bắc đưa vào đã được đội chiếu phim lưu động gùi cõng máy móc vượt đèo cao, suối thẳm đến chiếu tại vùng giải phóng, bản, làng đồng bào Tây Nguyên, các đơn vị quân giải phóng, góp phần củng cố niềm tin tất thắng của cách mạng miền nam. Tiểu ban văn nghệ sáng tác ca dao, hò vè, truyền đơn in ấn, phát hành đến các địa phương. Phương tiện của công tác tuyên truyền trong chiến tranh chủ yếu là tuyên truyền miệng. Cán bộ tuyên truyền luôn bám sát, tìm đến từng người dân để tuyên truyền, thuyết phục theo cách mạng, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát.

Với sự chi viện cán bộ từ miền bắc vào chiến trường Khu V, đội ngũ hàng trăm nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ… với những tên tuổi nổi tiếng như: Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, Vương Linh, Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, Phan Huỳnh Điểu, Lý Châu Hoàn, Thế Vinh… cùng anh em văn nghệ sĩ Khu V như: Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Lê Ái Mỹ… đã bám trụ chiến trường và anh dũng hy sinh, góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử trên mảnh đất đầy máu lửa Quảng Đà, với quyết tâm lửa sáng, lòng trong, bút sắc.

Sau khi miền nam được hoàn toàn giải phóng, Ban Tuyên huấn Khu V có 1.098 cán bộ, trong đó có 128 liệt sĩ, 93 thương binh, 14 người bị địch bắt và được trao trả sau Hiệp định Pa-ri, 56 người và các thế hệ con, cháu của họ bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Tháng 6-1976, Khu ủy Khu V có quyết định của Bộ Chính trị giải thể sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Ban Tuyên huấn Khu V giải thể, cán bộ đủ điều kiện công tác được bố trí về các bộ, ngành, T.Ư và địa phương. Với bề dày những cống hiến, hy sinh của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, Ban Tuyên huấn Khu V đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng 38 Huân chương Giải phóng và Huân chương Quyết thắng hạng nhất cho tập thể; 360 cá nhân được tặng, truy tặng huân chương, huy chương Giải phóng và Quyết thắng hạng nhất, nhì, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Khi kể những ký ức về anh em, đồng chí, đồng đội từng vào sinh ra tử trên chiến trường Khu V, không ít lần ông Nguyễn Kim Tuấn như nghẹn lại! Mấy mươi năm qua, các cán bộ, chiến sĩ của Ban Tuyên huấn Khu V có bốn lần gặp nhau để cùng ôn lại một thời hào hùng, máu lửa. Và dịp này họ lại được gặp nhau. Những đồng đội đầu tuyến lửa năm nào chợt rưng rưng nước mắt khi được hội ngộ trên mảnh đất Quảng Đà anh dũng. Hôm nay, phần lớn là những người ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ý chí, cốt cách người đảng viên, cán bộ trên mặt trận tư tưởng năm nào vẫn luôn rực cháy. Những năm tháng thanh xuân chiến đấu kiên cường và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ đã tạc ghi thêm những mốc son trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.