Tuồng với nghĩa đất tình quê
Nhiều thế hệ người dân sinh ra và lớn lên tại vùng đất huyện Duy Xuyên đã quen thuộc với tiếng hát, giai điệu tuồng cổ. Hầu như các xã trên địa bàn đều tổ chức và duy trì những đội biểu diễn tuồng. Vài chục năm trước, không gian miền quê xứ Quảng mỗi đêm luôn nhộn nhịp từng nhóm thanh niên, người cao tuổi tranh thủ đi ra sân bãi sớm nhất để có chỗ ngồi xem tuồng. Thuở đó, các hoạt động giải trí văn nghệ chưa có sự đa dạng. Đối với nhà nông, sau một ngày làm việc cực nhọc, họ chỉ mong đến tối cùng bà con chòm xóm đi xem cái vai chính diện, phản diện trên sân khấu. Năm 1990, nhận thấy nhu cầu thưởng thức văn hóa, đặc biệt về nghệ thuật tuồng trong vùng dù đã có nhưng chưa lớn mạnh, ông Nguyễn Quỳnh, trú tại xã Duy Trung bắt đầu hành trình khôi phục loại hình nghệ thuật này.
Với lợi thế từ khi mới 12, 13 tuổi đã theo cha mẹ đi xem tuồng cổ, bằng sự cảm thụ âm nhạc nhạy bén, nắm rõ từng điệu bộ, phong cách các vai diễn, ông Quỳnh tập trung các nghệ sĩ, diễn viên một thời để làm nòng cốt duy trì hát tuồng. Đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội bảo trợ tuồng Duy Xuyên từ năm 1992 đến nay, qua mỗi năm, ông Quỳnh cùng các thành viên trong Hội chọn lọc từng nhóm các bạn trẻ, học sinh trên địa bàn để mở lớp dạy tuồng.
“Ở các xã Duy Sơn, Duy Trung, Duy Vinh, Duy Nghĩa, thị trấn Nam Phước…, chúng tôi đều duy trì lớp dạy hát tuồng cho thế hệ trẻ. Câu cú, chữ nghĩa, âm nhạc, phát âm phải dạy cho lớp trẻ hiểu và thực hành đúng. Cứ vài năm, huyện sẽ tổ chức hội diễn, tạo không gian giao lưu cho các xã học hỏi lẫn nhau”, ông Quỳnh cho biết.
Một điều ông Quỳnh luôn trăn trở chính là việc tìm lớp trẻ kế tiếp cho nghệ thuật hát tuồng của địa phương. Mặc dù có những lớp dạy hát được lồng ghép vào trường học, tuy vậy, để tìm ra một nghệ sĩ tuồng thật sự hiểu và giỏi nghề rất khó. Trước mỗi lần tổ chức hội diễn, ông Quỳnh trực tiếp tư vấn, định hướng khung chương trình, chọn lọc các nghệ sĩ của địa phương, đồng thời mời những nghệ sĩ ở các nhà hát có tên tuổi cùng tham gia biểu diễn phục vụ bà con.
Trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu sâu về hát tuồng Quảng Nam, ông Quỳnh cho rằng thực trạng suy giảm số đoàn ca tuồng toàn tỉnh diễn ra rất nhanh. Các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn cùng thành phố Hội An là những điểm sáng còn lưu giữ loại hình nghệ thuật này. Đã có giai đoạn, đoàn nghệ thuật tuồng bán chuyên nghiệp mang tên Sông Thu với bảy thành viên trong gia đình nghệ sĩ Diệu Thông cùng tham gia biểu diễn sôi nổi ở huyện Duy Xuyên. Qua thời gian, đại gia đình tuồng cổ này cũng không còn hoạt động như xưa. “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có giải pháp cụ thể trong việc huy động nguồn lực đào tạo lớp kế cận, thu hút sự quan tâm của người dân, khán giả yêu văn hóa truyền thống thì mới đủ sức vực dậy một niềm tự hào về nghệ thuật của tỉnh nhà”, ông Nguyễn Quỳnh nói.
Hướng đến “thành phố sáng tạo”
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghề và nghệ thuật đang được chính quyền, các ngành chức năng thành phố Hội An chú trọng đầu tư. Trong đó, hát tuồng được xem là một điểm nổi bật, thu hút một lượng khán giả nhất định; từ đó hướng Hội An trở thành “thành phố sáng tạo”. Một đội hát tuồng với tám thành viên gồm ba nhạc công cùng năm diễn viên do Nghệ nhân Ưu tú Lê Phú Hải, 74 tuổi làm trưởng đoàn hoạt động thường xuyên. Thời điểm trước dịch Covid-19, đội tuồng của ông Hải biểu diễn bốn lần/tháng. Sau khi cuộc sống trở lại bình thường, đội quyết định biểu diễn ba lần/tháng, trong đó đêm chính là tối 14 âm lịch hằng tháng.
Trước kia, hát tuồng thường chỉ được biểu diễn phục vụ cho vua, các quan. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, lớp khán giả một thời say mê tuồng vẫn dành tình cảm cho sân khấu tuồng mỗi đêm. Ông Hải là đời thứ ba trong gia đình theo nghiệp tuồng cổ. Mỗi ngày trôi qua, sự đam mê và tình yêu với hát tuồng luôn bùng cháy trong ông. Bởi vậy, trước mỗi đêm diễn, người đàn ông tuổi ngoài 70 này đều kiểm tra đạo cụ, loa kèn, quần áo, nội dung các vở tuồng… một cách kỹ lưỡng.
Việc kiểm tra lời hát cho từng diễn viên được ông thực hiện thường xuyên. Ông Hải cho biết: “Xuất phát từ độ khó trong lời hát tuồng ngày xưa, từng chữ từng câu cần độ chính xác tuyệt đối. Người nghệ sĩ đã lên sân khấu hát thì không được phép mắc sai sót. Phần đông các nghệ sĩ vẫn giữ đúng lối hát của các cụ ngày xưa để lại. Khẩu hiệu “Lấy chính nghĩa thắng tà gian, lấy trí nhân thay cường bạo” được áp dụng chung trong việc sáng tác các vở tuồng. Mỗi người đến với tuồng đều hiểu điều đó”.
Ông Hải có cùng suy nghĩ về tương lai của tuồng cổ tương tự ông Quỳnh ở Duy Xuyên. Dẫu vậy, trong thâm tâm ông Hải vẫn lóe lên một sự tự tin nhất định bởi lẽ ở Hội An đã có bạn Nguyễn Thị Diễm My, 18 tuổi, là học trò xuất sắc nhất trong đội tuồng của ông Hải. Diễm My với khả năng nhập tâm vào nhân vật bằng sự nhạy bén của tuổi trẻ, các cử chỉ, động tác đi đứng đều đạt tiêu chuẩn của một người biểu diễn tuồng cổ. Cô gái trẻ này là nhân tố quan trọng, dẫn dắt lớp trẻ tiếp tục say mê với nghiệp hát tuồng quê hương. Thành phố Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung vẫn còn chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật tuồng nhất định, từ đó góp phần vào mục tiêu phát triển văn hóa bền vững cho tương lai.