Giữ rừng từ quy ước truyền đời

Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều khu rừng nguyên sinh đã được đồng bào các dân tộc gìn giữ bao đời nay. Tỷ lệ che phủ của rừng từng bước nâng lên, đến nay đạt hơn 63%.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ đồ bảo vệ rừng nghiến nguyên sinh thôn Ðông Ðằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Sơ đồ bảo vệ rừng nghiến nguyên sinh thôn Ðông Ðằng, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Một khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi ở thôn Ðông Ðằng, xã Bắc Quỳnh, Bắc Sơn được gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ, trở thành “báu vật” của dân làng. Nhờ thế, hơn 13,3 ha rừng với hơn 300 cây nghiến quý hiếm, có đường kính 30 cm trở lên và rất nhiều những cây con khác chưa kiểm đếm, đang vươn lên với sức sống mãnh liệt giữa núi rừng Ðông Ðằng.

Anh Dương Hữu Chung, thôn Ðông Ðằng cho biết: Từ đời cha, ông chúng tôi đã có và thực hiện theo những quy ước này rồi. Hiện thôn có 139 hộ với 664 nhân khẩu, cùng nhau thống nhất và cam kết thực hiện theo bản quy ước với nhiều vấn đề xoay quanh đời sống của cộng đồng dân cư, trong đó có việc gìn giữ và bảo vệ rừng.

Cầm trên tay bản quy ước của thôn, anh Chung chia sẻ thêm: Bản quy ước có chín chương, 29 điều, quy định rất chi tiết từ việc hiếu, hỉ, xây dựng khu dân cư, bảo đảm an ninh trật tự… đến các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, quy định về việc xử phạt nếu vi phạm hương ước, quy ước… Chẳng hạn tại chương VI, điều 25 quy ước quy định: Tất cả người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; từng hộ phải có biện pháp chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hanh; không phát rừng làm nương rẫy…

Ðồng thời, quy ước quy định rõ tại chương VIII về các hình thức khen thưởng với hộ có thành tích trong gìn giữ, bảo vệ rừng; nghiêm khắc xử phạt với người vi phạm: lần một phạt hành chính, nhắc nhở trước toàn thôn; lần hai đưa ra cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể của người vi phạm có hình thức kỷ luật; lần ba sẽ bị loại khỏi “phe làng, hội hiếu”, tước hết quyền lợi của hộ gia đình trong thôn...

Vì vậy, đã từ lâu, người dân nơi đây không ai vi phạm những quy định này, thậm chí đến trẻ nhỏ cũng được giáo dục bảo vệ rừng, không mang bất cứ gì từ rừng về nhà. Ngoài ra, để bảo vệ rừng khỏi lâm tặc, trong thôn thành lập tổ tuần tra thường trực, tiến hành tuần tra thường xuyên hằng tuần, hằng tháng; đồng thời, phát huy vai trò của người dân trong bảo vệ rừng, sẽ thông báo ngay đến tổ tuần tra và công an viên nếu nghe tiếng chặt, phá, khi có người lạ trên rừng hay có người ngoài vào thôn mà mang theo những vật dụng như: dao, cưa, cuốc, xẻng, vật gây cháy…

Nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng dân cư nên nhiều năm trở lại đây không có đối tượng nào dám lên chặt, phá rừng; chỉ có một số thanh niên địa phương khác định lên bẫy chim, thú rừng nhưng đều bị người dân trong thôn sớm phát hiện và nhắc nhở.

Bà Dương Thị Quyên, người dân thôn Ðông Ðằng bày tỏ: Giữ, bảo vệ rừng là công việc chung của tất cả người dân trong thôn. Thôn chỉ có hai lối vào nên bất cứ ai ra vào thôn, mang vật dụng gì theo chúng tôi đều biết và có cách theo dõi, từ đó báo với tổ tuần tra và công an viên. Ðặc biệt, ai muốn lên rừng cũng phải được người trong tổ dẫn lên và không được mang bất cứ thứ gì khỏi rừng, dù chỉ là một nhành củi khô. Ðây là những điều cơ bản nhất mà chúng tôi đều thuộc nằm lòng và nghiêm túc thực hiện.

Ông Dương Ðình Ðường, Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh cho biết: Nhờ gìn giữ rừng nghiến qua nhiều năm, đến năm 2018, khu rừng nghiến nguyên sinh Ðông Ðằng đã được công nhận là khu bảo tồn loài, sinh cảnh Bắc Sơn, được quy hoạch và cấp kinh phí bảo vệ. Hiện nay, nhiều thôn trên địa bàn xã cũng có những hương ước, quy ước tương tự, nhưng không nơi đâu thực hiện nghiêm và tốt như ở thôn Ðông Ðằng.

Thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức các buổi giao lưu, học tập, rút kinh nghiệm để nhân rộng cách làm của thôn này tới các địa bàn khác trong xã, đặc biệt là các khu vực có rừng. Có thể thấy điểm nhấn trong thực hiện quy ước bảo vệ rừng ở thôn Ðông Ðằng là việc đề cao vai trò của hội hiếu, người có uy tín trong thôn và thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt…