Giữ gìn, phát huy nét đẹp của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Cách đây 20 năm, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp luôn cố gắng tổ chức Ngày hội trở thành “cầu nối” giữa tổ chức đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao quà tặng người dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Bắc Giang. (Ảnh: NGUYỄN PHƯỢNG)
Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao quà tặng người dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Bắc Giang. (Ảnh: NGUYỄN PHƯỢNG)

Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, hiện nay, Mặt trận các địa phương đang tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội để làm rõ hơn, sâu sắc hơn những ưu điểm, điểm nhấn và khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tế.

Tại tỉnh Bắc Giang, sau 20 năm triển khai và phối hợp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã cho thấy sự tác động nhiều mặt trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, cổ vũ động viên tinh thần của nhân dân. Ngày hội được tổ chức ở 100% khu dân cư với những điểm nhấn, sắc thái riêng ở mỗi địa phương, mỗi khu dân cư.

Việc tổ chức Ngày hội hằng năm được các tổ chức, cá nhân, con em đang sinh sống, công tác, làm ăn ở ngoài tỉnh, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, hướng về đã khiến Ngày hội trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội rộng rãi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Thông qua tổ chức Ngày hội, các phong trào, các cuộc vận động được triển khai thực hiện hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng, tổ dân phố văn hóa” ngày càng được nâng lên. Qua Ngày hội, mỗi người dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của địa phương, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết; tình làng, nghĩa xóm được nhân lên.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang, 20 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội các cấp đã vận động được hơn 228,9 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 5.718 nhà “Đại đoàn kết” tặng người nghèo với tổng trị giá gần 140 tỷ đồng, hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá gần 100 tỷ đồng; hỗ trợ giáp hạt, cứu đói, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ khám chữa bệnh... với số tiền gần 105 tỷ đồng.

Tại Hải Dương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành một nét văn hóa, là hoạt động thường niên, diễn ra sôi nổi ở 100% các thôn, khu dân cư trong tỉnh. Trong đó, 70% thôn, khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, 50% số khu dân cư tổ chức bữa cơm “Đại đoàn kết” thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự. Nhiều thôn, khu dân cư được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh về dự, chung vui cùng nhân dân trong Ngày hội.

Một trong những điểm nhấn là Ngày hội càng trở nên ý nghĩa hơn khi nhân dân cùng nhau tổ chức bữa cơm “Đại đoàn kết” gắn với các hoạt động thăm hỏi các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; trao nhà “Đại đoàn kết”, tặng quà, động viên các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian của mỗi cộng đồng, dân tộc.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đều khắp phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ngày hội có sự tham gia đông đủ các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên nơi cư trú.

Nội dung, hình thức của Ngày hội được chú trọng cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện bảo đảm các nội dung theo hướng dẫn của cấp trên. Phần hội tổ chức các hoạt động phong phú như: tổ chức các trò chơi dân gian (kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy, đi cà kheo, đẩy gậy, đi xe đạp chậm, kéo co, nhảy thùng, trò chơi tiếp sức…), hát bài chòi, hát bả trạo, hát sắc bùa, đua thuyền, lắc thúng, thi đấu bóng chuyền, thi nấu ăn.

Nhiều khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đầu tư phục dựng các lễ hội đặc trưng. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại Ngày hội đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp ở từng địa phương.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, tính chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp, xác định nội dung Ngày hội tại một số nơi chưa rõ nét; chất lượng tổ chức chưa đồng đều giữa các khu dân cư; phần hội ở một số ít khu dân cư còn thiếu phong phú, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia; kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ khu dân cư tổ chức Ngày hội còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc tham mưu tổ chức Ngày hội ở một số nơi còn chưa thực sự chủ động; chưa phát huy được tiềm năng, sự vào cuộc của một bộ phận nhân dân; cơ sở vật chất phục vụ Ngày hội còn hạn chế; nội dung, hình thức Ngày hội ở một số nơi còn đơn điệu nặng về phần lễ, khô cứng về phần hội…

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa trong đời sống của khu dân cư vì đây không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu, đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mà còn là diễn đàn, đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, tập hợp và phát huy sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, đoàn kết cùng nhau xây dựng khu dân cư ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương xác định tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng việc tổ chức Ngày hội; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia với tinh thần đoàn kết, vui tươi, để Ngày hội thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, mang ý nghĩa thiết thực động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, gắn kết các tầng lớp nhân dân.