Tôi được sinh ra trong một gia đình người Dao Tiền giàu truyền thống, ông nội tôi tham gia cách mạng từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông bà nội tôi đều là người Dao Tiền, cả đời chỉ quanh quẩn ở vùng núi Nguyên Bình. Thế nhưng, khi tham gia kháng chiến, ông nội tôi đã được tiếp xúc với các chiến sĩ cách mạng từ miền xuôi lên, trong đó có Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã dạy ông tôi tiếng Kinh để có thể giao tiếp tốt hơn với những đồng chí trong đơn vị. Khi tôi lớn lên, bố tôi thường kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông nhưng ấn tượng để lại trong tôi sâu đậm nhất, đó là chuyện ông mở lớp dạy tiếng Kinh cho đồng bào Dao Tiền quê tôi. Rất nhiều người không dám đi học vì họ sợ bị ma bắt đi, sợ ma sẽ không nhận mình là con cháu người Dao Tiền, vì thế bố tôi và các chú trong gia đình trở thành học trò bất đắc dĩ của ông. Bố tôi là người học được nhiều tiếng Kinh nhất. Sau này du học, rồi ra công tác, dù nói thành thạo tiếng Nga, tiếng Trung nhưng mỗi khi về quê bố tôi vẫn sử dụng tiếng Dao Tiền để giao tiếp với mọi người trong bản.
Bố mẹ tôi sinh được ba người con, nhưng cả ba anh em chúng tôi đều không thể sử dụng thành thạo một loại tiếng Dao nào. Vậy điều gì khiến thế hệ thứ ba chúng tôi mất đi tiếng nói của dân tộc mình? Ðể gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc, chúng tôi phải làm gì? Ðó vẫn là những câu hỏi lớn mà anh em tôi đang phải tìm câu trả lời. Vì ngôn ngữ không chỉ là một thành tố cơ bản của văn hóa, một biểu hiện của những giá trị nhân văn, mà còn là phương tiện để hình thành và lưu truyền các hình thái quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của người Dao Tiền. Giữ được ngôn ngữ của dân tộc mình cũng là góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng trong văn hóa của người Dao Tiền nói riêng và cộng đồng dân tộc Dao nói chung.
Theo chúng tôi, dù là tiếng Dao Tiền, tiếng Mông hay tiếng Kinh thì môi trường giao tiếp là điều kiện tiên quyết để ngôn ngữ đó tồn tại hay không tồn tại. Muốn giữ được tiếng mẹ đẻ tất yếu phải giữ được những làng bản riêng của từng dân tộc, nếu việc “cộng cư, cộng sinh” có diễn ra thì khi đi học, đi làm có thể giao tiếp bằng tiếng Việt nhưng lúc trở về với gia đình, cha mẹ phải giao tiếp với con bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Làm được điều đó, chắc chắn ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi dân tộc không dễ gì mà mất đi được.
Trong xu thế hội nhập về văn hóa và ngôn ngữ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế của các dân tộc thiểu số, tiếng Dao nói chung và tiếng Dao Tiền nói riêng đã có những thay đổi nhanh chóng trên nhiều phương diện. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất và đang được các nhà nghiên cứu quan tâm đó là tiếng Kinh sử dụng rộng rãi trong làng bản của người Dao dẫn đến tình trạng ngôn ngữ Dao đang dần bị mất đi. Ðể gìn giữ tiếng mẹ đẻ của người Dao, theo chúng tôi cần ba điều kiện cơ bản:
Thứ nhất là điều kiện tự nhiên: Ðịa bàn sinh sống của người Dao nói chung và người Dao Tiền nói riêng phải mang đậm tính chất tộc người, khi sống xen kẽ với các dân tộc khác vẫn phải duy trì ngôn ngữ của dân tộc mình, không để ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ của các dân tộc khác chi phối.
Thứ hai là điều kiện xã hội: Ngôn ngữ dân tộc Dao (cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết) phải được đưa vào dạy trong các trường phổ thông dân tộc nội trú; cần có những biện pháp cụ thể để khích lệ được đồng bào sử dụng rộng rãi tiếng mẹ đẻ trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc mình.
Và thứ ba là điều kiện gia đình: Các gia đình người Dao phải là nơi lưu giữ và duy trì ngôn ngữ của dân tộc mình, cha mẹ chính là người giúp các em có nhiều cơ hội sử dụng tiếng mẹ đẻ cũng như khơi dậy lòng tự hào về ngôn ngữ của dân tộc, lấy ngôn ngữ dân tộc làm gốc, từ đó các em nhỏ có vốn ngôn ngữ cơ bản tiếp thu, học tập tiếng phổ thông.
Trước thực trạng tiếng nói và chữ viết của người Dao đứng trước nguy cơ mai một, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng người Dao cần có những chương trình hành động mạnh mẽ hơn. Thí dụ như khuyến khích, vận động người Dao ở các bản làng giao tiếp hằng ngày bằng tiếng dân tộc mình; tuyên truyền cho đồng bào hiểu giá trị của ngôn ngữ mẹ đẻ để họ thấy tự hào, từ đó ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn, bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, tránh tình trạng sử dụng thiên lệch ngôn ngữ của dân tộc khác trong đời sống tộc người.
Tiếp tục thu thập, bảo tồn và phổ biến các văn bản viết bằng chữ Nôm Dao để nâng cao trình độ thưởng thức cũng như giáo dục cho đồng bào biết quý trọng những di sản văn hóa của dân tộc của mình. Ngay bây giờ, chúng ta cần có chính sách lưu giữ, dịch thuật các văn bản văn học của người Dao trước khi những người biết chữ Nôm Dao mất đi. Trên truyền thông đại chúng, nên có thêm thời lượng phát sóng chương trình tiếng Dao với nội dung tuyên truyền, giáo dục ý thức gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc mình.
Căn cứ vào những chính sách ngôn ngữ đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, chúng ta cần sớm xây dựng một bộ từ điển Dao - Việt và dạy tiếng Nôm Dao rộng rãi trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, khuyến khích giới công chức, viên chức người Dao làm việc tại địa phương học và sử dụng tiếng Dao.
Bản thân là người dân tộc Dao Tiền, chúng tôi luôn mong muốn, dù sống ở xa quê hương nhưng ngôn ngữ Dao của thế hệ chúng tôi không bị mất đi để mỗi lần trở về quê sẽ được nghe con cháu người Dao Tiền nói đúng tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng làng bản của mình.