Giữ chân, thu hút người lao động trở lại làm việc

Tình trạng thiếu hụt người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp. Để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã phải có các phương án về nhà ở, bố trí công việc, lương thưởng để giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Công nhân duy trì hoạt động trong điều kiện an toàn phòng chống dịch.
Công nhân duy trì hoạt động trong điều kiện an toàn phòng chống dịch.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu lao động trở về các địa phương do dịch Covid-19; trong số này, hơn 1,1 triệu người về từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam... Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, sau Tết, thành phố cần khoảng 55.600 lao động, tập trung ở các ngành: dệt may, da giày, sản xuất, thực phẩm, cơ khí, hóa chất, dược, cao-su, dịch vụ lưu trú và ăn uống... Để phục hồi thị trường lao động, các địa phương cũng đã thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp để duy trì lực lượng lao động. Tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động ở các tỉnh, giúp đỡ phương tiện đi lại, xét nghiệm miễn phí, tiêm vắc-xin cho lao động ở các tỉnh quay lại thành phố làm việc. Tại Hà Nội, trong kế hoạch về “Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022”, thành phố đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc, giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động “giữ chân” người lao động và thu hút lao động mới bằng các giải pháp tăng thu nhập, các hỗ trợ khác ngoài lương như: chỗ ở, bữa ăn ca chất lượng...

Có thể thấy, trong chương trình phục hồi kinh tế-xã hội thì vấn đề an sinh rất quan trọng, mà nhiệm vụ được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động. Vì vậy, về chính sách chung, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã lên phương án triển khai gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng, một phần trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Gói hỗ trợ nêu trên sẽ tập trung hỗ trợ tiền mặt cho người lao động thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm trong ba tháng. Theo đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đây là giải pháp bảo đảm sàn an sinh tối thiểu về nhà ở cho công nhân. Việc xây dựng chính sách này sẽ góp phần tạo ra nhiều giải pháp khác nhau hỗ trợ khôi phục thị trường lao động.

Cụ thể, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp và người lao động quay lại thị trường đang phải thuê nhà, ở trọ được hỗ trợ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng/người/tháng, cao nhất là ba tháng, áp dụng đối với lao động khu vực chính thức, có đóng bảo hiểm xã hội. Hiện, dự thảo Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang được lấy ý kiến và sẽ hoàn thiện trong tháng 2/2022. Gói hỗ trợ này đang nhận được sự quan tâm của người lao động, tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cần phải vừa được thực hiện nhanh chóng, đơn giản thủ tục để tạo thuận tiện cho người lao động; đồng thời việc hướng dẫn tổ chức thực hiện chi trả cũng cần tính tới phương án tránh trục lợi chính sách. Cùng với đó, một số chính sách khác cũng cần được xem xét, tính đến như: Giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng một khoản tiền để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp, trích một khoản để cho công nhân vay lãi suất thấp mua nhà với giá rẻ... để bảo đảm chính sách an sinh lâu dài về nhà ở cho người lao động.