Theo báo cáo sơ bộ của các đơn vị, năm 2021, ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác. Từ tháng 1/2022 đến ngày 30/4/2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác. Như vậy đã có ít nhất 857 nhân viên y tế, bác sĩ Hà Nội xin nghỉ việc và xin chuyển công tác. Số cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc tập trung ở một số bệnh viện lớn như: Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông... Trong đó, số cán bộ xin nghỉ việc chủ yếu là người có bằng đại học, có tay nghề cao, chủ yếu là chuyển sang khối y tế ngoài công lập.
Nguyên nhân của tình trạng này là trong hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cán bộ, nhân viên y tế làm việc quá vất vả, trong khi điều kiện làm việc, cơ sở hạ tầng chưa tốt. Do số nhân viên y tế còn thiếu so với yêu cầu công việc, cho nên các nhân viên y tế phải làm kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế, dẫn đến nhiều nhân viên y tế Hà Nội xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác sang những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.
Chia sẻ về "làn sóng" nghỉ việc trong cán bộ, nhân viên y tế tại cơ sở, Trưởng phòng Y tế của một quận cho biết: Đầu năm 2020, quận có năm người nghỉ việc. Năm 2021 có bảy người nghỉ. Trong sáu tháng đầu năm 2022 có năm người nghỉ. Số cán bộ, nhân viên nghỉ việc chiếm khoảng 10% tổng số nhân viên y tế trên địa bàn. Chưa kể có 10 trường hợp nộp đơn xin nghỉ việc, nhưng được vận động, phân tích, động viên... cho nên họ đã rút lại đơn để bám trụ công việc, bám trụ cơ quan. Lực lượng này chủ yếu là bộ phận làm tại trung tâm y tế và trạm y tế. Số nhân viên y tế nghỉ việc nêu trên khiến lực lượng cán bộ y tế cơ sở bị hao hụt, vốn đã mỏng nay càng thiếu.
Ở y tế tuyến trung ương cũng không ngoại lệ. Năm 2020-2021, riêng tại Bệnh viện Bạch Mai đã có hơn 200 y sĩ, bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc, trong đó có những người mang học hàm giáo sư, phó giáo sư hay học vị tiến sĩ. Thực trạng đó cho thấy đang có một sự dịch chuyển mạnh mẽ nguồn nhân lực y tế từ bệnh viện công lập về các cơ sở y tế ngoài công lập, tư nhân, khiến “đứt gãy” quá trình vận hành tại các cơ sở y tế công lập.
Bà Lê Thị Bảo Kim (phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân) chia sẻ: “Bác sĩ giỏi đi hết thì người dân chịu thiệt trước tiên. Nhất là những người bệnh hiểm nghèo, nếu không có bệnh viện công, không có bảo hiểm thì không thể duy trì chữa trị”. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu cơ chế chính sách không thay đổi thì cán bộ, nhân viên y tế sẽ tiếp tục nghỉ việc trong hệ thống công lập. Thấy bạn bè, đồng nghiệp tham gia y tế tư nhân có thu nhập cao, lương cao, những người ở lại dao động tâm lý và cũng muốn ra ngoài. Vì vậy, cần thiết phải có chế độ chính sách đãi ngộ xứng tầm để níu chân cán bộ y tế làm việc cho y tế cơ sở.
Theo TS, BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, thay đổi cấp thiết đầu tiên là tạo một mặt bằng lương mới, có tính cạnh tranh với khối bệnh viện tư nhân, đồng thời phải khơi các lợi thế mà bệnh viện công trước đây chiếm ưu thế như cơ hội đào tạo, cơ hội nghiên cứu khoa học, cơ chế giám sát chất lượng... Cùng với đó, làm nhẹ hơn gánh nặng quản lý đang giao cho các cán bộ chuyên môn.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế-Bộ Y tế, muốn biết được thực trạng của việc dịch chuyển nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân thì phải có đánh giá tổng thể, khảo sát kỹ từ phạm vi, lứa tuổi, nguyên nhân của việc luân chuyển. "Chỉ đến khi nắm được nội hàm thực trạng sâu sắc thì mới có thể đánh giá hết được mức độ của vấn đề này, từ đó mới dễ dàng tìm ra nguyên nhân". Thực trạng nêu trên đòi hỏi phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Nhưng dù với bất kỳ giải pháp nào thì cũng phải tăng sức hấp dẫn của hệ thống quản trị công ở lĩnh vực y tế.