Giữ chân nhà đầu tư nước ngoài trước xu hướng dịch chuyển đơn hàng

NDO -

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường tổ chức hệ thống sản xuất trên toàn cầu nên khi sản xuất ở khu vực này gặp trục trặc, họ sẽ chuyển sản xuất sang khu vực khác có điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp FDI nào dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam vì tác động của đại dịch Covid-19.

Sản xuất tại Công ty TNHH Mitsubishi Heavy Industries Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Trần Hải
Sản xuất tại Công ty TNHH Mitsubishi Heavy Industries Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Trần Hải

Vốn FDI tăng trở lại

Trong kiến nghị gửi Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đề cập đến hiện tượng một số thành viên đã dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam vì lo ngại khó hoàn thành kế hoạch sản xuất trước bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) khẳng định hiện tượng này không đáng lo: Vì Việt Nam không phải ốc đảo, nhà đầu tư có hệ thống trên toàn cầu nên nhà máy nơi này không làm được thì họ chuyển sản xuất sang khu vực khác thuận lợi hơn.

"Trước đây, Việt Nam cũng đã chịu tác động từ hiện tượng dịch chuyển đơn hàng nhưng ở góc độ quốc gia được hưởng lợi vì chúng ta có điều kiện thuận lợi do ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại quốc tế và có lợi thế về xuất xứ hàng hóa nên rất nhiều đơn hàng chuyển về Việt Nam sản xuất", Chủ tịch VAFIE Nguyễn Mại nói.

Bên cạnh đó, theo GS, TSKH Nguyễn Mại, việc các doanh nghiệp FDI có ý định rời khỏi Việt Nam hay cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh cũng mới chỉ là cảnh báo và trong thực tế chưa xảy ra. Đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến toàn cầu, tình hình tại Việt Nam nhìn chung vẫn đỡ khó khăn hơn nhiều quốc gia khác nên các nhà đầu tư rời đi cũng phải tính toán, cân nhắc.

Tuy nhiên, GS, TSKH Nguyễn Mại cũng lưu ý rằng, nếu phải dừng sản xuất quá lâu, nhà đầu tư sẽ dịch chuyển vốn sang khu vực khác. Vì vậy cần đánh giá tình hình một cách khách quan và sớm đưa ra những biện pháp hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp FDI để họ yên tâm.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Andrew Jeffries cũng khẳng định: Trong thực tế đã có một số đơn đặt hàng chuyển ra khỏi Việt Nam hoặc chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, nhưng không phải là doanh nghiệp rời đi. 

Các doanh nghiệp FDI đã chọn Việt Nam để đầu tư lâu dài và các khoản đầu tư cần thời gian mới phát huy được tác dụng trong khi dịch chỉ mới bùng phát vài tháng gần đây. Cho nên, sẽ là hơi sớm để đưa ra những cảnh báo về xu hướng mới trong chuỗi cung ứng ở tầm nhìn trung và dài hạn.

Sau thời gian suy giảm, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 9. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, thu hút FDI vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so cùng kỳ.

Trong đó, vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì mức tăng và tăng mạnh hơn so với tám tháng. Cụ thể: Số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới là 1.212 dự án, giảm 37,8% so cùng kỳ nhưng tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 20,6%.

Có 678 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 15% nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 6,4 tỷ USD, tăng 25,6% so cùng kỳ.

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, sự gia tăng trở lại của vốn FDI cho thấy nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam. Tại báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhận định: Nhiều chỉ số vĩ mô của kinh tế Việt Nam trong hơn tám tháng qua vẫn giữ được ổn định, trong đó, dòng vốn FDI vẫn được duy trì cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Doanh nghiệp mong sớm phục hồi sản xuất

Cũng theo GS, TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam vẫn là nơi được các nhà đầu tư có nhiều tiềm năng phát triển và được đánh giá cao, nhưng trong hoàn cảnh có nhiều thay đổi như hiện nay, việc giữ chân nhà đầu tư phụ thuộc vào hành động của Chính phủ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thiết lập môi trường đầu tư an toàn.

“Trong kiến nghị của các hiệp hội đầu tư trong nước và nước ngoài, mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư là Chính phủ tiêm vaccine cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng và doanh nghiệp được chủ động nhập khẩu và tiêm vaccine cho người lao động. Các chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ban hành các tiêu chí cụ thể về chống dịch và giám sát doanh nghiệp thực hiện xử lý khi có vi phạm, không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Vừa qua phải tập trung chống dịch, các cơ quan chức năng ít chú ý đến nghiên cứu tận dụng các cơ hội từ việc thi hành các FTAs (Hiệp định thương mại tự do), cần khắc phục tình trạng này để tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp hiện hữu phục hồi nhanh chóng cùng với thu hút dòng vốn mới”, vị giáo sư nhấn mạnh.

Theo ông Andrew Jeffries, dịch Covid-19 đã gây ra những gián đoạn sản xuất khắp nơi, không chỉ ở Việt Nam, nhưng việc kéo dài các biện pháp phong tỏa mà Việt Nam đang áp dụng cần được xem xét là vấn đề đáng quan ngại.

ADB dự báo năm 2021 là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam, tăng trưởng GDP cả năm được điều chỉnh từ mức dự báo 6,7% giảm xuống còn 3,8%. 

Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là Việt Nam sớm công bố lộ trình mở cửa trở lại. Hoạt động đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Nếu không sớm bình thường hóa sản xuất, Việt Nam sẽ mất ưu thế là điểm đến của các nhà đầu tư.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép