Ai ơi, về ăn cơm!
Đều đặn, cứ mỗi trưa thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, các thành viên đại gia đình cụ Mai Hạnh, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại tề tựu đông đủ cùng làm cơm và rôm rả chuyện trò. Cụ Hạnh năm nay đã ngoài chín mươi tuổi song vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Gia đình cụ đã mấy đời sinh sống ở Hà Nội. Các con cháu của cụ đều đã có gia đình riêng, bận rộn công tác, học hành, song vẫn giữ được nếp quây quần bên mâm cơm tối mỗi ngày ở mỗi gia đình nhỏ, và họp mặt đại gia đình vào cuối tuần. Mỗi dịp như vậy, mấy cô con gái cháu gái cụ cùng nhau vào bếp, hướng dẫn nhau làm cơm, vui vẻ với những món ăn mới. Ngoài phòng khách, mấy anh con trai con rể và các cháu quây quần hỏi thăm sức khỏe cụ, chia sẻ với nhau cả những thành công và khó khăn trong công việc, học tập.
Cùng chung không khí, tại tư gia nhà sử học Dương Trung Quốc, bữa cơm gia đình cũng thường xuyên được giữ ấm. Ông chia sẻ: Có lẽ do đã gắn bó với bữa cơm gia đình từ hồi đầu chung sống, chúng tôi vẫn duy trì thói quen này. Bây giờ, hai cô con gái của tôi đã lớn cả và ra ở riêng nên bữa cơm phần lớn là dành cho tôi và vợ. Dù có thưa hơn, chúng tôi vẫn duy trì bữa cơm chung của đại gia đình (gồm cả gia đình hai con gái và các cháu) vào những ngày cuối tuần, hoặc dịp lễ tết các thành viên lại tụ tập đông đủ. Lúc đó, chúng tôi thường trao đổi những vấn đề trong cuộc sống, kể cho nhau nghe những điều thú vị, không khí gia đình ấm áp vô cùng.
Thế nhưng, cũng thật đáng tiếc, khi cuộc sống càng hiện đại, kinh tế càng khá giả thì những bữa cơm gia đình ấm cúng như vậy dần hiếm hoi. Do tính chất công việc, không kể bữa trưa có thể phải ăn nhanh ở cơ quan, gặp mặt bạn bè, đối tác; song ngay cả bữa tối, cũng rất dễ gặp hình ảnh vợ chồng con cái tất tả kéo nhau ra những quán ăn nhanh ngoài phố, chỉ cốt no bụng rồi về. Nhiều người hẳn giật mình khi chứng kiến cảnh một gia đình gồm cha con vợ chồng đến quán ăn mà gọi mỗi người một tô, rồi lặng lẽ mỗi người trên tay một chiếc máy tính bảng, chẳng ai nói với ai câu nào. Đáng lo ngại hơn, hình ảnh ấy đã không còn quá xa lạ.
Hay như, một người bố bận rộn công việc tối ngày, thường xuyên để vợ và cậu con trai phải chờ cơm. Có lần cậu con trai mới chỉ đang học lớp mẫu giáo hỏi: Bố ơi, hôm nay bố đừng đi kiếm tiền nữa nhé, con trả tiền để bố ở nhà chơi với con! Cũng có không ít trường hợp, bố mẹ bận đi làm cả, đứa trẻ phải thường xuyên ở nhà một mình đã bị trầm cảm, tần ngần đứng nói chuyện với cánh cửa: “Bố tớ sắp về rồi, bạn đợi chút sẽ được gặp bố tớ”. Nghe vậy mà thấy xót xa!
Bữa cơm gia đình tưởng chừng là việc rất nhỏ ấy nhưng nếu chúng ta lơ đãng, không biết cách chăm chút sẽ có ngày ân hận. Một kẻ từng vào tù ra tội vì đủ mọi hành vi bất hảo, tưởng chừng máu hắn đã lạnh hẳn, tim hắn không còn biết đập nhịp đập con người, vậy mà nghe câu chuyện của hắn cũng đã giúp nhiều người thức ngộ. Một buổi chiều, ngồi sau song sắt trại giam, hắn nhìn thấy một người đàn ông trạc tuổi hắn đang gò lưng đạp xe, lủng lẳng ở tay lái là mấy bìa đậu, mớ rau, khuôn mặt ánh niềm vui. Rồi hắn để ý, đều đặn chiều nào người đàn ông ấy cũng về đúng giờ, trên tay lái xe là một túi thức ăn. Sau này hắn tâm sự, chính người đàn ông ấy đã gợi nhớ về bữa cơm gia đình ấm cúng, điều đó cũng đã giúp hắn có thêm động lực tập trung cải tạo với khao khát được sớm trở về dưới mái nhà ấm áp.
Bữa cơm gia đình, hẳn không có ai chưa từng nếm trải. Duy có điều “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người sẽ cảm nhận một vị hạnh phúc riêng từ đó. Cái vị hạnh phúc ấy không tự dưng mà có, nó phải được tạo nên bằng sự chăm chút, bằng tình yêu và nỗi khao khát trở về sau một ngày bận rộn. Và, nó chỉ mất đi sự ấm áp vì lòng ích kỷ hẹp hòi, hoặc lơ đãng của những thành viên trong cùng gia đình, khiến lạnh dần không khí hạnh phúc ngọt ngào từ mỗi bữa cơm giản dị.
Học ăn, học nói...
Vẫn biết, cuộc sống mỗi thời một khác. Ngày xưa, mô hình gia đình Việt Nam thường là “tam đại, tứ đại đồng đường”. Gia đình tuy đông thành viên, nhưng mọi người đều sống rất chan hòa, tình nghĩa; bố mẹ bận đi làm, thì đã có ông bà trông nom dạy bảo các cháu. Tuy nhiên mô hình này ngày nay không còn phù hợp nữa, vì nó trở nên quá cồng kềnh với thực tế xã hội hiện đại. Mô hình “gia đình hạt nhân” hiện nay được tổ chức giản tiện hơn, gồm: bố, mẹ và các con. Tuy đây là mô hình phù hợp với xã hội hiện đại, nhưng người ta ngày một bận rộn hơn, sẽ không còn nhiều thời gian dành cho gia đình nếu không biết cách thu xếp khoa học. Đây cũng chính là yếu tố ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái, gắn kết các thành viên với nhau.
Xã hội công nghiệp, tác phong công nghiệp, con người ta sống hối hả vì công việc. Hết giờ làm việc là thấy quán sá ràn rạt người qua lại. Không ít người đã quên mất ở góc gia đình nhỏ còn có người vợ và những đứa con thơ đang... chờ cơm.
Theo khảo sát mới đây của những nhà làm công tác xã hội cho thấy, ở một vài thành phố lớn, có tới 40 đến 50%, thậm chí hơn 50% gia đình không còn duy trì thường xuyên bữa cơm gia đình truyền thống quây quần các thành viên. Điều đáng lo ngại là, rất nhiều trong số đó lại cho rằng tiện đâu thì ăn, tiết kiệm thời gian là chuyện bình thường. Nhưng cũng từ đó, các thành viên trong gia đình đã mất dần sợi dây gắn kết: cha mẹ không có thì giờ để ý những thay đổi trong tâm tính, sinh hoạt của con cái; con cái thay vì chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc với cha mẹ về kỹ năng sống, về khúc mắc thường gặp chỉ còn biết tìm đến mạng in-tơ-nét,... rồi vô tình mắc vào các tệ nạn xã hội lúc nào không biết.
Thời nào cũng vậy, bữa cơm gia đình là nơi quây quần các thành viên. Ở đó, ông bà, cha mẹ không chỉ có điều kiện chăm sóc con cái, mà qua cách ăn cũng dạy bảo con cái nhiều điều, gia đình càng thêm gắn bó. Cha bác xưa vẫn dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”, hay “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” chính là bắt đầu từ những bữa ăn. Trong đời sống hiện đại, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong bữa cơm gia đình càng cần phải được gìn giữ. Khi đó, dù chúng ta có đi đâu, bận công việc gì sẽ đều có thể thu xếp đến bữa có mặt ở nhà. Rồi người nấu nướng, người dọn mâm bát, vui vẻ và ấm áp. Qua cách bài trí mâm cơm, bố mẹ cũng hướng dẫn con cái rèn luyện được tính cẩn thận, ngồi ăn thì từ tốn, không “moi từ dưới lên, đảo từ trên xuống” đĩa thức ăn. Trong bữa cơm cũng sẽ dạy cho con trẻ biết phải “trên kính dưới nhường”, dành những miếng ngon cho ông bà, cha mẹ. Bố mẹ lại tiếp thức ăn, động viên con cháu ăn khỏe, ăn ngon. Và, cũng chính qua cách ăn mà các thành viên sẽ nắm được tình hình sức khỏe, tâm trạng của mỗi người. Chẳng phải rườm rà, câu nệ, mà đó là những điều rất đáng quý trong việc duy trì nét đẹp nề nếp gia phong từ chính những điều nhỏ nhất. Có như thế, chu toàn từ việc trong nhà, đến khi con cái khôn lớn mới biết cách đối nhân xử thế, mới biết làm người tử tế.