Giọt mồ hôi trong xanh

- Em cho anh gửi giùm một người chú trong nhà em. Chú bệnh lao, ở nhà thuốc sợ lây cho những bệnh nhân khác. Đêm đêm em dòm ngó ổng giùm anh nghe.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | PHẠM HÀ HẢI
Minh họa | PHẠM HÀ HẢI

Láng chạy xe tới cổng nhà mình, nhìn thấy bên trong có đèn sáng. Một dáng đàn ông gầy gầy lưng tôm từ trong buồng đi ra, ngồi vô cái võng Láng hay ngồi.

Láng gọi điện cho thầy.

- Em đi thuê nhà trọ ở. Thầy cứ để ông ấy ở đó. Người bệnh mà mình chăm sóc rồi nam nữ gần gụi nhau quá rủi ổng luyến ái mắc công.

- Anh thấy ổng bệnh nặng chắc cũng không còn hơi sức gì nghĩ ngợi chuyện trai gái.

- Người ta càng bệnh càng không kiểm soát tình cảm, dễ thương những người gần gũi mình lắm.

Như Láng hồi trước cũng vậy. Láng đã một mình một xe lang thang về nơi sâu nhất của giải cù lao này. Cô chạy như quên mình đang ngồi trên xe. Con đường nhỏ dần, nhà thưa dần. Láng cảm thấy con đường này gần gũi, thân thiện. Cô cứ cho xe lăn lăn trên lối mòn giữa hai bờ cỏ. Lúc xe bị hết xăng khựng lại, cô mới nhận thấy nơi này chỉ đầy vườn, không có nhà. Láng hì hụi đẩy xe mà cũng không biết mình đẩy về đâu.

Út từ trong vườn đi ra, tóc hoa râm, hiền như những cội cây cụm lá. Út mang cho Láng một xị xăng. Tự nhiên Láng thèm khóc. Chẳng hiểu mình khóc vì cái gì. Út xin số điện thoại chỉ để hỏi thăm Láng đã về tới nhà an toàn chưa. Chẳng phải vì đẹp trai. Chẳng phải vì tiền bạc. Chỉ có duy nhất một điều, khi buồn Láng có thể nói chuyện cùng Út. Chuyện tình đơn giản như vậy. Nhưng hậu của nó thì không hề. Út không phải là người đủ khả năng gánh vác nỗi buồn của Láng. Mà có ai gánh được nỗi buồn của người khác đâu.

Đêm nay mình phải thuê nhà trọ. Thầy lỡ quyết định vậy, Láng không thể đuổi người ta. Coi như mỗi tháng bỏ vài trăm ngàn làm từ thiện. Những ngày hè này, ngoài giờ lên trường họp hành, Láng có thể tới nhà thuốc nấu cơm rồi ăn ở đó. Ở nhà thuốc, khung cảnh cũng dễ chịu. Láng thích ngồi giữa cái tủ đầy ngăn thuốc. Nghe mùi bồ bồ, mùi mần trầu, mùi cam thảo khô lất phất. Nhìn qua bên kia lối mòn là cái vườn nhiều loại cây, có những cây nhãn cổ. Láng thích hình dáng của những cái rễ nhãn nổi vồng một khoảng sân. Như thấy được sự sống của trăm năm xưa cũ. Thích thì thích vậy thôi chớ Láng cũng chưa có dịp nhìn kỹ mấy gốc nhãn. Mỗi lần tới nhà thuốc không nấu cơm thì cũng là hốt thuốc theo toa. Hốt lia lịa cho xong đặng bệnh nhân về đường xa. Để nhà cho ông bệnh nhân này ở rồi về đó ăn cơm, Láng sẽ nhìn kỹ hơn ngôi nhà có những gốc nhãn cổ.

Láng nghĩ được tới đó, định nổ máy quay đầu xe về hướng nhà trọ thì Út ào xe tới. Út như người mất hồn, mặt mày xơ xác. Thấy Láng, Út sáp lại nắm tay định kéo vô nhà. Bất ngờ có một người phụ nữ tràn xe tới tát Út một bạt tai. Láng tưởng người đó là vợ Út.

Út chặn tay người phụ nữ đó lại.

- Anh là đồ tồi. Anh quen tôi rồi còn đi kiếm con khác.

Láng nhìn người phụ nữ:

- Chị là…

- Tôi là bạn gái, gần như là vợ của anh ta. Cô là gì mà nắm tay anh ta?

- Láng, cô này không phải người yêu của anh.

- Anh dám nói vậy hả?

- Thôi là gì cũng được, chị cứ dắt anh Út về đi. Em với ảnh không có gì đâu.

Láng nổ máy xe rồi chạy đi. Láng chạy mà không nhớ mình đã đi ngược lối tới chỗ nhà trọ. Sao mình lại bối rối. Út có bồ gì cũng là số kiếp của anh ta. Miễn anh ta đừng đến kiếm mình nữa là được. Coi như mọi chuyện tới đó là xong. Không buồn cũng không vui.

*

Láng ngồi bên hành lang nhà trọ mà đầu óc không nhớ mình đang ngồi đâu. Cô không ngờ người phụ nữ đó tìm được số điện thoại của mình. Rồi cô ta kể cho Láng nghe về những vui buồn Út cùng cô ta đã trải qua. Láng thấy giống như là một phân thân của chính mình đang ngồi kể cuộc tình của Láng và Út.

Láng không còn biết mình đang như thế nào. Cô cứ ngồi im nhìn miết vô mảng bê-tông lở lói dưới lối đi. Nơi đó như mang dáng dấp một người mặt méo xệch, gãy đổ từ ánh mắt cho tới gương mặt. Một gương mặt đang rã rời nham nhở.

Láng lại nhìn phía gốc xoài. Một cái túi ni-lông mục đọng chút nước mưa. Viền nước đã ngả mầu rêu. Láng cảm thấy mớ nước trong túi đang oằn oại. Nhưng nó oằn oại bằng ý tưởng chớ bên ngoài vẫn chết cứng. Nó đã chết, nhưng không chết hẳn mà tê liệt từ từ cho tới khi nào khô cạn.

Láng cảm giác mình đang là mớ nước bị nhốt trong đó, đóng rong đóng rêu. Láng muốn xách xe chạy cời cời mà không cần biết chạy đi đâu. Nhưng Láng không còn đủ ý chí đứng lên. Bao giờ mình thoát ra khỏi bọc nước đó. Mình sẽ ngồi đây bao lâu. Ai đó kéo mình đứng lên giùm một cái được không. Không có ai. Láng thấy những sợi tóc mình sắp bạc giống như tóc Út rồi. Nếu mình ngồi im ở đây, mình sẽ chảy ra, nhão nhẹt như một xác chết mục rữa. Nhưng sao mình không còn biết cách gì có thể đứng lên được.

Lúc đó tiếng chuông điện thoại reo lên.

- Em về nhà đi.

- Em đã thuê nhà trọ rồi. Thầy cứ để ổng ở nhà em một mình cũng được mà.

- Anh Út bị thương nặng, không thể đi đứng được, bò không hà. Em phải về giúp ảnh.

- Ủa, sao phải là em.

- Ảnh đã bỏ nhà đi. Ghé nhà thuốc tá túc mà dọc đường bị nạn. Không có em là không được.

- Thầy ở không quá. Gọi cho vợ ổng đi?

- Em không giúp thì không ai giúp được. Anh phải lo cho ông ho lao rồi anh Út nữa, sao lo nổi.

- Kệ thầy.

Miệng Láng nói kệ, nhưng tay Láng thu dọn quần áo. Không hiểu có một sức mạnh nào đó kéo Láng chạy bay bay về phía nhà thuốc.

*

Bàn chân Út sưng no nưởng bầm xanh như mất hết sức sống. Chắc là đau.

- Ổng bò được lên xe kiểu gì hổng biết, chớ từ xe vô đây ổng bò không đó.

Thầy kêu Láng đâm gừng. Thầy kêu Láng chở Út đi chụp hình bàn chân. Gãy xương gót. Giập phần mềm lưng bàn chân lẫn các ngón chân.

Mỗi ngày Láng đâm gừng bó vết thương. Mỗi ngày Láng dùng điếu ngải hơ ấm day ấn chỗ sưng. Láng đỡ Út vô nhà tắm đi đại tiện, xối nước. Láng rót nước cho Út uống, mang bô cho Út đi tiểu rồi đổ bô.

Mỗi lần nhìn thấy Út với hình vóc tiều tụy, mầu tóc muối tiêu già nua cằn cỗi, Láng lại nhớ câu chuyện của người phụ nữ. Láng tự hỏi sao mình lại dính vô người đàn ông này. Láng muốn mình chăm sóc Út như kiểu một người lạ chăm sóc một người lạ, chỉ là làm phước khi người bệnh đang neo đơn. Khi đó Láng thấy mình lành mạnh hiền từ hơn. Hoàn cảnh này Láng không xa lạ được. Nhìn Láng lạnh tanh như một người qua đường, Út chẳng thiết cười cũng không thiết ăn uống mà ngủ cũng không ngon giấc.

Tâm trạng vậy bao giờ mới hết bệnh?

Láng muốn mỉm cười cho Út vui nhưng nhìn thấy hình thể anh ta, Láng lại nhớ đủ thứ. Út ham hố cất cái nhà cho đẹp cho lớn rồi lâm nợ, cầm cố giấy tờ đất. Những mùa xoài rớt giá, trồng cũng lỗ mà cho người ta mướn thì rẻ mạt. Vợ chịu không nổi cảnh nợ nần đã bỏ nhà đi. Khổ vậy chưa đủ sao mà còn lăng nhăng. Đã qua lại người khác thì thôi đừng đeo đuổi Láng. Tham lam hay khùng điên? Giờ biểu Láng lo cho miếng ăn hay đổ bô gì cũng được, nhưng kè anh ta vô nhà tắm, nhìn hình vóc Láng nhớ tới những lời kể của cô kia là sôi máu.

Mỗi ngày Láng mua trứng gà lăn cho vết thương. Rảnh là Láng xoa bóp vết thương cho Út. Láng mong cho Út đi lại bình thường để mình có thể tự do bỏ chạy.

Những lúc ngồi bóp chân, đốt ngải hơ ấm chỗ vết thương cho Út, Láng thấy người rũ rượi thèm nằm nhưng cô vẫn cố gắng ngồi. Cô nghĩ nỗ lực của mình sẽ giúp Út mau khỏe. Nhưng sức khỏe Út phục hồi chậm mà sức cô yếu đuối ngó thấy. Cô không điều khiển được cảm xúc của mình, lúc thương lúc ghét, lúc khóc lúc cười như một bà khùng.

Mỗi lúc ngồi hơ ngải cho Út, Láng hay nhìn qua khu vườn cây. Láng bắt đầu trò chuyện với mấy gốc nhãn. Hãy kể chuyện cho tôi nghe đi. Hồi đó ai trồng mấy cụ. Sao mấy cụ lão rồi, trái lí nhí rồi mà người ta không đốn.

Láng thấy mình trở nên tự do khi được trò chuyện cùng những cụ nhãn.

Láng không dám nhìn thẳng băng ngôi nhà bên đó. Bởi nhà người ta có chủ.

Bên cạnh gốc nhãn có một cái bộ ván ngựa cũ. Trên đó có một người đàn ông hay ngồi bóp tay cho vợ ngày ba bốn lần, mỗi lần gần một tiếng. Bên này Láng hơ ngải thì bên kia anh ta bóp thuốc cho vợ. Bên này Láng nấu cơm thì bên kia anh bồng vợ đi lắm, thay tã lót. Bên này Láng múc nước cho Út đánh răng thì bên kia anh đang lau chùi cho vợ buổi sáng.

Những lúc Láng chạy ra đường, đi ngang qua quán cà-phê thì thấy anh đẩy xe cho vợ ra ngồi nói chuyện với mấy người bạn nữ. Anh để vợ ngồi đó chơi rồi tranh thủ tưới nước cho cây trong vườn. Có bữa Láng thấy anh cầm một chùm ruột gà, ruột vịt.

- Mua ở chợ về giăng trên dây để dụ mấy con kiến vàng. Có kiến vàng, mấy cây cam ngọt hơn.

Cuộc sống họ thật hạnh phúc.

Rồi người vợ khỏe lại. Hẳn vậy thôi, bởi chị được chăm sóc rất tốt. Chị có thể tự đi tắm dù đi chậm, chị có thể tự ngồi dậy ăn uống dù vẫn cần chồng đẩy xe ra quán cà-phê.

Láng tự hỏi bao lâu Út mới khỏe được, bao lâu Láng mới được hạnh phúc đơn sơ đó. Nghĩ tới đó Láng lắc đầu. Quên đi, không có ngày đó đâu. Bởi Láng biết khi khỏe lại, Út sẽ về lại nhà của anh ta. Ngôi nhà lớn có lối mòn nhỏ giữa hai lối cỏ. Người ta đã gắn bó trong ngôi nhà đó biết bao lâu. Bên trong còn bàn thờ tổ tiên cha mẹ họ. Thôi đừng nghĩ xa xôi, cứ lo cho Út khỏe rồi trả ổng về với gia đình.

Láng cũng bắt chước người đàn ông nhà bên, sáng nọ cô kè Út lên xe rồi chở ra quán ngồi uống nước. Út không muốn ai nhìn thấy nên họ chọn một chỗ ngồi kín đáo, khuất sau một vò lan tua tủa bông lẫn lá.

Phía bên kia vòm lá, người phụ nữ ngồi xe lăn nhắc về một người tình lý tưởng của mình ở đâu xa lắm. Anh ấy như một vì sao. Anh ấy giỏi giang, anh ấy tài hoa. Còn chồng chị nói năng như đứa con nít, lúc vầy lúc khác. Anh cứ làm cho chị sốc hết lần này tới lần khác. Chị bệnh nhiều cũng do những cú sốc mà ra.

*

Rồi một ngày Láng hơ ngải nắn bóp nhẹ nhàng vết thương cho Út thì chỉ còn nhìn thấy người vợ ngồi mải miết bên bộ ván ngựa với cái điện thoại. Út nói anh chồng bỏ đi là phải. Hôm đó Út thấy anh ta bước vô quán cà-phê mà vợ không hay. Chắc anh chồng đã nghe được ít nhiều.

Ngày chị bị té nằm một chỗ, người ta trách anh chồng sao nhẫn tâm.

Ngày người đàn ông trở về, Láng ngồi cười cười miết. Phải vậy thôi. Có đi tới phương trời nào thì hình ảnh khổ sở của họ cũng không ra khỏi đầu mình đâu người tốt à. Huống chi anh, cái đau của người vợ là cái đau của đứa con. Mà cái đau của đứa con là cái đau của mình. Nó chằng chịt vậy sao mà dứt được.

Mỗi ngày, Láng múc nước cho Út đánh răng thì anh kia lau mình cho vợ. Nhưng Láng nhìn thấy trong ánh mắt đó những sợi máu của sự căm phẫn. Anh không còn chở chị đi cà-phê nữa.

Láng chỉ cho Út hình ảnh đó.

- Nè, nếu còn nợ thì nên thương vợ rồi sống chung cho có tình có nghĩa. Nếu hết thương thì ly hôn hẳn đi. Chớ sống cảnh lạt lẽo vầy, sau này anh bệnh hoặc vợ anh bệnh, phải nuôi bệnh trong oán hận là địa ngục. Mà bỏ thì mang tiếng ác cho coi.

Út thở dài, mặt thuôn dài như tiếng thở. Láng biết rằng lời nói của mình chẳng ăn thua. Bởi Út cũng đang tê liệt ý chí. Không muốn nối cũng không muốn bứt rời.

Ngày người vợ bên vườn nhãn mất, Láng ngồi bên này nghe anh chồng kể chuyện cho họ hàng nghe. Anh nói anh nấu những món chị thích nên chị ăn ngon. Hình như chị vui. Chị nói kiếp sau mình làm vợ chồng nữa nghe. Anh nói thôi, kiếp này đủ rồi.

*

Láng tiễn Út về nhà, Láng kéo khẩu trang che kín nửa mắt rồi để nước mắt chảy. Láng nghe bao uất ức tuôn tràn. Cô ngồi bên bến sông khóc ngon lành. Mình đã tự do rồi. Người ta cũng về lại với nhà người ta thôi. Cuộc đời mình phải thương mình, chớ đừng bày đặt nghĩa khí rồi cực như con dòi con bọ.

Láng ngồi khóc không biết bao lâu.

- Cô Láng ơi.

Láng quẹt nước mắt nhìn. Trước mặt là người đàn ông vườn nhãn.

- Ủa, anh biết tên em hả?

- Sao không biết. Ngày nào anh cũng thấy cô hơ ngải đổ… nấu nướng cho ông gì bị thương đó. Thấy cô gầy guộc mà nuôi người bệnh, tội ghê.

- Dạ, đâu có gì bằng nuôi bệnh, nhất là nuôi…

- Cô khỏe không?

- Dạ…

Láng chợt muốn khóc. Những giọt nước mắt cho Láng, cho anh. Những giọt nước mắt cho đi gần cả đời cũng chẳng chạm được gì. Lời hỏi thăm của một người đàn ông sống bằng lương tâm đã đi thẳng vào trái tim đang oằn oại của Láng. Láng để cho mình khóc vì cô biết sẽ được vỗ về. Láng chợt nhớ gì đó, cô nhìn thẳng ánh mắt vào mầu môi anh ta rồi hỏi gọn.

- Anh khỏe không?

- Anh rất khỏe.

Anh cười lành lặn tươi tắn như có gì đó rất vui. Mầu tóc vẫn đen nhánh. Ánh mắt vẫn lóng lánh như mang một sức trẻ chưa hề bị tốn hao.

- Hình như anh không bị mất sức sau những ngày dài nuôi chị bệnh?

- Anh coi đó như việc cuốc đất tưới nước cho miếng vườn thôi hà. Làm nhiều thì đói nhiều, thì mình ăn nhiều. Cơm cá cũng đâu có hao tốn bao nhiêu.

Anh lại cười.

Cuộc nói chuyện của Láng không kéo dài lâu. Lúc đó anh đang có điện thoại của thằng con. Nó nói muốn học theo sư Minh Tuệ thử thách không xài tiền một tháng để rèn tính khí. Nó sẽ vô mấy khu trồng rừng rồi xin cơm xin khoai của bà con gần đó ăn qua ngày. Cơm thì ai cũng sẵn sàng cho...

Láng nhớ có lần cô nghe một bác sĩ nói, khi người ta ở chế độ tiết kiệm năng lượng thì ăn bao nhiêu cũng sống được qua ngày. Vốn dĩ cơ bắp vận động chỉ hao cơm thôi. Chỉ khi nào mình cứ bị sốc, bị đau liên tục phải tạo chất giảm đau với đủ thứ chất để cân bằng thì mình mới hao nhiều sinh lực.

Láng ngồi thở những hơi thở không thương. Đó là những hơi thở không ghét. Cô đi bộ để hao cơm hơn là ngồi khóc để hao sinh lực. Láng gọi điện cho Út.

- Dẫu thương hay không thương, nếu mà chị ấy có bệnh, anh cũng nên nuôi. Đừng lo, nuôi bệnh nhân bằng sức lao động không hận thù chỉ tốn cơm thôi. Cơm giờ cũng rẻ.

- Em khỏe không?

- Em… Em xin lỗi về những ngày qua.

Rồi Láng cười xòa cho cái sự sến sẩm của mình. Láng trở về ngôi nhà của mình, nơi có người đàn ông lạ bệnh lao đang trú ngụ.

Lời bình của nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU

Cuộc đời mỗi con người có biết bao bước ngoặt, có biết bao nỗi dày vò, phiền muộn, có biết bao hoàn cảnh éo le. Nếu không có một trái tim mang đầy tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ thì con người khó mà đi qua được. Bằng một lối viết như không viết, nghĩa là không cần đến sự “phi lý” hay “phóng đại” nào đó của nghệ thuật, nhà văn Võ Diệu Thanh vẫn làm cho người đọc nhận ra một dòng chảy âm thầm và mãnh liệt trong đời sống quá nhiều biến cố của mỗi kiếp người. Đấy là một chân lý cuộc sống nhưng lại hiện ra giản dị như đời sống hằng ngày mà mỗi chúng ta đang trải qua và đang đối mặt.