Bàng vuông ở lại

- Không có người dưới đấy đâu. Chỉ là những ngôi mộ gió.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | ĐẶNG TIẾN
Minh họa | ĐẶNG TIẾN

Lục vừa nói vừa nhìn vào khoảng không trước mặt. Mặt biển lặng. Xanh thẫm. Báo hiệu một ngày nhiều nắng. Những con cua đá ngoi mắt lên khỏi mặt nước, huơ huơ đôi càng xanh, thấy tiếng động lạ giương càng nghe ngóng rồi chạy biến vào hang.

- Có ăn cua đá nữa không?

Vẫn là giọng Lục. Bằng lặng. Tỏ như không để ý gì đến vẻ bồn chồn lo lắng pha lẫn sự mệt mỏi của Mai. Đã ba ngày trên đảo, Mai vẫn chưa đến được điểm du lịch nào như kế hoạch. Hai chữ “CONCO” trên mảnh bạc sáng lấp lánh trong tay thúc giục Mai.

- Có bao nhiêu ngôi mộ như thế trên đảo này hả anh?

Mai trầm ngâm đưa mắt nhìn Lục. Ánh nhìn khẩn khoản. Như thể chỉ là Lục thôi, không ai khác có thể giúp Mai. Lục tránh ánh nhìn đau đáu, ậm ờ những lời không đâu. Rằng cái mảnh bạc ấy chắc gì đã liên quan đến những ngôi mộ gió ở đây. “CONCO” có đúng là “CỒN CỎ” không? Hay chỉ là “CON CÒ” như cách Mai vẫn trêu Lục qua từng đoạn chát. Lục thấy rối, lẫn với những lo lắng.

- Nhiều lắm. Những dãy dài trên đồi phi lao. Dọc hào cũng nhiều. Mộ ở đây nhiều hơn người.

Nhiều thế thì Mai biết tìm bố ở đâu. Mắt Mai rơm rớm. Mảnh bạc ấm dần lên trong tay. Là vật còn sót lại duy nhất trong ngày bố trở về. Không có những cái ôm, không có nước mắt hay nụ cười đoàn tụ, bố về trong một sáng mưa. Người ta gọi tên mẹ qua bờ rào. Mai thấy mẹ khụy chân xuống. Rồi nhiều người hàng xóm hớt hải chạy qua đỡ mẹ. Họ khóc. Mẹ không khóc. Chỉ có mưa xối mỗi lúc một nhiều, át hết cả tiếng người nhốn nháo, làm nhòe những ánh nhìn bàng hoàng, xa xót, đau đớn. Nước trườn đến mé giường, chỗ Mai đang chơi. Chiếc ô-tô nhựa mầu vàng chỉ còn lại vỏ, mẹ nhặt được trong lúc đi làm đồng. Mai bảo. Bao giờ bố về sẽ lắp thêm bánh, sẽ chở mẹ con mình đi chơi. Mai nghe tiếng mẹ thất thanh. “Trời ơi, Mai ơi, con ơi”. Mẹ ướt sũng, hoảng hốt lao về phía Mai. Mai không sợ nước. Nước từ mẹ rỏ xuống khắp người Mai. Những giọt nước ấm. Mẹ ghì chặt Mai vào lòng còn Mai ghì chặt chiếc ô-tô nhựa. Mẹ khóc. Lần đầu tiên Mai thấy mẹ khóc mà không cần giấu giếm.

Giờ chỉ còn lại mẹ và Mai thôi. Nhưng mỗi sáng, mỗi chiều hay đêm tối Mai vẫn thấy mẹ thẫn thờ nhìn về phía cửa. Cánh cửa luôn khép hờ, như thể, chỉ một cái sập cửa thôi là bố không vào nhà được. Hoặc có thể, chốc lát nữa lên giường, tắt đèn là bố sẽ không gọi mẹ được nữa. Bao năm qua mẹ đã nhìn như thế. Chỉ khác bây giờ là ánh nhìn vô vọng. Không như ngày hôm qua hôm kia, mỗi lúc chui vào màn, mẹ thường vỗ vào lưng Mai. “Thôi, ngủ đi con. Nay bố lại không về rồi. Mai bố sẽ về”. Rồi mẹ kể chuyện, thay cho lời ru. Đêm nào cũng thế. Câu chuyện về bố luôn thường trực. Thành thử, tuy chưa biết mặt bố nhưng hình ảnh bố trong Mai thật gần, thật gần.

“Mười bảy tuổi mà dám cả gan bẻ bờ rào chui vào nhà ông ngoại đấy. Sáng nào ông cũng phàn nàn về việc đêm qua kẻ trộm lại lẻn vào vườn. Đồ đạc không mất, gà vịt còn nguyên, cây cối cũng không thiếu trái nào. Chỉ vạt cỏ phía đầu hồi không dưng “bị dọn”cho nhẵn bóng, sạch sẽ. Cành mít thì trụi lá, những xấp lá mít cẩn thận xếp chồng lên nhau nằm ngay ngắn. “Rảnh khiếp được. Lá bé xếp dưới, lá lớn xếp trên, như cắt như đặt”. Mắt ông cười âm thầm. “Bao nhiêu cây khác cạnh bờ rào cũng bị vặt cho trơ trụi. Chậc, chậc… Chả hiểu ra làm sao cả”. Càm ràm là thế nhưng ông chẳng thèm đi rình trộm, cũng chẳng phàn nàn thêm gì, ông lẳng lặng nới rộng chỗ bờ rào bị phá. Bao nhiêu gai góc ông bỏ đi, chỉ còn lại khoảng trống vừa vặn một người chui”.

Ánh mắt mẹ lấp lánh. Bao yêu thương, nhung nhớ lèn chặt lại. Mẹ thở hắt ra. “Thôi ngủ đi con, ngủ đi”.

Tất nhiên là Mai nằm im. Vờ như đã ngủ. Mẹ cũng tin là Mai đã ngủ. Bởi trong câu chuyện của mẹ có hơi thở gấp của người đàn bà thèm chồng. Mẹ không muốn Mai biết. Trăng mười sáu sáng rẫy, mướt mát trên ngọn chuối. Mẹ thổn thức trở người. Những thầm thì đứt quãng. Mai đoán là mẹ đang khóc. Một mình.

“Đêm trước ngày điều động, mẹ có linh tính gì đó nên tỉ tê đủ thứ thiệt hơn. Rằng mình mới cưới, chắc người ta chưa gọi vội. Trai làng còn đầy ra đấy. Những tính toán lần khân của mẹ không kìm được khát khao ra trận, khát khao cống hiến của bố.

- Em phải để anh đi. Tiếng súng chát chúa từ biên giới đến hải đảo. Anh không thể sống như bình thường được. Máu đổ nhiều quá, xa xót lắm. Đồng bào mình cả mà. Họ cũng thèm được sống. Đất nước tang thương mình êm ấm sao đành.

Vòng tay mẹ níu bố chặt hơn. “Em sắp đến tháng rồi”. Trăng mười sáu vằng vặc sáng. Bố con là người đàn ông dịu dàng. Mẹ đã ngụp lặn rồi tan biến trong ma trận dịu dàng mê đắm ấy. Đêm trăng ấy nào ngờ đâu là đêm cuối cùng mẹ được trôi trong mùi mồ hôi hắc nồng của bố. Mẹ nhớ lắm. Và thèm khát đến bải hoải. Sự vạm vỡ săn chắc ấy chỉ có thể về trong mơ. May mà mẹ có con. Đêm trăng mười sáu ấy là minh chứng. Sự nhớ buộc phải pha loãng ra”.

Đêm nào mẹ cũng kể chuyện với Mai. Không là chuyện của ngày xưa thì sẽ là những câu chuyện bố vừa kể với mẹ. Bố kể với mẹ thế nào trong thư thì mẹ sẽ kể lại với Mai như thế. Rằng chỗ bố đóng quân có cây bàng vuông. Là cây bàng thôi, hệt cây bàng trước cổng làng mình nhưng quả lạ lắm. Quả hình lục lăng, có góc có cạnh. Đáy quả bằng phẳng, lại hình vuông. Chắc vì thế mà người ta gọi là cây bàng vuông. Hoa thì to như bàn tay đang xòe ngón, thơm vô cùng. Bố đang tìm cách nhân giống. Rồi bố sẽ mang cây về làng mình trồng. Bố sẽ hái hoa bàng vuông cho con gái cài tóc. Tóc con gái bố phải dài như tóc mẹ. Sẽ thơm hương bàng vuông. Lá bàng thì có thể dùng để nấu nước tắm. Bộ đội trên đảo nếu không tắm nước lá bàng thì đã chết vì ghẻ trước khi chết vì súng đạn. Con biết không. Mẹ hình dung ra tiếng cười của bố lúc đó. Chắc bố đang vui. Bố còn kể. Bố thường bị mất ngủ vào những đêm tròn trăng. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh mẹ ngập trong trí não. Hương tóc vương vít rõ ràng như thể cầm nắm được. Đôi lúc sự nhớ nhấn chìm bố, biến bố thành kẻ yếu đuối. Đôi ba lần bố khóc nhưng bố phải ghìm chặt lại. Bố sợ đồng đội biết được. Họ sẽ cười bố hèn. Nhưng con biết không, đồng đội của bố chắc cũng thế. Họ cũng phải ghìm chặt nỗi nhớ của họ. Những giọt nước mắt âm thầm. Những tiếng nấc lặng im. Tiếng súng kéo họ về với thực tại. Rồi sẽ ổn thôi con. Chiến tranh sẽ hết. Bố sẽ về sớm thôi. Mẹ con mình sẽ phụ bố trồng cây bàng vuông quanh làng. Chỗ hàng rào ngày xưa bố phá của ông ngoại chắc phải trồng vài cây cho bõ tức. Ông ngoại thương bố lắm. Trước lúc mất còn dặn dò mẹ vững lòng đợi bố. Mẹ đã hứa với ông, hứa với lòng mình. Cuộc đời mẹ đã thuộc về bố rồi, chỉ có cái chết mới chia lìa được thôi.

Mẹ hứa là mẹ làm, Mai không lay chuyển được gì cả. Năm Mai vào cấp ba, thầy Phú lặn lội 20 cây số đạp xe mỗi ngày chỉ để nói với mẹ rằng một phần cơ thể của thầy cũng ở chiến trường. Thầy mang ơn người nằm xuống. Thầy muốn cùng mẹ con Mai đi nốt đoạn đường còn lại. “Cái chết thật quá. Rồi sẽ phải chia lìa hết thảy, em bằng lòng đi. Tôi chờ em.” Mai nghe được thầy nói với mẹ rất nhiều lần câu này. Kiên nhẫn với từng lần quay lưng của mẹ. “Tôi sẽ ở bên em suốt đời, sẽ lo cho Mai đến ngày học đại học. Bằng không thì tôi cũng một mình”. Mẹ lặng lẽ bước qua ánh mắt như đan như cột của thầy Phú. Thầy hứa là thầy làm. Lời hứa của người lớn rắn như đá tảng. Thầy coi Mai như con, rón rén đỡ đần những việc mẹ muốn làm nhưng bất lực. Không còn cảnh ngỏ lời vụng về tha thiết nữa. Không còn cảnh quày quả quay lưng lạnh lùng nữa. Thầy làm sao biết được lời hứa của mẹ. Hằng ngày Mai thấy hai khối đá tảng bằng lặng lướt qua nhau.

- Qua đồi cát kia là hết khu vực tập kết mộ rồi, em còn muốn gì nữa.

Ánh mắt Lục bao dung, kiên nhẫn. Nắng nhuộm làn da Mai thành mầu nâu đỏ. Lục với tay bẻ mấy cành bàng vuông che nắng. Nắng chiếu qua lá bàng xanh, rọi vào Mai thứ ánh sáng trong trẻo. Mồ hôi lấm tấm mặt người, nụ cười Mai nhẹ nhõm.

- Em sẽ không tìm nữa, sẽ lặng yên để bố ở lại với đồng đội. Em biết mẹ rất buồn. Nhưng không sao, em sẽ tìm cách dỗ mẹ. Em muốn mẹ chấp nhận sự thật rằng thân xác bố đã hòa vào cát bụi nơi này nhưng linh hồn bố mãi mãi theo mẹ con em.

Lục cố gắng giữ vẻ bình thản nhưng trong lòng reo vui âm thầm. Gió biển mặn mòi vị muối. Những tán bàng vuông xanh rối rít. Lục gỡ mấy sợi tóc bết vào trán Mai cười hiền từ.

- Mình về thôi.

Mai đâu biết được rằng, từ ngày gặp những trải lòng của Mai trên Facebook, bài viết nào cũng đau đáu nguyện vọng tìm mộ bố, dưới mỗi bài viết còn đính kèm những tấm hình chụp lá bàng vuông thúc giục, Lục đã nhủ lòng phải làm được gì đó cho Mai. Lục tra cứu biết bao nhiêu hồ sơ, tập hợp biết bao nhiêu thông tin từ cấp tỉnh đến cấp huyện cấp xã để tìm ra đơn vị bố Mai đóng quân. Lần tìm đồng đội để xác định trận địa cuối cùng của bố. Những người lính già trầm tư nhìn ra phía biển nhớ về từng bóng hình đồng đội của mình. “Không có mộ riêng cho từng người đâu con, tất cả được gom chung về một chỗ. Lúc lấp miệng hố, người ta còn thấy bức thư chưa kịp bóc trong túi áo, mấy hạt bàng vuông rơi ra từ túi quần… Không đứa nào nghĩ được đó sẽ là trận đánh cuối cùng cả. Khi đã lặng tiếng máy bay thì người sống đi tìm người chết. Không có thời gian chôn cất, cũng không có nước mắt để khóc. Máy bay quần thảo liên tục. Những miệng hố lấp vội vàng. Chúng nó đã sống cùng nhau rồi chết cũng cùng nhau vậy đó con”.

Sống ở đảo gần 20 năm, Lục thuộc nằm lòng từng ngôi mộ ở đây, những ngôi mộ có tên hay không tên đều là mộ gió. Lục biết thế nhưng vẫn nuôi hy vọng. Lục đã giấu Mai hành trình đi tìm mộ từ hy vọng le lói được nhen lên trên mảnh bạc có hai chữ CONCO.

Ơn trời là Mai đã chấp nhận. Bố và đồng đội bố sẽ ở lại đây cùng nắng gió nơi này. Những hạt bàng vuông bén cát rồi tự mình thắp lửa xanh cho đảo. Bố chưa trồng được cây bàng vuông nào trong vườn nhà ông ngoại thì Lục sẽ trồng. Lục hứa. Mai đã biết rồi đấy. Lời hứa của người lớn nặng như đá tảng..

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Tất cả vang lên, dâng lên và đẹp tựa một bản tình ca cho con người. Thế gian quá mênh mông và câu chuyện như ngọn gió thổi không bao giờ ngừng qua năm tháng. Những đau đớn, mất mát bởi chiến tranh không bao giờ mất đi. Nhưng không phải những vết thương lòng ấy vẫn chảy máu mà đã biến thành những viên ngọc. Cả câu chuyện là quá trình một vết thương lòng biến thành ngọc. Tất cả còn nguyên vẹn. Và tôi muốn tìm đến vùng biển ấy để ngồi lặng lẽ nghe gió thổi, sóng vỗ và nhìn xuống những ngôi mộ. Lúc này, những suy tưởng về đời sống con người mỗi lúc một sáng tỏ hơn trong tôi. Nó làm cho cuộc sống trên thế gian này đáng sống như thế nào. Cám ơn nhà văn Nguyễn Hồng. Lúc này tôi muốn khóc. Mà hình như tôi đã khóc.