Thằng Cư hét toáng lên từ ngoài cổng làm Mư giật mình đứng dậy. Đợi nó vào sân, Mư hỏi lại. Thật không? Thằng Cư mắt một mí, tóc vàng hoe, chớp mắt, tiu nghỉu. Đùa tí mẹ cũng tưởng thật. Mư để cây kim và chiếc áo thêu dở xuống gùi, đứng dậy, vươn vai, nhân tiện nhìn xuống con đường vắng vẻ giăng đầy ánh nắng và tiếng chim sẻ ríu ran.
Pó đã ở rừng về, khẽ khàng ngả bó nứa thẳng tắp óng ả vào mái bếp, đưa cái túi lưới có ba con chuột rừng đang ra sức giãy giụa cho thằng Cư. Không có khách thì Pó vẫn đi chặt nứa, chặt tre về đan gùi, vẫn đi bẫy chuột rừng làm thức ăn. Nậm Sài ở cách phố cả ngày đường đi bộ, nhưng vì Nậm Sài đẹp nên khách vẫn đến thăm thú. Là trước đây thôi, còn giờ vắng tanh. Cả một vùng núi mênh mông vắng lặng chứ không riêng bản Sang. Hôm trước, sốt ruột quá, Mư gọi điện thoại cho cô chủ nhiệm hợp tác xã thổ cẩm. Cô ấy bảo đang bị ốm chưa về bản được. Cô ấy động viên chị em cứ thêu thùa may vá, cứ đan lát đi. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi dọn dẹp nhà cửa, làm sạch làm đẹp sân vườn, làng bản, đường đi. Du lịch cần thời gian để phục hồi. Rồi sẽ có khách quay lại. Mư thấy mông lung lắm. Cả thế giới bị ốm. Nhiều nơi người ta vẫn còn ốm nặng, thì làm gì có ai tới cái bản xa xôi hẻo lánh này chứ. Bệnh xong rồi mà ai cũng vẫn kêu than mệt mỏi, chán chường. Nhưng mà, đấy là Mư nghĩ trong lòng thôi chứ không nói với ai. Nói ra thì các chị em bỏ thêu hết. Không làm gì, chỉ đợi bông lúa ngoài ruộng chín, cắt về ăn thì cũng chả ăn được bao nhiêu mà hết. Gọi là hợp tác xã, nhưng mà gốc cây nhà ai người ấy ngồi, thèm nói chuyện với nhau mà không được nói.
Nhà Mư có ba đứa con đang ăn, đang lớn như ba con ngỗng. Con Sao mười tám, con Sa mười sáu và thằng Cư mười hai tuổi. So với những nhà khác ở bản thì nhà Mư ít con. Những lúc bệnh dịch, những nhà ít con sợ lắm. Nỗi sợ hãi hình như có trong lòng tất cả những người mẹ dù không bao giờ họ nói ra. Đẻ ít cũng sợ, đẻ nhiều cũng sợ. Nhất là đàn bà Xá Phó, tộc người vốn thua thiệt nhiều bề, trong đó có cả bề cơm áo.
* * *
Sần Sì Pó vót xong bó nan thì mặt trời đã tót lên ngọn cây vầu, ở đó, nhí nhảnh nhìn xuống bản làng bằng muôn ngàn tia sáng mà ai muốn nhìn phải lấy tay che mắt. Cây rừng mùa này thưa lá nhưng dày tiếng chim. Giống quả rừng cũng đang từng ngày chín. Pó phủi bụi bám trên quần, đi ra phía bể nước. Thằng Cư xách túi chuột đi theo bố. Nó treo túi chuột lên cái cột tre gần bể nước rồi lèo nhèo. “Bố à, nhà mình có ăn Tết không bố? Hình như con ngửi thấy mùi Tết rồi đấy”. Miệng nói nhưng mắt thằng Cư nhìn chằm chằm vào gói xôi nếp và ống thịt chuột, ai đó treo trên vách, ngay bên dưới cửa sổ. Pó cũng nhìn thấy gói cơm nếp ấy từ lúc sáng sớm ngủ dậy và ngạc nhiên là bây giờ vẫn còn ở đó. Hồi xưa, Pó không tán tỉnh mẹ bọn trẻ như thế này. Pó không treo xôi đỗ đen, thịt chuột trên vách. Pó cũng không tốn công làm những quả cầu lông gà để thử lòng Mư. Vì ngày ấy, do mai mối mà thành vợ chồng.
Pó trêu con trai. Mùi Tết là mùi xôi đỗ đen và thịt chuột nướng à? Anh vừa phải thôi. Đi vào nhà đem hết dao cùn ra đây. Thằng Cư chỉ chờ có thế, nó chạy tót lên hè. Ngay chỗ gói cơm và ống thịt chuột treo trên vách có giắt một con dao nhỏ hay dùng làm thịt chuột và những con thú nhỏ. Nó mân mê đặt ngón tay trỏ lên gói xôi, ấn mạnh một cái, giọng đầy vẻ nuối tiếc: “Vừa sáng nay nóng bỏng tay, giờ đã lạnh ngắt như cơm ma”.
Sao chạy từ trong bếp ra, giật phắt tay thằng em khỏi gói cơm nếp. “Mày ăn cơm ma bao giờ mà biết lạnh. Đừng có động vào cơm của người ta”. Thằng Cư giật mình rụt tay lại. “Không cho ăn thì thôi”. Pó làm bộ hỏi han: “Cơm nếp của ai đấy hả? Để đến trưa là hỏng đấy. Bao nhiêu mồ hôi công sức mới làm được hạt gạo”. Sao nhìn bố, nhấm nhẳng. “Bố ăn cơm của người ta thì đi mà lấy người ta. Con không lấy”. Pó té nước mài dao, không quay lưng lại, bắt bẻ con. “Thế bố hỏi con gái lớn nhé. Nếu con không đồng ý cho nó bước chân qua cổng kia, thì làm sao nó dám đem cơm, đem thịt vào tận vách mà treo nào?”.
Sao sững người trước câu hỏi của bố, đuối lý. “Bố đi mà hỏi mẹ ấy. Ai bảo mẹ vay tiền người ta làm gì”. Pó dịu giọng. “Bố đùa thôi mà. Tại bố đang thèm có con rể để nó mài dao, nó làm thịt chuột cho uống rượu đây”. Nói thế nhưng trong lòng Pó bắt đầu rợn rạo. Tất nhiên không phải là niềm vui rồi. Pó biết những thứ treo trên vách nhà kia là của thằng Chơn. Những thằng trai Xá Phó tuổi đôi mươi ở bản này, đứa nào đến gần cổng nhà, Pó đều biết cả. Chơn với con Sao, con Sa là anh em con bá con dì. Bản này, xưa kia, con của chị em gái vẫn lấy nhau để ruộng nương đất cát không rơi vào tay người khác. Ngày xưa, người Xá Phó rất ít khi cho con cái kết hôn với người ngoại tộc. Bây giờ thì khác. Thật lòng là Pó không thích lấy thằng Chơn làm rể dù nó là đứa trai ngoan ngoãn, chăm chỉ. Nhưng mà làm thế nào cho đỡ mất lòng chị gái và anh rể đằng vợ mới là khó. Không khéo còn mất luôn cả chị em.
Nắng mùa đông hiếm hoi, còn không đủ khô một tấm vải vừa nhuộm. Mẹ vẫn miệt mài thêu dù cả cái hòm gỗ của mẹ đầy váy thêu mà chưa có người của hợp tác xuống trả tiền để đem váy đi. Sao lại gần mẹ, ngồi xuống một cái ghế gỗ con, thò tay vào cái giỏ mây xinh xắn nhặt ra những hạt cườm mầu trắng tung qua lại, rủ rỉ. Mẹ à, bọn con lớn lên bên cạnh nhau, sống tốt với nhau bằng cái tình cảm máu mủ ruột thịt. Bố mẹ bảo con uống nước ruộng con cũng uống. Bố mẹ bảo con cắt lúa bằng dao dựa con cũng cắt được. Nhưng con sẽ không lấy Chơn đâu.
Những mũi kim của Mư bắt đầu chệch choạc vì ánh sáng cuối ngày đã chìm xuống thung lũng và còn bởi những câu nói của đứa con gái lớn. Như thế là rõ ràng rồi. Nó sẽ không đồng ý để cho người lớn sắp đặt chuyện chồng con. Mư thu xếp đồ thêu bỏ vào gùi, hai mẹ con cùng đi vào sân. Căn nhà hơi tối vì cái giàn đỗ leo rậm rạp. Kể từ khi không còn thu nhập thêm từ việc bán hàng thủ công, nhà Mư chỉ bật điện khi cần thiết. Bữa tối sẽ ăn trên thềm nhà trong ánh sáng hắt ra từ căn bếp cũng đủ soi rõ mâm cơm. Mư nửa muốn cho con gái bước ra khỏi bản, ra khỏi cái vòng luẩn quẩn tù túng để đi tới những miền đất rộng đẹp hơn nơi này. Nhưng nửa lại sợ. Sao như con chim chưa đủ sức bay được những chặng dài, mà cuộc sống xa lạ bên ngoài rất nhiều cạm bẫy, nhỡ con có bề gì, cả họ ngoại họ nội sẽ trách tội Mư.
Cả nhà đang quây quần bên mâm cơm thì chị Mo, là mẹ của Chơn đến. Trong họ Lý, chị là người khấm khá nhất. Dù hai nhà không cách nhau bao xa nhưng mỗi lần chị sang nhà em gái là đều có việc quan trọng. Chị Mo tiến sát lại mâm cơm, nhìn một lượt từ bát đến nồi. Gói cơm và ống thịt chuột vẫn treo lủng lẳng trên vách. Ánh mắt chị tối sầm lại. Chị nhìn thằng Cư rồi nói như ra lệnh. Thắp điện lên chứ. Ăn uống mà tối tăm như thế này à? Hỏng hết mắt đấy. Đáng mấy đồng tiền điện đâu mà bố mẹ mày tiết kiệm quá. Mà cái nhà này lạ thế, không ai mời mình ăn cơm à?
Thằng Cư vội vàng đứng dậy chạy vào nhà bật cái bóng điện gần phía cửa. Con Sao đi vào bếp lấy thêm một cái bát và một đôi đũa. Mư đứng dậy cầm tay chị gái kéo chị ngồi xuống ghế, bên mâm cơm chỉ có duy nhất một bát canh măng nấu chua và đĩa cà xanh xào ớt làm thức ăn. Trước khi ngồi xuống mâm, chị Mo với tay lấy ống thịt chuột và gói cơm đỗ đen. Tự tay chị mở gói cơm, chia đều vào các bát rồi nói. Chê người nhưng đừng chê cơm. Cơm không có tội. Chị mở nút ống nứa, dốc ra mâm những miếng thịt chuột nướng chín và giục mọi người ăn. Mo chậm rãi nói. Chị sang đây là vì chuyện cháu Chơn. Nếu không vì chờ đợi con bé Sao đến lúc đủ tuổi thì anh chị cũng đã cưới vợ cho nó từ hai năm trước rồi. Nhà thì quá nhiều việc, anh chị đều bị đau lưng, nên cũng không chờ thêm được nữa. Chỉ muốn cưới dâu về để đỡ đần việc nhà. Thằng Chơn năm nay hai mươi mốt, cứng cáp rồi. Chị nói trước thế để các em thu xếp cho cái khoản anh chị đã giúp, để còn lo việc cho cháu vào Tết này. Nói xong chị Mo đứng dậy, nhanh chóng rời đi không để vợ chồng người em gái thanh minh hay khất nợ câu nào.
Cả hai vợ chồng Pó nhìn chằm chằm vào mặt con gái lớn bằng ánh mắt chứa bao nhiêu căn vặn thắc mắc. Sao nói đầy vẻ hối hận. Nhẽ ra con phải nói luôn với bác Mo là con không thể làm con dâu bác, nhưng con im lặng để bố mẹ có thêm thời gian mà kiếm tiền trả cho nhà bác. Và bác ấy hy vọng. Pó và Mư tái mặt nhìn nhau. Thằng Cư chạy đi tắt điện. Mọi người nói chuyện bằng mồm chứ có bằng mắt đâu mà cần sáng.
Sao lững thững ra sân. Bước qua cái cổng làm bằng hai cây vầu bắc ngang là chạm vào cánh đồng đang rì rào trong gió. Trời đêm cuối năm, bản Sang rất lạnh. Sao bước trên con đường mòn chạy loằn ngoằn nối bản với cây cầu treo bắc qua suối. Lâu lắm rồi Sao không xuống cầu treo vào buổi tối. Nhưng hôm nay, Sao cắm cúi bước đi như thể có điều gì đó thôi thúc. Đến khi Sao ngẩng đầu nhìn sang bên kia dòng suối thì bắt gặp một dải sáng lung linh từ những căn nhà người ta dựng trên sườn núi cho khách lưu trú qua đêm. Lại gần hơn, Sao còn nghe cả tiếng người cười đùa và tiếng ai đó hát. Tim đập thình thịch như cối giã gạo. Bao nhiêu lâu rồi, đèn không sáng ở những căn nhà ấy. Hai năm trời đằng đẵng dịch bệnh, thi thoảng Sao mới nhìn thấy bóng một vài người ở đó. Mới đây Sao còn thấy cỏ mọc vào tận chân cầu thang. Hoa nở không ai xén tỉa. Dây leo phủ kín mái nhà và buông xuống hiên từng chùm hoa vàng rực.
Lấy hết can đảm, Sao bước qua cây cầu để đi về phía ngôi nhà gần nhất. Sao gặp một người phụ nữ trung tuổi đang đứng ngắm nghía gì đó cạnh chiếc bể cá ngoài trời, nơi có gắn một vòi phun nước tự động mà bất cứ đứa trẻ con nào ở bản này nhìn thấy cũng mê mẩn. Sao tiến lại gần người phụ nữ cất tiếng chào. Người phụ nữ giật mình quay lại, nhìn Sao chằm chằm hỏi:
- Cháu tìm ai à?
Sao lí nhí:
- Cháu tìm anh Hải ạ. Cô là mẹ anh Hải phải không?
Người phụ nữ sững người giây lát rồi trả lời:
- Cô làm việc ở đây thôi. Thế cháu có hẹn trước với Hải không? Hải tận trên nhà số ba, chỗ cao nhất kia kìa!
Sao đứng im lặng một lúc, ngập ngừng:
- Thật ra là anh Hải hẹn cháu từ ba năm trước rồi. Lúc mới làm cái khu nhà này và cháu đang học lớp 9. Anh ấy bảo cháu lớn nhanh lên anh đợi!
- Trời đất ơi, sao cháu có thể tin người khác dễ thế. Bọn con trai thường trêu những cô bé mới lớn như thế. Sự thật là chúng nó sẽ lấy vợ và sinh con trước cả khi cô bé ấy đủ mười tám tuổi...
Sao sững người:
- Anh Hải lấy vợ rồi à cô? Anh lấy vợ rồi thì không cần cháu nữa ạ? Cháu cũng đủ mười tám tuổi rồi mà, còn thừa hai tháng!
Người phụ nữ hoang mang thật sự, rút điện thoại trong túi ra, vừa bấm vừa hỏi “cháu tên gì”. Sao nghe tiếng cô ấy nói rất rõ ràng: “Đi xuống nhà lớn luôn nhé, có một bạn gái tên Sao đang đợi”. Cô ấy tắt điện thoại và bảo Sao nếu không bận gì thì đợi Hải mười lăm phút. Sao hồn nhiên:
- Một trăm năm mươi phút cháu cũng đợi được cô ạ!
Người phụ nữ ân cần hỏi:
- Có việc gì quan trọng mà cháu cần gặp Hải thế? Đêm hôm, con gái đi xuống nơi này không hay đâu, tí cô bảo Hải đưa cháu về.
Sao lắc đầu:
- Cháu tự đi được mà. Cháu đang rất cần tiền cô ạ. Một số tiền rất lớn, gần mười lăm triệu, để giúp bố mẹ cháu trả nợ.
- Ô, thế cháu định gặp Hải để vay tiền à? Hay Hải nợ nần gì cháu?
- Không, anh Hải không nợ nần gì cháu, cháu cũng không vay. Hồi trước cháu còn định bỏ học để xin anh Hải cho vào đây làm việc. Anh Hải bảo cháu cứ lớn nhanh lên anh ấy đợi, phải đủ mười tám tuổi anh mới nhận. Mẹ cháu thì không cho cháu đi làm xa.
Người đàn bà thở như trút ra khỏi ngực một hơi dài:
- Ôi trời ôi, sao từ đầu cháu không nói luôn thế! Cô có thể nhận cháu vào làm ngay ngày mai mà. Sau dịch bệnh, khách chọn dịch vụ mà cô không dám nhận nhiều vì thiếu nhân viên đấy. Cô đau tim vì cháu mất thôi!
Vừa lúc ấy, Hải đi từ trên nhà xuống, dù chiếc áo phao to sụ và cả cái mũ trùm lên đầu nhưng Sao vẫn nhận ra anh Hải luôn. Sao gọi mà như reo lên. “Anh Hải ơi, em đây”. Hải nheo mắt nhìn Sao từ đầu đến chân. “Sao hay Sa nhỉ? Lớn quá, anh chịu không nhận ra đấy. Thế đã lấy chồng chưa?”. Sao thật thà. “Có người muốn lấy nhưng em không lấy chồng sớm đâu. Em muốn làm việc”.
* * *
Sao không biết nói thế nào cho hết nỗi vui mừng. Thế là sáng ngày mai Sao đi làm. Làm ngay tại khu tổ hợp ăn uống nghỉ ngơi của nhà anh Hải. Sao đi như chạy về nhà, thấy Sa ngồi chống cằm gật gà trên thềm đợi chị. Sao sung sướng hét lên. Dậy đi. Vào nhà thắp điện lên, bên núi đang có khách đấy, đông lắm. Thấy tối quá họ lại tưởng cả bản ta còn ốm, họ không sang mua thổ cẩm đâu. Thắp lên đi!
Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Một truyện rất ngắn mà chứa đựng quá nhiều: phong tục lạ của một dân tộc, câu chuyện hôn nhân của một cô gái mới lớn, mối quan hệ của những chị em gái, một gói xôi và gói thịt chuột treo trên vách nhà, cái công tắc đèn bật lên rồi lại tắt, những chiếc váy thổ cẩm, một cuộc hẹn hò đã lâu đầy mơ hồ và khó dự đoán, sự ngóng đợi những người khách phương xa, tâm trạng dằn vặt của từng con người trước các sự việc...
Các chi tiết có vẻ rời rạc ấy lại dựng lên đầy đủ đời sống của một bản nhỏ trên vùng rừng núi xa xôi tưởng như tách biệt khỏi thế giới rộng lớn bên ngoài. Nhưng đến khi tiếng kêu của nhân vật Sao ở những dòng cuối cùng của truyện ngắn vang lên: “Dậy đi, vào nhà thắp điện lên, bên núi đang có khách đấy. Thấy tối quá họ lại tưởng bản ta còn ốm...” thì cả khu bản đầy bóng tối chợt bừng sáng. Bao câu chuyện về đời sống ở bản được giấu trong hẻo lánh và bóng tối ấy được soi tỏ. Một sự sống mãnh liệt trỗi dậy. Văn học thật huyền diệu. Chỉ từng ấy chữ cùng với sự điều khiển của nhà văn đã làm cho những điều bé bỏng ở một bản xa xôi không ai biết đến trở nên lớn lao bởi thông điệp về sự sống mà nó chứa đựng.