Sống trong đời sống...

Trong buổi chiều ấy tôi đã rời xa

Bấy giờ tôi còn trẻ lắm, mới chỉ ngoài hai mươi. Quả là bây giờ tôi có thể nhớ rất nhiều thứ xảy ra chung quanh nhưng lại không nhớ khi hai mươi mấy tôi đã nghĩ gì về cuộc đời. Có lẽ là chẳng nghĩ gì mấy. Đời còn quá dài mà. Người ta sẽ chẳng phải bận tâm gì quá khứ, hiện tại và cả tương lai khi thời gian còn tràn trề phía trước.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | LÊ THIẾT CƯƠNG
Minh họa | LÊ THIẾT CƯƠNG

Tôi hầu như ở trong các chuyến đi. Những chuyến đi dài đằng đẵng. Một chiếc ba-lô to trên vai, máy ảnh đeo lủng lẳng phía trước, mũ lưỡi trai ở trên đầu, chân đi giày vải. Mỗi tháng bọn tôi được ở thị xã tỉnh lị chừng một nửa thời gian, nửa còn lại là ở trên núi. Trên những con đường ngoằn ngoèo từ xa chỉ nhìn thấy trăng trắng, len lỏi vào trong những xóm, thôn chỉ vài nóc nhà, dầm mưa lạnh trên con đường mòn chỉ rộng chừng nửa mét, bên này là ta bên kia là họ.

Tôi nhớ đứa bé ấy.

Có một điều rất khó lý giải là trong những hồi ức sâu sắc của tôi, tôi thường ghim vào những người già và lũ trẻ con. Có lẽ họ là nhóm người mà bằng mọi cách, tôi luôn cố gắng không bao giờ làm tổn thương dù vô tình. Họ cũng là nhóm người khiến tôi luôn yên lòng khi tiếp xúc.

Lại nói về đứa bé.

Tôi nhìn thấy nó khi vừa cúi đầu qua cổng bước vào nhà ông trưởng thôn. Nó ngồi ở góc sân, đang lúi húi làm thịt một con gà trong cái chậu nhựa lấp xấp nước. Hai con gà khác loanh quanh bên cạnh. Đứa bé trai chừng bảy, tám tuổi, mặc một cái áo len đã thủng mấy chỗ và một cái quần cộc trên đầu gối. Nó làm thịt gà rất chăm chú.

Tôi chưa từng thấy đứa trẻ nào làm thịt một con gà chăm chú đến vậy. Đã vặt sạch lông, mổ bụng và trong chậu chính là mớ lòng gà lèo phèo. Nó dùng chiếc cật nứa để xiên ruột gà. Mùa này cả cao nguyên thiếu nước trầm trọng. Trung bình một tháng người ta mới đi tắm giặt một lần. Cả nhà đi, xuống chân núi, tắm gội, giặt giũ váy áo, phơi đầy một triền núi rồi ngồi đó đợi khô mang về. Mỗi lần đi tắm giặt như vậy hẳn phải sửa soạn lắm. Phải dẹp hết cả bao nhiêu công việc lại mà đi ấy chứ.

Thằng bé không ngẩng lên khi tôi hỏi nó học lớp mấy, như thể đang bận rộn quá không thể trả lời được. Từ trong hiên nhà, mẹ nó, đang lấy đậu tương từ trên dây phơi xuống, nói vọng ra: Đang đòi bỏ học về lấy vợ đấy. Ông bố, chắc gần bốn mươi tuổi cười cười: Theo anh nó đấy mà. Hóa ra, anh thằng bé sắp cưới vợ. Thằng anh mười sáu, thằng em lên mười. Mười tuổi mà bé tí. Dù sao, ở nhà lấy vợ cũng sướng hơn đi học. Trong đầu nó chỉ nghĩ đơn giản thế thôi.

Tôi ngồi trong nhà nhìn ra, chỉ mong nó làm nhanh nhanh con gà rồi đi vào cho đỡ rét. Cái rét ở trên núi cao toàn đá là đá thật khó tả sao cho thấu đáo. Rét một cách tàn nhẫn và quyết liệt, như thể không muốn cho bất kỳ cây cỏ nào ngóc lên, không muốn bất kỳ con người nào nở nụ cười. Đã thế, lại còn chẳng có đủ quần áo mà mặc.

Cuối cùng thì thằng bé cũng làm xong việc, một việc quan trọng. Mẹ nó bắc nồi lên kiềng, thả con gà vào luộc. Lòng thì thái ra để xào măng. Rau cải cắt ngoài vườn về để nấu canh bằng nước luộc gà. Một bữa tiệc thật sự, tôi đoán vậy qua cái vẻ trịnh trọng của thằng anh khi bê đĩa thịt gà bốc khói nghi ngút từ bếp lên.

Không thấy thằng bé đâu.

Tôi hỏi mẹ nó. Người mẹ tầm ngoài ba mươi tuổi trả lời:

- Nó không ăn đâu.

Thằng anh nói đế thêm:

- Nó buồn quá mà.

Bà mẹ lẩm bẩm:

- Buồn cái gì mà buồn. Con gà chỉ là con gà thôi.

Thằng anh gắp một cái đùi, quả tim, buồng gan vào cái bát, bê ra đầu hồi.

Tôi đi theo nó. Thằng bé em ngồi dựa lưng vào tường trình, mặt còn hơn cả buồn. Thằng anh đưa bát thịt gà, nó quay đi. Thằng anh nói thế nào cũng không ăn thua bèn bê bát thịt đi vào.

Tôi ngồi xổm trước mặt thằng bé.

- Sao không ăn thịt gà? Ngon thế mà.

Nó lắc đầu.

- Thương con gà quá à?

Nó mím môi lại. Tôi hỏi khẽ câu nữa:

- Phải không?

Thằng bé bật khóc. Nước mắt nó tuôn ra như suối, y như thể tôi vừa cầm cái kim chọc vào túi đựng nước mắt của nó.

Nhà nó chỉ có ba con gà, hai con mái, một con trống. Hai con mái đẻ trứng được mẹ nó giữ lại, mổ thịt con trống. Nhưng con gà trống ấy lại là bạn thằng bé. Nó chẳng có gì chơi ngoài con gà. Mỗi ngày nó đi một bước thì con gà theo một bước. Đến trường cũng cắp nách mang theo. Mẹ nó nhất định bắt nó phải làm thịt chính con gà ấy. Thằng bé có lẽ đã nhịn khóc suốt từ lúc nhúng con gà vào chậu nước sôi...

Tôi cảm thấy mình sụp xuống khi hình dung lại lúc trước thằng bé ngồi làm thịt gà, một cách đặc biệt cẩn trọng và tỉ mỉ.

Có lẽ trái tim nó đã rạn vỡ rồi.

Có lẽ nỗi đau đớn dày vò đã quá tải trong tâm hồn nó.

Tôi ngồi lên hè, sát bên cạnh nó. Tôi không biết nói gì. Mẹ nó chỉ đơn giản là không thích một đứa con trai quá yếu đuối mà thôi. Bà ấy ghét sự yếu đuối, có lẽ vậy...

Tôi đưa cho thằng bé một tờ tiền, nói hãy mua một con gà trống khác về nuôi nhé. Nó lắc đầu.

Khóc xong rồi, nó ngồi đăm chiêu nhìn xuống thung lũng phía trước mặt. Dưới đấy trống không một mầu đá xám, thảng hoặc lơ thơ vài đám cỏ dại gầy guộc. Tôi bị ám ảnh bởi vẻ đăm chiêu của một đứa bé. Hai vai gầy của nó buông xuôi. Mắt khô ráo sau cơn mưa nước mắt. Môi khẽ mím và trán nhăn lại. Những ngón tay bé xíu vẫn còn ám mùi của con gà bị làm thịt đang bấu bấu vào hai ống chân.

Tôi gần như bị mất khả năng ăn uống hai ngày sau đó. Những bữa cơm trên đường của tôi và đồng nghiệp thời kỳ đó hầu như là ở các trường học, với các thầy, cô giáo; hoặc bộ đội biên phòng. Thỉnh thoảng lắm mới vào nhà dân, đúng ra là vào nhà cán bộ xã, thôn như nhà thằng bé ấy.

Tôi không gặp lại nó sau này.

Rất khó để gặp lại một đứa bé ở trong một bản Mông nằm tít trên núi cao. Có lẽ chỉ vài năm sau đó nó đã kịp lấy vợ. Kể cả chưa kịp làm người lớn thì cũng đã kịp làm chồng rồi. Làm chồng một đứa bé gái khác.

Khi tôi viết cuốn Người yêu ơi thì thằng bé bất giác trở lại trong tâm trí tôi. Nó đi thẳng vào và ở lại trong nhân vật Hầu Mí Quả. Tôi đã cố lý giải hành vi bắt thằng bé phải làm thịt chính con gà mà nó yêu quý nhất ấy của người mẹ, sau hơn hai thập kỷ, khi tôi cũng đã làm mẹ. Thằng bé Hầu Mí Quả ấy cuối cùng cũng làm thịt được con gà, đương nhiên rồi, và tưới đẫm con gà trong nước mắt.

Hầu Mí Quả là thằng trai Mông si tình đến mụ mị, băng qua nỗi đau mất người yêu để sống tiếp, sai lầm khi lấy một người con gái làm vợ để mong lấp đầy cái hố đen sâu thẳm trong lòng mình. Sai lầm thêm lần nữa khi muốn kéo theo cả Sùng Pà Say xuống cái hố ấy. Hầu như tất cả các nhân vật trong cuốn sách ấy đều sống một cuộc đời đầy những sai lầm.

Sai lầm của người nọ làm suy kiệt tâm trí cảm xúc của người kia, gây ra những đau đớn liên hoàn và triền miên. Mà cuối cùng, thứ người ta mong đợi nhất, là tình yêu, thì nó đã trôi theo dòng sông mất rồi. Còn trên bờ thì người nọ cứ mải miết đuổi theo người kia.

Phải chăng, mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời đều nhất thiết phải băng qua những sai lầm? Để đến cái điều gọi là đúng đắn, sẽ phải đi trên con đường trải bằng vô số những sai lầm, đổ vỡ, ân hận, nuối tiếc. Thế mà có thể chưa chắc điều tưởng là đúng ấy đã đúng thật. Người mà tôi muốn gặp lại nhất, không phải cậu bé, mà là bà mẹ. Có thể tôi sẽ có được từ bà ấy một bài học nào chăng?

Trong cái buổi chiều mưa bay mù giời ẩm ướt tột độ và lạnh giá như băng ấy, tôi cảm thấy thằng bé đã biến thành một người khác. Mỗi lần gặp một cậu bé Mông tôi lại nhớ đến nó. Có lẽ nó đã trưởng thành rồi, làm bố từ lâu rồi.

Không biết tôi có nghĩ quá đi không, nhưng tôi cảm thấy không phải thằng bé mà chính là mình đã rời xa con gà và trong lòng mình từ đấy có một khoảng trống bất lực không cách nào lấp đầy.