Những người đã được chọn

1 “Không được gục ngã!”

Ngay cả trong giấc mơ, Diên cũng nghe thấy những thanh âm ấm áp đó.

0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | Đào Hải Phong
Minh họa | Đào Hải Phong

Đó là tiếng vọng từ trên cao xanh, hay từ tiềm thức, vang trong trí não cô. Có thể tiếng vọng thoát từ trong lồng ngực mềm mại, nơi trái tim đập bền bỉ và nhẫn nại. Hay trong không gian, nơi vũ trụ cao vời vợi, xa thẳm mà gần gũi, hiện hữu mà bí ẩn.

Trong giấc mơ hoang hoải, cô thấy mẹ đang tất tả quang gánh chuẩn bị cho buổi chợ cá sớm.

Mẹ rất đẹp. Vẻ đẹp thuần khiết Á Đông. Vẻ hiền dịu. Vẻ nhẫn nại. Chịu thương chịu khó.

Cô bíu lấy cái quang gánh. Mẹ mỉm cười dịu dàng:

“Con à, lau nước mắt đi. Biết sao con tên Diên không? Là ba con dặn đó. Đẻ đứa đầu trai gái gì cũng tên Diên, đứa sau tên Hồng. Diên Hồng, là chí khí trong lịch sử nước mình. Ba kể khi đi học rất mê môn Sử...”.

“Để mẹ ngồi lại một lát kể con nghe câu chuyện của nhà Phật. Ngày xưa, trong thành Xá Vệ (1) có một người rất giàu có...”.

Cô bật dậy khỏi giấc mơ.

Mẹ cô giờ đã ở miền xa lắc.

Đứng dậy, bằng động tác thanh thoát, khẽ kéo tấm rèm cửa sổ. Ánh mắt cô hướng ra màn đêm đen thẫm của một mùa thu đang bắt đầu trở lá. Những ánh đèn mờ ảo hắt ra dọc dải cát ven biển nom lúc này mờ mờ trong đêm như dải lụa, cái bờ cát đã gắn bó với cô, đã trở thành chứng nhân cho cuộc dấn thân mà ngay từ đầu cô biết, sẽ đầy gian khó, đầy nghiệt ngã.

Cả một xưởng đóng tàu nằm im, bên ngoài nhìn vào gần như không chút động cựa. Gần cả tháng nay, chỉ manh mún vài hợp đồng sửa chữa lặt vặt. May là trận đại dịch không thể nuốt chửng cuộc sống của bao gia đình. Nhưng cũng khiến cho họ lao đao vì việc đi biển của ngư dân trễ nải, tàu thuyền cũ nát không thể ra khơi, cũng không có tiền sửa chữa hay đóng mới. Ngân hàng đã cho quá nợ gần năm trời...

Tấm ảnh cha chụp cùng đồng đội treo trên tường đang mỉm cười nhìn cô. Cha khi ấy còn trẻ lắm, lính tân Hà Nội nhưng cũng đã đi bộ qua cả dãy dài Trường Sơn vào đến đất này. Mẹ khi ấy cũng còn trẻ lắm, như cô bây giờ, được đưa vào tổ quân y. Bác Năm là tổ trưởng tổ quân y, mà mọi thành viên chỉ mới được học qua về sơ cứu, riêng có bác Năm là học xong bằng Y sĩ ngoài bắc, rồi được đưa trở về quê hương. Họ vừa làm vừa học. Bác Năm trở thành thầy giáo dạy cứu thương.

Bác Năm kể:

“Đâu riêng tau mê mẹ mi. Cả anh chàng Tân, bạn cùng phố cùng tiểu đội với ba mi cũng mê. Mà Lai chỉ có thể chọn một người... Lai đẹp quá. Gái miền biển mà trắng bóc. Mi giống mẹ nhưng cũng pha cả ba”.

Rồi bác Năm lại kể:

“Ba mi kể ra cũng xếp hạng đẹp trai nhất tiểu đội, cái tiểu đội có nhiệm vụ bổ sung cho lực lượng tàu không số đó con. Tau là đàn ông mà nhìn hắn còn thấy mê. Ba mi, cái anh chàng Thành tốt duyên ấy thổi kèn harmonica rất hay. Ông tướng Tân thì có tài lẩy mandolin. Tổ quân y có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho lực lượng đóng quân bí mật, kiêm cả lo bữa ăn cho họ. Khi có vẻ yên yên, cả nhóm chui xuống hầm, ca hát vui lắm. Mẹ mi hát Từng đôi chim bay đi khá hay, nhưng giọng hơi run. Hai người bọn họ, người thổi kèn, người lẩy đàn đệm cho người mình thương hát. Dưới hầm bí mật, mà cứ từng đôi chim bay đi...”.

Bác bảo, “thương ba mẹ mi quá. Thương con tàu không số với bao anh em hy sinh. Nhưng dù sao mẹ mi cũng được trông thấy ít ngày hòa bình. Còn ba mi... khi ấy trẻ quá. Lẽ ra sau chuyến đi ấy sẽ tổ chức đám cưới cho hai người. Lai mắc bệnh cũng do thời chiến kham khổ, chồng hy sinh, có thai mi mà vẫn phải chạy cấp cứu thương binh, mới đẻ mi ra chưa đầy nửa tiếng vẫn phải dậy cấp cứu khâu vết thương cho anh em. Đến lúc hòa bình rồi, ai cũng nghèo quá, bác lại lo công việc trên tỉnh, không thường về thăm được...”.

Giọng bác nghèn nghẹn.

Cô chọn cái công việc này, ngay từ khi quyết định chọn ngành học thạc sĩ, dường như cũng là ý sắp đặt của bác Năm.

Cô như nhìn thấy trong màn đêm lung linh bí ẩn kia, từ phía những ánh sáng phản quang lấp lánh của mặt biển, vô vàn ánh mắt của bao mẹ già, bao thiếu phụ với lớp lớp con trẻ đang hướng về cô chờ đợi và hy vọng. Cô nhìn thấy bao nhiêu cánh tay trẻ trung, ngập ngừng và thấp thỏm, những cánh tay thấp thoáng trên sóng biển, chấp chới như những cánh buồm, quyết dấn thân với những niềm tin trong trẻo dũng mãnh của tuổi trẻ, những cánh tay mạnh mẽ ấy đang dang về phía cô, đợi chờ và hy vọng.

2 Cuộc ký kết diễn ra trong sự đợi chờ và hy vọng.

Công ty CP Thành Lai trúng thầu dự án đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân. Công ty CP Tân Nam trúng thầu cung cấp máy thủy. Hai công ty tiến hành ký kết hợp tác.

Giám đốc Công ty Tân Nam - cũng là tên của anh, có gương mặt của một du học sinh mới bước qua mấy trận đại dịch, về nước và xuất hiện thoáng chốc trên một kênh tin tài chính về số cổ phiếu được sở hữu trong một đại gia đình có số má đất Hà thành.

Trúng thầu rồi, nhưng thực tế diễn ra không đơn giản.

Thư ký, nom cũng ngang hàng tuổi với giám đốc, báo cáo:

“Một số ý kiến ngư dân thể hiện, họ rất muốn sở hữu tàu vỏ thép, vỏ composite hiện đại, vững chãi để sản xuất thuận lợi hơn nhưng họ không dám đăng ký triển khai vì lo ngại giá trị kinh tế thu được sẽ không cao sau khi con tàu hoàn thành đi vào hoạt động, nhất là trước thực tế không ít tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động kém hiệu quả, gặp rắc rối như thời gian qua...”.

Nam nheo mày:

“Rắc rối ra sao?”.

“Dạ, ở bên huyện Bình Thành, xảy ra chuyện. Khi tàu vỏ thép đang được đưa ra khỏi cầu Mân, thì bị chết máy và phải nằm bờ đến nay. Chủ tàu có đơn kiện hai công ty đòi bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố. Nhưng liên quan vốn vay ngân hàng khá rắc rối, thưa giám đốc”.

Nam khoát tay:

“Mới trúng thầu, nghĩ đến chiến thắng đi. Làm lại logo cho dự án, lấy chữ V làm nét chính. Bên Thành Lai thì sao?”

“Giám đốc Thành Lai nghe nói con liệt sĩ đó anh”.

“Con liệt sĩ thì sao?”.

“Cũng là con cưng của ông tỉnh”.

“Đẹp thế. Ở đâu mà chả là cưng. Đàn bà con gái, đẹp như hoa hậu, lại chủ xưởng đóng tàu thép. Tôi bắt đầu tò mò về cô ta đấy”.

Thư ký nói khẽ :

“Thú thật, tôi cũng rất tò mò. Mà... hình như cô ấy hơn sếp hai tuổi”.

Nam cười:

“Thế thì sao? Tôi chưa bao giờ nghĩ đến tuổi tác với những người đặc biệt. Cậu có thấy cô ta đặc biệt không?”.

Thư ký không trả lời câu hỏi của sếp. Anh ta lẩm bẩm:

“Nhưng cũng có nghĩa là chúng ta phải làm thật...”.

“Cậu nghĩ tôi làm giả à? Bố trí cho tôi cuộc gặp riêng đối tác nhé. Trên bờ biển buổi chiều muộn, chỉ hai người, càng sớm càng tốt”.

3 Giám đốc Tân Nam bay về Hà Nội.

Đêm qua mẹ anh gọi điện hớt hải:

“Làm gì thì làm, bỏ đấy cho cấp dưới lo, bay về ngay đi con. Bố con đột quỵ đang nằm viện. Con vẫn biết thi thoảng bố con bị như vậy. Do sức ép của bom đạn ngày trước”.

Anh không kịp tìm Diên để bàn tiếp việc hợp tác hai công ty.

Mấy hôm trước, buổi tối, hai người ngồi trên bờ biển bàn công việc. Nói là bàn công việc mà Công ty Tân Nam bố trí chỗ ngồi như kiểu đôi tình nhân con nhà. Cả bãi biển được trả chỗ, bao thầu, trống trơn không bóng người. Đèn nến lật phật trước gió biển tạo thêm vẻ huyền ảo dữ dội có phần kỳ quái với một vùng biển chỉ quen cá mú tanh tao, không quen có hội đèn, nến thơm và hoa rải khắp lối ra cái bàn trắng tinh rộng rênh. Không biết anh chàng thư ký kiếm đâu ra cái bàn khi kê ra liền thấy như là đóng cái bàn cho cuộc gặp gỡ hòa ước này vậy.

Diên cũng không phải một cô gái chỉ biết quê biển gian khó. Cô được tỉnh cho đi du học ở Anh 5 năm. Mang về mấy cái bằng, đến bác Năm cũng không rõ lắm gồm những bằng gì. Chỉ biết có một bằng thạc sĩ về tàu biển. Vậy là quyết định giao cho cô cái xưởng đóng tàu với hơn trăm công nhân.

Diên thấy đèn nến và hoa, hình dung ra anh chàng công tử du học ở Mỹ về chắc quen ngồi đâu cũng rải thảm như vậy. Nên cô bình tĩnh ngồi xuống cái ghế bọc nhung mầu trắng dành cho mình.

Nam chẳng có vẻ nịnh nọt gì đàn bà con gái xinh như mộng ngồi đối diện kia.

Anh đi luôn vào chủ đề chính của buổi tha lôi tỉ mỉ từng centi cảnh sắc này.

“Tôi không thích làm việc với phụ nữ đẹp. Tôi thích làm việc với người thông minh. Vì với tôi, công việc cụ thể mà chúng ta đang hợp tác ở đây không chỉ đơn thuần là hoạt động kinh doanh, không chỉ là tiền, vì công việc liên quan và vùng đất này, với tôi, là máu và nước mắt của cha tôi cùng đồng đội của ông”.

“Cha anh?”.

“Phải. Cũng xin nói để cô biết, đây là quyết định của riêng tôi. Cha tôi không hề biết tôi bay vào đây kiếm việc làm”.

Diên im lặng, như để ngẫm ngợi điều gì. Lát sau cô mới lên tiếng:

“Cha anh cũng từng vào đây sao?”.

Nam nhìn ra biển. Anh nói như cho chính mình nghe.

“Cha tôi là lính của đội tàu không số. Người bạn thân nhất của cha tôi đã hy sinh trên đất này. Cha tôi... cũng từng yêu một người ở đất này...”.

Sau đó hai người bàn công việc.

Họ thỏa thuận và thống nhất các điểm hợp tác.

Nam không biết trong suốt buổi bàn bạc công việc, dù rất thông minh và thấu đáo, không bỏ sót khi trình bày những vấn đề cần thiết, Diên nhìn anh như kiếm tìm lời giải đáp, về câu chuyện của một người cũng ở đội tàu không số như cha cô. Không biết hai người họ từng gặp nhau hay chưa, hay khi cha cô hy sinh rồi thì người cha của Nam mới được bổ sung về đây. Còn người mà ông yêu cũng trên đất này. Bà ấy nay ở đâu? Mà sao cô cứ ngờ ngợ trên gương mặt anh một gương mặt nào đó quen thuộc, như là cô đã thấy anh ở đâu đó.

Hay mình gặp anh ấy trong mơ nhỉ? Cô mỉm cười với ý nghĩ đó. Mà, sao nghĩ ngợi gì thế, đối tác công việc thôi. Nghĩ quá làm gì về họ. Quan trọng nhất là việc cung cấp máy thủy phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, phối kết hợp đúng luật, đúng quy trình vay vốn, giải ngân của ngân hàng...

Ôi bao việc. Công nhân sẽ không bị thiếu việc làm. Còn phải lo chỗ ăn ở cho công nhân, giảm thiểu việc đi lại, bảo đảm cách ly khi dịch chưa dứt...

Hóa ra anh ấy đâu phải một kẻ chỉ dựa vào cái thế mạnh của người cha đại gia. Đi du học cũng bõ công đấy chứ. Nom anh ta thư sinh công tử vậy mà nói như một triết gia. Anh ấy nói gì nhỉ? “Kinh doanh, là luôn suy nghĩ làm tốt hơn trong vai trò người trung gian giữa nhà cung cấp dịch vụ và nơi đang cần dịch vụ đó”. Nhưng sao đã vội bênh thế. Còn phải đợi xem anh ta làm ăn ra sao đã. Không nên tin mật ngọt Diên ơi. Hàng trăm người, mấy chục gia đình đang trông chờ vào mi. Hàng chục con tàu đang đợi thành hình hài để ra khơi.

Ngồi trên máy bay, Nam lòng nóng như lửa đốt. Từng phút trôi qua với anh như cả thế kỷ.

Bố ơi, bố nhất định phải khỏe. Rồi con sẽ đưa bố về thăm lại vùng đất ấy. Mộ bác Thành ở đâu, con sẽ cùng bố đến thắp hương cho bác ấy và các bác đồng đội của bố.

À, mà cũng lạ. Vùng này lạ thật đấy. Ngày xưa bố yêu thầm một người. Con thì cũng gặp một người rất lạ. Một cô gái mảnh mai trước biển...

4 Báo chí đưa tin:

“Nhiều tàu cá chạy vào bờ tránh siêu bão Rai đang đổ bộ. Nhưng đến thời điểm chiều 18 tháng 12 đang có 11 tàu cá với hơn 100 ngư dân ở xã N, thành phố Q dựa trên hướng đi của bão đổ vào Biển Đông để chạy né. Họ né ở đâu? Giữa biển, ngay đường eo cong cong mà bão sẽ chuyển hướng, tọa độ 18 độ, 63 phút vĩ độ bắc - 117 độ 30 phút kinh độ đông, ngoài quần đảo Hoàng Sa”.

Diên vén ống quần nhảy qua mấy đụn cát ướt.

Đêm qua mưa đổ xối xả xuống. Là thứ mưa báo bão. Cả vùng trắng xóa nước. Mặt biển đen ngòm, như có đôi mắt thù hận nhìn xoáy vào đất liền.

Cô chạy ra biển như muốn hụt hơi. Trong số 11 tàu cá đang né bão có năm con tàu là thành quả sự hợp tác của hai công ty và sự phối hợp vốn vay của ngân hàng. Cả đội tàu nhổ neo ra khơi khá hùng mạnh.

Hôm trước Nam nói gì nhỉ?

“Trong ngàn ngàn người qua lại trên đại lộ, chỉ có một vài ai đó đứng lại để sửa ngay ngắn một viên gạch lát đường bị lệch. Trong ngàn ngàn người chỉ đứng dưới chân núi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao vời tít tắp trên đỉnh núi, có một vài ai đó can đảm leo lên tới đỉnh, để chinh phục chính sức mạnh của mình; để cho nhân loại thấy con người có thể chế ra những chiếc máy bay, bay cao xa gấp ngàn ngàn lần cánh chim; con người có thể lặn xuống đáy biển sâu để tìm ra những kho tàng châu báu giấu dưới tầng tầng lớp lớp thủy sinh...

Họ là những người được chọn. Hay họ là những người biết tự chọn con đường đi cho chính mình để dấn thân vì mục đích cao cả”.

Anh rất sòng phẳng khi kể về mình cho đối tác yên tâm:

“Tôi là một đứa trẻ được sinh ra lớn lên sau năm 1975, nghèo khó, ăn luôn vỏ trứng gà vì thiếu canxi. Khi lớn lên ám ảnh về cái nghèo nên quyết tâm làm giàu. Trên chặng đường đó tôi chợt nhận ra những ranh giới của khát vọng làm giàu, không cẩn trọng sẽ mất cảnh giác, sa đà vào lòng tham. Vì tuổi thơ nghèo khó được mọi người giúp đỡ nên tôi luôn ghi nhớ những tấm lòng nhân ái. Việc kinh doanh của gia đình tôi thành công. Mỗi năm gia đình tôi đều dành 20% lợi nhuận ra giúp người nghèo, trẻ em cơ hàn, cũng như tránh xa lối kiếm tiền tranh giành mưu mẹo lừa lọc...”.

Cô đứng dưới bầu trời đang rú rít từng cơn gió bão, nhìn ra khơi xa.

Cô nhớ đến bài hát mà bác Năm hay nhắc.

“Từng đôi chim bay đi. Tiếng ca rộn ràng. Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân.

Gửi lời chim yêu thương...”.

Những con thuyền dũng mãnh sẽ trở về thôi. Hãy cứ vững tin. Họ đã biết neo thuyền tránh bão. Siêu bão Rai được thành hình từ đâu? Hãy để chúng ta được làm bạn với biển, dù bão tố phong ba, những chiến binh dũng mãnh luôn mang trong mình khí chất Diên Hồng.

5 Hôm đó, Nam đứng ngây người trước tấm ảnh chụp cha Diên với đồng đội, được treo trang trọng ngay bức tường tay phải bàn thờ nhà Diên. Rồi anh chỉ tay lên tấm ảnh, nói như bị hụt hơi.

“Sao Diên lại có tấm ảnh này? Ảnh... của ai đây? Có... có bố tôi... Bố tôi là người đứng bên trái đây này”.

Diên nhìn theo tay chỉ của Nam.

Rồi cô quay sang nhìn anh. Trời ơi, cô nhận ra rồi. Nom anh có nét hao hao người trong ảnh. Là chú Tân bạn bố, mà bác Năm hay chỉ từng người gọi tên từng người trong ảnh.

“Cuộc sống hiện tại không giống như cổ tích, nó có quy luật riêng của nó, vì thế nếu bạn đã đọc những trang đầu thì hãy tiếp tục đi đến kết thúc, đừng để điều gì dở dang”.

Bỗng nhiên Diên nghĩ đến câu nói này.

Không nhớ của ai.

________________

(1) Một thành cổ ở Ấn Độ, kinh đô của vương quốc Kosala và là một trong sáu đô thị lớn nhất Ấn Độ thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni sống.

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Trong cuộc sống, chẳng có gì ngẫu nhiên. Tất cả giá trị hôm nay đều bắt nguồn từ quá khứ. Câu chuyện mà nhà văn Võ Thị Xuân Hà như một minh chứng cho điều ấy.

Cả hai nhân vật chính trong câu chuyện đại diện cho một thế hệ mới của người Việt. Họ là những đứa con của những người lính đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Sinh ra sau chiến tranh, được học hành ở những nước tư bản nên tư duy và cách nhìn thời đại của họ đã thay đổi. Nhưng có một thứ không hề thay đổi trong họ, đó là sự trung thực, tình yêu đất nước và sự dâng hiến; là dòng máu Việt kiêu hãnh mà các thế hệ ông cha đã truyền cho họ. Câu chuyện đã làm cho chúng ta yên lòng và tự hào khi nghĩ về thế hệ trẻ của đất nước hôm nay.