Ấm áp như nước

Trời mưa đã mấy hôm liền không dứt. Mưa phùn dày hạt. Không khí ẩm ướt rất khó chịu. Quần áo cất trong hòm lấy ra vẫn thấy ẩm ẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | LÊ ANH VÂN
Minh họa | LÊ ANH VÂN

Hiên chấm bài xong đứng dậy ra bếp, định xem cơm nước thế nào thì thấy Hoài ngồi đó, sau lưng là đứa bé đang ngủ trong địu. Hoài đang hong mấy cái quần áo trẻ con bên bếp lửa cháy bập bùng. Quần áo giặt cả tuần không khô. Người lớn cố gắng nhịn thay đồ được nhưng trẻ con thì chịu. Bé Sim con Hoài tè suốt ngày. Hoài lại tiết kiệm nên lúc nào địu con lên lớp mới đóng bỉm cho bé, còn hầu hết là xi tè. Xi thì lúc kịp lúc không, suốt ngày thay quần.

Hiên ngồi xuống phía đối diện, giúp Hoài kiểm tra mấy cái quần áo phơi trên sào giăng chung quanh bếp. Chốc chốc lại lật cái phần ẩm hơn về phía ngọn lửa.

Điểm trường này chỉ có Hoài với Hiên. Hiên mới lên được hai năm, Hoài thì luân chuyển từ trường chính vào ba năm rồi. Chồng Hoài cũng là giáo viên, dạy ở điểm trường, cách chỗ mẹ con Hoài sáu, bảy cây số. Bình thường nắng ráo thì chạy vèo cái là tới, nhưng mưa triền miên thế này, đường toàn ổ trâu lại trơn nhẫy, mỗi lần sang thăm vợ con là anh ấy cất xe máy đi bộ. Vì đi bộ có thể leo tắt qua mấy ngọn núi, quãng đường chỉ còn non nửa, mỗi tội toàn dốc.

Giờ đã là tháng mười một. Sắp hết năm đến nơi.

Hiên cầm dao, xỏ ủng, đội nón ra vườn cắt mấy cái lá cải vào nấu bữa trưa. Cô hỏi Hoài:

- Hôm nay anh Đại có sang không chị?

Hoài lắc đầu:

- Không đâu. Bên ấy có đám cưới trong bản, chắc giờ này say bí tỉ rồi.

Hẳn rồi. Đám cưới người Mông làm to lắm. Ăn mấy ngày chưa xong.

Vườn chỉ có rau cải. Hiên có cắm xuống ít củ hành nhưng chắc lạnh quá chẳng lên được. Rau cải thì chỉ cần làm sạch đất, quãi hạt ra là mọc lên bời bời. Thỉnh thoảng học sinh lại mang đến cho ít phân trâu khô. Bón phân trâu thì nhiều cây cao cả mét. Một cái lá cũng nấu đầy bát canh. Vừa cắt rau Hiên vừa nghĩ tới món bắp cải cuộn thịt của mẹ. Mẹ băm thịt với mộc nhĩ, nấm hương, hành lá, trộn trứng, mắm, tiêu, mì chính. Trần lá bắp cải qua nước sôi cho mềm rồi lấy làm vỏ, quấn kín thịt vào trong, buộc bên ngoài bằng một cọng hành lá. Ôi chao, khi những miếng bắp cải cuộn thịt ở đáy nồi hơi xem xém chúng tỏa ra một mùi thơm mà ông anh của Hiên thường bảo là “điếc cả mũi”.

Ở đây không trồng được bắp cải. Rét quá không lớn được. Hiên nhớ mẹ quá.

Tiện qua máng nước, Hiên dừng lại rửa rau luôn, từng tàu một thật sạch. Cái máng nước này năm nay mới có. Nó được dẫn vòng vèo bằng ống nhựa theo mạch nước từ tít trên núi dài cả cây số về đến tận điểm trường. Dòng nước nhỏ tí nhưng quý giá vô cùng. Hai cô giáo không còn phải đi bộ trầy trật xách nước bằng can nhựa về dùng nữa.

Vừa rửa rau Hiên vừa nhớ đến gương mặt Khải. Chả hiểu sao cô cứ hay lẩn thẩn thế. Lúc nào cũng nghĩ một cái gì đó. Dạo này gương mặt Khải xuất hiện hơi nhiều trong tâm trí cô.

Em bé vừa thức giấc, Hoài cởi địu và luồn một tay ra sau, vèo một cái đã đưa con ra trước cho bú như làm xiếc. Mỗi khi nhìn thấy Hoài làm động tác ấy Hiên lại giật thót. Cô cứ có cảm giác chỉ cần Hoài sểnh tay một cái là đứa bé sẽ rơi tọt xuống đất. Tất nhiên chưa bao giờ có chuyện ấy. Hoài thường cười khúc khích khi nhìn vẻ mặt Hiên. Hoài bảo, khi trở thành mẹ của một đứa trẻ người ta có thể làm được những việc mà trước đó không bao giờ nghĩ rằng bản thân có thể làm được.

Rồi thế nào Hoài cũng nhắc khéo Hiên một câu về việc nên lập gia đình. Hiên đã hai sáu tuổi rồi. Tuổi ấy mà về quê thì ế chắc. Mà ở trên cái miền núi cao heo hút này thì...

Hoài thường bỏ dở câu nói. Hoài với Hiên thân nhau y như chị em gái. Cảm giác như giữa hai người không có một chút khoảng cách nào. Mỗi tháng hai chị em trích lương ra bỏ vào một cái vỏ hộp bích quy bằng sắt. Tất cả các khoản chi tiêu chung đều lấy ra từ đó mà chẳng cần ghi chép sổ sách gì cả. Hết lại cùng bỏ vào một khoản như nhau. Hoài bảo mai kia con bé lớn lên, phải ăn cơm thì Hoài sẽ bỏ nhiều hơn. Hiên nói như mắng, chị không cho em làm dì của nó à? Lại cười.

Cái điểm trường này có từ lớp 1 đến lớp 3. Mỗi lớp chỉ có dăm bảy đứa. Hiên dạy lớp ghép 1 và 2. Hoài dạy lớp còn lại. Có mấy đứa học sinh thôi mà hai chị em khốn khổ với việc duy trì sĩ số vì cứ sểnh ra cái là chúng lại bỏ học. Mùa hè còn đỡ chứ mùa đông rét mướt chúng ngại dậy, cứ ngủ lăn lóc ra. Bố mẹ thì đi nương từ sớm, kệ con cái. Nhiều bố mẹ cũng chả thiết tha gì cho con đi học.

- Đi học cũng ăn ngô mà không đi học cũng ăn ngô, vậy thì học làm gì?

Khi Hiên đến nhà vận động bố mẹ cho trẻ đến trường luôn gặp câu hỏi ấy.

Vận dụng đủ thứ lý lẽ cũng không lại với cái lý người Mông. Có lần, Hiên đến thì nhà mới thịt con trâu ngã gẫy chân, cỗ bàn ê hề. Chủ nhà bảo cô giáo uống được năm chén rượu ngô thì mai cho con đi học. Hiên uống chắc hết chén thứ hai thì lăn ra góc bếp, ngủ khò khò bên cạnh mấy bó ngô khô. Xế chiều mới thức dậy vẫn thấy người ra người vào nườm nượp. Mà hay nhất là ngay sát cô là một con... ngựa. Hóa ra trời lạnh quá, người ta thương con ngựa rét nên dắt vào gần bếp buộc cho nó được sưởi ấm. Hiên còn chưa kịp tỉnh ngủ thì giật bắn mình vì con ngựa bất thình lình tè xuống đất tồ tồ, bắn cả vào người cô.

Bà chủ nhà vừa lúc đi vào, cười hở cái răng vàng choé, bảo thôi được, mai cho đến trường, nhưng chắc cô giáo phải đến đón chứ nó không tự đi đâu.

Hiên gật đầu cảm ơn rối rít rồi ì ạch ra về.

Sáng hôm sau Hiên lấy chiếc xe máy cà tàng của Hoài đi đón học sinh. Đón được thằng bé rồi, hai cô trò đi ngang bụi tre thằng bé giật áo cô giáo bảo:

- Cô giáo dừng xe cho tao đi đái.

Hiên tưởng thật, dừng xe lại.

Vừa dừng, thằng bé nhảy tót xuống và biến mất luôn sau bụi tre.

Hóa ra nó chỉ giả vờ vâng lời bố mẹ thế thôi.

Hiên đứng ngẩn ra như bị mất cắp dưới bụi tre. Chả có ai trên đời này biết rằng cô vừa bị ngã lúc đi đón thằng bé, bùn ướt sũng từ gót chân tới mông quần. Thế mà thằng bé chẳng thương cô gì cả, nó biến mất tăm mất tích rồi.

Một tuần sau đó lớp của Hiên vắng mặt Vàng Chá Sình, tên thằng bé ấy.

Hiên đến nhà, mẹ nó bảo ngày nào nó cũng đeo túi đi học mà. Nhưng nó học ở đâu thì bố mẹ bận lắm, không đi theo được.

Hóa ra nó cũng đi học thật, mỗi tội không học ở lớp của Hiên mà ở lớp của... Khải. Một điểm trường xa gấp đôi, lại còn phải leo dốc chon von dựng đứng. Nó chỉ thích học thầy Khải bởi vì giờ thể dục thầy không dạy thể dục mà dạy... võ.

Tất nhiên nó làm gì có tên trong danh sách học sinh, nhưng nó cứ nhảy vào ngồi học thì thầy cũng chẳng nỡ đuổi.

Hiên nhờ Hoài trông lớp rồi lò dò leo lên điểm trường của Khải. Y như... lời đồn, thằng bé Vàng Chá Sình với mái tóc đỏ quạch bù xù đang ngồi há mồm ngoài sân nhìn thầy Khải đi mấy đường quyền.

Nhận ra Hiên, thằng Sình lao ra sân ôm chân thầy, khóc toáng lên. Vừa khóc vừa gào:

- Tao không về đâu. Tao thích học ở đây. Tao không về đâuuuu!

Hiên còn chưa thở xong vì leo dốc quá dài, thấy thằng bé gào lên như thế chả hiểu sao cô cũng bật khóc tu tu. Cô với trò không biết ai khóc to hơn, nhưng nước mắt chắc Hiên nhiều hơn. Cô còn chả biết mình khóc vì cái gì. Vì cú ngã đến giờ vẫn ê ẩm mông, vì bãi nước đái của con ngựa non trong bếp bữa trước, hay vì một cái cục gì đó ứ nghẹn ở cổ mà không cách nào đẩy ra được, chả biết nữa. Nhưng có lẽ, cô ngập trong một cảm giác tủi thân cực độ.

Khải đi vào chỗ phòng ở sát với phòng học, lấy ra cho cô một chiếc khăn mặt ướt. Hiên cầm lấy, vừa đưa lên định lau mặt thì vội vàng quăng ra vì nó sặc mùi thuốc lào. Thằng bé chắc cũng sợ nước mắt của cô quá bèn đến gần và rụt rè:

- Thôi cô giáo đừng khóc nữa. Mai tao đi học là được.

Khải nói đế vào:

- Không được xưng tao. Xưng em, nhé! Nhắc mãi sao không nhớ thế hả?

Thằng bé gật nhưng vẫn vớt vát:

- Nhưng tao, à em vẫn muốn học võ.

Khải mỉm cười:

- Được, cuối tuần cho học võ riêng. Nhưng phải đến lớp tử tế. Cấm trốn.

Thằng bé nắm tay Hiên lôi đi:

- Thôi, bọn mình đi về.

Hẳn là “bọn mình”, suýt nữa thì Hiên phì cười khi mà nước mắt còn chưa khô.

Khải với Hiên quen nhau từ đấy. Hoài nói vợ Khải cũng là giáo viên nhưng cô ấy gặp tai nạn trên đường đến nhà học sinh vận động đi học. Núi lở, vùi kín cả người. Họ vừa cưới nhau được hai tháng. Từ đấy Khải chỉ ở trên điểm trường cao nhất, trường đổi cho về trường chính cũng không về.

Hiên cứ nghĩ mãi về nỗi đau ghim trong trái tim Khải. Hiên lẽ ra chẳng lên cái nơi chon von cơ cực này làm gì nếu như không phải để chạy trốn khổ đau. Lúc đầu là thế, rồi dần dần quen, rồi thương, rồi gắn bó. Đến cả mùi phân trâu phân bò cũng thấy quen mũi rồi.

Hôm trước Hiên không đừng được đã chạm tay mình vào tay Khải khi anh bảo cô cùng rửa tay chào mừng cái máng nước mới tinh mà anh vừa dẫn về cho hai chị em. Và mặc dù dòng nước trong veo, dội vào tay lạnh buốt như kim châm, nhưng một điều gì đó thật là ấm áp, thật là gần gũi đã bao phủ lấy cô rồi.