Cơn gió nghiêng

Cánh cửa đã để sẵn không chốt.

0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | HẢI KIÊN
Minh họa | HẢI KIÊN

Vậy mà có kẻ nào lại cứ xô xô đập đập như muốn đạp bung ra.

Rồi đôi giày cao cổ trong cái nóng hầm hập từ ngoài cửa xông vào.

Nam ngẩng lên.

Một gương mặt hung hãn râu ria ngạo mạn đã đứng trong phòng.

Ai như thằng Hưng “phân khối”.

Đúng là hắn.

Thằng Hưng “phân khối” cứ thế nhìn Nam trừng trừng, không có phép tắc lịch lãm gì của một nhà báo.

- Chết tiệt. Là ông đấy à?

Hưng đốp vào mặt Nam câu đó rồi hất cánh cửa đánh rầm để đóng lại.

Chẳng đợi Nam trả lời, hắn lượn một lượn rồi ngồi đánh phịch vào cái bộ salon mịn mát.

Nam ném con chuột, đứng lên lách ra khỏi cái bàn giấy ngồn ngộn tài liệu. Nhưng cứ sững ra.

Hai thằng không lao vào nhau, không ôm chầm nhau như kiểu mấy thằng bạn chăn trâu cắt cỏ ôm nhau trên lưng trâu. Nhưng rõ ràng anh khá vui.

- Mà… là ông sao?

Nam cũng hỏi lại câu ấy.

Họ cùng hồ hởi cùng ngỡ ngàng.

Đàn ông con trai thời nay, lâu ngày gặp nhau thì chỉ có quạt nhau vài câu nhận mặt, đâu có giữ lề lịch sự pha nước mời điếu thuốc lào như các cụ ngày xưa.

Nam bây giờ cũng đâu phải là Nam của ngày xưa ở làng Khuê Hạ, một ngôi làng cổ có tiếng nấu rượu ngon bậc nhất thành Xương Giang.

Hẳn Hưng cũng vậy. Hắn thành nhà báo rồi.

Trước đó, thư ký báo lên, có nhà báo Hưng Vân xin gặp sếp để viết. Viết gì? Viết về sếp? Sao lắm kẻ ngông cuồng hãnh tiến vậy? Em không biết trả lời họ sao ạ? Cho họ lên gặp tôi xem ngông cuồng đến đâu. Vâng, sếp.

Nam lẩm bẩm một mình. Tên Hưng Vân, chẳng hiểu nam hay nữ. Thời nay lẫn lộn vàng thau lẫn lộn khái niệm. Nhất là mấy ông bà văn nghệ sĩ báo chí, nam nữ thau tháu như nhau cả lượt.

“Ông tính hưởng lợi cái tên rượu Làng Khuê đến bao giờ, hả?”.

“Ông định bóc phốt tôi đấy à? Tôi không vi phạm bất cứ điều gì, nhé”.

Hắn gật. Khẽ cười.

“Tôi là nhà báo Trung Hưng khét tiếng đây. Giang hồ biết mặt biết tên. Chỉ có thứ tham tiền như ông mới không thèm nhìn mặt để nhận ra thằng này là ai”.

“Sao báo lên là Hưng Vân? Ông báo đúng tên Trung Hưng, có khi tôi đi vắng”.

Hắn im lặng. Không tỏ vẻ cáu giận. Khuỳnh chân rồi ngang nhiên gác cái chân mang giày cao cổ đầy bụi lên mặt bàn kính lấp lóa có giá bằng nửa căn chung cư.

Rồi hắn hỏi:

- Ông quên Vân rồi à?

Bỗng chốc cả hai cùng khựng lại.

Im lặng kéo dài.

*

Làng Khuê Hạ không những có tài nấu rượu ngon bậc nhất kinh thành xưa, mà còn có tài giấu rượu lậu. Chỉ trong tích tắc, nếu muốn kiểm soát rượu lậu, thì chỉ còn mấy cái gáo dừa nằm lăn lóc trên nền bếp. Than vẫn đỏ hồng, cho dù là mùa hè. Nhưng không có lệnh cấm đốt than vào mùa hè. Những hầm rượu nằm sâu dưới đất là nơi mà nhà chức trách không thể xăm soi như lũ giặc săm hầm tìm những yếu nhân phản kháng.

Về sau những căn hầm bí mật của mỗi nhà trở thành nơi sinh hoạt ngầm khá thú vị. Có những nhà xây cất căn hầm như một biệt thự dưới lòng đất. Trần vẽ hoa văn và lắp đèn kính rực rỡ. Vách hầm lát gạch vân ngoại hoặc ốp gỗ sang trọng. Về sau nữa người ta làm những phòng hát karaoke, thậm chí còn thu tiền hát chui. Sau nữa, thì về sau cái gì cũng có, từ hút tài mà, các thứ được chế từ chất trắng chết người, đến ổ điếm trá hình. Thi thoảng công an cũng theo dõi bắt được tại trận một vài ổ, khám xét tận ngóc ngách hầm chứa. Rồi mọi việc lại vào nhịp cũ.

Trải bao biến thiên, ngày nay việc nấu rượu thủ công được nới lỏng. Nhờ thế, tệ sinh hoạt đen dưới các hầm cũng đỡ đi. Do tổ chức làng nghề cần bảo đảm giữ được nề nếp làng nghề truyền thống. Tự cai quản bảo ban nhau vẫn là thượng sách. Nhưng rượu làng Khuê Hạ không còn giữ được thương hiệu như xưa. Hoặc do làng đánh mất bí quyết gia truyền. Hoặc do nước sông Khuê đã thay dòng. Vũ trụ thay tầng. Mặt đất xoay trở nứt rạn những li ti vi mạch. Sao nước sông Khuê còn giữ được vị ngọt mát như xưa.

Nam về Khuê Hạ ở với bà ngoại từ hồi học cấp một. Bố mẹ đều đi xuất khẩu lao động. Dù học cấp một, nhưng Nam đã ra dáng một cậu bé thị thành. Nhà bà ngoại có vườn rộng, trồng ổi và xoài. Có cả một góc vườn trồng vải. Đến mùa quả nào cũng phải nhờ chú Phương đến thu hoạch hộ, rồi chú đóng sọt chở ra chợ. Mỗi lần đến, chú đưa theo con bé Vân. Nó ngồi chò hõ trên hè xem bà ngoại Nam chọn phân loại quả đẹp quả xấu. Rồi nó cũng chọn giúp bà. Thi thoảng bà biếu con bé một đôi quả, đấy là cách bà dùng từ cho lịch sự để con bé đồng ý nhận. Còn Nam chỉ thích trèo cây cùng chú Phương. Chú bày cho nó cách trèo cây, bấu chắc hai tay hai chân vào cây như thế như thế rồi nhích lên dần.

Có lần nó trượt tay rơi từ trên cao xuống. Đầu đập vào gốc cây khô, máu chảy lênh láng. Chú Phương lấy mảnh áo bịt chặt vết thương rồi bế thốc nó chạy lên trạm xá xã. Con bé Vân phải ở nhà trông đống xoài vừa vặt chưa kịp đóng sọt. Còn bà ngoại thì chân thấp chân cao chạy theo lên trạm xá.

Vừa đi bà vừa hời:

“Khổ thân thằng cháu dại. Ba hồn bảy vía thằng cháu dại cứ về ở ngoan với bà. Ba hồn bảy vía thằng bố con mẹ khôn nhà này ở đâu thì ngoảnh mặt về mà xoa đầu cho thằng bé. Con gái ơi. Cháu ơi. Bác sĩ ơi cứu cháu...”.

Hàng xóm nghe hời chạy túa theo lên trạm xá như đi xem hội. Trạm làm gì có bác sĩ. Chỉ có cô Nga y tá béo múp nhưng tiêm nhanh như thánh như thần. Nhoáy một cái cô đã chích xong mũi giảm đau rồi mũi kháng sinh gì đó. Nam nằm thiêm thiếp trên giường trạm xá. Thằng Hưng, con cô Nga giật giật vai áo nó:

“Này, mày tỉnh chưa? Tao phải về nhà mày trông cái Vân”.

Nhưng cái con bé Vân ghét thằng Hưng ra mặt.

Có lần Nam hỏi:

“Sao Vân ghét nó?”.

Con Vân hỉnh cái mũi lên.

“Biết được. Ghét thì ghét thôi”.

Cô Nga tuy béo múp nhưng xinh xắn trắng trẻo. Bố thằng Hưng là công nhân trồng rừng tận biên giới nào xa lắm, bị lâm tặc bắn mà chết. Bà ngoại bảo Nam, phải nói là hy sinh. Cô Nga ở góa vậy nuôi thằng Hưng. Chú Phương cũng cảnh gà trống nuôi con. Mẹ cái Vân bỏ đi đâu không rõ. Chú Phương chẳng đi tìm, nhưng cứ đợi. Đợi mãi thì tính hỏi ý cô Nga xem thế nào. Đồng ý thì làm mâm trầu cau báo tiên tổ, rồi chuyển nhà sang nhà chú. Nhưng cô Nga cứ nhất quyết ở góa, bảo chú Phương rằng nếu anh thương tôi thì cứ đi lại. Nhưng tôi chỉ đi làm vợ một lần thôi.

Đám trẻ cứ thế lớn dần lên.

Còn người già thì cũng nào ai níu được thời gian.

Vân trở thành thiếu nữ đẹp nhất làng Khuê Hạ ở lứa của cô.

Nam cũng trở thành chàng trai đẹp lãng tử.

Còn Hưng thì râu cũng đã lún phún. Hắn vừa đi học vừa đi làm thuê cho một quán karaoke ở phố thị. Rồi sắm được cái xe phân khối hiệu Yamaha. Ngoài giờ đến trường, Hưng phóng xe ầm ầm quanh xóm như trêu ngươi đám trẻ trai choai choai. Rồi vù ga bay lên chỗ làm. Hưng có nỗi hận là chưa bao giờ mời được Vân ngồi lên sau xe hắn.

Vân hay sang nhà Nam nhờ cậu giải cho bài toán khó, hoặc chép bài hoặc bàn về bài tập làm văn nào đó.

Nhà chú Phương cũng có hầm chứa rượu.

Ngày trước chú cũng có nấu rượu. Nghe nói rượu nhà chú Phương cất luôn đứng đầu bảng vàng khi có hội làng. Từ ngày cô nhà bỏ đi, chú Phương thôi không nấu rượu nữa. Hỏi thì chú bảo, làm thuê làm mướn chạy chợ cũng đủ kiếm nuôi con. Nhưng chú nói nhỏ với Nam, nấu rượu phải có âm có dương, rượu mới ngấu thấm mà thành những giọt thơm ngon tuyệt đỉnh. Mẹ con Vân có bí quyết nấu rượu, mà thực ra cô ấy khéo lắm, tay cô ấy ủ men rượu thì rượu chỉ có ngọt ngấu nồng đậm. Chứ không phải như mấy nhà có xưởng sản xuất rượu trong làng, mỗi lần ủ men rượu thì cấm tiệt đàn bà con gái đến gần. Chú nói vậy từ ngày còn đang dạy Nam trèo cây, chú nói như nói với những cái cây trong vườn, chứ không phải nói với cậu bé Nam; trẻ nít thì biết gì âm dương, nói ra cho thỏa nỗi lòng khắc khoải nhớ nghề, nỗi lòng khắc khoải nhớ ai kia.

Thi thoảng Vân mở cửa hầm kéo Nam đi theo xuống. Có lẽ ở làng này duy chỉ có nhà bà ngoại Nam là không liên quan dính dáng gì tới nghiệp nghề rượu. Nên Nam rất tò mò háo hức.

Dưới hầm có rất nhiều vò rượu nhỏ được buộc chặt bằng nilon trong có nút chuối, rồi gắn xi xung quanh miệng nút. Căn hầm thơm nức mùi rượu. Vân nói bố cô cũng biết uống rượu nhưng không nghiện. Ông cũng không bán những hũ rượu này, chả hiểu giữ để làm gì.

Nhưng Nam biết. Vì chú có nói với Nam hồi nào, là chú muốn dành dụm của hồi môn cho con bé, chứ không thì chú cất giữ làm gì, chú có bán đi đôi hũ cũng không giải quyết được mấy tiền ăn học cho nó. Nên chú cố gắng đi làm thuê chạy xe thồ hàng chợ. Chỗ rượu ấy là cho con bé ngày chồng nó rước nó đi theo về nhà người ta.

Khi Nam đã là một chàng trai, bước xuống căn hầm này, không thấy choáng ngợp bởi mùi rượu như hồi còn nhỏ được Vân đưa xuống đây. Mà hình như anh choáng ngợp vì điều gì khác lạ, đang len dần tới trái tim trai trẻ.

Hồi còn nhỏ, đi xuống đây chỉ thấy thắp nến. Còn bây giờ chú Phương đã lắp hệ thống đèn điện khá đẹp mắt. Căn hầm như một căn nhà cổ hấp dẫn huyền ảo. Gương mặt Vân hồng sáng lên dưới ánh điện đỏ. Đôi môi cô run run. Ánh mắt nhìn Nam da diết.

Nam thấy tim mình đập liên hồi. Rồi trong một va chạm nhẹ, Nam với tay kéo gương mặt Vân lại gần.

Họ hôn nhau trong ánh sáng lung linh chập chờn, trong thứ hương men say dìu dịu...

*

Hưng chặn Nam ở chỗ ngã ba đê, rìa sông Khuê. Bộ dạng hắn không còn vẻ con nhà. Mắt hắn vằn đỏ.

Hắn quẳng chiếc xe phân khối ra vệ cỏ, nhào đến. Một quả đấm mạnh như quả tạ giáng vào giữa mặt Nam. Máu mũi chảy trào ra, nhiều hơn cả hồi Nam bị ngã đập đầu vào gốc cây.

Nam không đánh lại hắn, mà kéo vạt áo phông đang mặc để chặn và lau máu.

- Mày là thằng bạn tồi.

Hắn gào lên.

- Mày biết là tao yêu Vân đến quên cả thở mà mày vẫn thản nhiên cướp trắng. Mày là thằng bạn khốn nạn.

Hắn lăn xuống cỏ, duỗi dài người thở hồng hộc như bị Nam quật ngã.

Nếu là một thời gian sau đó, chắc Nam sẽ đánh lại hắn, sẽ gào lên như hắn, gào còn kiệt cùng hơn hắn. Rằng mỗi người đều có quyền của mình. Tình yêu không có chỗ cho sự nhường, hay cướp giật hay tranh giành. Tình yêu là tình yêu.

Giá khi ấy bà ngoại chưa mất.

Giá như căn nhà trong làng Khuê Hạ vẫn còn với những trái cây lúc lỉu. Giá bố mẹ chưa về chịu tang bà và bán đi căn nhà ngoại để lại cho mẹ, để lên Hà Nội mua nhà tạo dựng cơ nghiệp ở thành phố.

Giá Vân không tránh mặt Nam...

Nam học xong đại học, thì lấy vợ. Vợ anh là một tiểu thư con nhà, rất đẹp và thông minh. Nhờ nàng, Nam thực hiện được giấc mơ mở công ty sản xuất và phân phối rượu Làng Khuê. Nhớ chuyện xưa, dường như chú Phương đã trao cho Nam bí quyết ủ rượu, anh cùng vợ thí nghiệm thành công những mẻ rượu đầu tiên thật sự có hương vị riêng. Và rồi công ty mỗi ngày một phát triển. Những chuyến hàng tỏa đi khắp nơi, rượu Làng Khuê có mặt trên các giá hàng sáng choang ở các siêu thị lớn. Những cuộc tiếp khách nước ngoài của các cơ quan công sở, người ta đặt mua rượu Làng Khuê bởi nó là loại rượu nhẹ, mang hương vị lúa vàng đồng quê Việt Nam.

Anh chưa bao giờ quên Vân.

Nhưng như cô từng nói khi xưa, ở đời có những chuyện chẳng thể nào giải thích được vì sao.

Anh cũng không bao giờ muốn trở lại làng Khuê Hạ. Có lẽ anh quan niệm rằng, cần phải toàn tâm toàn ý với cuộc sống hiện tại, với người vợ duyên phận của mình.

*

Giờ thì Hưng xuất hiện. Như gợi lại vết thương cũ.

Bỗng nhiên Nam thấy nhói đau.

Hưng không ồn ào như lúc đầu mới xuất hiện. Anh ta ngồi thẳng người, nói rành rọt:

“Tôi đến để xin lỗi ông”.

Nam ngạc nhiên:

“Xin lỗi gì?”.

“Tôi có lỗi với ông. Tôi đã đánh ông, mà hồi đó ông không hề đánh trả, cũng không chửi tôi một câu”.

“Chuyện thời trẻ dại mà ông nhớ dai thế”.

“Không, đâu phải trẻ dại. Tôi còn phải xin lỗi ông một chuyện nữa”.

Nam ngạc nhiên hơn.

“Chuyện gì?”.

“Hồi đó tôi đã đến cầu xin mẹ ông ngăn cản ông. Tôi nói tương lai của ông không phải ở cái làng Khuê Hạ. Ông cũng không yêu Vân như tôi. Rồi mẹ ông đã gặp Vân...”.

Đến lượt Nam bật thẳng người đứng dậy, chồm đến túm ngực Hưng.

“Ông nói sao? Đó là lí do vì sao Vân tránh tôi, đúng không?”.

Hưng ngồi im bất động.

Nam gào lên:

“Ông đúng là thằng khốn”.

Hai người đàn ông ngồi trong im lặng.

Lát sau Nam đứng dậy lấy chai rượu Làng Khuê trong tủ ra, mở nắp rót vào hai chén sứ. Nam đẩy một chén về phía Hưng.

“Giờ cô ấy sao rồi? Ông và Vân...”.

“Không. Tôi vẫn độc thân. Vân không muốn gặp tôi sau khi ông đi. Cô ấy suy sụp. Tôi lao vào công việc. “Những người lười biếng sẽ không bao giờ biết rằng chỉ trong lao động mới có sự nghỉ ngơi” - Marius Grout nói vậy”.

“Vân giờ ra sao?”.

“Vân lấy chồng rồi. Là bộ đội, thương binh bị mất cả hai chân khi đụng độ với bọn buôn ma túy trên biên giới. Cô ấy lên bệnh viện làm tình nguyện viên rồi quyết định lấy người ấy... Cuộc sống cô ấy giờ khốn khó lắm...”.

Nam ngồi im lặng rất lâu.

Hai người chỉ chạm rượu mà không nói lời nào.

Mãi sau Nam thú nhận:

“Đúng là tôi đã không yêu Vân bằng ông. Tôi đã yêu người khác, vợ tôi. Chúng tôi thành công cũng nhờ tôi biết dừng đúng lúc. Nhưng ông biết không, tôi vẫn đau...”.

“Ông hơn tôi ở chỗ ấy. Tôi vẫn yêu Vân. Vì yêu mà tôi ra nông nỗi này”.

“Ông nói sao? Nông nỗi gì? Ông là nhà báo lừng danh, còn muốn gì nữa?”.

“Tôi không muốn lấy ai. Giá ngày đó tôi đúng là một thằng khốn như tôi tuyên bố, thì Vân đã không thoát khỏi tay tôi. Nhưng Vân không yêu tôi. Đó là sự sỉ nhục đối với thằng đàn ông ngạo mạn”.

“Ông vẫn luôn nhầm lẫn. Ông xem cô ấy giờ sống ra sao? Đến đấy đưa đôi tay mạnh mẽ của ông cho cô ấy, kéo cô ấy và người đàn ông kia ra khỏi cái hố đen vật vã. Còn hơn là cứ sống trong hối tiếc. Không lẽ thông minh mạnh mẽ như ông lại không biết cách giúp cho Vân. Ông đi đi. Tôi không tha thứ cho ông, không chịu được cái sự ngạo mạn của ông, nếu như ông cứ lý thuyết hão về đạo đức như vậy. Cô ấy không yêu ông. Đúng vậy đấy. Trước kia không. Giờ càng không. Nhưng ông hãy thương cô ấy thay tôi”.

“Không lẽ số tôi là vậy? Cứ phải cho đi...”

Lúc sau Hưng bỗng nhoẻn cười.

“Ông nói đúng. Tôi phải biết thương cô ấy. Mà... Ông cũng thế thôi. Đồ ngạo mạn”.

Rồi Hưng đứng lên, bỏ đi, không chào một câu, không đóng sầm cánh cửa như trước. Dáng đi khuỳnh khuỳnh. Chân bước như đá xiên ai. Nhưng cái cánh làm báo như Hưng, xiên ai được chứ. Chỉ xiên chính mình.

Nam xa xót nghĩ.

Gió lùa qua cửa sổ, nghiêng nghiêng, và rồi cứ xộc thẳng vào mọi ngóc ngách.

Gió thật ngạo mạn vô chừng.

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Họ sinh ra từ một làng quê nhiều ký ức. Tuổi thơ của họ bên nhau thật đẹp và trong sáng. Nhưng khi lớn lên, mỗi người mang một số phận khác nhau. Tình yêu giữa họ đầy trắc trở. Một ngọn gió cuộc đời thổi vào làm tan tác họ và mang mỗi người đi một phương. Tình bạn rạn nứt, tình yêu tan vỡ. Tưởng họ sẽ mãi mãi xa nhau trong nỗi buồn không thể nào xóa được.

Nhưng khi đi qua những được mất, những vui buồn của cuộc đời thì họ lại bắt đầu đi tìm nhau. Bước ngoặt của câu chuyện bắt đầu từ lúc đó. Và đấy là một trong những nghệ thuật của văn học. Tác giả đẩy người đọc vào nỗi buồn và niềm thất vọng vô bờ, rồi từ nỗi buồn và sự thất vọng ấy đã nhóm lên một ngọn lửa thật ấm áp giữa những con người tưởng mãi mãi rời xa nhau ấy. Và đấy chính là ngọn lửa mà tác giả nhóm lên trong lòng người đọc. Chỉ như vậy, văn chương mới cần thiết cho con người: thắp lên niềm tin yêu cuộc sống ở bất cứ hoàn cảnh nào.