Hoa suối

Cái thuở hai mươi người ta tràn trề sinh lực nhưng lại thiếu sự chín chắn, nói cho cùng thì ít người tính toán được đường đời về sau và tôi cũng vậy.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | PHẠM AN HẢI
Minh họa | PHẠM AN HẢI

Tốt nghiệp sư phạm, khi bạn bè chạy chọt trăm cửa, đứa học giỏi xin ở lại trường, đứa con nhà khá giả xin việc ở một trường danh giá trong thành phố, đứa nghèo thì khăn gói về dạy trường quê nơi mẹ già đang đợi. Còn tôi mộng ước đi đâu đó thật xa xôi mà không ai còn tìm thấy mình. Mang một suy nghĩ chẳng có cơ sở căn cứ gì, rằng thế gian này mình đã quá quen, tôi đâm đơn xin dạy ở một trường vùng sâu vô danh hết sức xa lạ, nơi mà những đứa học trò đang cần một thầy giáo trẻ.

Nữ cán bộ phòng giáo dục huyện đón tôi như một người thân từ kiếp nào, nói: “Trường của anh, thú thật, tôi chưa đến bao giờ. Trường nằm cuối huyện, đi bộ hơn hai ngày đường, qua ba con suối lớn và bốn cái đèo hun hút. Tôi khuyên anh nên suy nghĩ kỹ. Cuộc đời không như giấc mơ trên giảng đường, anh sẽ rất cần cho xứ ấy, chúng tôi cũng cần anh đấy, vấn đề anh có sống được ở một nơi không điện, không nước máy, không thư viện, không điện thoại, không ti-vi? Tôi thấy anh có vẻ là dân mọt sách, lên núi mà mang theo một ba-lô sách, rồi khi anh đọc hết chúng, anh sẽ làm gì trong những đêm dài đầy mưa rừng?”.

Tôi rất bực mình với cô cán bộ phòng này. Tại sao cô ta dội vào tôi gáo nước lạnh trong khi tôi đã đi mấy ngày trời để lên phòng giáo dục xin nhận công tác! Tôi đến đây có phải để hưởng thụ những thú vui thành phố đâu. Mà tại sao cô ấy lại chưa bao giờ đặt chân tới điểm trường do mình quản lý? Thật quan liêu!

Tôi hỏi: “Vậy giờ tôi quay về thành phố sao?”. Nữ cán bộ phòng lắc đầu: “Ý tôi không phải vậy! Tôi chỉ muốn nói rằng có thể sau ba năm, năm năm, mười năm, nếu không có ai lên thay thế thì anh sẽ vẫn dạy ở điểm trường ấy nhé. Nếu anh bỏ việc, sự nghiệp của anh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng”. Cô ta kết luận: “Chúng tôi cần những người yêu vùng đất này thực sự chứ không phải cần một người đang muốn trải nghiệm cảm giác mới lạ, hoặc muốn làm đẹp lý lịch công tác của mình bằng một chuyến đi cơ sở”.

Cuộc đời cần một sự lãng mạn và khi cuộc đời mất đi sự lãng mạn, nó sẽ trở nên tẻ nhạt và tầm thường. Tôi vẫn tin rằng ở điểm trường của tôi có nhiều thứ tốt đẹp và hấp dẫn mà một người chưa bao giờ đặt chân đến đó không bao giờ cảm nhận được. Tôi nói: “Tôi có thể ở đây suốt đời bạn ạ! Tất nhiên là cùng với một tình yêu”.

Người cán bộ phòng giáo dục ấy, sau này trở thành một cán bộ lãnh đạo huyện và tôi không biết cô có lần nào ghé thăm vùng đất xa xôi nhất của huyện hay không? Rằng cô có nhớ tới một thầy giáo trẻ ở nơi cùng trời cuối đất? Nhưng tôi không quên câu nói của cô: “Không phải cuộc hôn nhân bền vững nào cũng xây dựng trên một tình yêu bạn ạ. Tình yêu không phải là thước đo cho tất cả, nó chỉ là gia vị cho cuộc sống và đôi khi người ta vẫn sống tốt mà không cần phải có một tình yêu bằng xương bằng thịt”.

Những ngày đầu tiên ở điểm trường, tôi không sợ những cơn mưa rừng và một cuộc sống mà mọi thứ đều tự tay mình lo liệu, từ lên lớp đến nấu cơm, từ dạy thể dục cho tới tự mình tập thể dục. Tôi cũng không nhớ những quán xá thành phố và những món ăn ngon, đám bạn bè tụ tập cà kê về châu lục, thế giới. Tôi chỉ nhớ về một người. Một người tôi cố đi thật xa để quên đi.

Hà không phải người đàn bà đầu tiên của tôi vì tôi chưa có người đàn bà đầu tiên của mình. Tôi cũng chẳng quen biết và chưa một lần gặp Hà. Tôi không có thông tin gì về Hà nên dĩ nhiên chẳng có kỷ niệm hay ký ức. Một tấm hình một lời hứa hẹn càng không. Tôi có phải người quá lãng mạn?

Trong năm cuối đại học, tôi có một người chị kết nghĩa. Một lần chị tôi nói: “Chị muốn làm mai mối em cho đứa cháu gái, nó rất xinh, rất ngoan hiền, nó là người có thể hiểu em, đem đến cho em hạnh phúc, thậm chí thành công. Cháu chị là người ai gặp một lần chẳng thể quên, càng gặp nhiều càng ngạc nhiên thán phục. Nó xinh gấp mười lần chị và trí tuệ nó hơn chị hai mươi lần. Nó biết đủ cầm, kỳ, thi, họa. Điều quan trọng nhất, khi chị nói qua về em, nó nói em thú vị đấy!”.

Tôi hỏi: “Cháu chị tên gì?”. Chị kết nghĩa đáp: “Cháu chị tên Hà, em nhé”.

Đó là lần đầu tiên và lần cuối cùng chị nói với tôi về Hà. Bất chấp vạn lần tôi kỳ công dò hỏi, chị chỉ chốt có một câu: “Em gặp được Hà không là do duyên của em và Hà thôi. Những gì chị cần giới thiệu cho hai đứa, chị đều nói hết cả rồi. Nó cũng đang rất muốn gặp em đấy”.

Chao ôi, làm sao tôi gặp người mình không biết mặt, không biết địa chỉ, không biết lai lịch. Nàng tìm tôi thế nào khi đến cái tên của tôi nàng cũng chưa được chị kết nghĩa tiết lộ.

Kể từ ngày đó, gặp những người dễ mến, tôi thường hỏi: “Có phải bạn tên Hà không?”. Câu trả lời là: “Không phải bạn ơi!”.

Điểm trường mà tôi dạy học, trên một đỉnh núi cao quanh năm vấn vít mây mù. Cây cối chung quanh chỉ có ngô và đào rừng, xa xa là rừng hoa ban.

Giáo viên cũ của trường, người mà tôi được điều lên thế chỗ, chia tay tôi với lời hẹn gặp lại nhau ở thành phố. Người thầy giáo kỳ cựu ấy có hơn 10 năm ở điểm trường này, anh nói thông thạo tiếng của đồng bào địa phương dù chưa bao giờ mặc quần áo của họ.

“Tôi về xuôi để cưới vợ. Cô ấy nói nếu tôi không về, cô không thể chờ được nữa”. Người giáo viên cắm bản tủm tỉm và có vẻ xấu hổ. Tôi chúc phúc cho anh rồi sử dụng mọi thứ anh dành tặng lại tôi: nồi niêu, xoong chảo, vài chiếc áo bông đã sờn, một chiếc giường đơn đóng bằng gỗ tạp đã xiêu xiêu.

Anh hỏi tôi: “Bạn trẻ! Bạn có người yêu chưa? Người yêu của bạn có thể viết thư cho bạn, nhưng hàng tháng mới nhận được”. Tôi cám ơn anh: “Người yêu của em sẽ không viết thư đâu anh ạ! Em vẫn chưa nói với cô ấy là em đã lên đây”.

Những đứa trẻ của tôi thật tuyệt vời. Tôi dạy chúng tiếng phổ thông và chúng dạy tôi tiếng địa phương. Chúng thường nhầm việc đến trường thành việc được vui chơi thay vì lên nương rẫy hay bế em, nhưng chúng luôn sẵn sàng học cả ngày trong ngôi trường luôn rung lên trong cơn gió mạnh. Dẫu sao những đứa bé ấy là người có học hành cao nhất trong nhà. Ông bà bố mẹ chúng đều không biết đọc. Mọi người kỳ vọng chúng sẽ đem lại sự kỳ diệu nào đó cho đàn trâu, nương ngô, sự diệu kỳ đến từ những cuốn sách lấm lem bùn đất vì trẻ té ngã lúc đến trường. Buổi tối bên bếp lửa, đám trẻ đánh vần bi bô và đôi khi chúng đóng vai tôi, dạy cho bố mẹ biết một vài chữ cái.

Bây giờ, xe cộ đi thẳng lên bản tôi, dừng ở sân trường của tôi. Vào thời tôi lên nhận lớp, chúng tôi chỉ đi bằng đường mòn.

Một phần đường sá gian nan, một phần muốn ăn Tết vùng cao, tôi không về xuôi. Các vị phụ huynh tò mò xem tôi gói bánh chưng. Tôi ăn Tết một mình bởi Tết của đồng bào được tổ chức vào dịp khác.

Thời gian rảnh rỗi, tôi tìm hiểu vài nhạc cụ của đồng bào. Âm sắc của chúng mê hoặc, những giai điệu mênh mang dù phảng phất buồn. Tôi muốn viết vài bản nhạc bởi khi còn sinh viên tôi chơi trong ban nhạc của trường. Nhưng rồi tôi nghĩ việc trở thành nhạc sĩ là quá ảo tưởng. Tôi chỉ tìm hiểu nhạc cụ dân gian vì sở thích.

Người giữ gìn các nhạc cụ truyền thống là một bà thầy cúng. Bà ở trong một cái chòi nhỏ, không giao tiếp với ai. Người ta nói bà có thể nói chuyện với các thần linh, tất nhiên là “nói chuyện” bằng thứ nhạc cụ truyền thống của tộc người.

Thường giáo viên chúng tôi ít khi vào nhà phụ huynh. Họ đi rừng từ ba giờ sáng và trở về nhà khi tối mịt. Tôi sống cạnh bản cả năm mà nhiều người tôi chưa từng gặp mặt. Tôi chỉ thấy bóng họ mờ mờ, thấp thoáng trên đường đi vào nương rẫy lúc còn chưa có ánh bình minh.

Mùa xuân, ghé vào nhà bà thầy cúng để mượn cây đàn của bà, tôi thấy một người con gái thấp thoáng trong nhà bên. Bà cụ nói: “Chồng nó đã về Trời, để lại nó ở đây với núi rừng”.

Cô gái ấy trạc tuổi tôi, với tập tục lấy vợ gả chồng sớm, con của cô ấy đang là học sinh của tôi. Người chồng bị tai nạn giao thông trong một lần hiếm hoi theo chúng bạn về chơi ở thị trấn huyện, cách bản chừng vài trăm cây số.

“Em không có tên. Tập tục của bản em là lấy tên người mất để đặt cho đứa trẻ mới ra đời. Em mang tên của bà ngoại em” - Cô gái nói - “Thầy có muốn vào nhà em chơi không? Nếu thầy không ngại, mời thầy vào ăn cơm”.

Bếp lửa nguội lạnh bỗng dưng đỏ rực lên trong buổi chiều xuân muộn. Bà cụ từ khi làm nghề thầy cúng, không bao giờ còn bước vào nhà mình, dù chỉ cách một cây đào cổ thụ. Bà cứ ở trong ngôi nhà nhỏ xíu ấy, chơi bản nhạc cổ xưa với những lời cầu khấn cho mùa xuân được tốt tươi hơn.

Mâm cơm được dọn ra, chỉ hai món là cơm trắng và măng luộc chấm muối. Không gì trang trọng và quý hơn muối. Tôi tặng cô một lọ muối còn cô thì nói: “Thầy đặt cho em một cái tên cho dễ gọi”. Tôi chần chừ mãi: “Em tên là Hà nhé?”.

Đứa học trò của tôi đi chơi cù về, vô cùng ngạc nhiên thấy mẹ đang ăn cơm với thầy giáo. Nó chẳng biết nên ăn hay nhịn. Tôi bảo nó vào ăn cùng thầy đi. Nó bảo: “Thầy ở lại đây với mẹ à”. Tôi nói: “Theo nguyên tắc, giáo viên không nghỉ lại trong nhà phụ huynh học sinh”. Nó có vẻ buồn.

Ăn cơm xong, hai mẹ con đốt đuốc đưa tôi lên trường. Trường đóng trên đỉnh núi, bản thì nằm bên suối. Trời tối đen như mực, Hà cầm đuốc dẫn đường tôi đi. Nếu lạc, đến sáng cũng chẳng tới được trường đâu. Rừng nguyên sinh xanh ngắt một màu.

Đến trường, Hà bảo: “Ô! Thầy sống đơn giản thế này sao”. Cô thích những cuốn sách của tôi. Chúng sờn mòn. Tôi đọc đi đọc lại chẳng biết bao lần. Tôi đọc sách như thể mình không đọc gì. Đôi giày tôi treo trên tường, giữ cho thật sạch để mỗi sáng lên lớp sẽ đi. Bọn trẻ chưa bao giờ thấy một đôi giày mới và tôi thích thu hút chúng bằng điều mới lạ.

Hai mẹ con chào tôi về. Tôi bảo: “Giờ đã khuya, trên rừng biết đâu có thú dữ. Tôi sẽ cùng Hà về bản”. Ôi, vậy đưa nhau đi đi lại lại tới sáng ư?

Quay lại, thấy cậu học trò nhỏ đã ngủ say sưa trên giường của thầy, đắp chiếc chăn bông cũ của thầy. Nó nghịch nhất lớp, thích chọc các bạn rồi bày đủ trò vui chơi mỗi khi tan học. Nó muốn quên đi thân phận đứa trẻ duy nhất trong bản không còn bố. Nó biết mặt bố bao giờ đâu. Trên này chẳng có ai chụp ảnh, mà cũng chẳng có phong tục thờ người quá cố bằng tranh ảnh.

Tôi nhớ mãi cái đêm ấy, một đêm mùa xuân hoa đào hoa ban ngan ngát và trong phòng tôi trên điểm trường trên đỉnh núi có nhiều hơn một người. Cảm giác ấm cúng lạ thường và vẻ như tôi được trải qua cảm giác mà người ta thường nói là “như thể một gia đình”.

Tôi và Hà ngồi bên bếp lửa. Gió xuân ào ạt như bão.

Hà đi rừng suốt đêm trước, nàng quá mệt ngồi ngủ gục trên gối của chính mình. Tôi lấy chiếc áo bông đắp cho nàng rồi đi ra ngoài sân. Khuôn mặt nàng đỏ bừng bên bếp lửa. Khuôn mặt bầu bĩnh, những sợi tóc xác xơ.

Trên cao sao mọc đầy trời, xa xa con suối trắng xóa chảy giữa rừng hoa ban trắng như một trang giấy khổng lồ. Tôi nhìn về phía thành phố thấy trùng điệp núi rừng mà rồi tôi sẽ tìm đường trở về. Chiều qua, tôi đã nhận được quyết định chuyển trường về xuôi. Phòng giáo dục điều người lên điểm trường xa nhất huyện để thay cho tôi, sớm hơn tôi nghĩ tới mấy năm.

Tôi trở vào phòng. Hai mẹ con Hà đã rời đi từ lúc nào. Họ trả cho tôi chiếc giường cũ kỹ. Tôi vội cầm cái đuốc chạy theo họ, nhưng chẳng thấy đâu. Tôi biết mình chẳng thể đuổi kịp những đôi chân nhanh như con nai con hoẵng ấy.

***

Về xuôi, tôi chuyển vào dạy ở một trường chuyên, nơi những đứa trẻ miệt mài chăm chỉ học tập với ước mơ đoạt giải thưởng quốc gia và quốc tế. Chúng phấn đấu để đạt thủ khoa các trường đại học và đi du học ở nước ngoài. Công việc của tôi bận rộn hơn, thời gian miền xuôi cũng trôi qua nhanh hơn thì phải.

Tôi gặp lại bà chị kết nghĩa với câu đầu tiên hỏi số điện thoại của Hà, cháu chị. Bà chị kết nghĩa ngẫm nghĩ, bảo: “Thôi! Hai bạn không có duyên với nhau nên không gặp được nhau. Hãy xem như Hà không tồn tại trên đời”. Tôi hỏi: “Hà lấy chồng rồi hả chị?”. Chị không nói gì.

Bất chợt, tôi nhớ tới người con gái mà tôi đặt tên Hà dưới cây đào cổ thụ. Thú thực, tôi không biết nàng đang ở đâu? Làm gì?

Tôi đọc báo nên biết vùng tôi dạy học được quy hoạch làm thủy điện và ngôi trường của tôi đã chìm sâu dưới lòng hồ xanh ngắt.

Ít ai biết dưới lòng hồ đang góp phần tỏa sáng những dòng điện cho đất nước ấy là vô số những ngọn núi heo hút mà đẹp như tranh vẽ một thời chưa hẳn đã xa. Dưới làn nước xanh ấy từng có một điểm trường chưa kịp đặt tên riêng.

Đôi khi tôi nghĩ cuộc đời con người theo thời gian cũng như cái hồ thủy điện kia chứa đựng trong sâu thẳm biết bao hình ảnh và kỷ niệm đẹp mà chỉ mình bạn biết.

LỜI BÌNH CỦA NHÀ văn NGUYỄN QUANG THIỀU

Người con trai ấy không bao giờ gặp được người con gái tên Hà. Cái tên ấy chập chờn như một giấc mộng. Tôi thật sự không dám nói một câu nào là tác giả muốn nói gì, gửi thông điệp gì cho người đọc vì tôi không dám chắc chắn một điều gì. Nhưng sự thật là truyện ngắn mang cho tôi một cảm giác mơ hồ về một điều gì đó còn mơ hồ hơn nhưng nó lại luôn vang lên như một tiếng vọng và không rời bỏ tôi. Nó gợi mở cho tôi một cảm giác sống, một cảm giác đi tìm, một cảm giác cái mơ hồ đó đang ở đâu đấy rất gần ta và ta sẽ chạm vào đó. Cái cảm giác làm cho cuộc sống đẹp và da diết. Một sự thật rất rõ ràng là: Có quá nhiều cái cụ thể lại làm ta mệt mỏi và vô cảm. Trong khi cái mơ hồ lại chứa một vẻ đẹp, một ý nghĩa và dẫn ta đi cho đến hết cuộc đời và ta nhận ra ta đã được sống. Với tôi, chỉ như thế nhà văn đã hoàn thành công việc của mình và cũng chỉ như thế, bạn đọc đã được nhận được từ văn chương tinh thần của nó.