Bông tuyết hạnh phúc

Từ trước Noel, tuyết đã rơi trắng những đỉnh núi. Nhiệt độ vẫn xuống thấp nên tuyết cứ ở mãi đấy, không thể tan nổi, cho đến tận tết. Vì thế mà khách lên Sa Pa rất đông. Dòng xe nối nhau từ từ trôi ngược đèo Hoàng Liên.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | HẢI KIÊN
Minh họa | HẢI KIÊN

Tới phố rồi lại chia nhỏ thành nhiều nhánh, chảy về các bản làng. Cứ mỗi lần tuyết rơi Sam lại nhớ đến một câu nói của chồng vào đêm tân hôn. Năm ấy, tuyết cũng rơi dày lắm và câu nói ấy khiến những mùa đông trong lòng Sam như dài hơn, tái tê hơn. Năm nay, Sam có lịch làm tết nên ngày ba mươi sẽ về nhà.

Châu cũng biết ngành nghề phục vụ khách du lịch là thế. Lễ tết, người ta nghỉ việc đi du lịch thì người làm dịch vụ bận tối mắt tối mũi. Từ ngày chưa lấy Châu, Sam đã làm trên phố rồi. Bao nhiêu năm chưa biết thế nào là nghỉ lễ và chơi tết, bất kể tết gì trong năm. Mảnh đất này kỳ lạ lắm. Không kể lễ tết của người Kinh, bất cứ ngày tết gì của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy... cũng trở thành hội và là một sản phẩm du lịch. Châu cùng hai người bạn góp vốn thuê một khu homestay dưới bản. Từ đó về nhà khoảng 5km và Châu đương nhiên có nhiều thời gian cho gia đình hơn Sam. Châu và Sam cưới nhau là một cuộc hôn nhân sắp đặt của cha mẹ. Đúng hơn là một cuộc gán nợ. Bố Sam nợ bố Châu một khoản tiền rất lớn từ khi Sam mới mười tuổi. Nguyên nhân là do một lần say rượu từ chợ phiên về, bố Sam đi qua căn lều trước cổng nhà Châu thì vào xin lửa hút thuốc lào. Không biết là ông bà nội Châu đã nói câu gì mà khiến bố Sam tức giận vung đóm đốt ngay cái lều ấy. Lều ông bà dựng để bán những thứ nhà làm ra ăn không hết, từ rau củ, ngô khoai và trứng gà. Hôm ấy là ngày cả bản tập trung ở nhà nguyện để làm lễ, chỉ có ông bà nội của Châu ở nhà. Trời gió to. Lều cháy lan sang nhà lớn. Hai người già may mà kịp chạy thoát thân nhưng toàn bộ tài sản và năm gian nhà, ba gian bếp nhà Châu bị thiêu thành tro bụi. Nhà Sam là ở hạ huyện, dù không quen biết nhau nhưng dẫu sao cũng đồng tộc. Chính bố Châu viết đơn bãi nại nên bố Sam không phải đi tù. Tuy nhiên, nhà Sam phải bán ruộng đất, bán trâu đền cho nhà Châu và kiếm tiền trả nợ trong mấy năm nhưng vẫn chỉ xong nửa khoản nợ. Nhà đã nghèo lại thêm nghèo vì những chỗ ruộng tốt đều không còn. Bố mẹ Sam làm thuê tứ xứ, Sam và ba em nhỏ nheo nhóc lớn lên, không đứa nào học tới cấp ba. Khi Sam mười tám tuổi, bố mẹ Châu ngỏ ý cưới Sam thì bố Sam mừng rỡ. Cơ hội để xóa món nợ truyền kiếp đã đến, bỏ qua sao được. Một đứa con trai khỏe mạnh, tuấn tú và giỏi giang như Châu, lấy đâu chả được vợ tốt. Sam dù cũng xinh đẹp tháo vát, nhưng vùng núi này, đâu phải chỉ mình nó là gái xinh. Thế là hai người đi đăng ký rồi về chung sống mà không có đám cưới hay sính lễ gì cả. Lúc ấy, Sam cám cảnh thân phận, còn chưa dám mở lòng với đứa trai nào. Còn Châu thì đang yêu một cô gái cùng bản. Khi bố mẹ buộc anh phải cưới Sam, anh đã rất bất mãn. Trong lòng, dù không còn coi nhà vợ như con nợ, nhưng yêu quý, kính trọng thì không. Đã thế, dù là vợ chồng nhiều năm nhưng chồng nơi vợ ngả, mỗi người một việc. Tình cảm vợ chồng không được vun vén giống như cái cây không được chăm bón tưới tắm không thể tốt tươi.

Sáng ba mươi, Sam mang đồ tết và váy áo về cho các con. Dòng người về bản phần lớn là những cặp vợ chồng đi sắm tết muộn hoặc họ đi chơi tết họ hàng về. Vòng tay người vợ xe kín bụng chồng, váy thổ cẩm phấp phới lung linh. Sáu giờ sáng, sương mờ mịt giăng kín mọi nẻo đường. Ánh đèn đêm còn thức, nhìn qua màn sương dày, phố xá càng trở nên diễm lệ. Khách khứa đến đây lần đầu, phần lớn là ngỡ ngàng sửng sốt đến không thể tin nổi tại sao giữa đỉnh mây trời lại có một thiên đường lộng lẫy làm say lòng người đến thế. Nhưng cũng chỉ vài lọn gió thổi đến, cuốn sạch mây mù, từng khoảng không gian trong trẻo rõ ràng hiện ra. Nhưng cũng chẳng bao lâu, gió lại dồn mây về. Thung lũng Mường Hoa giống như một dòng sông mây trắng. Nghe tiếng đàn môi từ dưới sông mây vọng lên, Sam chợt nhớ đến Châu. Châu khèn rất hay, nhảy rất giỏi. Trong một số cuộc vui đông người, Châu và Sam cũng nắm tay nhảy múa đắm đuối như bao đôi vợ chồng trẻ khác. Nhưng khi chỉ có hai người thì những ngọt ngào, tình tứ, lãng mạn biến đâu mất. Bao trùm căn nhà là không khí đặc sệt những tính toán. Châu muốn kiếm đủ tiền để dựng một căn nhà gỗ thật đẹp trên mảnh đất được ông nội tặng cho từ khi chưa lấy vợ, sau đó sẽ kinh doanh hàng lưu niệm và nông lâm sản địa phương. Sam thì cũng muốn dành dụm tiền để thuê một cửa hàng trên phố bán thắng cố Tây Bắc để có nhiều thời gian cho con cái và đỡ đần cha mẹ ruột. Những đứa gái Mông sống an phận ở bản thường không tính toán gì nhiều nhưng những đứa sống ở phố xá thì khác. Hằng ngày, chứng kiến những vị khách du lịch giàu có, tiêu tiền cả xấp và ăn mặc sang trọng, họ cũng ao ước một ngày trở thành người giàu có để có thể đi đến mọi vùng đất xinh đẹp. Muốn có tiền nhiều thì phải cố gắng thật nhiều thôi. Cai sữa con là Sam quay lại phố kiếm tiền. Và cái tết này là tết thứ ba Sam đăng ký làm tết.

Sam tắt máy thả trôi dốc nên xe vào tận sân nhà mà trẻ con không biết. Nhà chồng Sam có bốn người nhưng chỉ Châu là con trai nên gia đình Sam sống chung với bố mẹ chồng trong căn nhà rất rộng mới cất. Sau khi dựng xe, bước lên thềm, chưa kịp mở cửa Sam đã nghe tiếng đứa con bốn tuổi đang véo von:

- Mẹ ơi, con thích ăn kẹo lắm. Mai mẹ mua cho con kẹo này nữa nhé. Con cũng thích áo đẹp nữa.

- Mẹ ơi, mẹ dậy ăn cơm mẹ ơi!

- Mẹ ơi, mẹ ra chơi với con đi!

Hóa ra là vậy. Châu đem ai về thì đem. Nhưng bắt con của Sam gọi người không đẻ, không đau, không nuôi nấng bằng mẹ thì quá quắt lắm. Sam đẩy cửa bước vào nhà và đi thẳng vào buồng của ba mẹ con. Sam ngạc nhiên vì trong buồng không có ai cả ngoài hai đứa con. Con Su sáu tuổi mặc cái áo chàm của mẹ rộng thùng thình, đang nằm vắt chân trên giường xem truyện tranh. Nó thậm chí còn bịt đầu bằng cái khăn len màu xanh lá cây của Sam. Môi thì tô son đỏ ngoe ngoét. Còn con Si thì đang đứng dưới đất, kiễng chân với tay lên giường giật áo chị. Thấy Sam bước vào, con Su vội vàng ngồi dậy. Con Si thì chạy lại ôm lấy chân mẹ reo lên mừng rỡ. A, mẹ đã về rồi. Sam bèn hỏi. Con vừa gọi ai là mẹ? Bé Si một tay che miệng rất ngộ nghĩnh, một tay chỉ vào chị gái. Mẹ kia. Bé Su phân trần. Tại nó đấy, con có bảo nó gọi mẹ đâu. Nhưng nó nhớ mẹ, nên cứ bắt con đóng giả mẹ.

Sam thấy mắt mình cay như bị hạt ớt rơi vào. Sam hỏi Su là ông bà đâu thì nó nói ông bà đang đi cắt cỏ cho trâu ăn tết. Sam xuống bếp, thấy bánh nếp treo lủng lẳng. Trên gác bếp có thịt hun khói. Trong chạn có thịt ướp hạt tiêu. Trên kiềng có nồi cá kho. Sam hỏi hai con ăn cơm chưa thì Su nói đợi bố mẹ và ông bà về mới ăn. Bà dặn thế.

Sam vội vàng nhóm lửa lên, đặt ấm nước, nấu nồi cơm tẻ, xào rau cải đắng với thịt hun khói và nấu một nồi canh bí ngô đậu xanh. Sau đó, cô cẩn thận cời than, đặt cái nồi nhôm cũ xuống, vần cho bỏng nồi rồi cho bơ lạc vào rang. Lạc rang trên than thì thơm ngon và giòn lâu. Trước đây, chẳng mấy khi Sam nghĩ đến việc rang một mẻ lạc thật ngon cho chồng uống rượu. Thường là Châu tự rang. Nhưng kể từ lúc Sam nhầm con gái mình gọi ai đó là mẹ thì Sam bắt đầu thấy khó chịu. Hóa ra cảm giác khi nghe con mình gọi ai đó là mẹ sẽ như thế. Thay thế Sam mà dễ hay sao?

Cơm canh vừa xong thì Châu về. Gió rét làm hai mắt Châu hoe đỏ. Châu xuống xe là bế lần lượt hai đứa con gái lên, thơm vào má các con và xoắn xuýt hỏi han. Su Si có nhớ bố Châu không? Hai đứa bé đồng thanh. Dạ nhớ ạ. Thế Su Si có thương bố Châu không? Dạ thương ạ. Thương cả mẹ nữa. Châu liếc cái xe máy honda mầu đỏ Sam dựng ở góc sân rồi lại liếc vào bếp. Chắc mùi lạc rang vừa chín trong bếp khiến Châu đoán ra điều gì. Người đàn ông thương vợ thì thường rất yêu con. Người đàn bà thương chồng thì thường quan tâm đến những món ăn chồng thích. Châu là người dễ ăn dễ nuôi. Dù thu nhập của Châu mỗi tháng, trừ chi phí đi cũng kiếm được kha khá. Khu homestay dưới bản Dao với mười hai căn nhà gỗ biệt lập nằm giữa một vườn đào núi, tết thường đông khách lắm. Thật ra, mùa nào Sa Pa cũng đông khách. Mùa đông thì khách lên núi xem tuyết, mùa xuân thì khách đi ngắm hoa đào hoa mận, mùa hè khách lên nghỉ mát, mùa thu khách lên ngắm những bậc thang lúa vàng óng. Có tháng đông khách, Châu khoe mỗi người kiếm được gần năm chục triệu đồng. Vì Châu làm đủ mọi việc, từ vào bếp chế biến món ăn cho khách, đưa khách đi thăm thú làng bản, núi rừng đến cả việc chào bán lâm sản hàng lưu niệm. Vì nằm giữa quần thể homestay là một căn nhà gỗ, tầng một bán hàng lưu niệm và tour du lịch, tầng hai bán hàng ăn. Nói chung là Châu trong mắt các em gái khác là một người ưu tú, nhưng với Sam, Châu chỉ là ông bố có trách nhiệm của hai con thôi. Sam mong có ngày Châu xin rút lại lời buộc tội của anh với cô. Nếu có là một bông tuyết, cô muốn là bông tuyết tự do, bông tuyết vô tội.

Châu đứng ở cửa bếp nhìn vợ. Sam bốc một nhúm lạc còn bỏng rẫy ở trong nồi, đi ra, thả vào bàn tay của Châu. Bàn tay anh lạnh ngắt. Ừ nhỉ. Trời này chỉ bảy, tám độ. Sam đi từ phố về, ngồi lửa nãy giờ người chưa ấm được. Huống gì Châu vừa về tới. Sam ấp hai bàn tay ấm nóng lên má Châu và bảo. Vào bếp ngồi đi. Thấy Châu im lặng, Sam lại ấp hai bàn tay của mình vào tay chồng như một cách sưởi ấm. Những đôi yêu nhau, người ta vẫn thường sưởi tay cho nhau như thế, chả ngại ngùng. Huống gì vợ chồng, có hai mặt con rồi, sao phải ngại. Châu đi vào trong nhưng không ngồi xuống cạnh lửa mà ngồi lên chiếc giường kê sát vách. Nhà lớn có bốn chiếc giường, chiếc giường to nhất kê trong buồng là của ba mẹ con Sam. Chiếc giường thứ hai kê ngoài nhà, cạnh chiếc tủ đứng bằng gỗ lát có khóa cả hai cánh là nơi ngủ của Châu và những người bạn trai Châu đem về nhà uống rượu say rồi ngủ lại. Chiếc giường thứ ba đẹp nhất, chăn đệm mới nhất, thơm tho nhất là giường dành cho khách trong họ, thường là những người ở xa tới Sa Pa tham dự lễ hội rồi ở lại chơi. Cả hai chiếc giường kê ngoài nhà đều có rido che kín đáo để khách và chủ không ai phải ngại. Còn căn buồng giáp với bếp là nơi ngủ của bố mẹ chồng Sam. Căn buồng này có một cái cửa ngách thông xuống bếp. Bếp dựng vuông góc với nhà lớn, thấp và nhỏ hơn, nhưng ở đó cũng kê một cái giường. Cái giường này chỉ độ hơn một mét bề rộng. Giường này cũng có đủ chăn chiếu, thường là để những người giận nhau bỏ xuống đó ngủ. Từ ngày Sam về làm dâu, Sam thấy bố chồng ngủ giường bếp mấy lần. Là những lần bố tức mẹ vì chuyện gì đó liên quan đến bà nội của Châu. Mẹ chồng cũng từng ngủ bếp trong những lần mẹ ghen với bố. Sam cũng từng ngủ bếp khi cai sữa cho con và Châu thì khá thường xuyên. Cho dù có ngủ trên nhà lớn thì cũng mình anh một giường. Nhưng Sam tạm hiểu, khi Châu giận cô thì thở chung một bầu không khí trong nhà, anh cũng không muốn. Người ta bảo vợ chồng trẻ giận nhau đầu giường cuối giường làm lành nhưng nhà Sam thì không thế. Giận như lửa trong bếp, khi không có người tra thêm củi thì nó cũng tự tắt tự nguội. Không ai cần làm lành với ai cả.

Châu ngồi trên giường, thong thả ăn lạc và nhìn vào mâm cơm Sam vừa dọn ra. Tuy thế, hễ Sam nhìn đâu đó là Châu lại liếc qua vợ. Sam gầy đi rất nhiều. Nơi Sam làm việc là một khách sạn ba sao. Một cô gái Mông làm hướng dẫn du lịch ở khách sạn sao phải nắm rõ quy định về giờ giấc làm việc hơn bất kỳ ai. Bởi sự cạnh tranh trong công việc rất khốc liệt. Người ta học hành bài bản, bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ nọ kia, thậm chí cả mấy cái. Còn vợ anh chỉ học hết cấp hai, tiếng Anh thì học bồi, dù nói rất tốt nhưng trình bày văn bản còn yếu. Vì thế, để lên được vị trí trưởng nhóm, Sam đã phải cố gắng rất nhiều. Công việc lấy hết thời gian của Sam cũng là dễ hiểu. Sam không có thời gian cho con và gia đình cho nên Sam cũng không được bố mẹ chồng yêu quý. Yêu công việc ở khách sạn là thế mà giờ Sam muốn nghỉ để ra ngoài tự kinh doanh hòng chắt chiu dành thời gian cho con cái. Như thế, chả phải là Sam đã hy sinh rất nhiều rồi sao? Điều khiến Châu không nguôi ân hận là câu nói trong đêm tân hôn, cũng là đêm tuyết phủ trắng núi non. Đêm ấy, người uống say mèm không phải là Châu mà là Sam. Anh đã nói với cô khi cô tỉnh rượu nằm co ro một mình ở mép giường, rằng: “Nếu không vì khoản nợ của bố bạn, chắc gì bạn lấy tôi? Nếu không có khoản nợ đó, người tôi yêu đâu phải đau khổ? Bạn đừng tưởng mình vô tội. Buốt giá trong tim tôi này, không có bông tuyết nào vô tội”.

Châu nhớ, hồi cuối tháng chín, anh đi đám tang vợ con thằng Chần ở huyện dưới. Chần và anh ngày trước từng có thời gian đi làm cùng nhau. Đúng là trận lũ quét thảm khốc. Thằng Chần thế mà yếu mềm. Mất vợ và hai con, nó không thiết sống. Nó không ăn, không uống, cả tuần phải truyền nước ở trạm. Từ lúc ở chỗ thằng Chần về, Châu cứ nghĩ dại nghĩ dột. Nếu một ngày, anh trở về nhà, không còn vợ con thì sao? Tim anh cứ nhói đau mỗi lần tự hỏi như thế. Và anh chăm về nhà hơn. Mỗi lần về là lại ghì siết hai đứa con gái bé bỏng vào lòng khiến chúng phải kêu lên anh mới nhớ mà buông ra. Nhưng dẫu có ôm con chặt thế nào, vòng tay anh vẫn còn chống chếnh một góc, lòng anh vẫn còn một phương run sợ.

Giờ đây, Sam đứng ngay cạnh, đang tỉ mỉ lau chùi cái chạn bát. Nhưng tự dưng mà ôm lấy vợ thì sẽ khiến Sam hoài nghi. Châu vỗ tay xuống giường và hỏi vợ. Em bộ ga gối này đẹp không? Tự anh chọn mua về thay đấy. Sam nói mà không ngoảnh đầu. Anh ngủ ở đây nhiều nhất, anh mua là đúng rồi. Châu vỗ tay vào gối và bảo trong gối anh giấu một bao lì xì, hôm nay ai ngủ ở giường bếp sẽ được nhận. Nghe nói đến bao lì xì, Sam quay người, bước lại. Em không tin! Cô nhoài người qua Châu mà vồ lấy cái gối. Châu chỉ chờ có thế là ôm chặt lấy vợ. Sam giãy giụa đòi chồng buông mình ra. Châu nói, nếu em hứa tối nay ngủ ở đây thì anh sẽ buông em ra. Sam khẽ lườm chồng, thầm nghĩ. Để hiểu một người đàn ông, không cần phải yêu anh ấy. Bởi chính tình yêu mới là mù quáng. Nhưng sau khi đã hiểu rồi, mới yêu, chả phải sẽ tốt hơn sao. Sam nhăn nhó. Được rồi, em hứa. Nhưng anh cũng phải đưa em xem cái bao lì xì trước đã. Châu buông vợ ra rồi kéo khóa chiếc gối, rút ra một chiếc bao lì xì màu đỏ đưa cho vợ.

Sam ngạc nhiên vì chiếc phong bao dày và nặng khác thường. Tâng tâng trên tay như đong đếm, Sam nhìn thấy dòng chữ màu xanh: “Tặng bông tuyết hạnh phúc của anh”. Sam nhìn ra cửa ngượng ngùng, đoán là bố mẹ chồng sắp về, cô vội giấu cái bao lì xì vào túi thổ cẩm. Cô ngồi xuống giường, dụi tóc vào vai chồng, nhân nhượng. “Thế chiều nay cả nhà mình về ăn tết ông ngoại nhé”. Châu véo vào cằm vợ, ra vẻ giận dỗi. “Năm nào anh chả đi tết ông ngoại một mình”. Sam chưa kịp phân bua gì thì Châu đã dõng dạc tuyên bố. “Từ giờ trở đi, anh không tội gì mà phải đi đâu một mình cả”.

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Họ đã đi tới hôn nhân không bằng một tình yêu mà bằng một món nợ. Tưởng rằng họ sẽ không bao giờ tìm được hạnh phúc trong cuộc hôn nhân buồn bã và đầy mặc cảm. Thậm chí những dấu hiệu của vô cảm, của thù hận đã xuất hiện trong ngôi nhà của họ. Nhưng khi sống cùng nhau ngày ngày, họ bắt đầu khám phá ra những điều đẹp đẽ của nhau. Thời gian thật kỳ diệu. Nó làm cho những ngờ vực, những vô cảm và cả thù hận dần dần tan biến và làm cho những hạt giống của sự thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương nảy mầm. Nói chính xác hơn là trong mỗi con người họ lòng nhân ái và cái đẹp thức dậy. Chỉ khi lòng nhân ái và cái đẹp trong chính con người ta thức dậy mới mang tới cho ta đôi mắt để nhìn thấy lòng nhân ái và cái đẹp trong một con người khác không phải là ta. Câu chuyện giản dị, xúc động mà chứa được một thông điệp lớn lao được nhà văn Tống Ngọc Hân gửi tới chúng ta trong những ngày mùa đông giá lạnh và trong một đời sống mà có đôi lúc sự hằn học nhiều hơn nỗi cảm thông.