Giữa vật chất này

Bà nhớ vé tàu được gửi tới một xế trưa tháng Bảy, giữa hai cơn giông khô làm đổ tháo lá trong vườn, ổ chim rơi ngay giữa sân, một con dơi quờ quạng bay lạc vào nhà chính. Tay bưu tá giắt phong thư lên khe rào, cố định nó bằng cách nhồi một nhánh trang leo chẳng may rũ xuống gần đó. Hành động thô lỗ nọ làm rụng vài chùm bông đang độ.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐÀO HẢI PHONG
Minh họa: ĐÀO HẢI PHONG

Mười ba ngày sau, buổi sáng lại của cái đêm chim cú về đậu ngay tàng vú sữa bên hè, kêu mỗi bảy hồi, mỗi hồi bảy tiếng, nhà bà nhận thêm bưu phẩm nữa. Một vé tàu khác. Lần này bưu tá còn bất lịch sự hơn, ném thư vào lùm cây xương khô trong sân. Phải cậu ta gọi người nhà ra, bà đã từ chối nhận cái thứ mang theo vô số điềm gở ấy. “Chồng tôi không liên quan gì tới thư từ hết, không là không”, sau cánh cổng gang đúc hoa văn chim hạc, bà sẽ bảo thật dứt khoát, kiểu dõng dạc tròn câu bà chỉ nói khi giận dữ hoặc hãi hùng, hoặc đã đến đường cùng.

Ngay khi nhìn cái phong thư nằm trên mặt bàn cẩn xà cừ, bà đã có linh cảm xấu. Ngó nó hèn mọn kiểu gì. Khắp tiền sảnh không có thứ vật chất nào sơ sài giống vậy. Bà chỉ muốn bóc nó ra thật nhanh rồi tống khứ, hoặc ra hố rác hoặc vào hộc bàn, cho khuất mắt. Nhưng thư gửi chồng bà. Chỉ ông mới được tự tay mở nó.

“Phải chi ém biệt cho xong”, sau này bà làu bàu thành lời, khi nhìn ông chồng bồng bềnh trong mớ giấy vụn. Nhưng ý nghĩ đó phải thành hình từ cái thời khắc chồng bà xoay bì thư đầu tiên trong tay mà không biết mở ra theo bề nào mới đúng, song soi cái vật chất đáng ngờ đó dưới ánh sáng ban trưa, sự mỏng dính của nó làm ông khó chịu. Không một giềng mối nào giữa ông với thế giới bên ngoài cánh cổng, nơi ông không còn lui tới từ sau học xong đệ tứ, cả khi lấy vợ, bởi ông cưới cô gái mồ côi đang ở mướn ngay trong nhà mình, đận song thân qua đời thì cũng hạ huyệt chỗ miếng đất cuối vườn nên đâu cần đưa tang xa, lúc bầu cử người ta mang thùng phiếu tới tận ổ. Kẻ cảm thấy nhấc tấm thân qua bên kia đường cũng là hành động quá sức chịu đựng ấy đẩy cái bì thư về phía bà, vẻ như ghê sợ, biểu cảm hệt những lần nhận được thiệp cưới họ hàng gửi tới. “Ai gởi cũng không ghi...”, bà lèm bèm, xé thứ nọ ra bằng bàn tay dính dấp nhớt cá trê, trước khi biết bên trong bao thư độc một vé tàu ghi tên chồng mình, chi tiết cả ngày sinh tháng đẻ. Từ Chợ Cũ, đến ga Lục Mộc. Thư sau gửi vé đi Bình Lam. Cả hai vé đều là chữ in hoa trên một bề mặt trắng ngà, lợn cợn bột giấy, nửa con dấu đỏ chới với trên dãy răng cưa nơi rìa trái. Dòng chữ nhỏ lập lờ dưới cùng ghi rằng đây là loại vé không thể trả, hoàn.

Hẳn phải có một âm mưu nào nhằm vào nhà mình, lúc đó bà nghĩ vậy. Không nhầm lẫn nào tận hai lần. Chắc chắn là người bên chồng, những kẻ ngoài mặt luôn tỏ ra không thiết tha nhưng bụng luôn thòm thèm gia sản mà chồng bà được thừa kế. “Ai xứng đáng với cơ ngơi này hơn người không lúc nào rời xa nó”, má chồng bà sinh thời từng nói và viết luôn vào di chúc. Chị em chồng bà giả bộ thở hắt ra như thể nhẹ cả người, “gánh cái nhà cổ lỗ sĩ này như cục nợ, ai mà ham”. Nói xong, cơ mặt họ dại đi một lúc. Sau này mỗi lần ghé qua, ngó bọn bà bận rộn lúc lau chùi đồ gỗ khi quét vôi lại lan can, họ lại cười mỉa, “thiệt không biết ai là chủ luôn, đồ đạc hay con người”, nhưng không quên xuýt xoa, “cái trường kỷ cẩm lai hơn trăm tuổi này giờ bạc tỷ, đâu có ít”.

Vậy là mặc cho ông chồng phủi tay quên bỏ (hoặc tỏ ra không để tâm) đôi vé chính ông xé đôi liệng ra hố rác sau nhà, bà vẫn tỉ tê lần giở, bóc mở những mặt nạ của người bên nhà chồng ra, đoán coi ai đứng đằng sau trò đùa ác ý. Chú em kế suốt ngày ôm gà đi đá độ, thỉnh thoảng biến mất trước khi chủ nợ tới tìm. Cô út ghiền thẩm mỹ, giao diện tuỳ biến theo diễn viên nổi tiếng, ngực phồng sọp với thuỷ triều. Bà chị ba xanh như sống trong cổ mộ, chầm bài tứ sắc thâu đêm. Bà chị hai sớm mắc chứng loãng xương, hai chân mở ra một cổng vòm gió lộng, lúc nào ghé qua nhà ông em cũng lấy gì đó của gia chủ, không mì gói, hành tỏi thì cũng đường cát, đậu xanh. “Nãy ảnh kêu thèm ngọt”, bà nói, cũng bằng cái lưỡi mới vừa bảo em sống là buông bỏ, con người ta tới cuộc đời này tay không nên về cũng tay không. “Ảnh” là đời chồng mới nhất của chị ta, túi lúc nào cũng giắt lược và nhíp nhổ râu, hay kín đáo nuốt nước bọt sau khi định giá từng cổ vật trong tư gia ông em vợ.

Hết thảy họ không ai coi bà là người nhà. “Kiếm đỏ mắt không được nửa người tử tế”, bà nghĩ. Mỗi lần nhà bà có giỗ, đám người tệ hại ấy lại tràn về giễu võ giương oai. Ngò, nấu nồi nước tắm giùm coi. Ngò, sao tôm luộc lại chấm nước muối giấm, phải muối ớt xanh mới đúng điệu. Ngò, gà nấu cà ri mà thiếu củ hành là sao. Ngò đâu, nắng cỡ này sao chưa đẩy mấy chiếc xe vô bóng mát. Ngò, lẩu cạn nước rồi. Giọng họ vẫn chói, mặn lè như hồi bà còn ở mướn, kéo bà ra khỏi bộ vỏ bà - chủ - nhà - cổ (mà ngoài kia người đời vì nể). Bực nhất là thi thoảng cả đám họ ngó vào bà, chuyển qua trò chuyện bằng tiếng Pháp. Biết họ đang trút tội lên mình, nhưng sự không rõ ấy là những án gì khiến dạ dày bà co thắt dữ dội, cho tới khi thằng con bà (lúc đó còn ở nhà) kêu má ơi ba kiếm, và ông chồng, bằng cái giọng cà rề quen thuộc, cất lên lời ân xá, tái xác nhận lại vị trí của bà, “Ngò, xong công chuyện thì qua đây ngồi ăn luôn”. Nhưng dễ gì có giỗ quảy nào trong nhà mà bà được ăn thong thả. Mới dợm ngồi thì lại bị réo. Như thể bọn họ không chịu được cảnh bà dính mông vào một thứ vật chất quý giá nào. Tụi nhỏ thì không chà đi xát lại vào bà những Ngò à Ngò ơi, chúng chỉ chạy nhảy khắp nơi, bôi dơ tường vách, làm mẻ vòi sứt gọng mấy món đồ sứ cổ, mang cả giày lên bộ đi văng cẩm thạch.

“Mấy đứa đó lớn lên chắc cũng không nên thân gì, thứ con nít quỷ”, bà nghĩ, “sau để cái nhà này lại cho người dưng còn hơn”. Họ chỉ có mỗi thằng con, nhưng giờ làm cha nhà thờ Cù Lao. “Ai chớ Chúa bắt cóc, coi như xong”, ông nói, những lần nó về thăm nhà nhưng không thắp cho ông bà nén nhang, cự tuyệt ăn đồ cúng. Ông buông bỏ thằng con dễ quá khiến bà hơi chạnh lòng hồi ấy, nghĩ không biết có phải do xuất thân của mình không, cái sự vô thân vô xứ của mình. Nhất là khi chị em chồng bà thỉnh thoảng đưa con cháu họ tới gạ nhận nuôi, “Cũng phải có người thừa kế cái nhà”. Ít nhất hai đứa nhỏ được giữ lại và bị trả về chỉ hôm sau, để lại đống mảnh vụn của cái bình sứ men lam cuối đời Khang Hy, mấy vũng nước đái trên ghế tựa bọc nhung, vết nứt hình mạng nhện ngay mặt kiếng bọc bức tranh chữ Phúc nạm ngọc.

Chuyện xảy ra trước khi người của Trung tâm quản lý di sản tìm tới. Cách họ bước khẽ nói nhẹ trước khi bước qua cửa nhà, cúi chào trước bàn thờ gia tiên khiến chủ gia vừa bụng. Trẻ như đám cháu chồng bà, nhưng nhân viên ở đó không bao giờ đưa ra những gợi ý hời hợt kiểu như sao không treo mớ cái quạt gió cho mát mẻ, bàn thờ cứ mắc đèn điện chong có phải tiện không, đồ gỗ lung lay thì vỗ đinh cái một là xong. Cậu tiến sĩ hói mà bà rất ưng, khiêm nhường và nhiệt tình, lùng mua cho được lưới đèn măng xông Aida thay cho cái mục rã, lần nào ghé qua cũng trèo thang lau dầu bóng những bao lam. “Đâu như cái đám kia đức mỏng mặt dày”, bà nghĩ. Những ý nghĩ về người bên chồng luôn đanh chắc, tròn đầy. Đến nỗi đôi khi bà cũng ngạc nhiên vì sự hoàn chỉnh, thuần thục của chúng. Và khi đi ngang mấy mảnh giấy từ hai tấm vé nằm ở bề mặt hố rác, bợt bạt sau trận mưa, tâm trí bà lại dặt dìu những hình dung về vẻ mặt của kẻ đã ủ mưu gửi chúng tới nhà.

Ấy là trước cái đêm mất ngủ kỳ lạ của chồng bà. Không phải ông chưa từng mất ngủ, nhất là quãng thằng con mê mệt nhà thờ rồi khăn gói vô luôn trong tu viện, nhưng chuyện sớm buông xuôi rồi, bao trằn trọc còn lại toàn vì những thứ vật chất già tuổi quý giá trong nhà. Mấy tấm ngói âm dương tự dưng nứt vỡ sau đợt nắng nóng, tấm gạch bông lót sàn sảnh trước tróc lở, tường bao lẫm lúa bị nứt. Dù vợ chồng bà bảo bọc chúng không chút nào xao lãng, nhưng thứ họ chống đỡ là thời gian, thứ có thể làm cho bê tông vỡ lớp, vữa ra và đá thì răng nứt.

Lạ là khuya lại của cái ngày khởi hành ghi trong vé đi Bình Lam, không thứ gì trong nhà nứt vỡ, vườn tược cũng không gãy đổ cành nhánh nào, tu hú không kêu, cả âm thanh xoài chín cây rụng ngoài mé đìa mơ hồ như từ chiêm bao vẳng tới, chồng bà lại thao láo đo đêm bao xa.

“Bình Lam gì đó, nó ở đâu ta?”, lúc sắp sáng, ông cất tiếng. Bà biết ông hỏi mình, bởi mặt ông hướng về phía bà, vành tai bà bị hơi thở nặng mùi thức ăn đã lên men phả nóng. Hổ thẹn và vô vọng, bà vờ như vẫn đang sóng sánh chiêm bao, cố ý hé miệng một khoảng sao cho môi lay động thật tự nhiên theo nhịp thở. Bà không biết gì về Bình Lam.

Ngò từng là bầu trời của chồng, ít ra thì bà tin vậy. Không có bà thì ông - một kẻ lập dị rúc trong vườn, nhà - chẳng thể nào biết được đám tang giờ họ hay diễn hài kịch eo xèo ngay trước lúc di quan, xóm bến tàu cũ bị một thằng cha ghiền lửa đốt rụi, dân Kiểng Cò bán dừa một chục tận hai mươi bốn trái, ngoài chợ chuộng xây nhà kiểu Tây nhưng chóp nhọn, tường vách đắp nổi phượng, rồng.

“Nhà chớ có phải nồi lẩu đâu?”, ông sửng sốt. Phản ứng kiểu vậy hiếm hoi, bởi thế giới bên ngoài cánh cổng cách ông tận vài ba năm ánh sáng. Mỗi lần biểu cảm ông vượt khỏi vẻ phẳng lặng thường ngày bởi một vài câu chuyện bà kể lại, bà mãn nguyện làm sao.

“Bởi mới nói...”.

Cái kiểu nói ấp úng, bỏ lửng giữa chừng không ngăn nổi sự thông tỏ của bà với thế giới ngoài kia. Những câu hỏi của ông luôn được bà giải đáp. Thợ mộc ở xưởng nào bậc thầy về mộng gỗ để mời về sửa tủ cẩm lai, loại sơn lót nào bám dính tốt vào sắt tây, loại thuốc dưỡng bông nào vực dậy vườn xoài đang xuống sức. Hay những câu hỏi đơn giản hơn, “sao da bụng bà lúc nào cũng mát hơn chỗ khác?”, “mây kiểu này nhắm chiều có mưa không?”. Nhưng lần này câu hỏi của ông vượt quá cổng rào, khu vườn với những hào rãnh bao quanh, quá cái chợ thị trấn bà đi sắm sửa mỗi tuần, quá những đám cưới hỏi tang ma mà bà góp mặt thay ông.

“Không phải bà từng theo ghe hàng bông đi khắp sao?”, ông nói, hơi cáu kỉnh. Nhìn vẻ mặt như thể vỡ mộng của chồng, bà cảm giác có gì đó tuột trôi không thể vãn hồi.

Nhưng cái gọi là cảm giác có thêm chiều kích thứ ba, đầy đủ thịt da, khi xuất hiện ông già ve chai. Ôi trời cái thằng cha gian xảo đó. Chân mày dài, rủ xuống cùng với mi mắt dính dấp những vảy ghỉ ghèn khô, không hiểu sao nhận ra thứ vật chất ở gần cuối tiến trình tàn rã và vùi lấp trên mặt hố rác, để mà kêu lên ơ vé tàu đây mà.

“Đi Bình Lam sao? Chỗ đó bão thôi rồi. Bởi vậy mà nhà cửa lùn xịt. Nhìn đâu cũng cỏ xạ hương. Cái thứ nọ làm thuốc phải nói là trị bá bịnh. Nhức đầu có, ho có, sình bụng có. Chảy qua thị trấn loằn tà ngoằn là sông gì quên tên, nước xanh hết biết. Ga nằm bên kia sông thì phải”, ông già nói, cố lôi kéo sự chú ý bằng cách liên tục dùng trọng âm, ngừng lâu giữa các câu, trong lúc vật lộn xếp gọn mấy cái thùng các-tông rách tã. Bà tự hỏi có phải vì áo ông già màu quạ, những móng chân đen dài cong quắm cắm vào đất, hay cách đảo tròng mắt liên tục mà bà thấy ghét sôi.

Chồng bà thì không. Ông lân la gần chỗ ông già (hành động này cũng hiếm khi, ông có xu hướng tránh dạt kẻ lạ ghé qua nhà: những nhân viên quản lý di sản, đội bao xoài mướn, hay người của vựa trái cây), lưỡi có phần rón rén,

“Lục Mộc nữa. Nó sao?”

“Tối thui chớ sao trăng gì nổi. Xứ gì như đang đám ma. Buổi tối kiếm không ra cái đèn đường làm thuốc. Dân ở đó làm nhang. Cái vé này có mùi vỏ cây bời lời với bột quế, không tin chú em hít thử một hơi”.

Những cái vé xe đò, tàu hỏa hoặc máy bay đều có mùi của nơi chốn mà chúng đưa con người ta tới, ông già ve chai quả quyết. Nhìn cái người teo quắt lúc này đã ngồi bẹp dưới đất rề rà châm thuốc, như thể trì hoãn việc ra khỏi nhà bà, Ngò tức điên, chuyện xạo vậy mà mặt tỉnh trân, rõ là lành nghề lừa đảo. “Đừng hòng mình cho thằng cha này ghé nhà lần nữa”, bà nghĩ vậy.

Lúc đó bà không biết ông già ve chai sẽ còn quay lại, với thân phận khác. Khách của chồng bà. Không phải kẻ mua bán phế liệu kiếm từng đồng bạc lẻ. Lúc khách mang theo một giỏ bàng đầy, lúc nửa bao tải. Đựng trong chúng là vé tàu xe, máy bay đủ loại, của những chuyến đi đã rồi. Những chiếc vé hoặc bị xé nửa chừng hoặc cắt góc hoặc rách đôi. Chúng gọi tên những nơi chốn xa xôi nào đó. Không cách nào biết ông già xảo quyệt nọ thu gom chúng từ đâu. Cũng như bà không cách nào tìm được mối dây giữa ông ta với người nhà chồng, dù vẫn tin đó là một âm mưu trí trá.

Vài lần bà, vờ như bâng quơ, làm rơi ra cái tên nào đó của chị em chồng xuống chỗ ông già, nhưng cơ mặt rúm như tờ giấy cháy kia tịnh không chút động. Rút cả hai chân lên ghế cẩm thạch đặt bên cửa sổ gian nhà chính, ông già tựa như mất sạch xương sống, chảy thây vào cái tựa lưng bọc nhung, “cái thứ đá này ngồi mát đít gì đâu”. Nhìn vào cảm giác mớ rễ ông ta rì rào dài ra, lăm le bấu lấy phiến đá, sàn nhà. Cái cách ông già phớt lờ thái độ ghét bỏ của bà cho thấy ông nhận ra ai mới là người chủ thật sự của cái dinh thự (đã từng) xa hoa này.

“Mình đâu có thua dễ vậy”, bà nghĩ, những lúc ông già tha mớ giấy vụn ghé qua, và bà buộc phải lượn lờ quanh chỗ hai người đàn ông, một già và một già hơn, họ gọi lên một vài danh tính của xứ sở nào đó, nơi người ta hay hùng hục đánh nhau vì không đủ ngôn từ diễn đạt lòng mình, hay nơi họ vẽ bích họa chân trời lên những tường vách buồng giam. “Nghe là biết đặt chuyện rồi, khùng mới tin”, bà nghĩ và tìm cách gây tiếng động, để ông chồng khỏi trôi đi mất. Bà đem mấy cái gióng tre treo trong bếp ra sân giũ xuống gạch bông một bầy mối ú mềm. Bà vỗ búa vào cái tủ chén long mộng. Bà trộn xăng vào mấy miếng xốp, và mùi hóa chất nồng hăng của hỗn hợp ấy neo ông trở lại thực tại: chút nữa phải trèo trét lại mấy chỗ dột trên mái tôn nhà lẫm. Miễn cưỡng tiễn khách về, ông thòm thèm nhìn theo ông già lúc này cũng miễn cưỡng không kém, khi chới với ngoái nhìn cái chỗ ngồi mát rượi mình mới vừa rời khỏi. Chỉ bà là hả hê ngó khách bị văng ra sân, hứng cái nắng như đấm vào mặt vào đầu.

“Đi luôn càng tốt”, bà nghĩ, khi sập cánh cổng sau lưng khách của chồng. Rồi khách sẽ quay lại, bà biết, nhưng mọi thứ, căn nhà và những vật chất tinh xảo mà nó bảo bọc, khu vườn, nắng mưa, côn trùng mối mọt, hết thảy đều đứng về phía bà trong nỗ lực ràng buộc ông chồng.

Bà chỉ không cản được mớ vé vô tri được ông đổ đống giữa gian nhà chính (“chỉ chỗ này mới không bị ẩm hơi mưa”, ông nói), chình ình gần cửa cái, chỗ bàn thờ ngó ra, nơi bà đi vào thắp nhang luôn nhón chân và mỗi vết xước trên từng món đồ gỗ ở đó đều như thể xước lên dạ dày mình. Nơi vợ chồng bà mấy chục năm nay cự tuyệt những thứ tân thời, để bảo vệ không gian cổ xưa nguyên bản. Dạt ra sống bên nhà vuông, chỗ hồi xưa dành cho người làm và đêm đêm ông đóng ông vào bà trên chiếc giường ọp ẹp, không phải là giường Thất Bảo lát đá cẩm thạch bảy màu. Chái bếp họ che riêng, xa đằng sau, để khói không ám vào tường vách vào mái ngói, những thứ buộc phải sắm như tủ lạnh, ti-vi thì đưa ra lẫm, dây điện dẫn vào nhà phụ cũng đi vòng từ góc vườn, tuyệt tránh giăng qua gian chính. Biết khó mà thanh tĩnh tuyệt đối, sao ngăn nổi tiếng xe cộ ngoài đường tạt rát vào, nhưng ông bà vẫn rón rén hết cỡ, ti-vi mở thì thào, điện thoại nhỏ chuông, và xe máy luôn được dắt ra khỏi cổng.

Giờ không gian ấy bị nhiễm trùng bởi một đống rác, không hơn.

Những chạng vạng lên nhà chính đơm lửa vô cái đèn hột vịt lù tà mù chong trên bàn thờ, thắp nhang cho người đã khuất, bà thường nán lại một lúc ngắm những món đồ gỗ khảm xa cừ, dát vàng cẩn bạc ăn được chút ánh sáng của đèn chong, đồng nhấp nhánh thắp sao khắp cả ba gian. Một mình ngồi đó, không chút nào cô quạnh. Nhưng giờ khác rồi, bà nghe lạnh khi ngó ông chồng lút trong đống giấy, hoặc tìm mảnh thất lạc của mảnh ông đang cầm trên tay, hoặc tìm những tấm vé ghi tên cùng một nơi chốn đến, vuốt phẳng chúng, đôi khi ngửi thật lâu mặt đực xa xôi, như vài tháng trở lại đây ông hay ngẩn ra khi vẫn đang ở trong bà và ông bắt đầu nhìn vào mặt tủ bàn mỗi khi lau chùi sáng bóng, nhưng không phải ngắm vân gỗ ánh lên mà vào chính gương mặt mình trong ấy, cái nhìn khiến bà thấy mình trở nên ngoài cuộc, bên lề. Và lần đầu tiên bà nhận ra những nhấp nhánh quanh mình sao mà y hệt lân tinh. Bà nhớ cái đêm qua Cái Lớn, lân tinh cũng tráng mặt sông. Hơi nước mặn trên từng lỗ chân lông. Ba bà chèo đằng sau, nhìn từ mũi ghe bà chỉ thấy được đốm thuốc lập loè trên một hình khối chắc nịch, dày hơn đêm. Chỗ má ngồi sáng hơn do gần cái lồng đèn, đứa em trai vùi nửa mặt vào vú má, mặt má thì khuất sau cái nhìn phía hàng cây ven bờ như nghe ngóng gì đó, chợt gáy má thảng thốt, “coi bộ sắp giông, mình nhắm qua sông kịp không?”. Rồi đèn tắt phụt, gió hợp cùng sóng nhào trộn, giằng ném chiếc ghe - khoảnh khắc đó nó ọp ẹp như một món đồ chơi thảm hại, bà văng vào bóng tối mặn, và từ mở mắt nhìn trời lần nữa, bà chưa từng gặp lại ba má, đứa em.

“Người nhận được mấy cái vé kia là mình mới phải”, tự dưng bà nghĩ vậy, thấy mình dập dờn giữa bao dải lân tinh.

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Nguyễn Ngọc Tư thật sự là một “phù thủy cao tay” trong việc “thiết kế” một truyện ngắn. Nhiều lúc chị giấu đi câu chuyện mà chị muốn kể, thông điệp mà chị muốn gửi tới bạn đọc bên trong/bên trên hoặc bên cạnh một câu chuyện mà ta đọc được bằng một văn bản thông thường.

Những chiếc vé tàu xa xôi, mộng mị và ám ảnh kỳ lạ. Nó dựng lên trong tôi một đường ray dài hun hút không có điểm kết thúc. Nó dựng lên những ga xép vừa ồn ào, vừa ắng lặng như đã bị bỏ hoang, nhưng tôi lại nhận ra một số phận trôi theo những chiếc vé ấy.

Lúc này, tôi ngóng ra cửa. Tôi cũng đợi chờ một tấm vé như vậy gửi cho tôi từ đâu đấy. Và tôi muốn rời khỏi ngôi nhà của mình và lên đường.