Đầu thú

Tôi đến đồn công an xin đầu thú. Tôi nói với những người ở đó là tôi đã phạm tội nay ra đầu thú rồi chờ đợi cho đến khi có người lấy lời khai.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | VŨ ĐÌNH TUẤN
Minh họa | VŨ ĐÌNH TUẤN

Tôi có tội. Xin nghe tôi nói.

Tôi không nhớ lần cuối cùng mình cảm thấy vui vẻ hay chí ít cảm thấy thanh thản là khi nào nữa. Có lẽ là lâu, lâu lắm rồi, từ hồi chúng tôi còn ở trong cái nhà xép bên đường tàu ấy. Đó là cái nhà làm bằng tôn, mái tôn và vách cũng là tôn. Phần chân vách tiếp xúc với đất lớp sơn đã tróc, gỉ sét xì ra đỏ quạch, nhìn kỹ thì thấy thêm những chấm đen lấm tấm như ai rắc tiêu. Và thấy những đốm sáng, những tấm tôn bắt đầu thủng sau mấy mùa chúng tôi về đây. Cũng có nhà vệ sinh, tôi tạm gọi đó là cái nhà vệ sinh, tức là có thể vào đó… những lúc cần và dội nước xuống cho nó trôi đi nhưng đó không phải là một cái nhà vệ sinh thông thường, tôi không biết người ta làm nó kiểu gì nữa, có thể họ chỉ đào một cái hầm dưới đất vì những khi có trận mưa lớn thì nó lại trồi lên, thối um ra.

Vợ chồng tôi mua cái nhà ấy từ một người quen cùng làm nghề mua phế liệu với chồng tôi, đận ấy, số anh ta đỏ nên phất lên một cách khó hiểu, thiên hạ đồn đoán là anh ta lượm được tiền hoặc là vàng trong đống phế liệu nên đổi đời trong chớp mắt. Chồng tôi bảo mua lại chỗ ở của anh ta để lấy hên, chẳng tốn mấy đồng vì anh ta bán với giá bán phế liệu. Ôi, cái nhà bằng tôn ấy, nó nằm sát cạnh đường ray, mỗi lần tàu qua là rung đùng đùng, lúc mới về tôi còn sợ nó sẽ bị tàu hút đi luôn ấy chứ, ớn nhất là đôi khi rác rưởi trên tàu văng cả vào nhà. Nhưng anh ta ở được thì chúng tôi cũng sẽ ở được miễn không ai tới bắt phải dọn đi.

Kể ra để biết tình cảnh chúng tôi trong căn nhà ấy thê thảm thế nào. Rõ ràng không ai có tiền mà chọn ở một nơi như thế dù là để lấy hên. Chúng tôi mua lại và dọn tới ngay để trốn nợ với chủ nhà cũ, tiền thuê nhà trọ mấy tháng rồi không trả nổi nên đằng nào cũng bị đuổi ra đường. Sau bao năm lăn lộn giở hết mánh lới làm ăn mà kết cục chỉ là những cục nợ, nhà cửa xe cộ, cái gì cũng có đó rồi đi đó, chúng tôi đã hoàn toàn bỏ cuộc. Tôi chẳng làm gì nữa, chỉ buôn thúng bán bưng mấy thứ đồ lặt vặt ở góc chợ xép bên đường tàu còn chồng tôi thì theo người ta ngày ngày đạp xe mua phế liệu, cái nghề nhớp nháp hôi hám nhưng nhờ nó mà chưa đói meo mỏ ngày nào.

Tôi la lết ở chợ cực như chó nhưng không thêm nợ. Ở cái xóm nghèo rơ nghèo rớt này người ta lấy đâu ra tiền triệu tiền trăm mà vay với mượn. Tôi thấy thế là an toàn. Nhiều lần chúng tôi nói như thề hứa, từ nay có sao sống vậy, đừng lừa lọc, đừng nợ nần chỉ cần mỗi ngày có đủ hai bữa và dư ra vài đồng phòng thân là được rồi. Có lẽ đó là khoảng thời gian duy nhất tôi thấy lòng nhẹ nhõm kể từ ngày bỏ quê mà đi. Ngày nào ở chợ về cũng ngủ rất ngon mặc cho tàu hú.

Rồi, một bữa tôi đang ngồi bán hàng thì chồng tôi ghé vào hớt hải bảo tôi về nhà ngay.

“Biết vừa gặp ai không? Chị Hồng xóm mình hồi xưa…”.

“Xóm nào?”.

“Chị Hồng con chú Tứ xóm ngoài quê chớ xóm nào nữa. Hồi mình đi là chị ấy cũng đi, đi may cho người ta, nhớ chưa. Này, chị ấy bán nhà bán đất ngoài quê được bộn tiền bữa nay mua nhà trong đây, to lắm. Lúc nãy vào mua trúng nhà chị ấy luôn mới nói…”.

“Rồi chị ấy có bán rẻ cho không?”.

“Có. Mà chuyện ấy thì nói làm gì. Đang nói là nói về chỗ đất của mình kìa”.

“Đất?”.

“Đất và nhà của mình chứ đất nào. Đúng là giờ cô vẫn đang ở, cô đứng tên nhưng mà cô không chồng không con, thì là của tôi hết chứ gì nữa. Nghĩ mà coi nếu hồi đó mình không đi mà ở đến giờ thì cả cái khuôn viên ấy chẳng thuộc về tôi mà được à. Tôi hỏi kỹ rồi, có dạo người ta cho làm sổ đỏ hết trơn, đất bao nhiêu đo làm bấy nhiêu, nhà chị Hồng làm, nhà mình cũng làm, nói chung là ra sổ hết rồi. Chỗ mình giờ là thị trấn rồi. Đất vàng không ấy, sốt lắm!”.

Nghe tới đất vàng người tôi đần ra. Bỏ quê đi bao năm rồi chưa một lần chồng tôi nói chuyện trở về. Cái làng nghèo xơ rơ xác rác ấy mỗi khi nhắc đến là chồng tôi xua tay, đừng có mà nhắc đến nó! Giờ thì tôi nghĩ về nó, nghĩ về người phụ nữ nhỏ thó không chồng sống cùng chúng tôi. Cô của chồng tôi, bởi một căn bệnh hiếm gì đó mà người ta bảo là không thể có con nên không dám đến với ai và cũng không ai bước đến. Ba mẹ chồng mất sớm, cô ở vậy nuôi chồng tôi, nuôi đến lớn rồi lo cho cưới vợ. Cưới tôi về thì chúng tôi có nồi riêng dù ở cùng nhà.

Cái nhà ngói lẹp xẹp xây từ đời ông cố để lại, mối mọt tùm lum. Nương vườn cũng có nhưng đất quê tôi là đất cát bạc màu, nhổ được cái gì lên từ đất để bỏ vào mồm nó “chua” lắm nói gì tới chuyện làm giàu. Chồng tôi không phải là mẫu người làm được việc nặng. Tôi là dân xóm chợ nên lại càng không. Chỉ có cô nuôi heo nuôi gà, cuốc đất nhổ cỏ. Đám cưới xong chúng tôi túng lắm, tôi phải chạy gạo hằng ngày, vàng cưới thì cất chưa ấm tay đã mang ra bán dần, lần hồi chẳng còn cái khâu nào, chưa kể vì máu đỏ đen mà bạ đâu vay đó. Có những chuyện tôi cứ nghĩ là không bao giờ phải nhắc đến nữa nhưng mà không thể. Tôi nhớ đến lý do chúng tôi bỏ làng đi, miệng thốt lên.

“Nhưng còn chuyện mấy cây vàng…”.

“Thì đừng có nhắc đến nó”, chồng tôi chặn họng ngay.

Số vàng ấy là để phòng thân của người đàn bà không chồng con lúc nào cũng cun cút thủ phận. Tôi có chút nể cô, không hiểu tằn tiện kiểu gì mà ra được vàng. Tôi cũng nể chồng tôi nữa, không biết đã nói thế nào mà cô chịu cho mượn vàng. Cả một gia tài của người ta. Khi thấy vàng tôi nghĩ ôi thế là mình được cứu rồi, thời điểm đó bán buôn ế ẩm, tôi chơi hụi hay hốt non, nói chung là lùm xùm nợ nần túng quẫn lắm. Nghe tôi nói chuyện định dùng vàng trả nợ, chồng tôi sừng sộ lên. Có điên mà làm thế!

Chúng tôi lặng lẽ thu vén tư trang, nói với cô là hai vợ chồng đi buôn rồi nhảy xe đi biệt, lòng dặn lòng sẽ không về cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi ấy nữa.

Vậy mà bây giờ cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi ấy lại ra bạc tỷ.

“Đừng có nhắc gì đến nó”, chồng tôi lặp lại, “phải khôn ngoan lên, nghĩ ra cái gì đó nói cho xuôi tai nếu cô có hỏi đến. Làm gì làm đất với nhà phải là của mình”.

Ban đầu tôi hơi sốc nhưng vẫn trong trạng thái bình thường, đầu tôi chỉ toàn là những chuyện trước kia khi ngôi làng nghèo xơ nghèo xác. Rồi thì tôi cố hình dung sự thay đổi của nó trong ngần ấy năm tôi bỏ đi. Rồi thì có thứ gì đó cứ dâng lên trồi lên trào lên chiếm ngự lấy tôi khiến người tôi như nghẹt thở. Tôi xúc động rã rời khi nghe chồng tôi kể về ngôi nhà mới mua của chị Hồng. Chúng tôi cũng sẽ có một căn như thế. Lẽ nào là thật? Có thể lắm chứ.

Rồi tôi bắt đầu tưởng tượng, sẽ có phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng khách… Bất chợt, tôi thấy ngứa ngáy khi nhìn lại chỗ ở của mình. Sao tôi lại ở một nơi tởm lợm thế này chứ. Tôi thậm chí không muốn bước vào toa-lét, không muốn nhìn thấy các vết ố hay các lỗ gỉ trên các bức vách. Tới bữa, tôi không nuốt nổi cơm bởi cảm giác rờn rợn như người ta bị nghén. Tôi uống miếng nước cũng không còn thấy vừa miệng nữa. Chăn mền gối chiếu thì như có rận chích chọt khắp người. Cái chị Hồng ấy đúng là biết làm người ta rậm rực. Tôi nhìn vào đâu cũng muốn phát điên. Trong cơn lên đồng, tôi giục chồng mua vé về quê…

***

Trước mắt tôi là con người ấy, ngoài bảy mươi mà mắt chưa mờ chân chưa run, vẫn cắp cái rổ lui cui hái rau khi trời đã nhập nhoạng tối. Bây giờ có lẽ đã khác xưa, người ta biết nhập những giống rau giống cây hợp với đất vùng này nên vườn nhà tôi xanh mướt mát. Rồi tôi nghe tiếng tục tục của bầy gà trong chuồng lòng chợt dấy lên ý nghĩ, ủa, có những người họ không thể già đi hay sao ấy nhỉ? Chúng tôi đi lâu như thế mà cô nom vẫn như xưa, một tay nuôi trồng còn sửa lại căn nhà và xây thêm khu tắm rửa vệ sinh chứ không còn kiểu nhà xí đổ tro lấp phân như trước nữa.

Thấy chúng tôi, cô thả cái rổ trên tay xuống, sửng sốt lắm. Tôi nhào đến, không đợi cô lên tiếng tôi đã khóc rối lên. Tôi nói với cô ngày ấy vợ chồng tôi đi buôn gặp cướp nên bị trấn lột mất hết trơn chỉ giữ được cái mạng. Bao năm lận đận chúng tôi không dám về vì chẳng có vàng trả cô, bây giờ cũng chưa có nhưng nghĩ đi nghĩ lại dù gì cũng là máu mủ ruột rà để cô thân già thui thủi chúng tôi sống không yên đành kéo nhau về, cô trách cô mắng đều xin nhận cả. Chồng tôi dắt cháu tới chào bà, ngày đi chúng tôi vẫn là vợ chồng son giờ thì đùm đề con cái. Cô nhìn mấy đứa cháu đã lớn tồng ngồng mừng mừng tủi tủi và chẳng nói gì về chuyện mấy cây vàng.

Chúng tôi về đâu tầm một tháng thì nắm bắt rành mạch tình hình. Cô chồng tôi trông quê mùa ít học vậy chứ thức thời lanh lợi lắm, khi nghe người ta bắt đầu rục rịch chuyện giấy tờ là cô chủ động làm đơn, xin đo đạc, đóng tiền và ra sổ, giấy trắng mực đen rạch ròi. Mấy người quanh đây bảo nhà tôi là một trong những nhà đầu tiên có sổ đỏ trong xóm. Tức cười lắm, cái hồi người ta kêu gọi để làm thì nhiều nhà cứ ỉ i là đất mình mình ở ai mà lấy, bỏ ra tí tiền làm giấy cũng kêu trời kêu đất, giờ thời thế thay đổi lại đổ nhau đi làm cho bằng được.

Đất sốt mấy năm rồi nhưng đến năm nay thì ở đây phải gọi là tính bằng vàng miếng. Càng nghe càng biết, càng nóng ruột sôi gan. Thật đấy, ngồi trên đống vàng mà bà cô già nhà tôi vẫn bình tĩnh như không can hệ gì. Ngày nào chồng tôi cũng nói gần nói xa mượn chuyện người ta để tỏ lòng mình nhưng cái con người sắt đá ấy chẳng ư hử lấy một lời, nghe cũng như không nghe. Một buổi tối, cơm nước xong xuôi ba cô cháu ngồi nói chuyện, mới đầu chỉ nói chuyện gà chuyện vịt vu vơ rồi bỗng chồng tôi đề cập thẳng chuyện bán đất. Quả là một nước đi táo bạo, tôi đá mắt với chồng ngầm ý là tôi rất ủng hộ. Dĩ nhiên, chồng tôi chỉ nói chuyện bán bớt mảnh vườn thôi chứ không động chạm gì đến nhà cửa nhưng cô đanh mặt lại, môi tái nhợt, sừng sộ lên.

“Bây tính cái gì thế! Này, đừng nói bây về để bán đất hương hỏa tổ tiên. Nói cho mà biết, không bền được đâu. Đây người ta bán rồi người ta xây, đào cả mồ mả tổ tiên hốt đi mà bán chẳng mấy chốc mà lụn bại nợ nần. Lên voi xuống chó vì nó. Đâm chém nhau cũng vì nó. Đừng nghe đất vàng mà ham. Phải làm mà ăn mới có, mới bền được.”

Máu trong người tôi nóng lên rần rần. Đúng là không dễ xơi, bà ta nói văn vẻ như kiểu đã để bụng gom góp lâu nay giờ xả ra một lần. Tôi ngồi cứng đơ, chồng tôi cũng thế.

“Chuyện gì qua rồi thì để cho qua, không nói lại làm gì. Tao chỉ mong bây tu chí làm ăn. Còn tao, trừ khi tao chết chứ không đời nào tao bán đất mà ăn. Bây nhớ con Hồng Tứ không? Mới bán hết đất đai ôm tiền đi rồi. Thiệt, bây phải nghe tao, của ấy không bền được đâu…”.

Điên quá, tôi nhướng người lên định cãi thì chồng tôi véo vào đùi để can.

“Cô ơi, cô nghĩ đâu đâu thế”, anh mở miệng, từ tốn một cách khó hiểu, “Con nghĩ là nghĩ cho cô, cả đời cực khổ chưa được hưởng nhà cao cửa rộng sung sướng ngày nào. Ý con là bán bớt đi một chút rồi xây lại cái nhà cho ngon lành mà an hưởng tuổi già. Cơ hội thế này, mình bỏ qua là đi đứt không có nữa đâu”.

“Bây có lòng như vậy thật thì cô cám ơn. Nhưng cô sống sao chết vậy, không phải nghĩ mấy chuyện đó cho cô đâu…”.

Cô nói xong liền bỏ đi nằm. Vậy là hết, không còn hy vọng gì cả. Bà già này cũng ghê gớm thận trọng lắm chứ chẳng vừa đâu. Từ ngày chúng tôi về đây ăn ở trong nhà như thế nhưng chưa một lần thấy mặt mũi cái sổ đỏ nhà mình. Bữa chồng tôi hỏi cô cụ thể ranh giới đất đến đâu để đóng cột làm hàng rào chỗ khu vườn giáp với nhà hàng xóm để tránh chuyện tranh chấp rầy ra sau này, tôi tưởng đâu cô sẽ mang nó ra cho xem, vậy mà không, nhất định không đem ra mới ghê chứ. Chồng tôi hỏi quá thì cô dắt ra vườn, tận tay chỉ cái cây cô trồng để làm dấu. Thật ớn với bà cô không chồng này.

Lát sau, về chỗ ngủ, tôi trút hết bực dọc lên chồng. Chồng tôi trừng mắt lên.

“Xém chút thì hỏng. Tóc bạc tới nơi rồi mà còn hấp tấp nóng nảy. Mấy chuyện này là phải từ từ. Có ngu cũng biết tất cả sẽ là của thằng này, cô già rồi cũng phải đến lúc ấy thôi chứ”.

“Khỏe phây phây thế kia, rồi khi nào mới…”.

Ánh mắt tôi va phải ánh mắt của chồng tôi, cả hai chúng tôi đều hiểu điều tôi đang nói.

“Nói nhỏ thôi… nghe được bây giờ”, chồng tôi nghiến răng rồi nằm xuống.

Từ hôm ấy, cái ý nghĩ đó, cái ý nghĩ mà chúng tôi không nói ra nhưng âm thầm cưu mang, nó không rời khỏi tôi một giây một khắc nào. Tôi quan sát cô từ xa, mỗi khi cô lui cui ngoài mấy luống rau hoặc lùa đàn gà vào chuồng mà thầm tưởng tượng cô già đi và ngã gục xuống đó. Một tai nạn bất ngờ, cây đổ, sét đánh hoặc trượt chân, hoặc là tai biến... bất cứ điều gì. Có trăm ngàn lý do để chết khi người ta tới số. Nhưng bao giờ thì tới? Tôi muốn phát điên khi nhìn vào hai trái tai của cô, chúng chẳng những to mà còn dày, người ta bảo tướng này thọ lắm, dễ mà thọ đến trăm tuổi.

Ôi, người ta lên nhà lầu xe hơi rần rần cả rồi. Tôi tìm kiếm và luôn thấy lóe lên một niềm vui khi tìm ra một dấu chỉ nào đó chứng tỏ người này có thể chết sớm. Một tiếng ho khan cũng làm tôi hy vọng. Một cơn đau đầu lúc trái gió trở trời cũng làm tôi phấn chấn. Thậm chí một tiếng quạ kêu hay tiếng chim chù huýt báo tử vọng đâu đâu cũng làm tôi nghĩ ngợi… Nhưng thực tế cứ chứng minh điều ngược lại. Trời ơi, tôi không về đây để cuốc đất nhổ cỏ.

“Phải chờ, chứ không lẽ giết người”.

Chồng tôi nói khi thấy tôi mất kiên nhẫn. Tôi không đủ can đảm để nghĩ đến chuyện giết người nhưng đủ can đảm để cầu cho cô chồng tôi chết. Cây độc không trái, gái độc không con sống thêm chật đất. Tôi rủa thầm trong bụng và đôi khi thốt ra những lời độc địa mà bản thân cũng không ngờ tới.

Tầm hai tháng sau, vào một buổi sáng, tôi thức dậy muộn hơn mọi khi, chưa kịp làm gì thì thằng con hét toáng lên. Bà bị làm sao ấy. Tôi chạy lên. Chồng tôi cũng vừa tới. Cô chúng tôi đã thành một cái xác, tay thòng xuống, người lạnh ngắt. Người tôi ớn lạnh. Cái thứ đang nằm trên giường sao mà hệt cái xác ve…

“Chị đã giết cô chồng chị? Chị gây án bằng cách nào. Đề nghị chị tường thuật cụ thể. Thời gian gây án, hung khí…”.

Tôi xua tay, cắt lời họ.

“Không, không... Đêm ấy tôi không làm gì cả. Tôi đi ngủ và dậy thì cô chết rồi. Tôi không biết có ai làm gì không nhưng người ta đến khám và nói là do đột quỵ”.

“Vậy chị tới đầu thú chuyện gì?”.

“Tôi không đụng tới người cô tôi nhưng tôi nghĩ cô ấy chết là do tôi. Do những ý nghĩ độc ác của tôi. Do tôi rủa sả, tôi cầu cô chết nên cô mới chết. Tôi nghe người ta nói nếu mình rủa một cái cây, ngày nào cũng rủa thì nó sẽ chết. Còn lại tôi không có bằng chứng gì cả”.

“Mời chị về cho. Chúng tôi làm việc theo pháp luật. Trường hợp của chị chúng tôi không thể giải quyết”.

“Khoan đã”, tôi gọi níu lại, “ý nghĩ của tôi có thể xem là hung khí được không? Chồng tôi có thể làm chứng. Đáng ra tôi phải dẫn chồng tôi theo nhưng vì chúng tôi đang ly thân. Cô tôi chết, tất cả thuộc về chồng tôi, hoàn toàn đúng luật, không ai tranh chấp. Ban đầu chúng tôi định vẫn ở đó, ít nhất là hết tang cô. Chỉ bán một nửa để tiêu xài nhưng tôi không chợp mắt được trong căn nhà ấy nữa. Chồng tôi cũng thế. Vậy là bán hết mà đi. Nhưng ở đây tôi cũng không ngủ được. Vợ chồng tôi cũng không nói chuyện bình thường với nhau được nữa. Những thứ muốn quên cứ hiện về ám lấy. Tôi mệt mỏi lắm rồi, tôi thà đầu thú rồi ngồi tù còn hơn. Biết đâu trong tù tôi ngủ được”.

“Chị à, nếu chị thấy khó khăn quá thì nên đến mấy chỗ tư vấn tâm lý. Ở đây chúng tôi không giúp chị được”.

“Là sao?”.

“Có nơi nào cho tôi thanh thản?”.

Tôi hỏi mà không ai trả lời.

Lời bình của Nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU

Một câu chuyện khủng khiếp. Chỉ vì lòng tham mà người ta có thể giết chết một con người. Truyện ngắn này vừa thông báo vừa cảnh báo về sự suy đồi của con người trong một đời sống mà chủ nghĩa vật chất trở thành kẻ thống trị và giết chết những phẩm giá tốt đẹp trong mỗi con người. Con người không phạm tội trực tiếp nhưng những tham lam tăm tối đã dẫn họ đến tội lỗi. Nó cũng cho chúng ta thấy một thực trạng là đôi khi chúng ta ngỡ rằng mình vô can trong những đau khổ, mất mát của đồng loại. Chính cảm giác vô can ấy làm trái tim con người trở nên vô cảm và giá lạnh.

Tác giả cho chúng ta thấy những gì đang diễn ra trong đời sống, nhưng không làm cho chúng ta tuyệt vọng. Sự đầu thú của nhân vật đã cứu rỗi chúng ta. Đấy chính là sự nhận biết của con người về hành vi của mình. Từ sự nhận biết ấy, con người mới có khả năng sám hối. Và sự sám hối đã cho chúng ta tin vào ánh sáng của những gì tốt đẹp ngay cả khi thế giới bị phủ đầy bóng tối.