Tranh thủ giờ nghỉ trưa Huân tạt qua cho mẹ con Liễu quả sầu riêng vừa mới mua đầu ngõ chợ. Liễu nhìn quả sầu riêng thở dài bảo:
- Lương thợ xây một ngày được bao nhiêu mà anh hoang phí thế?
- Kệ, làm cũng chỉ để tiêu thôi mà. Anh thấy em lướt mạng cứ xem người ta bổ sầu riêng hoài. Đoán là em thích ăn nên anh mua về bổ cho em xem trực tiếp luôn. À mà sao em vẫn còn ngồi đây?
- Em không ngồi đây thì ngồi đâu?
- Chả nhẽ em không nghe thấy tin gì à? Ông Vương bị bệnh viện trả về rồi. Ung thư giai đoạn cuối. Chắc là gia đình biết đã lâu nhưng giấu mọi người. Lúc đi qua cổng nhà ông ấy thấy mọi người tập trung đông lắm, mắt ai cũng đỏ hoe. Cũng phải, ông ấy đã sống một cuộc đời liêm khiết, vì dân.
- Chẳng có bông tuyết nào trong sạch. Anh đã nghe câu đó hay chưa?
- Đừng có nhìn đời khắc nghiệt vậy Liễu ơi! Thôi em ăn sầu đi. Ăn ngon biết đâu sẽ nhìn đời “cơi nới”.
Cái Tép, con gái chủ nhà chép miệng bảo:
- Số cô đúng trúng giải độc đắc, vớ được chú Huân. Người đâu vừa hiền lành, tử tế lại chiều cô hết mực. Chú coi bé Bống chả khác gì con ruột.
- Đúng là tấm chiếu mới chưa trải sự đời.
- Cô lại bắt đầu đấy. Thì cứ tin vào những điều tốt đẹp đi, đâu có mất mát gì.
Mất chứ. Chẳng qua là con nhỏ chưa từng rút ruột tin ai đó rồi bị phản bội như Liễu đã từng. Năm ấy, cũng vào những ngày hè oi ả như thế này. Con bé Liễu sáu tuổi ngồi mút cây kẹo đỏ phẩm mầu, cắm trên cái que nhựa hình thanh kiếm. Đó là món quà mỗi chiều đi phụ hồ về bố sẽ mua tặng cho Liễu. Liễu ngồi vắt vẻo trên cây ổi trước nhà ngó khói trắng bay ra từ căn bếp nghèo của mẹ. Ngửi cũng biết nay mẹ lại kho cá với riềng, món này bố ăn hoài không chán. Nồi hến trên bếp chắc sắp sôi bồng lên, mẹ dùng đũa ngoắng một lúc thì bắc xuống mang đi đãi. Bữa tối có món canh hến nấu chua thì còn gì bằng, ăn cơm độn sắn cũng thấy ngon. Gà đã tranh nhau lên chuồng sớm, giờ này nhà nhà sum họp. Ấy thế mà chẳng hiểu sao bố lại khoác ba-lô lên vai, xỏ vội đôi dép, bước nhanh ra chỗ Liễu dặn dò:
- Ở nhà ngoan, bố đi rồi lại về.
- Sắp giờ cơm bố đi đâu vậy ạ?
- Bố đi có việc. Về bố mua cho con thật nhiều kẹo mút hình con thú.
Bố đi như chạy. Liễu nhảy khỏi cành ổi lững thững đi theo bố ra tận cổng. Mãi mãi sau này hình ảnh về người bố còn đọng lại trong tâm trí Liễu là tấm lưng của kẻ chạy trốn, bộ quần áo và đôi gót chân bám đầy vôi vữa. Khi mẹ chui ra từ căn bếp mù mịt khói thì bố đã kịp đi khuất con ngõ nhỏ rồi. Vì một lời hứa mà Liễu đã chờ đợi suốt tuổi thơ bé bỏng của mình. Không biết bao nhiêu lần Liễu trở về nhà với bộ dạng tả tơi vì đánh nhau với tụi nhỏ trong làng khi chúng bảo: “Bố mày không bao giờ về đâu. Mày bị bỏ rơi rồi”. Căn nhà cũ đập đi, mẹ chắt chiu vay mượn xây một căn cấp bốn. Cây ổi Liễu ngồi vắt vẻo trong buổi chiều hôm ấy cũng đã già cỗi. Liễu vẫn chờ cho đến khi giật mình nhận ra tóc mẹ đã nhiều sợi bạc. Những cây kẹo mút đỏ phẩm mầu ngày xưa, giờ cũng chẳng nơi nào bán nữa.
Bao lâu rồi mình chưa rơi nước mắt vì ai? Câu hỏi ấy thoáng qua trong đầu Liễu hình như có nhói lên một cái, mơ hồ. Lúc nhỏ Liễu đã khóc quá nhiều trong những buổi chiều tàn, ngóng đến mờ mắt vẫn không thấy bóng người quen thuộc. Lớn lên Liễu không còn nước mắt để khóc người dưng. Ngay cả hôm ôm bụng bầu nằm sõng soài trên nền nhà nhìn cha của con mình vơ vét những đồng tiền cuối cùng rồi biến đi với bồ, Liễu cũng không khóc được. Đó là mối tình đầu của chị. Là người đàn ông thứ hai trong cuộc đời, chị đã rút ruột mà tin. Tép bảo: “Có khi tuyến lệ của cô bị tắc lâu rồi”. Phải! Lần gần nhất Liễu khóc cũng đã hơn sáu năm. Đó là hôm chị một mình xách giỏ đi sinh bé Bống ở một nơi xa lắc. Lúc ra khỏi phòng mổ đã thấy mẹ bồng cháu ngoại đứng chờ.
Nửa đêm Huân nhắn khoe “anh mới soi được cân cua ngon lắm. Mai mang cho em nấu canh”. Sáng sớm Liễu còn chưa kịp mở quán đã thấy Huân gõ cửa. Nhìn mớ cua bò lổm ngổm và đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ của Huân, chị trách: “Anh làm việc vất vả cả ngày, tối không nghỉ ngơi còn đi bắt chi cho cực”. Huân vội vã quay xe phóng đi. Chiếc xe máy cũ kỹ như chủ nhân của nó. Mỗi lần dừng lại xe bốc lên toàn mùi xăng, nổ phành phạch, đi đến đâu là lũ chó giật mình sủa lên ầm ĩ. Có gã theo đuổi Liễu nhiều năm, mỗi lần chạm mặt Huân ở quán đều khinh khỉnh, hắn nghĩ người như Huân làm gì có cửa.
Liễu đẹp. Một vẻ đẹp buồn, có chút lạnh lùng khiến bao gã đàn ông mê mẩn nhưng e dè. Họ không dám suồng sã với Liễu dù chỉ một ánh nhìn. Trước Huân, Liễu từng mở lòng với vài người. Liễu yêu họ nhưng không đặt niềm tin ở họ. Nghe Liễu kể, con Tép thắc mắc:
- Yêu mà không tin? Lại có thứ tình yêu như vậy thật ư?
Có chứ. Thì cứ yêu thôi, đừng kỳ vọng cũng đừng tin vào bất cứ lời thề non hẹn biển nào. Trong hạnh phúc hiện tại luôn dự phần cho mất mát ngày sau. Vì không chịu được sự lạnh lùng của Liễu nên từng người đàn ông rời đi, chỉ còn Huân ở lại. Huân nghèo, tuềnh toàng, cục mịch, chẳng biết nói lời bóng bẩy cũng chẳng hứa hẹn gì. Đời đầy rẫy dối lừa rồi nên gặp người như Huân chính ra lại làm Liễu thấy dễ chịu trong lòng. Chiếc điện thoại liên tục réo chuông, Liễu liếc nhìn thấy số lạ không bao giờ nghe. Lũ lừa đảo! Chị nói thế lúc chạm tay vào nút đỏ trên màn hình điện thoại, quệt ngang. Không mời mua bất động sản thì cũng rủ rê đầu tư chứng khoán, đầu tư hàng hóa. Còn trăm bài cũ rích thỉnh thoảng chúng soạn lại gọi bất chấp giờ giấc từ sáng đến đêm.
Bé Bống nghỉ hè, ngày nào cũng như ngày nào theo lũ con trai đi phá làng phá xóm, chán thì chạy về nhà nằm bò ra vẽ. Có khi những tờ giấy A4 vẽ nguệch ngoạc, loang lổ mầu sắc bay khắp quán. Khách đến uống cà-phê nhặt bức tranh lên khen “trông cũng có năng khiếu đấy”, Liễu chỉ cười. Chị mừng vì Bống có sắc màu làm bạn. Có lần lúc đang vẽ bức tranh gia đình, Bống ngẩng lên hỏi: “Sao con không có bố? Nhà ai cũng phải có ít nhất một người đàn ông. Sao nhà mình chỉ có con, có bà, có mẹ? Thôi cứ vẽ tạm một người vào đây mẹ nhé!”. Sự hồn nhiên ấy cứa vào lòng Liễu một vết xước dài. Nhất là trong những lần thấy Bống ngồi ngẩn ngơ ngoài cổng như ngóng điều gì, như đợi một ai. Ấy là khi ánh mắt Bống va phải một gia đình đông đủ hay một bé gái nào đó nũng nịu với cha. Mọi tâm tư của con đều dồn vào niềm đam mê vẽ. Nay tự nhiên thấy con chạy về bảo:
- Bạn con bảo đang có cuộc thi vẽ, giải to ơi là to mẹ ạ. Của một công ty ô-tô tài trợ. Mẹ đăng ký cho con thi đi. Thông tin trên facebook ấy mẹ ạ.
Ngay lập tức Liễu vào facebook, tìm thấy ngay cuộc thi vẽ quốc gia. Vui quá! Chẳng phải vì cái giải thưởng cao ngất ngưởng đến nửa tỷ đồng mà vì mười hai buổi học vẽ online miễn phí. Đã mấy lần bé Bống ngỏ ý xin mẹ đi học vẽ ở nhà văn hóa huyện. Thật ra Liễu còn muốn cho con học thêm ngoại ngữ ngay từ nhỏ. Khổ nỗi làm ăn khó khăn, ngoài bao khoản chi tiêu hằng ngày chị còn dành dụm gửi biếu mẹ thuốc thang nên đành phải khất lần con mãi. Giờ nhìn bé Bống thích thú ngồi phác thảo ý tưởng dự thi chị cũng thấy khấp khởi trong lòng. Bống hỏi:
- Một chiếc ô-tô có thể đi trên đường bộ, cũng có thể lặn xuống đại dương đưa du khách đi ngắm cá voi. Mẹ thấy thế nào ạ? Hay là con vẽ hình trái đất, chiếc ô-tô có cánh bay lên tưới cho hành tinh của chúng ta mãi xanh tươi? Bạn con bảo cuộc thi của công ty ô-tô tổ chức thì vẽ chủ đề ô-tô và môi trường dễ đạt giải mẹ ạ.
- Mẹ chỉ cần con vui, giải thưởng không quan trọng. Nhưng nếu có giải, tiền thưởng con định làm gì?
- Con nhiều dự định lắm. Nhưng trước tiên con muốn mua một chiếc xe máy mới cho mẹ. Xe mình cũ quá, đi trời mưa toàn chết máy phải dắt bộ trên đường.
Liễu ngắm con, những đứa trẻ hiểu chuyện thật khiến người ta thấy mủi lòng. Ngay sau khi kết nối với fanpage cuộc thi vẽ, Liễu nhận được mã số dự thi. Họ yêu cầu kết nối zalo với nhân viên tư vấn. Người này sau khi hỏi vài câu lại hướng dẫn Liễu tải instagram để vào nhóm thí sinh, do một bạn khác phụ trách. Liễu vừa vào đã thấy các phụ huynh bàn luận sôi nổi, hỏi han nhau ở đâu? Có ai là đồng hương không? Sau câu giới thiệu quê quán, ngay lập tức có một người vào nhận đồng hương với Liễu. Trò chuyện vui vẻ, gửi ảnh con trai với bức tranh gần đây nhất. Người này nói biết cuộc thi qua chị dâu, đứa cháu gái đã thi được ba năm liên tục. Trong lúc trò chuyện, nhân viên tư vấn đã đưa ra các câu hỏi khảo sát để dẫn dắt mọi người. Sau đó yêu cầu mọi người làm nhiệm vụ tạo đơn hàng mua sản phẩm của đơn vị tài trợ cuộc thi để tăng tương tác. Sau khi đối chiếu giao dịch, người tham gia sẽ được gửi trả tiền mua hàng cộng thêm tiền hoa hồng bằng 10% giá trị sản phẩm. Liễu bấm vào đường link thấy sản phẩm là một chiếc bút máy trị giá năm trăm tám mươi nghìn. Trong nhóm một loạt các phụ huynh lập tức gửi biên lai chuyển tiền. Sau đó tầm ba phút mọi người đều thông báo đã nhận được tiền chuyển lại kèm phần trăm hoa hồng như thông báo. Người tự nhận đồng hương với Liễu nhắn tin hỏi “chị chuyển chưa? Em được chuyển lại và xét duyệt vào vòng hai rồi chị”. Liễu nghi ngờ, chỉ là đăng ký một cuộc thi cho trẻ em sao lại lắm vòng xét duyệt đến như vậy? Cuộc thi do công ty ô-tô tài trợ sao sản phẩm lại là bút máy? Liệu đây có phải một cú lừa? Liễu lập tức tìm kiếm thông tin mới phát hiện ra cuộc thi là có thật, nhưng năm nay vẫn còn chưa phát động. Trong khi đó có rất nhiều fanpage khác sử dụng thông tin, hình ảnh của cuộc thi với mục đích không rõ ràng.
Liễu nhận ra bản chất của sự việc, thiên hạ đâu dễ gì lừa chị. Nhưng cú lừa này đã làm tổn thương con gái Liễu. Con nhỏ chưng hửng, bức tranh vẽ dở bị một cơn gió thổi bay lệt xệt ra trước cửa quán. Một chiếc xe vụt qua để lại vết bùn đất trên bức vẽ. Huân đến, cúi xuống nhặt bức vẽ lên khen: “Chính ra vết bánh xe làm bức vẽ thêm đặc biệt”. Trẻ con dễ buồn cũng mau vui sau khi nhận từ tay Huân chiếc kem con cá, Bống tươi tỉnh lên. Con bé nói: “Không có tiền mua xe mới cũng chẳng sao. Nếu xe hỏng giữa đường gọi chú Huân là được”. Liễu ngồi trong quán ngó ra ngoài tự hỏi hai tấm lưng kia sao giống với khung cảnh ngày xưa bố con chị ngồi cùng nhau những buổi chiều tàn? Quần áo Huân cũng bám đầy vôi vữa như bố ngày xưa. Nhưng Huân không bỏ đi, cũng không hứa hẹn gì. Chiều nào cũng ghé qua, đôi khi chỉ để dúi cho Bống cái kẹo mút và nghe chuyện con nít nhắng nhít. “Vậy mà không đủ để cô cảm động sao?”. Tép hỏi vậy rồi chép miệng bảo: “Chẳng hiểu người lớn yêu nhau cái kiểu gì?”. Liễu đang lướt mạng xã hội, cười khinh khích khi xem một video hài hước. Lời của một người trẻ gen Z hình như không đọng lại trong tâm trí chị.
Năm nay mùa hè rút ngắn lại bởi những ngày mưa thối đất, thối cát. Quán vắng khách, Liễu ngồi cả ngày tính chuyện buôn bán online một mặt hàng gì đó để lấy tiền trang trải. Cửa hàng này Liễu thuê cách nhà mười hai cây số. Một tháng đôi lần Liễu đưa con về nhà thăm mẹ. Thỉnh thoảng có chục trứng gà, con cá, hoa quả trong vườn mẹ Liễu lại mang xuống cho con cháu. Chẳng có khách, Liễu tính về nhà chơi mấy hôm nhưng mẹ gọi bảo đường sạt lở nguy hiểm lắm. Chẳng cứ gì quê Liễu, năm nay miền bắc mưa lớn gây sạt lở, lũ lụt khắp nơi. Sông Mã cuồn cuộn chảy, người dân thị trấn hiếu kỳ rủ nhau đi xem lũ. Trong dòng lũ ấy có gì để hiếu kỳ? Liễu hỏi vậy khi Huân dặn Bống đừng có theo lũ bạn ra sông. Vuỗi đôi bàn tay còn dính bẩn, Huân bảo trong dòng lũ có gia tài của gia đình nào đó bị cuốn đi. Có tủ lạnh, bình ga, giường tủ, búp bê, củi gỗ… Liễu nghĩ ngó vào đó người ta thấy được những giọt nước mắt của đồng bào, ánh mắt buồn xo của đứa trẻ, tiếng gầm rú của thiên nhiên trước cánh rừng đầu nguồn bị đốn. Tay ngừng lướt điện thoại, Liễu ngước nhìn người đàn ông đã đi bên cạnh đời mình suốt bốn năm qua, thấy có gì vừa quen vừa lạ. Liễu định nói gì đó lại thôi. Y như lúc Huân rời đi Liễu nhìn thấy chiếc áo lao động của Huân đã rách, tính gọi lại bảo anh cởi ra khâu nhưng chẳng thể cất lời.
Mờ sáng tiếng ồn ào ngoài đường đã vọng vào trong quán. Liễu thò đầu ra mới biết hàng xóm rủ nhau ra sông bắt tôm, vớt gỗ. Nước lên sát bờ kè, tôm nhảy tanh tách lên bờ, khối người kiếm được mớ về rang. Vớt gỗ thì… năm nào chẳng đông người vớt. Hơn chục năm trước thì bà con vớt củi phơi khô mang về đun. Nhưng giờ đun bếp ga hết rồi, củi đuốc làm gì. Vài người đàn ông vẫn trực chờ ở bờ sông để vớt những khúc gỗ quý từ đầu nguồn trôi xuống. Chẳng biết gỗ từ đâu mà có, nghe nói mấy hôm trước có người vớt được cây gỗ quý dài gần chục mét, bán kính 0,7m, bán ối tiền. Ối thì ối, mất mạng như chơi. Liễu nghĩ vậy khi nhìn theo đám người hiếu kỳ đổ ra bờ sông.
Có mấy vị khách đến ngồi từ sáng đến trưa, mưa quá mà, không nhâm nhi cà-phê giết thời gian thì biết làm gì. Liễu ngồi khâu lại mấy chiếc áo đồng phục bị tuột chỉ cho con để còn bước vào năm học mới. Đang lúi húi thì chị nghe thấy tiếng ai hốt hoảng réo gọi mình từ xa. Giật thót, Liễu đứng bật dậy hốt hoảng tìm gọi Bống. Con nhỏ thò đầu ra từ nhà hàng xóm ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Tiếng ai đó vọng lại: “Anh Huân bị lũ cuốn rồi. Chị Liễu ơi!”. Như sét đánh ngang tai, chân Liễu nhũn xuống. Khách trong quán cũng nhào ra, người đỡ Liễu dậy, người vội chạy ra bờ sông. Liễu bước thấp bước cao lao về phía trước. Huân ơi! Lỡ anh có mệnh hệ gì… Ai đó xốc lấy nách Liễu kéo đi. Ai đó chạy bình bịch qua. Ai đó rên rỉ: “Giời ơi, lũ này mà cuốn đi thì biết bao giờ thấy xác”. Huân ơi!
Người này chạy trước, người kia theo sau. Đoàn người chạy dọc theo bờ đê cả một đoạn dài, sông vẫn cuồn cuộn chảy. Liễu thấy phía trước người ta túm đông lại. Ai đó trong số họ nhận ra Liễu liền vẫy vội. Tai Liễu ù đi, không còn nghe rõ điều gì cho đến khi có người đập mạnh vào vai bảo: “Chú Huân thoát chết rồi. May mà bám vào được cây gỗ to, mọi người kéo vào bờ. Ông bà tổ tiên gánh còng lưng. Về mà mổ gà ăn mừng nhé!”. Liễu vạch đám đông, thấy Huân nằm ngửa dưới đất, quần áo ướt sũng. Vừa thấy chị, Huân đã nhoẻn cười. Liễu kiệt sức, khuỵ chân ngồi xuống bên cạnh Huân, nức nở. Dân làng ai cũng hú hồn, họ kéo Huân ngồi dậy rồi bảo nhau tản ra, ai trở về nhà đấy đừng loanh quanh ở đây chẳng may lại ngã xuống sông. “Tham làm gì cây gỗ, tí nữa thì toi”. Lời của thiên hạ khiến Liễu bực mình nhìn Huân mắng mỏ:
- Em tưởng anh chết mất xác rồi chứ! Anh lảng vảng ở đây làm gì? Người ta bảo anh vớt gỗ đúng không? Sao mà anh liều thế?
- Chẳng may thôi, chứ ngày bé anh theo cha vớt củi suốt ấy mà. Mấy tuần nay mưa suốt, công việc thì một ngày làm ba ngày nghỉ. Rảnh ra sông xem, thấy cây gỗ quý to nên ham, anh tính vớt bán lấy tiền cho bé Bống học thêm. Đã mấy lần anh nghe thấy con xin em đi học vẽ. Anh cao số lắm, chết sao được mà lo.
- Anh có thân không lo. Ai thèm lo cho anh chứ!
- Có thật không lo cho anh không? Không lo mà nước mắt đầm đìa.
Liễu đưa tay lên mặt, không biết mình đã khóc từ bao giờ nữa. Hóa ra Liễu còn có thể khóc. Hóa ra nước mắt rơi xuống vì người khác nhẹ nhõm hơn Liễu tưởng. Ngồi sau xe Huân, nhìn nước sông còn rỏ trên gáy người dãi dầu đen đúa, Liễu nói to như hét bên tai:
- Lần sau đừng có tham lam những thứ không phải của mình. Nói dại, lỡ hôm nay anh trôi theo dòng nước thì mỗi chiều bé Bống biết đợi ai?
- Chỉ có bé Bống đợi anh thôi sao?
Huân bất giác mỉm cười, hóa ra trong cái rủi còn thấy cái may. Nếu hôm nay anh không ngã xuống sông thì đâu biết Liễu cũng có thể vì yêu mà rơi nước mắt. Huân kéo tay Liễu ôm lấy người mình, phía sau hai người sông Mã vẫn cuồn cuộn chảy…
LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU
Cuộc sống có thể làm cho con người mất đi một điều gì đó, nhưng rồi lại tìm cách bù lại nếu người đó không mang theo cuộc đời mình sự hận thù và nỗi tuyệt vọng mà là những thao thức, những khát khao, đợi chờ. Liễu là một con người như vậy. Những mất mát mà chị lặng lẽ đi qua giống như sự im lặng của một hạt cây trong đất tối để một ngày mở ra và vươn lên dưới ánh sáng mặt trời.
Không có đường tắt đến hạnh phúc. Con đường mà Liễu đi tới tình yêu là một con đường của nước mắt, của nỗi buồn và chị phải đi qua tất cả để đến ngày một khúc ngoặt hiện ra. Ngày người đàn ông tên Huân bị lũ cuốn là ngày của khúc ngoặt con đường ấy. Và chị gặp tình yêu của mình.