Những bông hoa nở lúc trời chiều

Cuối tuần tôi hay đưa con ra khỏi thành phố. Đi dọc theo triền đê, xuôi về phía Hưng Yên. Không xa lắm, chỉ tầm hơn chục kilomet thôi thì đã sang hẳn một không gian khác. Những vườn cây ăn quả, rau, những thửa ruộng đầy hoa và cây cảnh, những nếp nhà thấp và ngõ xóm chằng chịt, ngay cả khúc sông cũng khác. Thật lạ là vẫn dòng sông chảy bên ngoài đê ấy, về đến đây nó như thể có ngay một diện mạo mới, khoáng đạt hơn, tự do hơn, reo vui hơn...
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: Lê Thiết Cương
Minh họa: Lê Thiết Cương

Tôi vẫn nghĩ, dù đôi khi đi xa tôi có chút nhớ nhung cái thành phố đông nghịt mà mình đã nương náu hơn hai thập kỷ, tôi vẫn không thể thuộc về nó. Cũng như nó mãi mãi không thuộc về tôi. Nhưng mà, chúng ta vẫn phải sống thôi chứ làm gì có nhiều lựa chọn. Thế nên tôi hay đưa con rời đi, dù chỉ có một ngày hay nửa ngày rảnh rỗi. Và còn một điều nữa, lúc quay về, chúng tôi hòa cùng dòng người từ ngoại thành, từ các tỉnh lân cận đổ về thành phố, chuẩn bị cho ngày hôm sau bắt đầu một tuần làm việc mới. Tôi muốn trải qua cái tâm trạng ấy.

Thành phố này rốt cuộc là nơi trú ngụ, dừng chân, ở tạm của bao nhiêu phận người?

Tôi không thích sống ở thành phố dù bao nhiêu tinh hoa hội tụ ở đấy, bao nhiêu trường học và bệnh viện tốt, bao nhiêu cơ hội làm việc kiếm sống, cơ hội để xây dựng những cái gọi là sự nghiệp. Không có chúng thì cuộc đời rất nhiều trong số chúng ta sẽ trở nên khó khăn chật vật hoặc là vô vị. Và bởi vì chúng ta không thể tìm thấy những điều đó ở các tỉnh lẻ, nên cứ phải đổ về thành phố này. Nó đang quá tải bởi chúng ta, và chúng ta thì đang quá tải bởi áp lực của chính mình.

Con gái tôi, một đứa bé sinh ra ở thành phố này. Trong nó có dòng máu của rất nhiều thế hệ sinh tồn bằng nhiều nghề trên một con phố cũ. Ông nội là thợ may, một thợ may có tiếng. Em trai ông cũng là thợ may, mà cái thời đó, để may được một chiếc quần âu ở tiệm của ông thì phải là công tử con nhà giàu. Mỗi lần nhà có đám thì họ hàng đều đến từ những con phố rất cũ, những "phố Hàng", những ngõ nhỏ, những ngôi nhà ống ít ánh sáng, lối đi ướt át, chất chứa vô vàn những hồi ức về cái ngày gì xa xưa lắm, kể hết đêm nọ qua đêm kia chưa hề vơi. Nhưng bên trong con gái tôi còn pha trộn một dòng máu khác. Một dòng máu đến từ vùng cao, với những cơn gió hoang vu bất tận thổi mòn núi đá, với một tâm hồn khoáng đạt và mơ mộng và giản đơn. Tôi thấy tôi ở trong con, tôi cũng thấy hồn cốt Hà Nội ở trong con. Tôi luôn tự hỏi con có thấy hạnh phúc không trong cái thân thể và tinh thần được pha trộn bởi hai vùng không gian quá khác biệt ấy? Đôi khi tôi thấy một em bé Hà Nội, tinh tế và tỉ mỉ, một chút kiêu hãnh thầm kín trong bề ngoài khiêm nhường; đôi khi tôi cũng thấy một em bé miền núi, đầy khát khao và ngập tràn hạnh phúc trước thiên nhiên, cỏ cây, sông hồ, những cung đường cheo leo ngoạn mục. Một em bé mộng mơ và thực tế, một em bé cẩn trọng và liều lĩnh, một em bé nhạy cảm và bản lĩnh. Tôi không mong gì hơn ở các con. Tôi luôn nghĩ rằng các con là món quà mà số phận đã ban cho mình. Một món quà khiến tôi nghẹt thở vì hạnh phúc và biết ơn.

Vậy thì, cuộc đời này dù có khó khăn đến mấy cũng thật là đáng sống.

Chúng tôi đi chậm chậm giữa hai mảnh ruộng, xa xa là một cái hồ trong trẻo. Vốn định đi vào tận hồ để cùng ngồi xuống vạt cỏ, ngắm những bông xuyến chi lao xao trong chiều muộn, nhưng mấy con chó xồ ra vì thấy người lạ nên chúng tôi quay đi. Con ôm trong lòng con chó nhỏ của nó. Thằng bé, bọn tôi vẫn gọi như vậy, giương to đôi mắt tròn xoe màu hạt dẻ, lúc nào cũng đầy ánh buồn bã và rất ướt át, nhìn ra không gian rộng lớn ngoài ô cửa. Tôi hạ cửa kính xuống, "thằng bé" vươn người bám lấy thành cửa xe và thò hẳn cổ ra ngoài.

"Có mùi gì đó thơm quá mẹ ơi!", con tôi thốt lên khe khẽ. Ừ, quả là có mùi thơm quá là thơm. Mùi của những bông hoa quất. Hai bên là những luống trồng cây quất cảnh, bây giờ đang ra hoa. Chẳng biết bây giờ ra hoa thì chúng có kịp đậu quả vào dịp Tết Nguyên đán không. Năm nay Tết còn đến sớm nữa chứ. Tôi dừng xe. Chúng tôi ngồi im lặng, tuyệt đối im lặng. Cái mùi thơm của đồng nội, của những bông hoa quất trắng tinh như mơ ấy, đang phả vào xe. Sự yên tĩnh của cánh đồng lúc mặt trời đã lặn và một ngôi sao le lói ở chân trời, khi những người nông dân đã về nhà hết, thực sự là một món quà quá bất ngờ. Trên mặt đê, xe cộ vẫn chạy qua chạy lại lấp lóa ánh sáng của những cặp đèn pha.

"Con thích mùi hoa quất nhất mẹ ạ!".

Con tôi tiếp tục thì thào. Dường như nói to thì mùi hương sẽ bay đi mất vậy.

Tôi nghĩ rằng mình đã biết cách làm mẹ thật rồi, là bởi vì tôi có thể cùng với con chạm vào một niềm phấn khích vô cùng giản dị trong cuộc sống này. Tôi trân trọng điều này, trong hiện tại này. Con người ta thường có hai xu hướng: Muốn kéo dài hiện tại khi đang hạnh phúc và muốn tìm kiếm những hạnh phúc mới ở tương lai. Tôi không có ước ao gì cả. Đôi khi tôi nhận ra mình thực sự không có ước ao gì đáng để kể ra. Hầu như ý nghĩa cuộc đời tôi nằm ở các con, và những trang sách. Tôi không thuộc về chúng, chúng cũng không thuộc về tôi, dù ta luôn nói con của mẹ, mẹ của con. Nhưng chúng tôi luôn ở bên cạnh nhau, rất gần, luôn ở trong trái tim của nhau. Trái tim chúng ta đủ lớn để chứa đựng mọi yêu thương trong cuộc đời, nhưng lại quá chật hẹp để chứa đựng dù chỉ một mối hận thù.

Bọn tôi có hôm cùng đi xem một bộ phim, kiểu phim siêu anh hùng. Cái kết của bộ phim hay đến nỗi mọi người đều ngồi im đến mấy phút khi đã kết thúc. Tha thứ để hóa giải hận thù, chứ không phải trả thù để hóa giải. Một cái kết không thể nhân văn hơn, hợp lý và thuyết phục, và làm cho mọi trái tim phải ngân lên những run rẩy đẹp đẽ. Tôi thích bộ phim ấy, nhưng tôi còn thích hơn vì các con tôi thích nó. Dù cuộc sống này đầy những cam go, đầy những rủi ro và quá nhiều thách thức, rồi nó sẽ dạy các con những bài học lớn. Nhưng bài học đầu tiên mà tôi muốn các con thật thấm thía, đấy là hãy luôn chọn con đường tử tế để đi, dù có gặp bất kỳ ngang trái đau thương nào. Hãy làm những đứa trẻ nhân ái và trở thành những người lớn nhân ái.

"Nếu có người ở đây thì mình sẽ hỏi mua một cây quất mẹ nhỉ?". Tôi gật đầu trong lúc lách bánh xe thoát khỏi một hố sâu đầy nước. "Tất nhiên chúng ta sẽ làm thế. Chúng ta sẽ đặt cây quất ở trong phòng khách và mỗi sáng sớm con sẽ thức dậy và thấy hương thơm tràn ngập căn phòng". Nhưng mà chẳng có ai ngoài cánh đồng để hỏi mua. Tôi kể với con về khu vườn của ông bà ngoại khi xưa, khi mẹ bằng tuổi con. À không, khi mẹ bé hơn con nhiều nữa chứ. Khu vườn đầy cây, nhiều nhất là cam. Ông bà trồng nhiều cam lắm. Cứ vào thời điểm này trong năm thì cam chín đỏ ối cả vườn. Từ xa xa nhìn vào thung lũng thấy cái màu đỏ ấy như những đốm màu vẽ ai đó chấm vào bức tường cây màu xanh trên ngọn núi sau nhà. Mùa xuân tới, mỗi buổi sáng tinh mơ, mẹ thức dậy thật sớm và đi chân đất ra vườn. Mẹ đây này, đứng dưới gốc cây và ngửa cổ lên. Bầu trời còn mờ mờ hơi sương, những cái lá non đã bật ra đầu cành, và miên man là hoa. Hoa cam thơm lắm. Cam và quất cùng họ đấy. Nhưng mùi hương thì khác nhau một chút. Nếu có một cơn gió ngang qua, con biết không, những cành cây rùng mình và hoa rụng lả tả trên vai mẹ. Cả đầu tóc, quần áo ướp trong cái mùi hương hoa cam ấy, thật là tinh khiết.

Đi qua mấy cái hố, tôi dừng xe nhìn sang con. Con bé vẫn đang nhoài người ra phía cửa xe. Tôi cứ nghĩ nãy giờ tôi huyên thuyên một mình và con chẳng nghe được câu gì, nhưng không phải. Nó hỏi: "Nếu cho mẹ chọn giữa một cây cam và một cây quất thì mẹ sẽ chọn cam phải không?". Tôi bật cười. Nó nói thêm: "Còn con sẽ chọn cây quất đấy, mẹ ạ!".

Bọn tôi, tôi biết, dù chọn cam hay quất cũng chỉ để đợi đến lúc chúng ra hoa mà thôi dù cuối cùng thế nào những bông hoa cũng rụng đi hết.

Trời đã tối hẳn rồi, những bông quất nhỏ xíu màu trắng đã lẫn vào trong tán lá thẫm màu, lẫn vào cánh đồng. Bọn tôi quyết định trở về nhà. Con tôi khe khẽ nói lời tạm biệt. Có thể cuối tuần sau trở lại thì trên cành đã là những quả li ti.

Cánh đồng lùi lại phía sau, thành phố đã ở trước mặt rồi.