Ở đó còn bày bán phù điêu thạch cao Bác Hồ, cây dừa làm từ phim nhựa cũ mà bọn trẻ con sẽ nã pháo vào nhà thầy, cô giáo mỗi dịp 20/11 hay sinh nhật của nhau. Cô giáo lớp 2 của tôi, ngày tổng kết học kỳ dở cười dở mếu bày ra bàn giáo viên 15 cây dừa làm bằng phim cũ làm phần thưởng cho học sinh. Quanh đi quẩn lại mỗi thế, sang nhất là phù điêu thạch cao mặt Bác quay nghiêng hay vũ công ballet rồi mới tới mấy thứ mỹ nghệ dẩm dít tái chế từ những thứ vứt đi. Tất cả cũng đã vứt đi hết. Còn lại chỉ thương mến, thương mến cũng mơ hồ.
Mà sao tôi vẫn nhớ như in mùi báo mới buổi sáng những năm ấy. Bà ngoại tôi là lão thành Cách mạng, có tiêu chuẩn báo biếu hai tờ Nhân Dân và Hà Nội mới. Bưu tá sẽ phát trong ngày. Nhưng không, cả bà và tôi đều mong nhận được báo sớm nhất có thể. Tôi được bà sai đi lấy báo sáng sớm. Bàn phát báo tiêu chuẩn thì yên tĩnh phía bên trong. Quầy báo bán thì nhộn nhịp ở ngoài. Từ các ông về hưu, các chú trí thức đến các bác xích-lô, các anh công nhân, ai cũng thèm được cầm trên tay tờ báo mới khi sáng sớm. Vậy nên dãy xếp hàng cũng rất rồng rắn lên mây. Và đa số khi đến lượt những người cuối hàng thì hết báo. Cũng chẳng sao. Thời đó người ta đọc chung báo là chuyện thường.
Nhà tôi giữ báo đến hết năm. Bố tôi làm mấy cái kẹp báo bằng gỗ để lưu giữ theo thứ tự cũ dưới, mới trên. Cái thì Nhân Dân, cái thì Hà Nội mới, cái thì Văn nghệ. Cái kẹp ấy gồm hai thanh gỗ dày gần một phân, rộng độ bốn phân, bào nhẵn nhụi. Hai đầu và ở giữa khoan ba cái lỗ. Đó là chỗ bắt vít cho chặt kẹp báo. Những con vít còn được đệm một miếng cao-su mầu đen cắt từ quai dép. Thế nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó, chúng rất tròn và đẹp. Báo đọc xong, bà tôi lại ướm lỗ vít và dùi mấy lỗ, mở những chiếc kẹp báo ra, bổ sung tờ mới vào. Cứ thế, nghiêm ngắn và nền nếp.
Ấy nên, khi cần thảo luận gì đó trong chi bộ là bà tôi sẵn dẫn chứng trích dẫn nghị quyết hay lời của các lãnh đạo cấp cao. Bà tôi giữ thói quen từ hồi còn chưa nghỉ hưu, đọc báo mà trong tay luôn có cái bút chì hai màu. Cái gì mà có hai đầu?/ Đầu xanh đầu đỏ hai màu khác nhau ấy. Đầu đỏ là để khoanh vùng, gạch chân những vẫn đề về chính trị, xã hội trên Nhân Dân, Hà Nội mới. Đầu xanh để đánh dấu những câu, những bài thơ hay trên Văn nghệ, Người Hà Nội. Ngay cả những đoạn văn hay, bà cũng đánh dấu lại. Vậy nên cái vốn thẩm mỹ của lũ trẻ chúng tôi cũng được giàu có lên nhiều. Đói mà. Món ăn tinh thần bù đắp tất cả những bộn bề thiếu thốn.
Thường là sáng Chủ nhật. Bà sai tôi quét nhà và rải mấy cái chiếu xuống sàn gỗ. Tự tay bà sẽ đun hai phích nước sôi sắp sẵn ra cạnh bộ ấm chén hoa đào. Một lúc nữa thôi, các cụ trong tổ hưu trí thể nào cũng đến đọc báo. Những kẹp báo đã được bà xếp ngay ngắn trên phản gỗ. Các cụ đến đọc thì mang theo những gói chè khô nho nhỏ gói trong giấy báo cũ. Nước sôi sẵn, ấm chén sẵn, các cụ cứ tự pha mà uống rồi đọc báo với nhau. Đọc tin tức trên những tờ báo không còn mới nhưng các cụ ra điều rất khoái trí. Thỉnh thoảng có tiếng vỗ đùi đánh đét một cái. Có cụ mải đọc, đưa chén nước vừa rót vào miệng, rộp cả lưỡi. Thế là lại vuốt râu cười khà khà với nhau.
Ôi chao là nhớ mùi báo mới buổi sáng! Tôi lật một tấm ảnh tư liệu khác. Một thằng bé ngồi đọc sách ngay bậu cửa sát vỉa hè. Tuổi thơ tôi như thằng bé trong ảnh ấy, đọc ngấu nghiến mọi thứ có chữ rơi vào tay, từ báo tạp chí đến Dostoevsky. Mỗi tội chỉ thích sách báo người lớn và hoàn toàn thờ ơ với các loại báo thiếu nhi, học trò. Anh em tôi được bà, được bố dạy đánh vần từ lúc ba, bốn tuổi ấy. Và những chứ đầu tiên tôi đánh vần. "Ớ nờ ân, nhờ ân nhân. Ớ nờ ân, dờ ân dân. Nhân dân". Đấy là một trong những chữ đầu tiên tôi đánh vần được. Và sau đó, tôi sẽ đánh vần bằng hết chữ trong tờ báo. Vừa đánh vần vừa dí mắt dí mũi vào chữ. Mùi báo mới dịu dàng và phấn khích vô cùng. Mùi báo mới lúc đó là mùi của ánh sáng.
Vậy đấy. Vòng đời của một tờ nhật báo thời đó không phải một vài ngày, Những chiếc kẹp báo của bà, cuối năm mới được gỡ ra và tờ mới tinh đầu tiên sẽ là số Tết. Những tờ báo cũ sẽ được gấp lại để dành. Những khi không có họa báo Liên Xô thì bọn tôi cũng được bố mẹ bọc bìa vở bằng báo. Trên báo bọc vở mà có mấy cái ảnh thì rất vui mắt. Nhưng sớm muộn gì các nhân vật trong ảnh cũng bị vẽ thêm râu, đeo thêm kính, dắt chó đi bậy, cưỡi bình bịch nhả khói... Ngay cả ảnh lãnh đạo cũng chung số phận trên báo bọc vở học sinh. Nhưng các cụ yên tâm. Với tài hội họa của lũ nhất quỷ nhì ma thì không còn ai nhận ra ai nữa.
Hồi đó nhà tôi nấu bếp dầu. Bố tôi tận dụng gỗ thùng quân dụng trong sân bay đóng cái tủ bếp. Thật đấy. Những năm 80 mà nhà tôi có tủ bếp rồi. Có cánh nan gỗ để chống mất trộm vì bếp là cái hành lang chung. Tủ cao độ một mét, có hai cánh mở ra. Bên dưới là hai cái bếp dầu. Sát trên đỉnh là hai cái đợt gỗ chạy ngang. Trên đó là kho đồ khô của bà. Nào vừng nào lạc, nào đỗ này bột nọ bột kia. Và chắc chắn giữa năm bà cũng mua măng tươi về luộc rồi chẻ ra phơi khô. Măng khô thì bà gói lại cẩn thận trong những tờ báo cũ. Tôi rất thích lục những gói giấy báo trong kệ bếp của bà hồi đó. Cảm giác trong mỗi gói giấy báo là một câu chuyện thần kỳ có thể mở ra những phương trời khác lạ.
Rồi ập tới, phong trào kế hoạch nhỏ. Mỗi đứa học sinh phải nộp cho trường năm kilogram giấy vụn. Giời ạ! Lấy đâu ra giấy vụn?! Sách cũ thì đầu năm mượn của nhà trường cuối năm trả. Vở thì còn tờ trắng nào, cắt ra đóng vở mới. Tờ đã viết rồi thì bóc làm đôi, lấy mặt trong làm nháp. Tôi lại gần bà mếu máo gãi đầu. Bà thì bẹo má tôi cười, rồi điềm nhiên lôi từ đâu đó ra một chồng báo cũ cả dăm năm trước. Hai bà cháu lại ngồi lật giở những trang báo cũ. Kìa những ô bà đã đánh dấu bằng chì đỏ. Có cái vẫn đúng, có cái thì đã không. Chồng báo cũ làm nhiệm vụ cuối cùng cho thằng cháu: kế hoạch nhỏ. Nghe nói, phong trào của học sinh cả nước hồi ấy cũng làm được một đoàn tàu cùng tên.
Ngoảnh đi ngoảnh lại đã sát Tết. Mẹ thì lúi húi nấu bếp. Bố cũng phụ mẹ bày biện lại phòng khách với ban thờ. Bánh chưng đã vớt rửa, đang tỏa khói dưới lớp gỗ có cái cối đá nén bên trên. Tối qua, bố mẹ dắt tay nhau đi chợ hoa Hàng Lược rồi mang về một cành đào Mông Tự phớt hồng với bó violet tím sẫm. Rồi bánh, rồi mứt đã đẹp đẽ trong khay. Hình vẫn thiêu thiếu thứ gì đó. Mẹ từ ngoài bếp hỏi với vào: "Anh mua báo Tết chưa?". "Rồi đây", bố trả lời rồi đặt chồng báo Tết rực rỡ màu Xuân vào cái kệ báo bằng mây đặt cạnh bàn nước. Vậy là cái thằng tôi ấy, nó bày hết tất cả báo Tết ra sàn gỗ. Vừa chắp tay sau đít đi vòng quanh vừa gật gù chấm điểm như giám khảo Hội báo Xuân. Và vây quanh là rộn ràng mùi báo mới.