Giọng con gái. Tôi thất vọng. Mời tha thiết thế. Sao Nhuần lại không đi đón tôi. Tôi lật mình ngồi dậy. Có lẽ chẳng bao giờ tôi hết ngạc nhiên về Nhuần. Một giây. Một phút lướt qua. Ôi là mắt phượng. Hiền. Thông minh. Đuôi mắt xếch lên cuối mày. Cổ lá sen, áo hoa đậu biếc. Nền xanh nhạt, hoa tím. Tóc bím. Quần túi hộp công nhân lâm sinh ôm sát đùi. Giày vải thấp cổ không tất. Ba-lô căng chật những tập sách giáo khoa, trên miệng thò ra nửa quả bầu, cuống còn tươi nhựa. Nút bấc chai nước mắm. Hai bên túi cóc, nhét bốn năm lọ mực Cửu Long, tua tủa ngọn bút chì. Liệu sơn nữ giáo này có liên quan gì đến Nhuần không nhỉ. Ông anh họ, người bạn học đã khéo kích tôi bỏ mấy ngày phép quý hơn vàng lên bản Nắng.
Bao nhiêu nhỉ. Hai mốt. Hai ba. Mà cũng có thể chưa. Hai mươi hai. Tim tôi thốt nhiên nhảy nhịp. Xòe bàn tay còn dính phấn hoa đậu biếc, tôi nhún vai.
- Cô là ai mới được chứ. Khùng quá.
- Tôi không khùng nhưng hơi điên. Đừng có thói khách cật vấn chủ.
- Điên thật. Cô nói cứ như là chủ cả cánh rừng.
- Hẳn. Suốt từ đây tới chân núi Lạc Lèn thuộc quyền quản lý của tôi. Giấy công tác đâu. Chứng minh thư quân nhân đâu. Khéo là lính đào ngũ lạc đường cũng nên.
Tôi nóng mặt vỗ vỗ túi áo ngực đầy giấy tờ.
- Thôi ạ. Cô giáo. Nào chọc ghẹo gì nhau mà cô lại ngoáy bông hoa quý hóa của cô vào mũi người khác.
- Làm sao mà anh biết tôi là cô giáo.
- Mực tím tập viết hãy còn dính vạt áo đấy ạ…
- Điều ấy thì người kém thị lực liếc qua cũng biết. Còn anh là bạn anh Nhuần.
- ...!
- Anh không ăn ảnh. Ngố lắm. Trực diện thấy cũng chững chạc và phong độ đường được.
Lộn ruột. Giáo điều hết nhẽ. Nhuần đã bóc mẽ gì tôi. Chẳng lẽ đây là nhan sắc Nhuần hứa sẽ làm mối cho tôi. Nhưng tính cách ông anh tôi thì chất chưởng. Nói một đàng, quàng một nẻo. Đích thị Nhuần đang si... Càng thích cái gì thì Nhuần càng tìm cách đùn đẩy thứ đó ra xa mình. Khi đẩy được thì lại thầm đau khổ, tiếc nuối. Lúc xuống xe, không thấy Nhuần. Tôi hỏi đường băng rừng về bản Nắng. Ngày đã lệch chiều, nếu bỏ cuộc thì 8 giờ sáng mai mới có xe ra thị trấn. Giữa hoang vu. Ruồi vàng xoay lượn. Muỗi hổ u u. Vắt xanh tanh tách nhảy trên lá. Tiếng gà rừng ngắc ngứ trầm vọng lẫn tiếng suối. Hình như tôi mới gối đầu lên ba-lô thiếp lịm chốc lát trên lá khô, cành mục hăng ngắt dưới bóng rừng xanh rợn.
Tôi chăm chú đặt bước trên thảm thực bì đẫm hơi ẩm, lỗ chỗ dấu chân thú, giữ khoảng cách với bóng áo hoa đậu biếc chừng mươi với tay. Lạ lùng, chung quanh bỗng bừng lên thứ hương không thể gọi rõ cảm giác. Thứ hương khiến tôi thiếu tự tin và ngốc nghếch. Chiếc ba-lô cô gái đang mang chắc nặng hơn ba-lô của tôi. Hai bờ vai nhỏ, quai đeo thít níu sâu hằn rãnh. Tôi muốn giúp cô nhưng chưa biết bằng cách nào. Mải nhìn hai bờ vai, tôi đặt bước hú họa, nên thụt xuống cả những vũng nước đọng ẩn mình dưới xác lá rụng. Bùn, nước thối khẳn vọt tứ tung.
- Nghếch mắt đi đâu vậy. Hãy nhìn tôi đặt bước vào chỗ nào thì đặt theo vào đúng chỗ ấy chứ.
Tôi buốt tai đã đủ vì cái giọng nhà thầy nhà cô, nhưng đành chịu nhịn. Mới rồi, tôi hạch lỗi cô ta gãi hoa vào mũi mình cũng đã bị tẽn. Nên xoay mãi mới nghĩ được một câu tàm tạm.
- Dạ thưa, tôi vẫn đang nhìn rõ đấy ạ.
Cười nhếch, những ngón tay búp măng phẩy phẩy hạt phấn hoa tím, phớt biếc còn bám nơi bím tóc, cô gái vênh mặt.
- Hầy, nhìn sơ tôi biết tỏng tim não anh. Anh vẫn tức tôi chọc mũi anh chứ gì. Chẳng qua là tôi thương hại anh nên mới đánh thức dậy đấy thôi. Không cảm ơn lại còn làm bộ tướng tuồng.
- Tôi đang yên giấc. Ai mướn cô nào.
Quả là, cô gái đã lấy trong ba-lô chiếc vỏ lọ thuốc kháng sinh chứa thứ bột đen ươn ướt, ấn vào tay tôi.
- Nếu tôi là anh, hẳn sẽ cầm thứ thuốc chống vắt này, tìm một chỗ khuất mà cởi quân phục ra thì mới bắt được hết lũ ký sinh hút máu đang ở bất cứ một chỗ nào trên cơ thể...
Ánh mắt tinh nghịch, nụ cười tỏa hương kia thật đặc biệt. Quá đặc biệt với tôi. Chỉ còn biết nghe lời cô giáo. Mười ba con vắt đen và vắt xanh đã thừa lúc tôi ngủ luồn vào bên dưới quân phục hút máu ở những tọa độ khó nói.
Qua chuyện trên đường, tôi biết tên cô: Lê Vọng Lâm. Cái tên hơi nam tính và gợi đến cánh rừng cổ thụ xa thẳm, muôn sắc phong lan. Và, vọng định về một phương mà cất lên tiếng lòng thầm gọi vọng. Nữa là, Nhuần là thuộc cấp của Lâm. Theo lịch công tác thì anh đang phiên trực trường. Cô đang trên đường về trường sau tập huấn dưới Phòng Giáo dục. Ngoài lương thực, cô lùng mua sách giáo khoa cũ ở mấy hàng đồng nát cho mấy đứa trẻ bỏ học đi làm nương xa nên hành lý mới lỉnh kỉnh.
Bản tên Nắng nhưng quanh năm sương mù. Sương mù và sương mù cả những ngày trời bốn mươi độ. Tường núi điểm hoa trắng hoa vàng vây quanh thung lũng hơn chục mái nhà lợp phên nứa, dội xuống tiếng ve rinh ran tưởng thủng màng thính giác. Mùa đông giặt quần áo, phơi trong nhà, đụng tay nước đóng băng trong sợi vải gẫy lanh canh.
Vọng Lâm về cắm ở bản Nắng, trước Nhuần cả hai niên học. Nhưng trẻ con không thích đi học trên lớp. Muốn truyền chữ thì phải bám theo chúng lên nương, cùng phạt cỏ, đánh gốc lau, trỉa hạt lúa, hạt ngô, vùi nhân lạc hoa, củ khoai nương. Dạy lần lượt cho dăm ba đứa một đợt. Nhiều hôm dạy luôn cả ông bố ôm chai rượu ngô. Cô giáo mà chẳng khác bộ đội vùng biên. Tập uống rượu, cúng ma, làm thịt chua, đào măng đắng, hái lá thuốc giảo cổ lam, đốt cây màng tang, giã than ngâm gạo làm bánh chưng than. Lầm lũi cùng Nhuần, cô hy vọng dần dần sẽ kéo được bọn trẻ tới lớp học bình thường.
Rừng hỗn giao chạy thấp dần, dưới kia là thung lũng âm i tiếng suối. Với mắt lên cao nữa. Thì khí lạnh trắng toát sôi cuộn, trằn, trườn qua những nếp gấp núi. Mùi rừng bỗng nhạt. Hẳn sắp đến bản Nắng. Chúng tôi nghỉ chân. Nhấm nháp thứ hạt rang giòn từa tựa hạt sen mà Vọng Lâm ý nhị lôi ra từ túi quần hộp và gọi nó là hạt gắm. Thứ hạt bùi, vị đắng ngăm ngăm dịu dàng vị giác rồi mới lan man ngọt họng.
Đặt ba-lô lên gộp đá tảng bên mép suối, Lâm dặn.
- Anh cứ ngồi đây, nếu buồn ngủ cố đừng nhắm mắt. Không được tắm. Cảm lạnh đấy. Không được đi lung tung kẻo mời vắt nó xơi. Để em đi kiếm ít rau cải xoong và tranh thủ mò mấy con ốc đá về nấu canh. Tuyệt ngon luôn.
Trông thế mà độc tài nhỉ. Bề trên. Toàn là lệnh cấm.
Ngồi ôm khư khư hai chiếc ba-lô trên tảng đá, tôi biết phận. Lâm đi mấy bước dọc suối chưa an lòng quay lại, dặn với:
- Trong này có nước mắm, cá khô, sách vở và nhiều thứ quan trọng khác, anh phải cẩn thận, không được làm vỡ, làm rớt xuống nước đâu đấy.
Ngồi bó gối cả tiếng trên đá tảng, tôi ngáp sái hàm. Nhưng đến lúc Lâm ngược nước trở về, giơ cao một bó rau xanh và một chiếc ống nứa dại xóc lọc xọc những ốc đá. Hân hoan, tôi nhào chạy đi đón Vọng Lâm. Từ xa cô bỗng nổi khùng vứt cải xoong, cả ống nứa ốc đá, hét lên một tiếng chói tai.
Nước suối bên cạnh tôi duyềnh lên. Hai chiếc ba-lô lăn bõm xuống ghềnh suối sủi bọt...
Đêm trằn trọc qua.
Tôi thức giấc trên chiếc giường dát nứa, chân chôn thẳng xuống đất. Hễ cựa mình là cọt kẹt như cả nghìn nghìn bầy mọt nghiến răng. Tấm chăn len thoảng mùi nước hoa lạ và hương trinh nữ ngây buồn mà ấm lòng. Báo ảnh dán kín vách nứa. Hòm gỗ mộc, giá sách và báo cũ. Trên bàn viết ghép thân cây, chiếc ra-đi-ô đen sì như viên gạch xỉ với cả chục viên pin Con Thỏ rỉ sùi a-xít. Hộp bút ống nứa dại tiện ngắn như cái cốc uống bia. Đôi dép nhựa đứt quai. Đoạn dây điện xanh nối hai vách phòng vừa phơi vừa mắc quần áo. Lại một mảnh vải phin nõn, in những bông hoa đậu biếc. Một tấm khăn choàng, nhoáng mát... Gợi lên những tưởng tượng bâng khuâng.
Ngỡ ngàng tôi vùng sang bên lớp học. Hai gian lều nền đất nẻ nứt lọt dép, nếu nghiêng đế, cột chôn, vách nứa, bàn học ghép gỗ khúc tròn, ván bảng bìa bắp đánh nhọ nồi nhào lá chàm nếp.
Bếp lửa còn những than hồng. Vọng Lâm bày nướng la liệt những chiếc bánh mì từ túi bột ướt. Thứ bánh mì trộn muối, thoảng mùi cá khô, nước mắm, không có bột nở, cứng, dày, nặng như những viên đá cuội bên bờ đảo. Cô nói hồi đêm, sáng nay sẽ đến mấy nương lúa ở gần bản chia cho bọn trẻ. Chiếc túi vải hoa đậu biếc đựng quà đã chuẩn bị sẵn: Bút chì mầu, phấn mầu và có lẽ có cả bánh mì nướng than củi kia nữa.
Chẳng lẽ Vọng Lâm không hề chợp mắt đêm qua. Lọn tóc mai rối bời bên má. Tôi đạp lên chiếc lá khô vỡ giòn. Cô giật mình quay lại. Quầng chocolate nâu mờ quanh mắt phượng. Ánh mắt thiêu thiêu. Một nỗi buồn không đâu bỗng lơ lửng trước mặt. Vọng Lâm cảm nhận được nó. Tôi cảm nhận được nó.
- Anh dậy sớm nhỉ. Ăn sáng rồi trông nhà hộ em nhé. Không biết anh có nuốt được không. Bột mì hình như sắp mốc rồi.
Gật. Tôi quay bước. Thung lũng vắng. Tôi không đủ sức nhìn vào long lanh và lo âu nơi Vọng Lâm. Khuôn mặt quan trọng của Nhuần bỗng hiện lên trong nhờ nhờ ánh nắng. Nắng hoe nhợt lọt qua sương bay. Bản Nắng chỉ có người già và bầy lợn đeo chiếc gông gỗ vuông thả rông, quẩn quanh bên những mái nhà lụp xụp lợp gỗ pơ-mu chẻ và những chiếc váy thổ cẩm phơi sương. Lũ trẻ, kể cả đứa ẵm ngửa đã theo cha mẹ lên nương từ ngày lúa chín rộ.
Nhuần tại sao lại không ở trường. Tôi thấy lạ. Gặng hỏi thì Vọng Lâm chỉ ừ hữ cho qua.
- Chắc là đi theo bọn trẻ lên nương ấy mà. Đi mãi rồi cũng về thôi.
Suốt đêm, tôi và Vọng Lâm đã thức để hong khô những cuốn sách giáo khoa mất bìa, long gáy bên đống lửa than đốt giữa lớp học, bàn ghế ghép cây rừng, phên nứa cho khô cong từng tờ, từng trang. Ba bề, bốn phía căng dây rừng để cài sách lên hong. Những trang cong vênh như những chiếc bánh đa bột sắn vàng khè. Chỉ một trang vô tình khuyết góc, Vọng Lâm đã cau mày tiếc xót. Dù cố gắng mấy, chúng tôi vẫn không tránh khỏi làm tồi tệ thêm tình trạng vốn đã ọp ẹp của những cuốn sách cũ.
Trăng rãi ngoài sân trong ngần. Lạ cho nơi này. Trăng thì rõ, mặt trời thì không. Đang hong sách, Vọng Lâm bất thần bỏ ra sân nhìn trăng.
- Hình như đã có chuyện không hay anh ạ. Em đã cảm thấy nó. Anh vào canh chừng kẻo cháy nốt.
Vọng Lâm mong manh, một chấm mờ dưới trăng.
Tôi cứng đờ nhớ lại lúc Vọng Lâm lao đến ôm chiếc ba-lô sách như cứu đứa trẻ ngã sắp chết đuối. Tôi khuỵu ngã. Vứt được ba-lô lên bờ, cô túm lấy ngực áo tôi, nhấc lên giáng một cái tát nảy đom đóm vào má.
Khi tôi ý thức bên má trái mình hằn nổi những ngón tay thì mới nghe tiếng Vọng Lâm khóc òa. Chẳng biết Vọng Lâm khóc bao lâu. Tôi vừa xấu hổ, vừa tức, vừa thấy mình đáng bị trừng phạt hơn nữa. Vọng Lâm run rẩy, mãi mới cởi được nút thắt miệng ba-lô. Mấy lọ mực còn nguyên. Bút chì cũng vậy. Quả bầu thì trôi tuột. Chai nước mắm vỡ toác. Mấy cân bột mì nhão nhoét. Chồng sách giáo khoa thấm nước chẳng khác đống giấy vụn dầm mưa.
Ái ngại, tôi định giúp Vọng Lâm cởi sợi dậy chằng buộc những cuốn sách. Cô chán ngán rút cây bút chì gõ vào ngón tay tôi.
- Làm ơn để yên đấy. Dỡ ra bây giờ khác gì phá hoại lần nữa.
- Sao vậy. Chẳng nhẽ cô muốn ủ mục làm giá thể nuôi nấm.
Vọng Lâm rón rén nhặt những mảnh vụn thủy tinh của chai nước mắm dưới đáy ba-lô, nhét xuống khe đá, dùng sỏi lấp kín.
- Không biết nói anh thế nào nữa. Vỡ chai nước mắm là độc lắm. Điềm chẳng lành. Không biết có chuyện gì sắp xảy ra và sẽ xảy ra. Đống sách nhũn nhùn khác gì đống bột giấy. Mang về bản Nắng, lựa cách mà gỡ ra may thì còn dùng lại được...
Cô lo lắng nhìn đỉnh núi Lạc Lèn ẩn khuất trong mây.
Sao Vọng Lâm lại có thể tin vào những điềm báo vu vơ. Khuôn mặt Vọng Lâm, phút chốc trở nên thân thuộc và xa lạ như từ thuở hồng hoang. Khuôn mặt làm tôi đau.
Chồng sách giáo khoa và hai bộ quân phục dày cộp của tôi cùng được hong khô. Hình như lúc gà rừng gáy rộ, tôi đã gục xuống. Hình như Vọng Lâm đã dìu tôi đi đâu đó. Hình như tôi đã lập cập lên cơn sốt. Hình như Vọng Lâm đã thất vọng.
- Anh hậu đậu và ngố lắm, kém cả lũ học trò của em.
Tôi đi ngu ngơ trong rừng vắng nồng hăng bào tử nấm dại.
Bản Nắng của người Dao đỏ nằm dưới chân núi Lạc Lèn. Dòng suối Tiên chảy đến đầu bản thì tẽ làm hai ngọn ôm lấy bãi đá cuội trắng phau phau như bọc bông nõn được viền chung quanh bởi mầu xanh thẫm của lá chàm núi. Và, và... từng chùm hoa đậu biếc mới gieo trồng đã miên man, rực rỡ tím như cơn lên đồng của thiên nhiên ôm lấy hòn đảo, nhô lên khỏi làn nước trong mầu thạch bích. Ngôi nhà ba gian mái lợp gỗ chẻ pơ-mu chưa kịp ngả mầu nằm giữa đảo. Lớp học và nơi ở của giáo viên. Hai cây cầu khỉ, nối lớp học với bên tả, bên hữu bản Nắng. Tấm bảng ghép gỗ mộc chưa kịp nhuộm đen, trước hiên lớp đã chấm chói vài đốm hoa mười giờ.
Buông cả hai chân xuống dòng suối Tiên. Tôi nghe nước luồn qua kẽ ngón. Tôi nghe những vu vơ dịu buồn trong mình. Vâng, tự dưng có ai đang đốt lửa trong tôi. Tôi bồn chồn ngóng Vọng Lâm, tại sao thế nhỉ. Cô vừa tất tả lên nương.
Bỗng có ai đó thảng thốt ôm chầm lấy tôi từ phía sau. Lạnh toát. Trời, lẽ nào Vọng Lâm lại có thể...
- Anh ơi! Anh mau cứu em. Thằng Phìn chết rồi. Học trò sáng dạ nhất của em chết sáng qua rồi. Phìn chết rồi. Bố mẹ nó mang nó vào rừng đắp đất sơ sơ và mấy cành lá tươi lên rồi thôi. Khi nãy họ dẫn em ra mộ nó thì lợn rừng đã cày nát và tha mất nó đi rồi. Anh ơi, anh mau cứu em. Em phải tìm bằng được Phìn để đưa nó xuống phố huyện chụp ảnh. Nếu không chụp được ảnh cho nó thì em sẽ quên mất khuôn mặt nó anh ơi. Tại anh làm vỡ chai nước mắm đấy anh ơi.
Vọng Lâm tả tơi, rớm máu, run bần bật đấm lưng tôi. Tôi lắp bắp vỗ về vô nghĩa. Áo hoa đậu biếc rách một bên vai. Không có kim chỉ, tôi đưa tay kéo lại miếng áo rách. Tiếng cô như vừa mới thủ thỉ: Anh biết tại sao em thích hoa đậu biếc không. Cô giáo em ngày xưa cũng mặc áo hoa đậu biếc. Cô đã biến mất khi cứu mấy đứa học trò chúng em bị bom Mỹ sập hầm. Cái áo của cô nát tan bay đậu lên cây phượng, lên bờ hoa đậu biếc chúng em vẫn hay hái hoa giã làm mực...
- Sao lại thế này. Các người lạ nhỉ.
Cái giọng hách dịch nông choèn của Nhuần bất chợt vang lên.
Vọng Lâm đẩy tôi ra, nghiến răng nhìn lên.
- Thằng Phìn chắc bị đau ruột thừa. Nó đau thế sao anh không tìm cách giúp nó. Lại bỏ đi lang thang không chú ý đến bọn trẻ.
Nách kẹp chai rượu men lá, Nhuần ưỡn ngực, gồng vai xách túm ngô xanh và con chuột rừng vào nhà.
- Báo cáo sếp, tôi đâu phải là bác sĩ. Nếu là bác sĩ thì tôi giúp được gì khi ở nơi thâm sơn cùng cốc này.
Người anh họ của tôi xoay mặt ra.
- Thôi đi chú. Thuỗn ra đấy à. Vào nhà bóc ngô mà nướng hay luộc tùy thích. Thịt chuột ướp riềng mẻ. Hai thứ bắt rượu đượm giọng lắm.
Vọng Lâm ngơ ngác nhìn quanh. Tôi không là bác sĩ. Tôi cũng không là Nhuần. Tôi chỉ là em họ và bạn học của anh ấy. Và, sáng hôm sau, khi Vọng Lâm còn ở trên nương tìm học trò, Nhuần say ngủ, tôi lặng lẽ khoác lại ba-lô của mình về đơn vị như một kẻ chạy trốn.
Cả nghìn lý do, từ bấy, tôi không có được sự nối kết với Vọng Lâm và ông anh họ. Nghe nói Nhuần làm đến Trưởng phòng Giáo dục rồi Phó Chủ tịch huyện ở miền cao ấy. Sau gần hai mươi năm, tôi mới có dịp ghé qua vùng núi Lạc Lèn. Trong một đêm trăng sáng, tôi bỗng nghe thấy có tiếng người giảng bài, nghe thấy tiếng trẻ học bài ngọng nghịu từ nơi bãi cỏ trống bên suối Tiên. Lấy làm lạ, hỏi thì mới biết cách đây hơn chục năm, đã xảy ra một trận lũ quét. Thiên nhiên cuồng nộ đã cuốn phăng cả một hòn đảo giữa suối Tiên, bảy đứa trẻ và bao nhiêu là những bông hoa...
Cô giáo của chúng đi kiếm măng rừng, thấy cơn giông mưa lớn đã trở về không kịp. Cô giáo ấy hóa điên hóa dại bỏ đi lang thang ngang dọc những cánh rừng, men theo các dòng suối hờ gọi to tên từng học trò của mình. Những đêm trăng quanh chân núi Lạc Lèn, người ta lại thấy bóng cô giáo với tấm bảng đen trên bãi đất trống viết kín chữ dạy lũ học trò tưởng tượng bằng cái giọng xiết bao tha thiết dịu dàng.
Bóng đen dạy học trong trăng kia có phải là Vọng Lâm. Có thể. Mà không thể. Tôi không đủ can đảm hỏi đến tận cùng câu chuyện. Buổi sáng ấy tôi rời bản Nắng. Lội qua khúc suối tôi làm rơi ba-lô thì cũng là lúc Vọng Lâm đuổi theo sau vừa kịp. Cô đặt vào tay tôi chiếc khăn hoa đậu biếc gói ba chiếc bánh mì cứng như cuội.
Mắt phượng rưng rưng, Vọng Lâm định nói với tôi một câu gì đó, hoặc đã nói mà tôi nghe không thấy. Chút lưu hương thổn thức. Bóng hoa đậu biếc đã khuất sau mầu lá.
Vâng. Hình như đã gần hai mươi năm. Hai mươi năm phai bao lượt, bao sắc áo. Nơi đáy ba-lô tôi vẫn nguyên hoa đậu biếc. Và, trong trí tôi mỗi lần gặp tường núi xanh điểm hoa trắng, hoa vàng bất chợt lại lung linh sáng một bóng hình hoa đậu biếc.
Rừng xa cổ thụ, Vọng Lâm giữa mênh mông trăng lạnh, với bảng đen trước mặt không một bóng học sinh vẫn thủ thỉ đọc mẫu bài học rồi mở tay mời lần lượt từng học trò tưởng tượng ngồi trên sỏi cuội lên bảng trả bài...
Thạch Kiệt 2006-2024
LỜI BÌNH CỦA NHÀ văn NGUYỄN QUANG THIỀU
Một câu chuyện đẹp như cơn mơ. Đẹp bởi ngôn ngữ truyện ngắn đặc trưng của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, người đã được trao Giải thưởng Hội nhà văn năm 2023 với tập truyện ngắn “Mùa hè dưới bóng cây”; đẹp bởi tâm hồn và sự dâng hiến lặng lẽ cho những đứa trẻ của một cô giáo vùng cao. Đẹp bởi sự rung cảm trước con người của nhà văn.
Cứ ngỡ đó chỉ là một tác phẩm hư cấu, cứ ngỡ đó chỉ là trí tưởng tượng của nhà văn và cứ ngỡ đó là một cơn mơ. Nhưng khi đọc xong dòng chữ cuối cùng của truyện ngắn thì tất cả những gì nhà văn viết bỗng ngập tràn quanh ta. Tất cả những vẻ đẹp và cả một ngọn gió buồn từ cánh rừng ấy là của đời sống này đã bước vào câu chuyện qua cánh cửa tâm hồn của nhà văn mở ra.