Có khi nào tôi nhớ...

Ngày xưa người làng kể rằng đồi Bạch Đàn sau núi có đứa con gái khỏa thân đi dưới trăng đêm lạnh, vừa đi vừa xoay tròn mãi rồi lẩn vào trong những bông dẻ. Đàn ông làng gặp sẽ bị quỷ dẫn đi thâu đêm sáng về bơ phờ như người mất hồn chỉ nói rằng “đẹp lắm”.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | HẢI KIÊN
Minh họa | HẢI KIÊN

Người ta thêu dệt lên những tấm áo gai khoác lên người nàng, tấm áo có gai nhọn đâm thấu da thịt nàng rỉ máu. Mỗi lần nàng xuất hiện sẽ khoác lên một bộ phục sức của người điên rực rỡ, ma mị, nhưng đau đớn.

***

Mấy hôm nay tôi thấy lòng chộn rộn. Chung quy lại cũng chỉ vì người bạn ở quê rao bán một cây hoa dẻ. Cây dẻ trồng trong cái chậu sứ thật đẹp. Tôi muốn nó quá. Một nỗi khao khát được sở hữu nó cứ chiếm lấy tâm trí khiến tôi phải mở lời.

“Cho anh mua cây hoa dẻ về làm cảnh nhé?” - Câu nói bị át đi bởi tiếng gào khóc của hai thằng con đang tranh giành nhau đồ chơi. Vợ tôi quát nó, trợn mắt lườm, cho đến khi im ắng lại mới cau có hỏi tôi bảo gì. Bất giác tôi lắc đầu. Một nỗi mệt mỏi, tái tê trong lòng đang ních đầy từng chút.

- Anh không bán căn nhà ở quê đi. Em nhắc bao lần rồi.

Tiếng vợ lanh lảnh.

- Nhà mình có thiếu thốn đâu mà phải bán.

- Thế rồi anh định để nó mọc rêu lên à.

Nhắc đến căn nhà dưới quê. Lâu quá rồi tôi không về, từ ngày mẹ mất, công việc cũng cuốn tôi đi. Ngày qua ngày, cứ như được lập trình sẵn: sáng đi làm, chiều đón con, cơm nước, giặt giũ, đợi vợ đi tập yoga về rồi ăn cơm. Tôi cũng không còn nhìn ra mình nữa. Mình cùi cũi, đến thở, có khi tôi còn phải dè dặt bởi khói bụi thị thành. Tất cả hy sinh của tôi được đền đáp bằng những lời khen của bạn bè, của nhà vợ. Luân chăm vợ khéo quá.

Nhung đẹp nhưng nhức ra. Công bằng mà nói thì dù sinh hai đứa con xong cô ấy còn trẻ đẹp quá, làn da trắng và khuôn mặt xinh xắn ấy không giống phụ nữ hai con chút nào. Nhung là con một, lại gia đình khá giả, cô ấy quen nhàn nhã từ bé. Tôi lấy cô ấy, được nhà, được xe, được cả một chân trong cơ quan nhà nước. Bạn tôi giờ có khi nhiều người còn vất vả, tất tưởi bởi tiền bạc.

Tôi phải về quê một chuyến, về thăm mộ mẹ và thăm căn nhà xưa. Xe chạy hai tiếng rưỡi, tôi đi bộ men theo con đường xuyên qua sườn núi. Cảm giác hẫng hụt khiến tôi lòa mắt, không phải đất sét lầm bụi dưới chân, những cây hoa tuyết trắng mà là con đường bê-tông uốn lượn, trơ trụi dưới cái nắng hè không một bóng cây. Tôi khẽ thở dài, thành phố đã vào đến nơi đây. Bây giờ chân tôi bước trên con đường trải nắng, con đường cắt ngang qua dải suối ven rừng, nước đọng lại thành ao đầy lá rừng mục nát. Quả đồi bị phạt mất nửa để làm đường. Mưng mức trong mầu đất đỏ.

Cứ nghĩ lần này về, cỏ sẽ mọc lưng sân, tường rêu ẩm mốc, nhưng không. Mọi thứ vẫn gọn gàng, lúc mở cửa còn thoang thoảng mùi nắng. Chiều muộn chú Dư xách chai rượu và mồi nhắm sang. Từ ngày mẹ mất, căn nhà này, tôi nhờ chú chăm nom. Chú ở một mình. Mắt chú lúc nào cũng hoe đỏ, không hiểu vì rượu hay vì vốn dĩ nó vậy.

Đêm như đêm nay, thật mừng vì tôi về vào đêm trăng sáng. Cái chõng tre này, không biết đã mấy chục năm, từ thời bố tôi ngồi nhâm nhi chén rượu, rồi sau bố mất, mẹ dùng để trải cơi trầu ra têm. Nay tôi cũng ngồi trên đó, chiêu chiêu ngụm rượu. Nghe chú kể chuyện này chuyện kia mà trôi tuột đi bởi tiếng kèn đám ma văng vẳng ở xa.

- Làng có đám à chú.

Chú dốc một chén rượu, thoải tay nửa nằm nửa ngồi, hình như chú khe khẽ thở dài.

- Con Duyên. Đám nó đấy. Chết chiều qua.

Đầu tôi choáng váng, tay tôi cầm chén rượu mà chợt chao nghiêng.

- Duyên ư?

- Thằng đồ tể. Nó quai chết con bé chiều qua. Công an bắt đi rồi.

Nuốt khan một cái, cổ họng rát cháy như ngàn vạn mũi kim châm chích. Duyên ư? Tôi biết chứ, dòng suối sau đồi kia biết chứ. Những cây dẻ già đều biết, đều làm chứng cho chúng tôi. Duyên thích những bông dẻ vàng đẫm sương ấy. Thơm tho và tinh sạch. Mỗi lần Duyên đưa bông dẻ lên xoay vòng trên tay, mắt lấp lánh, tim tôi lại rộn ràng. Duyên đẹp hơn thảy lũ con gái làng và cả những đứa học cùng lớp tôi. Nhìn Duyên ai cũng nói xinh xắn như cô tiểu thư đài các, chứ không ai nghĩ cô ấy mồ côi phải nương nhờ nhà chú. Làm đủ thứ việc trên đời, mà còn nhận đòn roi.

Vẫn nhớ những đêm mùa giếng làng cạn nước, tôi và Duyên đi gánh nước đêm dưới suối. Nước dưới khe tí tách từng giọt thử lòng người đợi. “Luân ơi”. Duyên lặng lẽ dựa vào vai tôi tóc xõa ra đen nhức. Duyên không khóc mà nghe trong giọng nói có nước chẹn ngang cổ. “Duyên không muốn về nhà. Không bao giờ muốn về nhà nữa”.

Mùi mồ hôi con gái vừa xa lạ vừa thân thuộc. Nhìn lên những cây dẻ, hoa lóa vào trăng, chờn vờn rung động. “Luân sẽ lấy Duyên, Duyên sẽ không còn khổ nữa”. Tôi nhẹ nhàng hôn lên trán cô ấy, môi còn đẫm mồ hôi. Tôi của một thời khù khờ xa lạ và tôi của một mòn vẹt, trầy xướt và từng trải hôm nay. Cứ nhập nhòa ẩn hiện.

Ngày tôi nhập học, Duyên khóc. Đúng vào mùa hoa dẻ nở, Duyên chỉ có nó làm quà. Phải len lén lắm mới trốn ra tiễn tôi. Mắt Duyên buồn, như muốn nói điều gì đó, như muốn khóc, nhưng nén lại. Tôi đi, bóng Duyên nhỏ dần, rồi xa tít tắp. Những lần gặp Duyên thưa hơn, tôi cũng lười về thăm nhà, mặc kệ mẹ ngóng trông và Duyên thầm trách. Việc học cuốn tôi đi và tôi cũng quen dần với sự ồn ào phố xá, vào tiếng cười lanh lảnh của Nhung. Những đón đưa hò hẹn, mùi nước hoa thơm phức, mùi tóc xa hoa cuốn hút.

- Duyên chờ Luân mãi.

Một ngày đầu xuân, cô ấy đứng ở ven suối đợi tôi. Duyên vẫn thế, mộc mạc, chân quê, cái áo cánh mầu tím hoa cà trong chiếc áo khoác len và đôi dép tổ ong kia khiến lòng tôi dâng lên một chút thất vọng, một sự so sánh ngấm ngầm với Nhung. Có lẽ...

- Đừng đợi Luân nữa!

Miệng tôi thốt lên bất ngờ làm cô gái sững người một lúc. Duyên cúi mặt để che đi nỗi hổ thẹn và buồn bã đang đầy dâng trong mắt. Tôi thấy mình như người mắc lỗi. Chẳng nhớ lúc ấy mình đã ba la bô lô những gì, chỉ biết cô ấy quay lưng bỏ chạy.

Năm cuối đại học, tôi nghe tin Duyên cưới. Nghe đâu được cô chú mai mối cho một đám con nhà khá giả. Lòng tôi như trút được tảng đá ghì nặng bấy lâu. Tôi tự cởi tội cho mình. Thế là mừng rồi, Duyên cưới vào nhà giàu chắc hạnh phúc. Nghèo người ta mới khổ. Có tiền sẽ dễ sống hơn.

Tôi vẫn nhớ hôm Duyên cưới, một ngày mưa phùn chớm đông. Duyên thật nhỏ bé bên chồng, một gã to cao béo tốt, nước da ngai ngái vàng, nụ cười nhành ra hơi quá so với khuôn mặt khiến nó mất cân xứng. Tôi chợt chạnh lòng khi nhìn cái dáng người mảnh khảnh xanh xao của Duyên. Tôi chợt chạm vào đôi mắt buồn thăm thẳm ấy, vội quay đi. “Luân sẽ lấy Duyên”, câu hứa ngày nào khiến tôi cay đắng. Tôi đã chọn một ngã rẽ khác cho đời mình. Tôi chọn giàu sang. Duyên chẳng phải cũng chọn giàu sang đấy sao?

- Thằng thần trùng ấy, nó còn nát rượu hơn tao. Từ khi nó bị què, nó lại càng uống tợn.

Tiếng chú Dư lè nhè, tay vẫn chiêu tiếp ngụm rượu. Miệng tôi đã đắng lại, không mở nên lời. Một nỗi hụt hẫng xót thương dâng lên trong lòng.

- Bằng bấy năm, con Duyên chẳng có con. Người làng đàm tiếu, nhà chồng khinh rẻ.

Chỉ còn tôi ngồi chôn mình dưới đêm trăng lạnh, trống đám ma đã ngưng rồi, trời cũng đã khuya. Ngày mai... Ngày mai...

Theo dòng người đi đám, tôi bước như vô định, dăm ba tiếng sụt sịt. Đây có lẽ là đám ma yên ắng nhất của làng. Có ai khóc cho Duyên. Cha mẹ cô chết rồi, anh chị em chẳng có. Người cô người chú kia cũng lặng lẽ đi theo chiếc quan tài. Chỉ có những tiếng xì xào bàn tán. Đường vào nghĩa địa Khe Ren men băng qua suối, mùi hương nhang đã át những cụm dẻ ven đường đang nở rực.

Xẻng đất cuối cùng được hất lên, người ta về. Tôi muốn ở lại với Duyên thêm một lát, còn bao điều muốn nói, nhưng nếu ở lại, người ta sẽ xì xào, tôi là người đã có vợ. Chao ôi! Cuối cùng, đến cuối cùng tôi vẫn chọn quay đi. Cũng giống như tất thảy những kẻ kia mà thôi. Nếu tôi giữ lời hứa, cầm tay Duyên và đi tới cuối cùng có lẽ giờ cô ấy đã không phải nằm lạnh lẽo nơi đây. Duyên sẽ hạnh phúc.

“Duyên không muốn về nhà nữa”. Tôi thở dài. Một giọt nước mắt chợt rơi trên má. Bây giờ Duyên không phải đi đâu cả. Không còn dèm pha, đòn roi, không còn dối trá lừa lọc trên đời, Duyên được giải thoát rồi. Ngẫm ra, tôi và Duyên có mối dây kỳ lạ với nhau. Ngày Duyên cưới tôi cũng vô tình về, hôm nay Duyên mất tôi cũng về.

Suốt một ngày, đầu tôi đau buốt, những hình ảnh về Duyên cứ chờn vờn trong óc. Lòng tôi nặng nề và bải hoải, giống như đời tôi mất đi một thứ gì đó. Cảm giác gần giống như lần mẹ mất. Tôi bỏ bữa, nằm xẹp xuống giường, khẽ nhắm mắt chìm vào giấc ngủ. Đồi bạch đàn ẩn hiện, tiếng suối róc rách thật gần, như kéo tôi dậy và giục tôi đi, bước chờn vờn trong lớp khói mờ ảo. Sương sớm lạnh quá, thấm ướt tấm áo sơ mi mỏng trên người, tôi khẽ rùng mình dựa lưng vào cây bạch đàn già cỗi đã bong tróc vỏ.

Bóng ai đó thật mềm mại như xa như gần, hình như người ấy đang múa, điệu múa xoay tròn nhìn thật giống bông hoa dẻ, cánh tay trắng muốt và khẽ cong lên ôm lấy đầu. Cô gái ấy xoay nhanh quá, khiến tôi dụi mắt mấy lần mà cũng không nhìn thấy mặt, chiếc váy mầu vàng nhạt như màu nắng ấy bỗng chốc mọc ra ngàn vạn mũi gai đâm vào thân người cô gái, màn sương kia cũng lòa đỏ.

“Luân ơi!”. Tôi giật mình tỉnh dậy, trán toát mồ hôi. Ôm mặt bật khóc. Tôi có lỗi gì? Sao tôi phải ám ảnh đau thương như vậy? Có chăng là một phút bồng bột của gã trai trẻ, gieo rắc hy vọng cho một người con gái tội nghiệp, có chăng là vì tôi đã chọn một hướng đi khác của riêng mình. Ai cũng có quyền như thế mà. Tôi đi ra bể nước, vỗ nước mưa lạnh toát lên mặt cho tỉnh ngủ.

***

Cây hoa dẻ người ta đã chở tới nhà. Từ sáng, Nhung cũng ráo riết gọi điện giục tôi lên, nhà cửa cơm nước, hai ngày qua lộn tùng phèo hết cả. Tôi như trở về thực tại sau mấy hôm ủ rũ âu sầu. Vợ con tôi cần tôi, gia đình nhỏ cần tôi. Nhưng tôi vẫn muốn nán lại một hôm để thu xếp việc xây mộ cho mẹ. Tiếng Nhung thở dài, rồi dịu xuống.

Ngồi trên xe khách, tròng trành, tiếng còi xe, huyên náo bên ngoài như hút tôi về một thế giới khác. Có lẽ con tôi, hai thằng nhóc sẽ chẳng màng đến cây dẻ này, cả vợ tôi nữa. Tôi sẽ mang nó lên sân thượng, đặt nó vào một góc thật khiêm tốn để Nhung đỡ cằn nhằn.

Về đến nhà lúc ba giờ chiều, có lẽ giờ này, chẳng có ai ở nhà cả, hai thằng nhóc đi học, Nhung đi làm. Tôi sẽ ra chợ mua con cá chép về nấu món canh chua vợ thích. Tôi nhễ nhại lau mồ hôi và đặt chậu hoa dẻ xuống đất, giật mình khi nhìn thấy đôi giầy cao gót của Nhung nằm chỏng chơ dưới bậc cửa, đôi giầy tây bóng loáng để bên. Đây đâu phải size giầy của tôi. Trống ngực nổi lên, nhưng chân tôi run rẩy, từng bậc, từng bậc.

Trên chiếc giường thân thuộc tôi nằm mười mấy năm qua. Hai thân người trần như nhộng bện lấy nhau, cuống quýt vội vã. Một cú đấm như trời giáng vào cánh cửa khiến hai người giật mình kinh hãi. “Sao anh về giờ này?”. Tôi chỉ nghe thấy tiếng của Nhung đầy sợ hãi. Lặng lẽ quay lưng xuống nhà. Tôi ngồi đấy, như tan vỡ thành trăm mảnh. Rồi sẽ ra sao? Rồi sẽ ra cơ sự nào hỡi tôi!

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Tôi đã chọn một ngã rẽ khác cho đời mình. Tôi chọn giàu sang. Đấy là câu nói của nhân vật chính trong truyện ngắn. Khi câu nói đó vang lên hay là khi sự lựa chọn đã được đưa ra thì những gì nhân vật ấy sẽ phải đón nhận đã được báo trước.

Mỗi người đều phải chọn một con đường cho cuộc đời. Và mỗi con đường sẽ dẫn đến một bờ bến. Chàng trai đã rời bỏ tình yêu chân thực của mình, rời bỏ điều đẹp đẽ và vô giá mà không phải ai cũng có được để chọn đến với một thế giới vật chất. Cuối cùng, con đường ấy đã dẫn chàng trai đến sự sụp đổ đau đớn. Chàng trai không thể tìm thấy hạnh phúc bằng con đường đó. Mà không chỉ là chàng trai. Nhân loại cũng sẽ rơi vào vực thẳm nếu chọn lựa con đường như vậy.

Với cái kết của câu chuyện, người đọc có thể hình dung, có thể cảm thấy từ những tình tiết ban đầu nhưng vẫn choáng váng khi chứng kiến. Một chân lý của đời sống được hiện thực hóa bằng một câu chuyện với cách kể giản dị nhưng sống động.