Quyền lựa chọn

“Đường sáng sủa không chịu đi thì chỉ có cắm đầu vô bãi phân thôi, nghe rõ chưa Lành...”.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: HẢI KIÊN
Minh họa: HẢI KIÊN

Tôi ép sát xe đạp bên hàng chè tàu lắng tai nghe, câu được câu mất. Từ đây vào chỗ Lành đang ngồi còn một khoảng sân nhỏ nữa nhưng tôi vẫn thấy Lành đang cúi mặt. Sau hàng mi dài và rậm ấy chắc chắn có những giọt nước đang chực rơi và Lành sẽ cố níu lại. Tôi nắm chặt hàng chè tàu, tim phồng lên như muốn vỡ ra khỏi lồng ngực. Đôi mắt ấy bây giờ chắc chắn đáng thương hơn cái ngày tà áo dài bị quấn vào xe hai năm trước rất nhiều...

*

“Ơ kìa, Lành, Lành ơi!”.

Tôi cố đạp thật nhanh, tôi làm Lành giận mất rồi. Vừa nãy trong giờ ra chơi, Lành đã đưa cho tôi cuốn vở toán với ánh nhìn kỳ lạ. Tôi lật xem cẩn thận thì rớt ra một chiếc lá nhỏ với dòng chữ và ký hiệu “L <3 N” (L yêu N). Lá thư nhỏ Lành gửi cho tôi.

Tan trường, Lành cố tình đạp xe chậm tụt lại phía sau đám bạn một khoảng rất xa. Tôi chần chừ đi một bên. Rồi tôi thấy mình cần nói cái gì đó.

“Lành nè, Nhân thấy chiếc lá rồi. Cho Nhân phải không?”.

Lành khẽ gật đầu.

“Nhưng mà Nhân... Nhân không có gì xứng với Lành cả. Anh Tín rất thích Lành, Nhân thấy hai người...”.

“Kít...”.

Lành thắng xe gấp. Tôi cũng thắng vội theo.

Hai má Lành đỏ bừng lên dưới ánh nắng chiều. Rồi Lành khóc. Xốc lại chiếc mũ tai bèo, Lành cắm đầu đạp. Tôi hoảng sợ đuổi theo. Tà áo dài tuột khỏi tay Lành phất phơ trong gió, vướng vào xe.

Tôi chạy đến nhưng không kịp nữa rồi. Lành khóc, nước mắt ướt nhèm bết cả đám tóc mai. Tôi cởi vội cái áo đang mặc choàng cho Lành, dắt xe đạp của Lành vào gửi trong một nhà bên đường. Tôi chở Lành về.

Từ đó đến nay đã là hai năm, bạn bè ai cũng biết tôi và Lành thích qua thích lại. Rồi thì làm hồ sơ thi Đại học, cả lớp chỉ có tôi và Lành chọn Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Và mọi chuyện bắt đầu phức tạp.

“Nhân, em về đi. Lúc khác hãy sang”, chị Hiền đến, dựng xe ở hàng chè tàu lúc nào mà tôi chẳng hay.

“Em đừng để tâm chi cho mệt. Còn mấy tuần thôi, ráng tập trung học mà thi cho tốt đi em...”.

Nghe lời chị, tôi quay xe về. Chị Hiền là chị gái của Lành, người mà chúng tôi tin tưởng nhất.

Tôi buồn quá. “Đường sáng sủa” mẹ Lành nói chắc chắn là anh Tín, hoặc cũng có thể là bất cứ ai ngoài tôi. Bất cứ ai có mẹ có cha đường đường chính chính chứ không phải là ngoài giá thú như tôi. Mẹ sinh tôi ra, người ta đồn vang cái làng này. Lúc tôi còn nhỏ, nhiều người cho tôi bánh kẹo chỉ để xem thử tôi giống ai. Phút lâm chung của mẹ, một người đàn ông lạ hoắc xuất hiện, từ đó tôi có cha. Ngoại khóc vì nhớ mẹ, ngoại mừng vì tôi có cha. Người đàn ông đó làm giấy khai sinh lại cho tôi, đổi từ họ Trần sang họ Nguyễn. Nguyễn Thành Nhân. Mẹ nói tôi nhất định phải “thành nhân”. Cũng kể từ đó tôi có thêm người anh: anh Tín. Anh lớn hơn tôi một tuổi nhưng học cùng lớp với tôi.

*

“Nhân, dậy, dậy. Có đứa chờ con ngoài kìa” ngoại lay tôi dậy.

Tôi nhìn ra. Là thằng Thành đến rủ đi uống cà-phê. Quái, sao hôm nay nó thân thiện dữ, tôi nghĩ nghĩ rồi nhảy lên xe với nó.

Quán toàn lũ choai choai đang ôn thi như tôi đến uống. Thằng Thành lôi thuốc ra, tôi từ chối. Bàn bên cạnh rôm rả.

“Ê, mày biết chuyện của hoa khôi 12A với thằng Nhân không?”.

“Công nhận thằng đó học giỏi nhưng không biết là giống của ai”.

“Nó được nhận cha rồi mà”.

“Nhận cũng ba hạng nhận đó mày. Có khi vì tội nghiệp thôi chứ biết nó là con ai”.

“Bởi thế mẹ con Lành mới cấm con Lành qua lại với nó”

“Đúng là bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu…”.

“Mày nói ai là bãi cứt trâu, hả?”.

“Rầm, bùm…”.

Tôi ngồi viết tường trình trong Ủy ban xã, đầu ong ong như búa bổ. Chuyện tôi đánh nhau trong quán đã kinh động đến ba. Ba đã đến ngồi đợi đằng kia. Ông lúc nào cũng thủng thẳng, trầm ngâm. Nhìn ba, tôi dường như không biết được lúc nào ông vui, lúc nào ông đang có tâm sự. Mà người đó có thực là ba tôi?

“Ba, ba nhận con rồi sao tên con không có trong gia phả hả ba? Có phải ba không tin mẹ con?”.

“Không phải… nhưng chuyện này ba không quyết được, còn họ hàng...”, ba lo lắng.

“Rút cuộc con là gì hả ba? Ba phải khẳng định cho con, con có phải là máu mủ họ Nguyễn này không”.

“Kìa Nhân, con…”.

“Con không chấp nhận sự thương hại này được. Khoa học phát triển rồi ba, mình đi xét nghiệm ADN thôi ba”, tôi kéo ba đi.

“Thôi mà con. Nhỡ…”.

“Nhỡ con không phải là con của ba, phải không? Thì con cảm ơn ba vì thời gian qua đã cưu mang con. Con sẽ không mang họ Nguyễn nếu như con không mang dòng máu của ba trong người. Hoặc là tất cả hoặc là không gì cả, ba”.

Kết quả trả về như đã hẹn. Ngoại vừa mừng, vừa chùi nước mắt. Tên tôi chính thức được ghi vào gia phả họ Nguyễn. Tôi sang tìm Lành, tôi phải nói cho Lành biết chuyện này và cả chuyện tôi sẽ không buồn vì Lành không đi thi cùng tôi. Tôi sẽ nói thế này: “Lành ơi, đợi Nhân nhé. Học xong Nhân sẽ về, 5 năm thôi chứ mấy”. Bây giờ tôi đã có đủ tự tin. Nghĩ nghĩ vậy thôi mà lòng nhẹ bâng, chiếc xe hôm nay cũng nhẹ, đạp một loáng đã đến ngõ nhà Lành.

Ơ, mà ai kia, ai như anh Tín thế kia. Ơ, sao anh Tín lại ở đây? Lại ngồi nói chuyện với Lành. Lại cười vui vẻ trong nhà Lành. Sao Lành lại đứng dậy đi cùng anh Tín ra ngõ. Đi ra ngoài đường nữa. Lành và anh Tín, hai người họ… Còn tôi thì sao? Và cả chuyện tôi đang định nói? Có thứ gì đó nghe chua chát trong lòng. Tôi quay về.

*

Tôi lại lên nhà ba, ngồi ở bàn nước nghe ba dặn dò. Mai tôi lên đường vào nam nhập học. Trời chớp mấy lần ở phía đông, ba giục tôi về trước khi trời đổ mưa.

“Nhân!”.

Anh Tín vẫy tay gọi tôi vào phòng anh.

“Mày đi học xa vậy là đúng lắm đó. Dù sao thì ở cái đất này mày cũng khó mà ngẩng mặt lên. Có được ghi vô gia phả thì mày cũng chỉ là con tinh trùng đi lạc của ba thôi, mày với tao không bao giờ giống nhau”.

Tôi đứng lên. Cổ họng đắng nghét.

“Em biết mà anh Tín. Em làm sao tranh được vị trí đích tôn của anh. Đúng là anh và em không bao giờ giống nhau. Em có thể chỉ là con tinh trùng đi lạc của ba nhưng em không nghĩ là mình không thể ngẩng mặt lên, có nhiều thứ làm nên giá trị một con người hơn là những thứ anh vừa nói, anh Tín à”.

“Mày…”.

Không muốn ba buồn vì anh em tôi, tôi dứt khoát bỏ về.

“Khoan. Tao có thứ cho mày xem”.

Anh Tín chìa ra một cuốn sổ.

“Anh muốn nói gì thì nói đại luôn đi”.

“Tao nghĩ mình không cần phải nói. Mày đừng nói là mày không nhận ra cuốn sổ của Lành nhé”.

“Thì sao?”.

“Thì mày biến đi cho tụi tao yên”.

Đó là cuốn sổ Lành thường mang theo bên mình nhưng Lành viết gì trong đó thì tôi chịu. Từ lúc nào mà anh Tín trở thành người Lành tin tưởng nhất chứ không phải tôi? Mưa xối xả suốt chặng đường tôi đạp xe về. Mưa tháng tám lành lạnh, ếch nhái hai bên đường kêu buồn tênh…

Đường quốc lộ tờ mờ sáng rộng thênh thang mát mẻ vô cùng. Tôi xốc lại hành lý bước lên xe. Ngoại chắc chắn đang ngồi chùi nước mắt trong bếp. Tháng sau ngoại vào Đà Nẵng ở cùng gia đình cậu. Làng quê này nếu không có ngoại tôi hầu như chẳng có lý do để trở về nữa rồi.

“Nhân, Nhân ơi… Giữ gìn sức khỏe nghe em”.

“Chị Hiền, chị Hiền… Chị ra tiễn em ư? Sao chị biết em đi giờ này?”.

Tôi với cổ ra ngoài cửa. Xe bắt đầu lăn bánh. Chị hớt hải chạy theo.

“Lành nó nói xin lỗi em vì không ra… được, nó…”.

“Em hiểu mà chị. Chị nói Lành đừng lo, em không trách đâu. Chị ơi, giữ gìn sức khỏe, nói Lành học tốt nhé”.

Hai tai tôi lùng bùng tiếng động cơ. Chiếc xe rời xa, dáng chị Hiền bé nhỏ khuất dần chỉ còn như cái chấm giữa đường quốc lộ. Nước mắt tôi trào ra.

*

“A lô”.

“Chú Nhân phải không? Anh Tín đây. Ba yếu lắm rồi, chú sắp xếp ra sớm nhé”.

Tôi bước ra ban-công đốt một điếu thuốc. Thật tình tôi chưa từng nghĩ đến chuyện này, chưa từng nghĩ có ngày tôi trở lại quê và trở lại để chịu tang ba dù mấy năm gần đây tôi biết ba đã yếu. Anh Tín bảo ba là ba chung của hai anh em, ba già yếu thì mỗi người phụ một tay để lo, ai có công góp công, ai có của góp của. Tôi ở xa chỉ góp của chứ không góp được công. Tôi nhớ ba quá. Sâu thẳm tôi tin ba thương tôi chẳng khác gì anh Tín nhưng tôi về đó chỉ gây sóng gió.

“Ba…”.

Tôi lao vào gục xuống tay ba. Ba đã yếu lắm nhưng nét rắn rỏi vẫn hiện trên gương mặt. Ba cầm tay tôi nghẹn ngào rồi chỉ vào một người đàn ông mà tôi không quen.

“Anh Lý làm địa chính ở xã mình đó”, anh Tín bảo.

Tôi hoang mang. Ba đã âm thầm làm di chúc chia đất cho anh em tôi. Tất cả căn nhà nơi tôi đang đứng ba giao cho anh Tín, dĩ nhiên rồi. Khu vườn cũng là của anh Tín nhưng mảnh đất năm trăm mét vuông sát bên khu vườn ba mới mua sau này thì ba chia làm hai, một nửa cho anh Tín, một nửa cho tôi. Tôi lắc đầu, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nhận thứ gì tương tự thế. Ba đã nhận tôi làm con, đã lo cho tôi học đến khi tôi ra trường, cho tôi mang họ Nguyễn làm người có gốc có cội là quá nhiều với tôi rồi.

“Chú Nhân, chú gật cho ba vui. Mọi thứ đã quyết rồi”.

Vậy là ba đi. Tôi nằm vắt tay lên trán trong căn phòng mà anh Tín bảo là dành cho khách. Sáng mai sẽ phát tang ba. Lần này trở về tôi không chỉ buồn, không chỉ chơi vơi vì mất ba mà còn ngỡ ngàng khi anh Tín giới thiệu vợ con. Tôi đã chuẩn bị tâm lý để đối diện với Lành với tư cách là em chồng, thưa Lành một tiếng “chị” nhưng vợ anh Tín lại không phải Lành. Bây giờ em đang làm gì, đang ở đâu hả Lành? Từ đó đến nay tôi đã không giữ một liên lạc nào với bạn bè ở quê. Khi ba báo tin anh Tín cưới vợ, tôi lặng lẽ cúp máy sớm. Tôi gửi tiền về nhờ ba làm hộ một chỉ vàng mừng cưới. Tất cả chỉ có vậy.

Việc hậu sự cho ba xong xuôi, mai tôi đi sớm. Tôi còn được một buổi chiều cho riêng mình. Xóm nhỏ của Lành đây rồi. Thì ra bây giờ Lành đã là cô giáo. Hình ảnh người con gái trong chiếc áo dài bị vướng vào xe năm nào hiện ra, bất chợt tôi tủm tỉm cười. Theo lời mấy đứa nhỏ chỉ, tôi đi bộ đến trường Lành. Tôi thấy Lành thật và Lành cũng đang trong bộ áo dài. Tha thướt làm sao.

Quyền lựa chọn ảnh 1

“Mẹ, mẹ ơi… Hôm nay con được hai con điểm mười nhé”.

Bên kia bức tường rào có người gọi Lành là mẹ. Lành có con? Đứa bé ấy chắc đang học lớp Một? Tôi nhẩm tính, mười năm rồi còn gì.

Lẽ nào đây là số phận, hả Lành? Ráng chiều hôm nay sao mà buồn. Quê hương sao mà cay…

*

Một số điện thoại lạ gọi đến.

“Chú Nhân đó hả? Là anh Tín đây. Anh gọi để bàn với chú một chuyện”.

“Chú giờ đã thành đạt, sự nghiệp ngon lành trong ấy. Miếng đất ba để cho chú… Anh biết ba thương chú, nhưng chú chẳng về đây ở được để mãi thành đất hoang thêm tội”.

“Anh cũng biết là em chưa từng nhòm ngó đến đất đai của ba, phải không? Em sẽ sắp xếp về làm giấy sang tên cho anh sớm”.

Tôi cúp máy. Bao lâu rồi tôi mới nghe lại giọng quê mình, sao mà như ai xát muối vào lòng. Tôi buồn quá. Cuộc đời rộng lớn thế kia nhưng anh Tín chẳng nhìn qua khỏi mảnh đất khuôn viên nhà mình.

*

Anh Tín lái ô-tô riêng lên sân bay niềm nở đón tôi. Tôi sững người khi về đến ngõ. Căn nhà của ba ngày trước đã hoàn toàn biến mất.

“Anh xây lại nhà rồi sao?”.

“À, anh xây nhà nhưng là xây ở bên này”.

Anh Tín chỉ tay vào một căn nhà hai tầng mới toanh rồi đánh xe vào đó.

“Bên ấy giờ là của người ta”.

“Anh bán nhà của ba sao?”.

Lòng tôi thắt lại. Một cảm giác hụt hẫng rồi một sự ngột ngạt dâng lên.

Tôi thức dậy vì bên ngoài có tiếng người tiếng nhạc huyên náo. Tĩnh tâm một lúc, tôi nhận ra là âm thanh từ quán cà-phê của chị dâu. Anh Tín vào phòng, giờ tôi mới thấy rõ anh thay đổi rất nhiều, trông lịch lãm già đời và ra dáng ông chủ lắm.

“Chú sang uống cà-phê, ăn sáng rồi loanh quanh thăm thú. Nhiều cái mới lắm. Nhưng nhớ là mười một giờ anh em mình có hẹn với anh Lý địa chính nhé. Giờ anh có việc phải đi một lúc”.

Nghe lời anh Tín, tôi đi loanh quanh thăm thú nhưng hầu như chẳng tìm thấy góc nào là thân quen. Làng và quê đúng là chỉ còn trong ký ức.

“Nhân, Nhân, phải Nhân đó không?”.

Tôi quay lại. Một gương mặt lạ đang mỉm cười chào tôi. Tôi cũng mỉm cười chào cho phải phép, dù chẳng nhớ ra ai.

“Tui, Thành nè. Thành 12A nè. Nhớ chưa?”.

Nhắc tới đây thì tôi nhớ chứ. Bao năm rồi nhiều thứ tôi quên nhưng làm sao quên được lần đánh nhau trong quán cà-phê ấy. Những kỷ niệm không mấy dễ chịu quay về.

“Ghé nhà tui uống nước đã rồi đi”.

“Lâu quá còn gì, tui chở Nhân về cho biết nhà tui”.

Bối rối quá, tôi tìm mọi cách thoái thác nhưng thằng bạn không phải là thân ngày xưa nhìn tôi như nài nỉ. Cuối cùng, tôi miễn cưỡng lên xe.

*

Mười một giờ. Tôi bảo Thành chở tôi về. Thành e ngại dừng xe xa xa ngoài ngõ chờ tôi.

Anh Tín ngồi ở bàn nước. Đối diện là anh Lý địa chính. Tôi bước đến.

“Xin lỗi, tôi có chuyện cần nói riêng với anh Tín”.

“Chú có chuyện gì mà căng thẳng thế?”.

Tôi không nói gì. Anh Lý rời đi ngay.

“Chú đi một vòng thấy nơi này không còn quê kiểng như xưa nữa rồi chú đổi ý? Thôi được, nếu vậy anh sẽ gửi tiền, đền bù miếng đất đàng hoàng”.

“Anh Tín này, không phải thứ gì anh cũng đền bù được đâu. Ví dụ như tuổi trẻ của tôi, tuổi trẻ của Lành. Thằng Thành kể với tôi hết rồi. Chuyện năm xưa, anh kêu nó rủ tôi xuống quán cà-phê để làm nhục tôi. Chuyện anh giở trò lấy cuốn sổ mà Lành nhờ nó gửi cho tôi… Tôi biết cả rồi”.

“Tuổi trẻ mà, ai chẳng nông nổi… Chú nhắc chuyện xưa làm gì?”.

“Tôi nông nổi nhưng không giống anh”.

“Cũng vì tình yêu thôi”.

Mặt anh Tín đanh lại.

“Tình yêu? Anh nghĩ đó là yêu sao? Cuộc đời anh có lẽ chưa bao giờ biết thế nào là yêu. Thật bất hạnh. Thứ mà anh gọi là tình yêu ấy thực ra chỉ là lòng đố kỵ. Anh vì đố kỵ với tôi mà ăn không được cũng phá cho hôi. Nếu anh có chút tình thôi thì anh đã không gieo tiếng ác cho Lành, đã không đồn là tôi có vợ có con trong ấy. Tôi cũng là máu mủ của anh mà, anh Tín. Sao anh có thể…”.

“Mày… Thứ con rơi như mày lấy tư cách gì dạy đời tao”.

“Phải, tôi là con tinh trùng đi lạc của ba. Tôi sinh ra đã khiến mẹ tôi, ngoại tôi xấu hổ nhưng cuộc đời tôi, tôi cố gắng sống để khiến mọi người nghĩ điều ngược lại. Không ai có quyền lựa chọn cha mẹ cho mình nhưng có quyền lựa chọn trở thành người như thế nào. Anh hiểu tôi nói gì không?”.

“Đủ rồi”.

Hai hàm răng anh Tín siết lại, tôi nghe rõ tiếng kin kít.

“Bây giờ vào chuyện chính. Mảnh đất đó, mày tính thế nào. Ba nhận mày nhưng cái họ này không ai thừa nhận mày. Tao là đích tôn, lo hương án tổ tiên, dĩ nhiên đất đai của ba là của tao. Mày mãi mãi chỉ là khách không mời mà đến trong cái nhà này”.

“Nếu anh đã nói thế, tôi chỉ là khách vậy thì tôi cũng nên cư xử cho đúng mực của một người khách. Nếu anh thấy có gì không thỏa đáng khi tôi đứng tên trên mảnh đất ba để lại thì anh hoàn toàn có thể kiện. Chúng ta sẽ nói chuyện bằng pháp luật”.

“Đoàng…”.

Bộ ly bình đã vỡ trên bàn. Anh Tín đứng dậy. Tôi cũng đứng phắt dậy.

“Anh Tín, tôi bây giờ không còn là thằng em cùng cha khác mẹ nông nổi cho anh làm nhục nữa đâu”.

Tôi vào phòng lấy hành lý. Trở ra, vẫn thấy anh Tín ngồi ở bàn nước. Tôi đã bớt cơn khùng, chỉ còn lại một nỗi buồn vô hạn. Thật khó khăn để bước ra khỏi nhà trong tình cảnh này. Tôi lại gần bàn nước, không nén nổi tiếng thở dài.

“Anh Tín, tôi và anh đều không còn trẻ. Quá nửa đời cả rồi. Tôi nghĩ đã đến lúc anh phải nhìn lại. Tôi chỉ còn anh là ruột rà. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ về đây tranh giành bất cứ thứ gì với anh, nhưng hôm nay tôi không ký giấy cho anh vì tôi muốn anh phải nhớ đến buổi nói chuyện này. Tôi đi đây”.

*

“Lành!”.

Tôi bước vào. Một ngôi nhà cấp bốn đơn sơ. Lành đang ăn cơm với thằng bé năm nào tôi thấy trên sân trường.

“Con chị Hiền đây sao? Sao chị Hiền có thể mất sớm thế chứ?!”.

Tôi thả tay, cái túi du lịch rớt xuống nền nhà. Cuộc đời tôi tôi chưa thấy thứ gì nghẹn ngào đến thế.

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Truyện ngắn chỉ mất chừng 20 phút để đọc. Nhưng nó đã dẫn tôi đi qua cả một đời sống quá phức tạp và đầy bất trắc. Ở đó những giá trị đạo đức bị đánh tráo, bị chà đạp và cái ác công khai thách thức con người.

Tình tiết truyện mỗi lúc một đẩy cao và khi bạn đọc bị đẩy đến bờ vực của nỗi sợ hãi và tuyệt vọng về lòng tử tế của con người thì lúc đó sự tử tế hiện ra. Hình ảnh Lành chăm sóc đứa bé không phải con mình trở thành chiếc phao “cứu hộ tinh thần” cho người đọc. Cái đẹp có thể bị vùi dập một lúc nào đó và ở đâu đó, nhưng cái đẹp không thể chết. Cái đẹp sẽ trỗi dậy trong bất cứ hoàn cảnh nào và trước bất cứ đe dọa nào. Đấy là thông điệp của nhà văn và là sứ mệnh của nhà văn trên mỗi trang viết của mình.