Khôi phục giỗ tổ nghề độc nhất vô nhị
Theo các nhà nghiên cứu, hát xẩm ra đời vào thời Trần, cách đây 700 năm. Đầu thế kỷ 20 cho đến tận những năm trước và sau Cách mạng Tháng Tám, hát xẩm vẫn thịnh hành là một nghề kiếm sống độc đáo của những người khiếm thị khắp quê cùng ngõ hẻm ở miền Bắc nước ta.
Dâng hương tổ nghề hát xẩm. |
Hằng năm, những người hành nghề hát xẩm khắp nơi chọn một ngày tụ hội, vì đặc trưng nghề không có một nơi nào cố định, nên giỗ tổ có thể được tiến hành ở bất cứ đình làng nào nơi họ đi qua, hoặc có khi chỉ là một bãi đất trống, dựng lều lập án dâng hương tưởng nhớ tổ. Tại lễ giổ tổ, họ cũng thường tổ chức đàn hát, như một hình thức trình báo tổ nghề những bài ca cũ, những làn điệu mới mà trong quá trình bôn ba làm nghề kiếm sống, họ đã dày công mà vun đắp cho vốn liếng của nghề.
Tồn tại cho đến khoảng những năm 60 của thế kỷ trước thì nghề mai một, lễ giổ tổ thất truyền. Tính ra, phải đến gần nửa thế kỷ qua, lễ giổ tổ nghề độc đáo này mới được tổ chức trở lại, do Trung tâm Phát triển âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiến hành.
Trong kho tàng âm nhạc dân gian, có lẽ chỉ duy nhất hát xẩm được coi là một nghề. Hàng trăm năm qua, trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện về vị tổ nghề hát xẩm là Thái tử Trần Quốc Đĩnh, một trong hai người con trai của vua Trần Thánh Tông. Theo những lời kể lưu truyền từ các thế hệ những người làm nghề hát xẩm Hà Nội xưa, thì mối nhân duyên để một vị thái tử có thân phận danh giá với một nghề bị coi là hèn kém của tầng lớp lao động và những người kém may mắn là do lòng đố kỵ, tranh giành quyền lực huynh đệ tương tàn trong hoàng cung. Thái tử Trần Quốc Đĩnh bị người em hãm hại và bỏ mặc trong rừng sâu. Chàng đã dùng tiếng hát bày tỏ nỗi lòng oan khuất. Lời ca tiếng đàn của chàng rúng động cả rừng sâu, đến tận cung đình, và nhờ đó nhà vua nhận ra con mình. Tuy vậy, chàng đã trở lại dân gian và dạy đàn hát cho những người có thân phận kém may mắn kiếm cớ sinh nhai. Ghi nhớ công ơn, những người làm nghề hát xẩm chọn ra hai ngày cố định là 22-2 và 22-8 hằng năm để làm ngày giỗ tổ, tưởng nhớ tới vị tổ nghề cao quý nhân hậu của mình. |
Nhạc sĩ Thao Giang, một trong những người tâm huyết phục dựng lễ giỗ tổ nghề hát xẩm cho biết, đây là lần thứ hai, lễ giổ tổ nghề được khôi phục. Lần trước, lễ được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám sau rất nhiều năm chuẩn bị.
Đến lần tổ chức thứ hai này, theo nhạc sĩ Thao Giang, về cơ bản coi như mọi khó khăn đã đi qua. Lễ giổ tổ được phục dựng theo đúng nghi thức và trình tự như lời kể của các cụ già, có sự giám sát và cố vấn của các nhà nghiên cứu. Cho đến nay, trình tự các nghi thức hầu như đã được tái hiện đầy đủ, gồm lễ dâng hương với tiền trống hậu chiêng, dâng văn bản thờ, trình tấu những bài ca, làn điệu cơ bản của nghệ thuật xẩm và vinh danh những người làm nghề. Chỉ còn duy nhất lễ bầu chọn ông trùm thì chưa thực hiện được. Nhạc sĩ Thao Giang cho biết, có thể sang lần thứ ba vào năm tới, nghi thức này sẽ được khôi phục.
Và “báo động đỏ” nghệ nhân
Nói là về cơ bản đã qua mọi khó khăn đối với những người tâm huyết khôi phục lễ giổ tổ hát xẩm, nhưng khó khăn thực sự chính là việc đưa các nghệ nhân trở lại. Báo động nghệ nhân không phải là chỉ là tình trạng của riêng nghệ thuật hát xẩm, mà với hầu hết tất cả các loại hình nghệ thuật âm nhạc, diễn xướng dân gian. Nhưng, với hát xẩm, ai cũng biết, nghệ nhân hiện còn thật quá hiếm hoi. Cụ Nguyễn Văn Khôi cao tuổi nhất thì đã về tổ tiên năm trước. Bà Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “Người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20” tuổi cũng đã cao, sức khoẻ không được tốt, hiện như lá vàng trên cây chẳng biết rụng ngày nào.
Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam, có một vài nghệ nhân cao tuổi ở Thanh Hoá như cụ Tô Quốc Phương, Nguyễn Minh Sen, dù không làm nghề nhưng họ là những người hiếm hoi gìn giữ những câu hát xẩm. Tại lễ giổ tổ này, họ không thể có mặt vì tình trạng sức khoẻ.
Lễ giổ tổ có phần “rầm rộ” bởi sự xuất hiện và trình diễn của lớp nghệ sĩ mới mong muốn gìn giữ như NSND Xuân Hoạch, các NSƯT Thanh Ngoan, Văn Ty… và những người trẻ yêu thích hát xẩm như Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Kiều Loan, Minh Thư…
Nhạc sĩ Thao Giang nói, mong muốn đưa hát xẩm trở lại đời sống cộng đồng đang hy vọng thành hiện thực, khi chiếu xẩm ở chợ Đồng Xuân thứ bảy hằng đêm bốn năm đã đứng vững. Cùng với đó, những lớp học xẩm đến nay đã thu hút khoảng hơn 200 người, trong đó hơn 70% là thế hệ trẻ.
Cụ Nguyễn Văn Gia nhận bằng khen |
May mắn, trong lễ giổ Tổ năm nay, có cụ Nguyễn Văn Gia 64 tuổi từ Phú Đô, là học trò của cụ Trùm Nguyên (nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên) nổi tiếng ở Hà Nội những năm 70 thế kỷ trước. Cụ Gia bị mù từ thời trẻ, theo học Trùm Nguyên nghề hát xẩm để mưu sinh. Nhưng cũng đã hơn hai mươi năm nay chẳng còn đi hát, nay ở nhà xem số tử vi. Thỉnh thoảng “buồn buồn” cũng mang đàn ra ca vài điệu.
Sự xuất hiện của cụ Gia trong lễ giổ tổ sáng nay như làm loé lên tia hy vọng cho những người mong muốn gìn giữ, phục hồi nghệ thuật hát xẩm. Biết đâu, trong dân gian, hãy còn nhiều những nghệ nhân chưa được biết tới?
Hiện nay có sự nhầm lẫn về hát xẩm. Đây là âm nhạc bình dân, có sự tiếp cận của công chúng rộng hơn so với ca trù, hát văn nên cũng có gặp một số hiểu lầm. Ví dụ như những người đi thuyền bè hay đi hát xẩm ở chợ búa thường bị người ta tưởng là ăn xin. Hiện nay, Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam đang tiến hành tổng kết hệ thống làn điệu, phương pháp diễn xướng của từng loại hình. Nhìn toàn diện, nó là loại hình nghệ thuật chứ không phải là hát rong. Trong nghệ thuật hát xẩm, có xẩm thính phòng, có dòng văn học riêng, nhạc khí, cấu trúc âm nhạc riêng. Chúng tôi sẽ khẳng định hát xẩm là loại hình ca nhạc dân gian mang tính chuyên nghiệp. |