TS âm nhạc Lê Y Linh, nhà văn Trương Quý, nhạc sĩ Quốc Trung và nhà báo Mạnh Tiến đã cùng trò chuyện về di sản âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân và cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau” do TS Lê Y Linh chấp bút viết về cha mình. Buổi trò chuyện do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Cuốn “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau” do TS Lê Y Linh viết về cha mình dựa trên nguồn tư liệu tin cậy và kiến thức âm nhạc sâu rộng của chị. Cuốn sách cho thấy chân dung nhạc sĩ Hoàng Vân cả trong và ngoài âm nhạc. TS Lê Y Linh cho biết, khi thực hiện cuốn sách này, chị chỉ có một mong muốn kể lại những chi tiết quan trọng trong cuộc đời sáng tác của bố chị - nhạc sĩ Hoàng Vân, trên cơ sở các tư liệu đã tập hợp được.
Nội dung được triển khai theo bốn chủ điểm chính: Sự nghiệp sáng tác theo trình tự thời gian; Tác phẩm; Quan niệm của nhạc sĩ về âm nhạc và một số kỷ niệm về nhạc sĩ.
Hai yếu tố trong âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân được các diễn giả đề cập đến nhiều là ca từ và khí nhạc. Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, trong âm nhạc Việt Nam, nhiều nhạc sĩ nổi lên là nhờ phổ nhạc cho thơ, với ca từ của thơ vốn đã có độ đẹp. Còn với nhạc sĩ Hoàng Vân, ông rất giỏi sử dụng ca từ. Ca từ và chủ đề các ca khúc của ông rất biến hóa. Những ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất bay bổng, đẹp và rất tiêu biểu, cả về lời và hòa âm phối khí.
Nhà văn Trương Quý cũng cho rằng, nhạc sĩ Hoàng Vân có cách sử dụng ngôn từ rất đặc biệt. Ông có sự liên tưởng về từ ngữ, có những cặp từ ngữ sóng đôi, có những đại từ hòa quyện với nhau. Ông là người đầu tiên dùng từ “em” cho mọi nhân vật trong ca khúc của mình. Theo nhà văn, đối với nhạc sĩ Hoàng Vân, không có khái niệm “địa phương ca”, “ngành ca”, mà chỉ có những bài hát như thế nào cho hay.
Một điểm đặc biệt nữa trong âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, theo nhạc sĩ Quốc Trung, đó là ở tất cả các tác phẩm của ông, có thể thấy rất rõ âm hưởng của dân ca nhưng không rõ cụ thể ra là dân ca của vùng nào. Ngay cả các tác phẩm khí nhạc của ông cũng phảng phất nét dân ca.
Chung ý kiến này với nhạc sĩ Quốc Trung, nhà báo Tiến Mạnh cho rằng, nhạc sĩ Hoàng Vân có góc nhìn đa chiều và tình yêu với âm nhạc dân gian. Nhạc sĩ đã chắp cánh cho những giai điệu dân gian vào các tác phẩm khí nhạc. Thí dụ như tác phẩm “Voi kéo gỗ trên lâm trường” (được ông sáng tác sau một chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên), nhạc sĩ đã khai tác tính năng của nhạc cụ, có bước phát triển về hòa âm phối khí. Hay tác phẩm “Tiếng khèn ngày chợ phiên”, là một tác phẩm khí nhạc đậm đặc, nhưng lại sử dụng tiếng kèn ô-boa mô phỏng tiếng khèn Mông.
Nhà báo Tiến Mạnh cũng cho biết, ngoài ra, nhạc sĩ Hoàng Vân cũng có nhiều tác phẩm khí thanh khí nhạc, hợp xướng, như hợp xướng “Điện Biên Phủ không bao giờ quên” đã trở thành một chất liệu quý báu của nền âm nhạc Việt Nam.
Nói về di sản âm nhạc mà cha mình để lại, TS Lê Y Linh cho biết, nhạc sĩ Hoàng Vân để lại một khối lượng các tác phẩm thanh khí nhạc đồ sộ, trong đó có tới hơn 100 bài tình ca. TS Lê Y Linh ngỏ ý, nếu các ca sĩ hay người yêu âm nhạc trẻ nào thích, có thể tập hát, thậm chí còn có cơ hội được nhạc sĩ Quốc Trung phối khí và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam nếu phù hợp.
Chia sẻ về quá trình làm cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau”, TS Lê Y Linh cho biết, do xa nhà đã hơn 30 năm, nên chị đã sưu tập các tác phẩm của cha mình qua các bài báo, và qua đó chị khám phá được tình cảm yêu quý của công chúng dành cho ông. “Tôi thực sự ngạc nhiên và kính phục sự hiểu biết, yêu quý của các đồng nghiệp của tôi đối với âm nhạc của ông. Tôi rất cảm động”.
Đối với TS âm nhạc Lê Y Linh, cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau” mới chỉ là khởi đầu. “Tôi tin rằng sẽ còn những nghiên cứu khác về các tác phẩm của cha tôi”, chị nói.