Khuyến học, khuyến tài trên đất Hồng Lam, Hà Tĩnh

NDO -

Những năm qua, thông qua việc triển khai nhiều giải pháp, phong trào khuyến học, khuyến tài, chung tay xây dựng xã hội học tập tại Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần hiếu học của đất Hồng Lam đến mỗi gia đình, dòng họ, thôn xóm. 

Em Đinh Thị Minh Trang thỏa mong ước giảng đường đại học nhờ sự tiếp sức, hỗ trợ kịp thời của Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học.
Em Đinh Thị Minh Trang thỏa mong ước giảng đường đại học nhờ sự tiếp sức, hỗ trợ kịp thời của Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học.

Nhờ thực hiện tốt phong trào khuyến học, khuyến tài, nhiều học sinh nghèo hiếu học đã được động viên, khuyến khích kịp thời, có cơ hội được học cao hơn. Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, phong trào khuyến học, khuyến tài ở Hà Tĩnh ngày càng phát triển.  

Nâng bước em đến trường

Kể từ khi người cha qua đời vì bạo bệnh, ước mơ trở thành một bác sĩ luôn thường trực trong em Đinh Thị Minh Trang, ở xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ). Để biến ước mơ thành hiện thực, suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, Trang luôn nỗ lực gấp hai, gấp ba lần, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.

Thấu hiểu những vất vả của người mẹ thường xuyên ốm đau, phải gánh trên mình nhiều khoản nợ để nuôi ba đứa con khôn lớn, ngay từ nhỏ, Đinh Thị Minh Trang luôn có ý thức tự học và phụ giúp việc gia đình. Mong ước cháy bỏng ấy tưởng như sớm thành hiện thực khi tổng điểm đăng ký vào Trường Đại học Y Huế của em đạt 28,5 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021 (gọi tắt là kỳ thi) vừa qua.

Thế nhưng, khi cổng trường y đang rộng mở đối với cô học trò nhỏ miền đất học Đức Thọ thì những bộn bề, lo toan đặt trên đôi vai tảo tần của người mẹ dường như đang cản trở ước mơ của Trang. “Với số điểm đạt được, khả năng trúng tuyển vào các trường đại học em đã đăng ký rất cao. Tuy nhiên, hoàn cảnh nhà em bây giờ rất khó, biết lấy tiền đâu để đi học”. Cô học trò có dáng người nhỏ nhắn Đinh Thị Minh Trang lo lắng.

Nỗi niềm của Trang cũng là tâm trạng của hàng trăm học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua tại Hà Tĩnh. Theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh, Nguyễn Xuân Trường, tại kỳ thi này, tỉnh Hà Tĩnh có 613 thí sinh đạt 27 điểm trở lên ở các tổ hợp bộ môn khác nhau. Qua khảo sát của Hội Khuyến học các cấp, gần ½ tổng số thí sinh đạt điểm cao kỳ thi này có hoàn cảnh khó khăn, cá biệt có nhiều em đứng trước viễn cảnh phải từ bỏ ước mơ giảng đường đại học bởi hoàn cảnh gia đình… quá nghèo.

Nắm bắt được tình hình đó, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chỉ đạo Hội Khuyến học Hà Tĩnh phối hợp các sở, ngành liên quan thành lập Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học (trực thuộc Quỹ Khuyến học đất Hồng Lam) nhằm vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí để các em đạt điểm cao trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT có hoàn cảnh khó khăn vững bước trên giảng đường đại học.

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh, Đoàn Đình Anh, cho biết: Sau khi Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học, nhiều tổ chức, cá nhân đã đăng ký ủng hộ kinh phí giúp các em thắp sáng ước mơ, tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương Hà Tĩnh.

Theo quy chế hoạt động của quỹ, những học sinh đạt 27 điểm trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc thủ khoa trường đại học đăng ký xét tuyển, khối đăng ký xét tuyển toàn quốc có hoàn cảnh khó khăn hoặc những em đạt hơn 25 điểm nhưng gia đình quá đặc biệt khó khăn thì Ban Quản lý quỹ xem xét thống nhất quyết định hỗ trợ chi phí để các em trang trải trong cả quá trình học tập với mức hỗ trợ cụ thể: đối với sinh viên học các trường sư phạm và các trường đại học khác là 2 triệu đồng/tháng; các trường đại học y là 2,5 triệu đồng/tháng. Riêng các trường thuộc quân đội, công an, sinh viên được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng.

“Biết tin cháu sẽ nhận được hỗ trợ để tiếp tục đến trường, lòng tôi như trút bỏ được gánh nặng. Vậy là ước mơ được trở thành bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là những gia đình nghèo như chúng tôi của cháu sẽ sớm thành hiện thực”, chị Nguyễn Thị Sang, mẹ của thí sinh Trang mở lòng.

Được biết, ngoài Đinh Thị Minh Trang, năm học này sẽ có hơn 30 tân sinh viên ở Hà Tĩnh sẽ được hỗ trợ kinh phí học tập trọn khóa.

Nỗ lực xây dựng xã hội học tập

Khuyến học, khuyến tài trên đất Hồng Lam -0
Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vinh danh các gia đình, dòng họ khuyến học.  

Theo ông Đoàn Đình Anh, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh, ngoài Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học, Hội Khuyến học tỉnh còn tham gia quản lý Quỹ Khuyến học Nguyễn Du, Quỹ Khuyến học đất Hồng Lam. Với quy chế hoạt động của mình, mỗi năm Quỹ Khuyến học Nguyễn Du sẽ trích toàn bộ số tiền lãi thu được từ nguồn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên để trao thưởng cho các học sinh và giáo viên có thành tích xuất sắc trong học tập và giảng dạy hoặc gặp khó khăn trong đời sống.

Ngoài ra, Quỹ Khuyến học đất Hồng Lam, mỗi năm trao tặng khoảng 700 triệu đồng cho các em đạt học sinh giải quốc gia và học sinh giỏi tỉnh. Bên cạnh các quỹ khuyến học do tỉnh quản lý, tại mỗi địa phương, trường học, gia đình, dòng họ trên địa bàn đều thành lập được các quỹ khuyến học nhằm kịp thời chia sẻ, động viên học sinh vượt khó vươn lên.

Ông Đoàn Đình Anh cho rằng, sở dĩ phong trào khuyến học, khuyến tài thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân là nhờ cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Nhiều mô hình mới, cách làm hay như: tiếng kẻng học bài, dòng họ hiếu học, nâng bước em đến trường, thư viện xanh, thư viện cộng đồng… không chỉ tạo động lực học tập cho thế hệ trẻ mà còn lan tỏa tinh thần cả xã hội cùng học tập với phương châm “cần gì học nấy” đến tất cả các đơn vị, khu dân cư trên địa bàn.

Đồng quan điểm trên, thầy giáo Lê Tiến Võ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho rằng, công tác khuyến học, khuyến tài đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy, học tại nhà trường. Với đặc thù của một ngôi trường đóng trên địa bàn khó khăn huyện Lộc Hà, đa phần các em học sinh ở đây phải chịu nhiều thua thiệt trong đời sống kinh tế.

Tuy nhiên, nhờ sự động viên, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà trường, các em học sinh đã nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn trước mắt và bước đầu đã gặt hái được những thành công trên con đường tìm kiếm tri thức. Thành tích vượt khó của các em: Lê Thị Vân, Hoàng Phi Hùng, Nguyễn Thị Lệ… ghi đậm dấu ấn của công tác khuyến học, khuyến tài.

“Đón đầu xu thế khuyến khích dạy nghề và học nghề, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương dành sự quan tâm thỏa đáng cho công tác khuyến nghề. Các em học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường dạy nghề có thành tích học tập tốt sẽ được khen thưởng, động viên bình đẳng như các học sinh đang học tập tại các cấp học, loại hình đào tạo trong hệ thống giáo dục của nhà nước hiện nay”. Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh, Đoàn Đình Anh nhấn mạnh.