Chúng tôi về xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ) đúng thời điểm người dân đang tất bật chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới. Đi đến đâu cũng nghe mọi người hào hứng bàn tán về việc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Gia đình chị Trần Thị Bàng, xã Tam Thôn Hiệp có 4 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống đã hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, với mô hình này, càng về sau càng gặp khó khăn do nhiều yếu tố, nhất là tình hình dịch bệnh bùng phát dữ dội. Sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tháng 11-2015, gia đình chị Bàng quyết định cải tạo lại khu nuôi và thực hiện đúng quy trình công nghệ cao với chi phí đầu tư là hai tỷ đồng.
Chỉ sau bốn vụ tôm (ba tháng/vụ), chị Bàng thu hoạch được hơn 30 tấn tôm thương phẩm, tương đương hơn 4,2 tỷ đồng, đạt lợi nhuận hơn hai tỷ đồng. Nếu như với cách nuôi truyền thống trong ao đất, chị thường thả 50 con giống/m2 thì với tôm công nghệ cao, chị thả đến 200 con/m2. Nhờ quy trình nuôi an toàn sinh học, chọn lọc con giống tốt cho nên con tôm khi thu hoạch đạt được cỡ lớn từ 25 đến 30 con/kg. Theo chị Bàng, trước đây, nông dân nuôi tôm công nghiệp, mật độ thả nuôi thưa, môi trường thường bị ô nhiễm phải sử dụng kháng sinh, không quản lý được thức ăn, rủi ro cao. Nuôi công nghệ cao mật độ thả nuôi dày, không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường, do có xây dựng hố ga cho nên những con nào yếu sẽ rớt vào hố ga đưa ra ngoài, chủ nuôi có thể tận dụng những con tôm yếu để phơi khô. Nuôi công nghệ cao mặc dù từ giai đoạn ương đến thu hoạch, tiền đầu tư rất cao, nhưng khi nuôi, vốn ít hơn nuôi công nghiệp, nuôi được liên tục không bị gián đoạn.
Anh Trần Văn Mùa, xã Hiệp Phước (Nhà Bè), cũng liên tiếp thắng lớn, trúng đậm bạc tỷ mỗi năm nhờ áp dụng nuôi tôm công nghệ cao. Để nuôi hai ao tôm 1.200 m2 theo mô hình này, anh Mùa chuẩn bị một ao ương, một ao lắng, hai ao sẵn sàng. Trung bình chi phí đầu tư theo mô hình này khoảng 1,8 tỷ đồng/ha. Ngược lại, tỷ lệ thành công khá cao, năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha, mỗi năm sản xuất ba đến bốn vụ tôm. Theo anh Mùa, mỗi lứa tôm anh nuôi trung bình 70 ngày, cộng với thời gian xử lý ao là 90 ngày thì một năm cũng nuôi được ba đến bốn vụ. Với giá cả thị trường ổn định thì mỗi năm gia đình anh cũng thu lợi khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/ha từ nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao.
Tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, phong trào nuôi tôm áp dụng công nghệ cao đang được nông dân ra sức nhân rộng. Theo anh Huỳnh Công Phúc (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), anh đang đầu tư sáu ao tôm theo mô hình này (2.500m2/ao), bên cạnh vốn đầu tư lớn, mô hình còn đòi hỏi nông dân phải biết thiết kế kỹ thuật công trình, cao trình, hệ thống cống xả, vận hành thay nước... Tuy nhiên, nếu đầu tư đúng và tuân thủ quy trình nuôi, tỷ lệ tôm chết là rất thấp. Đây là hướng đi tất yếu đối với người nuôi tôm hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ hiện nay. Với mỗi héc-ta nuôi tôm, nông dân chỉ sử dụng khoảng 50% diện tích làm ao nuôi, diện tích còn lại anh xây dựng ao ương, ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, ao chứa phân, bùn và hệ thống xử lý bi-ô-ga. Đơn giản hơn, nông dân chỉ cần xây dựng ao ương giống với quy mô từ 200 đến 1.000 m2 theo mô hình CPF-Green House với chi phí khoảng vài trăm triệu đồng.
Ông Bùi Quốc Bảo, Trưởng phòng Kinh doanh bộ phận thủy sản của Công ty cổ phần C.P Việt Nam, chia sẻ: CPF-Turbo Program là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao có lót bạt, có hố xi-phông… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học nhằm đạt mục tiêu “ba cao, một thấp và không thất bại”. Cụ thể ba cao là: tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ sống cao và số vụ nuôi cao; một thấp là FCR thấp và không thiệt hại. Còn chương trình ba sạch là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch. Yêu cầu các chủ trang trại tham gia CPF - Turbo Program phải làm hệ thống an toàn sinh học; các trang trại phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, phải đầu tư hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập.
Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nông dân Cần Giờ thật sự phấn khởi. Đến nay, Cần Giờ đã có gần 397 ha trong tổng số 2.400 ha quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng được đưa vào sản xuất, với sản lượng trung bình 3,5 tấn/ha. Phấn đấu giá trị sản xuất đến năm 2020, năng suất đạt bảy tấn/ha/vụ, tổng sản lượng đạt hơn 16 nghìn tấn và đến năm 2025, năng suất đạt tám tấn/ha/vụ, sản lượng đạt hơn 23 nghìn tấn.