Thời gian qua, Trường THPT Alpha School (Hoài Đức, Hà Nội) chú trọng thực hiện các giải pháp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Theo TS Trần Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Alpha School, nhà trường xây dựng môi trường giáo dục đồng bộ theo mô hình: Gia đình, học sinh và nhà trường, hướng đến việc giáo dục năng lực cá nhân khi bản thân học sinh và bố, mẹ hiểu, cùng đồng hành với nhà trường và có chung mục đích trong chặng đường giáo dục học sinh. Nhà trường coi việc giáo dục giá trị sống, trang bị nền tảng các giá trị cốt lõi cho học sinh có tầm quan trọng đặc biệt. Để phù hợp năng lực từng nhóm học sinh, phương pháp dạy học được đội ngũ giáo viên linh hoạt áp dụng ở từng bộ môn, giúp các em vừa có hứng thú trong học tập, vừa phát huy được năng lực của mình thông qua các hoạt động trải nghiệm, thể dục thể thao, nghệ thuật…
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học đã được đặc biệt quan tâm. Sở chỉ đạo các nhà trường, phòng GD và ĐT các quận, huyện, thị xã thành lập bộ phận làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học. Đến nay, tất cả các đơn vị trường học (1.581 trường học) thành lập bộ phận tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Đặc biệt, các trường đã xây dựng quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục phù hợp với địa phương trên cơ sở quy định chung của ngành.
Tại tỉnh Nghệ An, thời gian qua, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh được thực hiện thông qua giáo dục truyền thống, đặc biệt là mô hình “Tìm về địa chỉ đỏ”. Theo Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng (Sở GD và ĐT tỉnh Nghệ An) Nguyễn Trọng Bé, “Tìm về địa chỉ đỏ” là một trong những mô hình hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống cho học sinh. Thông qua việc trang bị kiến thức trong sách giáo khoa và hệ thống di tích ở địa phương, giúp các em có được những hiểu biết phong phú, sinh động về những sự kiện, nhân vật, địa danh lịch sử; hiểu thêm về tinh thần kiên trung, nghĩa khí, dũng cảm chống áp bức, bóc lột, ngoại xâm; tinh thần bất khuất, kiên cường của người dân Việt Nam. Thông qua các hoạt động, hình thành cho các em niềm tự hào, lòng biết ơn, nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh trong học tập, lao động, phát huy các giá trị truyền thống.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học cũng chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua các hình thức, mô hình khác nhau và bước đầu tạo sự chuyển biến hiệu quả. Theo đại diện Trường đại học Lạc Hồng (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), hiện nay 100% số sinh viên nhà trường sử dụng in-tơ-nét và tham gia môi trường mạng. Bên cạnh những mặt tích cực, môi trường mạng cũng gây ra những tác động không tốt đối với sinh viên. Vì vậy, nhà trường xác định việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên trong việc sử dụng hiệu quả in-tơ-nét và mạng xã hội là nhiệm vụ then chốt và thực hiện thường xuyên. Qua đó, kịp thời phát hiện, giáo dục, định hướng sinh viên trước những quan điểm lệch lạc, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật…
Thứ trưởng GD và ĐT Ngô Thị Minh cho biết, thông qua việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục và thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều chỉ tiêu, giải pháp đặt ra trong Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” đã hoàn thành. Kết quả, 100% số cán bộ, đoàn viên và 80% số thanh niên được tuyên truyền, học tập nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 99,6% số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên ban hành quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; 87% cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm ban hành quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Các đơn vị còn lại ban hành quy tắc ứng xử văn hóa lồng ghép trong nội quy nhà trường, quy chế văn hóa công sở hoặc quy định thực hiện nếp sống văn hóa học đường. Vì vậy, nhận thức, ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên với gia đình, học tập, rèn luyện có nhiều chuyển biến; tích cực tham gia các hoạt động tập thể, phong trào thi đua, nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập.
Thời gian tới, các cơ sở GD và ĐT tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và các tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ GD và ĐT tiếp tục đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” cho giai đoạn tiếp theo với quan điểm tiếp tục tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và khơi dậy trong thanh niên, học sinh, sinh viên khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, luôn nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; có tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên
Sau 5 năm thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”, ngành giáo dục đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Thông qua việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, vượt khó học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động của trường, xã hội của học sinh, sinh viên.
Đoàn viên, thanh niên Trường phổ thông Thái Bình Dương, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cùng các tình nguyện viên may khẩu trang tặng người nghèo phòng, chống dịch Covid-19.Ảnh: DÂN AN |