Giáo trình tin học cho người khiếm thị

Giáo trình tin học cho người khiếm thị

Đầu năm 2002, khi tin học còn là một khái niệm chưa thông tỏ đối với nhiều người sáng mắt, Phúc đã hoàn thành giáo trình tin học đầu tiên dành cho người khiếm thị ở Việt Nam, khi đó anh mới 20 tuổi. Cho tới thời điểm hiện nay, giáo trình tin học của anh vẫn được sử dụng như giáo trình cơ bản trong chương trình dạy tin học cho người khiếm thị tại Việt Nam.

Cậu bé khiếm thị một mình giữa Sài Gòn

Lên 9 tuổi, Đặng Hoài Phúc phải chia tay vĩnh viễn với ánh sáng mặt trời khi quả mìn dưới gốc cây mai sau vườn nhà phát nổ. Sinh năm 1982, là anh cả trong gia đình hai anh em trai, kinh tế gia đình không khá giả, Phúc biết mình không thể dừng việc học ở đó. Thế giới ánh sáng đóng lại, Phúc dần làm quen với bóng tối, và bóng tối không còn đáng sợ như thời gian đầu Phúc bị ném vào.

Phúc lên TP Hồ Chí Minh học ở trường dành cho học sinh khiếm thị Bừng Sáng, những cuốn sách chữ nổi đã phần nào đem lại niềm tin và kiến thức cho Phúc. Không ngại khổ ngại khó, xa cha mẹ, đi ở nhà thuê, Phúc vẫn tự mình lo lấy mọi công việc sinh hoạt cá nhân.

Một mình lủi thủi như thế, Phúc dành thời gian tích lũy cho mình một kiến thức tương đối vững về văn hóa, âm nhạc. Ít ai nghĩ rằng chàng trai khiếm thị quê Bà Rịa - Vũng Tàu giản dị ấy học giỏi cả tiếng Anh và vi tính.

Năm 1999, Phúc học năm đầu tiên khoa Anh ngữ, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Cũng trong năm 1999, lần đầu tiên Phúc tiếp xúc với tin học khi tham gia dự án dạy tin học cho học sinh khiếm thị tại trường Bừng Sáng, do Liên minh châu Âu tài trợ.

Trước đó, Phúc nghĩ rằng sẽ gắn bó với âm nhạc, nhưng khi "gặp gỡ" tin học, Phúc thấy đam mê, và đeo đuổi luôn từ đó. Hiện tại Phúc đang làm việc tại Trung tâm Tin học người khiếm thị Sao Mai, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, đồng thời dạy tin học cho học sinh khiếm thị ở trường Bừng Sáng và làm thêm cho một vài dự án nước ngoài.

Giáo trình tin học đầu tiên dành cho người khiếm thị tại Việt Nam

Hiện tại Phúc đang sống cùng em trai tại TP Hồ Chí Minh. Người khiếm thị cả nước muốn tìm hiểu về tin học hoặc giáo trình dạy tin học cho người khiếm thị có thể liên hệ với Phúc theo địa chỉ: Đặng Hoài Phúc, Trung tâm tin học người khiếm thị Sao Mai, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, ĐT: 0903.979.323 hoặc email: danghoaiphuc@yahoo.com.

Thời gian đầu làm quen với máy tính, Phúc gặp một vài khó khăn do máy tính được thiết kế trực quan, chủ yếu dùng thị giác để sử dụng. Tuy nhiên, Phúc đã dần dần làm chủ máy vi tính sau thời gian mày mò tìm hiểu và được sử dụng chương trình hỗ trợ phát âm cho người khiếm thị dùng máy vi tính.

Phúc trở thành thầy giáo dạy tin học tại trường Bừng Sáng và nhiều cơ sở giáo dục cho người khiếm thị khác. Tham gia các dự án tin học khác nhau do nguồn vốn nước ngoài tài trợ, Phúc tự hoàn thiện khả năng sử dụng tiếng Anh và tiếp cận được với nhiều kỹ thuật tin học mới.

Năm 2002, khi tin học vẫn còn là khái niệm chưa rõ ràng với nhiều người sáng mắt thì Phúc đã hoàn thiện bộ giáo trình dạy tin học đầu tiên dành cho người khiếm thị tại Việt Nam. Nhờ có vốn tiếng Anh và niềm đam mê tin học, Phúc dần vượt qua những trở ngại về kỹ thuật trong quá trình soạn giáo trình.

Phần lớn nội dung trong cuốn giáo trình do Phúc viết, phần còn lại tham khảo từ những cuốn sách hoặc chương trình dạy tin học cho người khiếm thị của nước ngoài. Hiện nay, bộ giáo trình này vẫn là giáo trình cơ bản nhất trong chương trình dạy tin học cho người khiếm thị tại Việt Nam.

Phúc tâm sự: "Người sáng mắt có sách học tin học, thì người khiếm thị cũng có sách học tin. Công nghệ thông tin là công cụ hiệu quả giúp mọi người tiếp cận nhiều hơn với tri thức. Từng đi dạy tin học ở nhiều nơi, và ra cả nước ngoài để tìm hiểu về tin học dành cho người khiếm thị, mình thấy tốc độ phát triển tin học cho người khiếm thị ở Việt Nam rất chậm, hơn nữa, chương trình dạy tin học không thống nhất, cần một giáo trình căn bản và thống nhất".

Phúc bảo: "Khó khăn nhất khi viết giáo trình này là rào cản về kỹ thuật. Một số rào cản tự mình vượt qua được, một số không tự giải quyết được phải nhờ tới bạn bè, thầy cô trong nước và nước ngoài".

Không thỏa mãn với những gì đạt được. Năm 2003, Phúc cho ra đời tiếp dự án thiết lập mạng lưới đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị. Dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu học tin học của những người khiếm thị nhưng không có điều kiện đi học tin học trực tiếp, tập trung.

Dựa trên bộ giáo trình trước, Phúc và nhóm bạn soạn một bộ giáo trình khác với phương pháp dạy học không phải tập trung mà là từ xa. Bộ giáo trình này gồm 10 cuốn sách chữ nổi và băng, đĩa.

Dự án được trao giải Samsung Digital Hope và được triển khai ở bốn tỉnh khu vực phía nam với những hỗ trợ về kỹ thuật.

Năm 2005, Phúc tiếp tục cho ra đời ý tưởng về thư viện sách nói kỹ thuật số và chương trình đọc màn hình tiếng Việt.

Khi học tin học, phần mềm tin học chủ yếu bằng tiếng Anh, điều này gây khó khăn cho người khiếm thị khi học, yêu cầu họ phải có trình độ tiếng Anh nhất định để hiểu được những gì chương trình hỗ trợ phát âm chuyển tới tai. Điều này khiến Phúc trăn trở.

Lại hì hục đọc, hì hục gõ máy tính để chuyển chương trình đọc màn hình bằng tiếng Anh sang tiếng Việt. Chương trình thành công, Phúc phấn khởi: "Chương trình này có ích không chỉ cho người khiếm thị Việt Nam mà còn cả người nước ngoài, khi có chương trình này trong tay, người ta có thể chuyển hóa hệ thống ngôn ngữ của chương trình từ tiếng Anh sang ngôn ngữ nước đó, giúp người khiếm thị ở nước đó sử dụng máy vi tính nhanh hơn" .

Có thể bạn quan tâm