Bước đầu, các công nhân dọn kính và mảnh vỡ trên các đường phố rải rác đầy vỏ đạn, trong khi giao thông đã được khai thông trên nhiều tuyến đường, và người dân đánh giá thiệt hại tài sản của mình.
Nhiều hãng hàng không thông báo các chuyến bay đã được nối lại tại sân bay Mitiga của thủ đô Tripoli, cho thấy an ninh đã được khôi phục.
Các cuộc đụng độ nổ ra và kết thúc đột ngột. Tuy nhiên, tính chất ngắn ngủi của đợt bùng phát giao tranh đã không dập tắt được lo ngại về 1 cuộc xung đột rộng lớn hơn sẽ tái diễn giữa các bên đối địch sau nhiều tháng bế tắc tại Libya, quốc gia đã trải qua hơn 1 thập kỷ hỗn loạn và bạo lực.
Các cuộc đụng độ đã diễn ra khắp thành phố trong đêm 26/8 và kéo dài đến sáng 27/8, khi các lực lượng liên kết với chính quyền của ông Fathi Bashagha, vốn được Quốc hội có trụ sở ở thành phố Tobruk, miền đông Libya hậu thuẫn, không kiểm soát được thủ đô cũng như chưa thực hiện được việc tiếp quản quyền lực từ Thủ tướng Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) Abdul Hamid al-Dbeibah.
Ông Dbeibah đã từ chối chuyển giao quyền lực cho bất kỳ chính phủ nào, ngoại trừ 1 chính phủ dân cử.
Hồi tháng 2 vừa qua, ông Fathi Bashagha được Quốc hội có trụ sở ở thành phố Tobruk chỉ định làm Thủ tướng mới thay thế ông al-Dbeibah.
Ngày 25/8, ông al-Dbeibah kêu gọi Chủ tịch Hội đồng Cấp cao nhà nước Libya (HCS) Khalid Al-Mishri và Chủ tịch Quốc hội Libya thông qua cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia.
Trước tình hình bạo lực bùng phát, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức và tiến hành đối thoại nhằm tháo gỡ bế tắc.
Tranh cãi về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội là một trong những thách thức chính khiến các cuộc bầu cử quốc gia đã được lên kế hoạch vào tháng 12/2021 của Libya bị trì hoãn.
Thất bại của kế hoạch tổ chức bầu cử là đòn giáng mạnh vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt 1 thập kỷ hỗn loạn ở quốc gia này.