Mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp
Ngày 22-6, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tổ chức Hội nghị Điện toán đám mây Việt Nam 2017 (Vietnam Cloud Computing Conference) với chủ đề: “Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây”.
Báo cáo khảo sát về Ứng dụng điện toán đám mây trên 500 doanh nghiệp, tổ chức của nước ta cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42,5%). Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/người/năm), thấp hơn 107 lần so với Xin-ga-po và 1,3 lần so với Phi-li-pin. Phó Chủ tịch VINASA Nguyễn Đình Thắng cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách định hướng cấp thiết, các doanh nghiệp, tổ chức cần có những chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ sớm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cà Mau tạm thời cấm các hoạt động khoáng sản
Chiều 22-6, Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau công bố Quyết định (số 825/QĐ-UBND) của UBND tỉnh về việc phê duyệt và công bố khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó có tổng số 1.080 khu vực cấm và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, với tổng diện tích khoảng 141.160.650 ha. Phần lớn diện tích cấm tạm thời liên quan đến diện tích đất thuộc: khu vực dành cho mục đích quốc phòng, an ninh; di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tôn giáo; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; đất công trình và hành lang bảo vệ các công trình giao thông; thủy lợi, đê điều; cảng hàng không, cảng biển; đường điện, khí; thông tin liên lạc; hệ thống cấp nước và công trình xử lý chất thải và khoảng 700 ha đất thuộc khu bảo tồn thiên nhiên.