Chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Từ mô hình đến xu thế thời đại

Với lịch sử hơn 2.000 năm du nhập, Phật giáo đã thấm sâu vào đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong quá trình phát triển, Phật giáo với tư cách là tôn giáo của dân tộc, đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống xã hội thì sự gắn bó với dân tộc càng sâu sắc hơn. Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) năm 1981 chính là thành quả kết tinh hàng nghìn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và là một tất yếu trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một chương trình ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. (Ảnh ANH MINH)
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một chương trình ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. (Ảnh ANH MINH)

Mang đậm tinh thần nhập thế và truyền thống văn hóa dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài thực hiện các hoạt động Phật sự theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, phát triển, hội nhập cùng đất nước trong hành trình đổi mới, đóng góp vào công cuộc xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Hoạt động Phật sự của GHPGVN trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) đã diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế rất đặc biệt với nhiều thuận lợi và những khó khăn, thách thức chưa từng diễn ra. Đó là Nghị quyết và Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự mà Đại hội VIII GHPGVN đề ra được triển khai trong giai đoạn chúng ta được thừa hưởng thành tựu phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ 2016-2021 và thành tựu 35 năm công cuộc đổi mới của đất nước.

Thành công của Đại hội XIII của Đảng, thành công rực rỡ của kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã mở ra thời cơ và vận hội mới phát triển đất nước với mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao vào năm 2045. Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (2019-2024), mà GHPGVN là thành viên tích cực đã tạo ra cơ hội thuận lợi cho các thành tựu Phật sự của Tăng Ni, Phật tử GHPGVN trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua.

Cùng với cả nước, nhiệm kỳ VIII (2017-2022) cũng là nhiệm kỳ mà Tăng Ni, Phật tử GHPGVN đã gặp phải những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ trong công tác điều hành và hoạt động Phật sự khi phải đối diện với khủng hoảng dịch Covid-19. Hơn hai năm của nhiệm kỳ, toàn Giáo hội tập trung chống dịch có thời gian đã phải thực hiện giãn cách xã hội, dừng sinh hoạt tập trung đông người, đóng cửa các cơ sở tự viện thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” nhằm kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Mặc dù vậy, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự đã điều hành linh hoạt, sáng tạo các hoạt động Phật sự của Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương đã đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua các cơ quan trực thuộc là Ban Thư ký Hội đồng Trị sự và 2 Văn phòng Trung ương Giáo hội đã làm tốt công tác tổng hợp tình hình, tham mưu đề xuất phương hướng hoạt động của Giáo hội. Tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động. Duy trì hoạt động giao ban vừa trực tiếp và trực tuyến kịp thời nắm bắt thực tế các Phật sự cần xử lý giải quyết, qua đó nâng cao hiệu quả Phật sự cần triển khai trong công tác điều hành của Giáo hội.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ ba tại Việt Nam năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 5 vị nguyên thủ quốc gia là Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội các nước tham dự. Sự kiện rất thành công đã được cộng đồng Phật giáo thế giới đánh giá cao vai trò, vị thế của GHPGVN.

Trong bối cảnh do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Giáo hội đã rất sáng tạo tổ chức thành công, trang nghiêm, trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (7/11/1981 - 7/11/2021) theo hình thức trực tuyến kết nối giữa các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với chủ đề: “40 năm GHPGVN: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Đại lễ đã khẳng định từ truyền thống đến hiện đại, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử.

Trong phòng, chống dịch Covid-19, các cấp Giáo hội đã chung tay cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh. Tăng Ni, Phật tử Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện, Tăng Ni, Phật tử thực hiện nghiêm các quy định, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế như thực hiện 5K, giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng sinh hoạt tập trung đông người, dừng tổ chức tất cả các lễ hội, các khóa lễ, khóa tu tập đông người; có văn bản kêu gọi và động viên Tăng Ni, Phật tử tích cực đóng góp nguồn lực cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, mua sắm trang thiết bị y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, nước sát khuẩn, máy thở, bình ô-xy, phòng áp lực âm, xe cứu thương, thuốc cho bệnh nhân... và hàng trăm tấn lương thực gạo, thực phẩm rau quả, hàng triệu suất ăn yêu thương trong vùng tâm dịch, hàng nghìn túi an sinh, túi thuốc F0...

Hoạt động đối ngoại và quan hệ Phật giáo quốc tế trong nhiệm kỳ vừa qua, trong điều kiện phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động giao lưu quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội ở khắp nơi trên thế giới. Song, trong những năm đầu nhiệm kỳ trước khi xảy ra dịch bệnh, GHPGVN đã cử và tổ chức hàng trăm đoàn của Giáo hội, các Ban, viện, Ban Trị sự các địa phương, Học viện Phật giáo Việt Nam, các cơ sở đào tạo và các chùa, cơ sở tự viện đi thăm viếng Phật giáo các nước tăng cường tình hữu nghị và làm sâu sắc mối quan hệ quốc tế.

Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động giao lưu quốc tế của GHPGVN vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục thông qua giao lưu trực tuyến, tham dự các hội thảo quốc tế và đặc biệt là sự thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn trong cuộc chiến chống dịch. Hoạt động quốc tế của GHPGVN tập trung vào các hoạt động tham gia cứu trợ nhân đạo quốc tế như GHPGVN đã ủng hộ Chính phủ và nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal tiền và vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trị giá hơn 20 tỷ đồng...

Nhằm xây dựng GHPGVN vững mạnh phát triển trong lòng dân tộc và hội nhập quốc tế, trong nhiệm kỳ IX (2022-2027), Tăng Ni, Phật tử các cấp GHPGVN cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu nêu cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự theo đúng khẩu hiệu của Đại hội: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển. Mỗi thành viên của Giáo hội cần xác định làm mọi công tác Phật sự với tâm phụng sự và báo đáp tứ ân, báo đáp di sản của chư vị lịch đại Tổ sư, của Thày tổ mình khi đã dày công gây dựng nên hình mẫu GHPGVN rất đáng tự hào.

Đồng thời, để GHPGVN phát triển hiệu quả trong tương lai thì mỗi thành viên Giáo hội càng cần phải luôn tâm niệm và thấu hiểu giáo lý vô ngã trong lời dạy của Đức Phật. Trong mọi hoạt động Phật sự hãy luôn luôn đặt trách nhiệm đối với niềm tin đạo Phật, sự nghiệp phụng sự chúng sinh, và luôn luôn đặt lợi ích của tổ chức GHPGVN lên trên hết, và trước hết.

Tăng cường tính kỷ cương, kỷ luật thông qua vai trò của Ban Giám luật của Hội đồng Chứng minh, đồng thời với việc đẩy mạnh công tác pháp chế, giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội của Hội đồng Trị sự. Quản lý chặt chẽ sinh hoạt tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước. Giáo hội tiến hành phân loại, xếp hạng chùa và cơ sở tự viện trong toàn Giáo hội gắn với công tác Tăng sự trong tổng thể quản trị Giáo hội.

Tăng Ni, Phật tử GHPGVN quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu mà Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IX (2022-2027) đề ra nhằm xây dựng và phát triển GHPGVN trong giai đoạn mới và thời kỳ tiếp theo hướng đến tầm nhìn năm 2045.