Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh

“Nhà phân loại rác thân thiện” tại Trường tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) là mô hình phân loại rác đầu tiên tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần đa dạng chuỗi sáng kiến, giải pháp thúc đẩy phân loại rác.
0:00 / 0:00
0:00
Các em học sinh thực hiện phân loại rác tái chế.
Các em học sinh thực hiện phân loại rác tái chế.

Năm học này, các em học sinh Trường tiểu học Hoàng Diệu được làm quen với Nhà phân loại rác thân thiện được đặt ngay trong khuôn viên trường. Mô hình được thiết kế như ngôi nhà nhỏ, trong đó có ba thùng riêng phân chia các loại rác là giấy, nhựa và kim loại. Nhờ mô hình này, rác tái chế được thu gom, phân loại, xác định khối lượng, sau đó được vận chuyển bằng xe chuyên dụng về nơi tập kết.

Cô Lưu Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Diệu cho biết: Mô hình Nhà phân loại rác đi vào hoạt động từ tháng 8/2023. Trong thời gian qua, các em học sinh đã được tập huấn về lý do phải phân loại rác, nhận biết các chất thải rắn có khả năng tái chế, được hướng dẫn cách phân loại rác tại Nhà phân loại rác thân thiện. “Nhà trường khuyến khích học sinh mang rác có thể tái chế từ nhà đến trường để phân loại và các em rất hứng thú với hoạt động này”, cô Lưu Thị Hồng Hạnh cho biết.

Trước khi có công trình Nhà phân loại rác thân thiện, nhà trường rất quan tâm đến công tác giáo dục học sinh giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường thông qua các nội dung tích hợp trong bài giảng trên lớp và trong các hoạt động công tác Đội. Mỗi năm học các em học sinh đều hào hứng tham gia phong trào Kế hoạch nhỏ thu gom giấy vụn. Trung bình mỗi học kỳ, học sinh của trường thu gom được khoảng 4 tấn giấy vụn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức mô hình Dũng sĩ nhỏ bảo vệ môi trường, phát động học sinh thu gom rác thải nhựa đổi quà tặng và cho học sinh tham gia các buổi tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon.

Việc phân loại rác được các em học sinh thực hành thường xuyên dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, các thầy, cô phụ trách Đội và các anh chị Đội Cờ đỏ của trường. Các khối, lớp và cá nhân các em học sinh có thành tích, hoạt động hiệu quả, tích cực sẽ được Ban Giám hiệu tuyên dương trước toàn trường. Tiền thu được từ việc tái chế rác sẽ dành để mua phần thưởng tặng cho các em học sinh hoặc tập thể lớp được tuyên dương vào sáng thứ hai hằng tuần. “Các em rất vui vì thấy sự cố gắng của mình đã được ghi nhận. Đây là cách giáo dục và thực hành thiết thực mà nhà trường triển khai từ nhiều năm nay”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Diệu cho biết.

Em Nguyễn Trí Bảo Trâm, lớp 5A6 chia sẻ, từ khi biết tới Nhà phân loại rác thân thiện, giờ ra chơi em thường rủ các bạn mang giấy rác trên lớp xuống để phân loại, em rủ người thân trong gia đình mang vỏ lon nước ngọt, vỏ hộp sữa, vỏ chai nước ở nhà đi để “người bạn mới” luôn “no bụng”.

Mô hình Nhà phân loại rác thân thiện là một trong những giải pháp cụ thể hóa thực hiện Kế hoạch liên tịch số 02-

KHLT/TĐTN-SGDĐT-MTĐT ngày 21/4/2023 giữa Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) về triển khai công trình phân loại rác.

Theo Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Đào Đức Việt, việc triển khai mô hình “Nhà phân loại rác thân thiện” tại Trường tiểu học Hoàng Diệu sẽ trở thành mô hình điểm đầu tiên để các trường khác trên địa bàn thành phố học tập kinh nghiệm. Trong năm 2023, chương trình tiếp tục triển khai tại ba điểm trường và hướng tới sẽ triển khai đồng loạt tại các trường học trên thành phố trong thời gian tới.

Urenco sẽ xây dựng lịch làm việc chi tiết đối với từng trường để thống nhất thời gian thu gom rác tái chế; thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phân loại rác cho học sinh tại các trường vào những buổi sinh hoạt ngoại khóa hoặc theo lịch đăng ký của trường. Việc lan tỏa những sáng kiến thiết thực, cụ thể tại các trường học sẽ góp phần xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức tự giác và sẵn sàng chung tay hành động để bảo vệ môi trường. Đây cũng là một cách tuyên truyền hiệu quả tới các bậc cha, mẹ và cộng đồng khi mỗi em học sinh là một “đại sứ môi trường”.