Giáo dục, cải tạo để người được đặc xá trở thành người có ích cho xã hội

Đặc xá là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy của phạm nhân và cũng là kết quả của quá trình giáo dục cải tạo phạm nhân, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và xã hội.

Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Đặc xá năm 2007. Thực hiện Luật Đặc xá, trong thời gian qua, Chủ tịch nước đã quyết định nhiều đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Công tác đặc xá những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Về mặt xã hội, việc đặc xá đối với các phạm nhân có đủ điều kiện theo quy định có tác dụng khuyến khích những người bị kết án phạt tù đang chấp hành án phạt tù tích cực học tập, lao động, chấp hành tốt các quy định, nội quy trại giam, lập công chuộc tội để có thể hưởng đặc xá, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và cộng đồng. Công tác đặc xá đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Về kinh tế, việc đặc xá tha tù trước thời hạn góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, giảm áp lực cho các trại giam, tạo điều kiện cho các trại giam nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục cải tạo phạm nhân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng khi mãn hạn tù. Về chính trị, việc công khai, minh bạch, dân chủ trong thực hiện các trình tự thủ tục xét đặc xá, việc thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí trong nước, quốc tế và tổ chức các chuyến thăm, khảo sát tại các trại giam cho các tổ chức nhân quyền quốc tế đã thể hiện rõ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với phạm nhân. Việc báo chí và các tổ chức nhân quyền quốc tế hiểu rõ và thừa nhận chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đã góp phần chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch bôi nhọ, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Từ năm 2009 đến nay, triển khai Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện năm đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho 63.499 phạm nhân và 678 người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Do có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Chủ tịch nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và sự chuẩn bị chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp nên tuyệt đại đa số người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm rất thấp. Theo số liệu của Bộ Công an qua theo dõi đợt đặc xá gần đây (năm 2013), sau một năm thực hiện đặc xá, số người được đặc xá có hành vi vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ 0,73%. Vì vậy, mặc dù số lượng người được đặc xá đông nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên. Hiệu quả công tác đặc xá được thể hiện bằng tỷ lệ tái phạm thấp chứng tỏ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn và công tác đặc xá đã được tổ chức triển khai nghiêm túc, theo đúng các quy định của pháp luật. Kết quả của công tác đặc xá những năm qua cũng khẳng định những thành tựu đổi mới khá toàn diện, sâu sắc của công tác thi hành án phạt tù, nhất là đổi mới việc giáo dục, cải tạo phạm nhân, đồng thời thể hiện sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của toàn xã hội trong việc phối hợp để tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng.

Năm 2015 có nhiều sự kiện trọng đại. Đất nước ta kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước; 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng... Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc ta và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, ngày 10-7-2015, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1366/2015/QĐ-CTN về đặc xá năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2015).

Ngay sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước, ngày 15-7-2015, Hội đồng Tư vấn Đặc xá đã ban hành Văn bản số 91/HĐTVĐX hướng dẫn việc triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước, đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 1056/CĐ-TTg về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2015. Để bảo đảm cho công tác đặc xá năm 2015 được thực hiện đúng đối tượng, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Hội đồng Tư vấn đặc xá đã yêu cầu Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn cần thiết. Yêu cầu đặt ra cho công tác đặc xá là phải được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, không đặc xá người thiếu điều kiện và cũng không bỏ sót người đủ điều kiện, kiên quyết không để tiêu cực xảy ra. Quyết định của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá đã được thông tin đầy đủ trên báo chí và phổ biến đến từng phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều kiện xét đặc xá được niêm yết công khai để phạm nhân tìm hiểu, bình xét. Sau khi các tổ, đội phạm nhân tiến hành bình xét, bỏ phiếu, danh sách phạm nhân đề nghị đặc xá được niêm yết công khai để các phạm nhân tự đối chiếu lại điều kiện của mình. Ở các trại giam cũng thành lập tổ giúp việc là cán bộ có kinh nghiệm phân loại hồ sơ phạm nhân, tiến hành khảo sát toàn bộ hồ sơ phạm nhân hiện có, đối chiếu với điều kiện, không để sót lọt những người có đủ điều kiện mà không được xét.

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Công an, dự kiến năm 2015 cả nước sẽ có trên 18.000 phạm nhân đủ điều kiện được xem xét, quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn. Để bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch trong việc xét duyệt các trường hợp được đặc xá, với tinh thần làm việc khẩn trương nghiêm túc và trách nhiệm cao, thời gian qua, các tổ thẩm định liên ngành (gồm đại diện Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước...) đã tiến hành thẩm định từng hồ sơ đề nghị đặc xá của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các hồ sơ này sẽ được gửi đến tất cả các cơ quan là thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá để thẩm định lại từng trường hợp. Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ họp toàn thể để xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định việc đặc xá tha tù trước thời hạn đối với các phạm nhân.

Chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn mà còn được thể hiện trong việc tạo điều kiện để những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng. Mỗi đợt đặc xá là dịp tốt để mỗi phạm nhân có cơ hội suy xét lại những lỗi lầm đã phạm phải, tự mỗi người phải đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Thực tế cho thấy, tuyệt đại đa số những người được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, nhiều người thành đạt và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, được xã hội đánh giá cao. Chính vì vậy, để đạt được mục đích là giáo dục, cải tạo, đưa người được đặc xá trở lại cộng đồng và có cơ hội phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội và không tái phạm, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và mọi người dân cần tiếp tục quan tâm, theo dõi, động viên, tạo điều kiện giúp đỡ họ trở về hòa nhập cộng đồng. Công điện số 1056/CĐ-TTg ngày 15-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức kinh tế, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá. Cộng đồng xã hội, nhất là gia đình cần tích cực theo dõi, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì các cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội hãy thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Phát huy kết quả của những đợt đặc xá trước đây, với sự nghiêm túc, trách nhiệm cao của Hội đồng tư vấn đặc xá và các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan, đợt đặc xá năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam chắc chắn sẽ được triển khai nghiêm túc, kịp thời, công khai, minh bạch, theo đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm tất cả mọi phạm nhân có đủ điều kiện đặc xá theo quy định sẽ được trở về với gia đình, hòa nhập tốt vào cộng đồng, phấn đấu, rèn luyện để trở thành công dân có ích cho xã hội.