Giáng Son - dịu dàng, thầm kín mà sâu lắng

Giáng Son - dịu dàng, thầm kín mà sâu lắng

"Một ngày trong veo. Một mùa nghiêng nghiêng. Cánh đồng xa mờ. Cánh cò nghiêng cuối trời..." là những câu hát trong ca khúc nhiều nữ tính “Giấc mơ trưa” của Giáng Son, người đoạt giải "Nhạc sĩ ấn tượng" trong chương trình Bài hát Việt năm 2005.

Sinh năm 1975, Giáng Son tốt nghiệp đại học sáng tác Nhạc viện Hà Nội năm 1999. Là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giáng Son còn là một trong những thành viên của Hội Nhạc sĩ Thế giới. Và hiện tại, chị còn là giảng viên (dạy môn nhạc lý cơ bản) khoa Kịch hát dân tộc của Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội.

Trước đây, công chúng yêu âm nhạc chỉ biết và quen gọi Giáng Son là ca sĩ của nhóm Năm dòng kẻ. Mặc dù sở hữu trong tay giải thưởng Tác giả trẻ xuất sắc nhất tại liên hoan các ban nhạc sinh viên lần thứ nhất (1998), đã sáng tác hơn 70 ca khúc và 20 tác phẩm khí nhạc, phát hành CD Em cùng nhóm Năm dòng kẻ (2003) được giới chuyên môn đánh giá cao và xuất bản tuyển tập nhạc 30 tình khúc có tên “Cỏ và mưa” (2005), nhưng chỉ tới khi có sự xuất hiện của Giấc mơ trưa trên sân khấu Bài hát Việt, mọi người mới "chịu" gọi chị là nhạc sĩ Giáng Son. Giáng Son rất thích được mọi người gọi là nhạc sĩ, bởi chuyên môn chính của chị vẫn là sáng tác.

Năm tuổi, Giáng Son bắt đầu học piano. Sau đó, chị học sơ cấp bảy năm và chuyển sang học sáng tác. Bản nhạc đầu tiên Giáng Son sáng tác là dành tặng người cha thân yêu của mình. Năm đó, chị tròn 10 tuổi. Những nốt nhạc lên xuống nguệch ngoạc, có thể không hay nhưng nó có ý nghĩa vô cùng đối với chị. Rất tiếc là bản nhạc đã bị thất lạc, mà Giáng Son giờ đây dù có cố gắng cũng không thể nhớ lại được. Từ trước tới nay, Giáng Son luôn xác định, ra trường sẽ đi theo con đường sáng tác và chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày rẽ sang làm ca sĩ. Là thành viên và là trưởng nhóm của Năm dòng kẻ, đó cũng là một sự thử thách lớn với chính bản thân chị. Thành công của nhóm có được như ngày hôm nay bắt nguồn từ những tháng ngày lao động nghiêm túc, say mê của tất cả các thành viên. Sát cánh bên nhau, năm cô gái vào nam ra bắc, từng bước chinh phục công chúng bằng năng lực chuyên môn và cả sự duyên dáng của họ.

Khi Năm dòng kẻ đã có chỗ đứng nhất định thì cũng là lúc Giáng Son quyết định nói lời chia tay nhóm (tháng 9-2005). Cho đến lúc này, Giáng Son cũng chưa bao giờ tự đánh giá mình là một ca sĩ. Chị nhận thức, không thể cùng một lúc làm tốt hai công việc. Trong khi đó, người sáng tác rất cần phải có những khoảng lặng cho riêng mình. Do vậy, chị đã lựa chọn đường đi cho mình. Sáng tác chính là thế mạnh của cô gái tuổi Ất Mão này.

Giáng Son tìm tới những giai điệu hay và đẹp. Kế đó, chị hướng đến ca từ giản dị, nhưng đẫm chất văn học. Chị quan niệm sáng tác là một lao động đặc biệt. Ngoài năng khiếu vốn có, người nhạc sĩ cần phải có sự rèn luyện để tạo được cá tính riêng, mầu sắc riêng trong âm nhạc của mình. Theo nhận xét của nhiều người, chất nhạc của Giáng Son rất nữ tính và trữ tình. Nó cũng giống với bản chất hiền lành trong con người chị vậy. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã có lời khen: "Nếu không gặp được Giáng Son thì không ai ngờ rằng đó là dòng nhạc của một cô gái vừa mới chập chững những bước đầu tiên trên con đường sáng tác. Dòng nhạc của Giáng Son rất dịu dàng, thầm kín mà sâu lắng..."

Âm nhạc thiên về những giai điệu đẹp với phong cách sở trường là pop trữ tình nhưng không có nghĩa là Giáng Son không dám mạo hiểm thể nghiệm nét phá cách. Thưởng thức các tác phẩm gần đây của chị, người nghe sẽ nhận thấy ngoài nét nữ tính vẫn còn chất chứa sự khao khát vươn lên mạnh mẽ (đặc biệt ở những đoạn điệp khúc).

Giáng Son cho biết: "Bố đã đặt tên cho chị là Giáng Son. (Ông là nghệ sĩ Hoàng Kiều dạy bộ môn sáng tác âm nhạc truyền thống. Còn mẹ là nghệ sĩ Bích Ngọc dạy vũ đạo chèo. Cả hai đều từng là giảng viên của Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội). Có lẽ do gia đình kỳ vọng sau này cô con gái sẽ nối nghiệp chăng, nên đặt cho chị một cái tên "rất âm nhạc"?

Năm nay, Giáng Son sẽ ăn Tết với gia đình. Sau đó, chị dự định vào TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị phát hành cho album mới.