Gian nan xử lý container tồn đọng

Hàng nghìn container (công-ten-nơ) tồn động, không có người nhận nằm rải rác ở các cảng thuộc Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ chiếm diện tích, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh sản xuất của cảng, mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi thời gian lưu cảng quá lâu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều container vô chủ tồn đọng tại cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức.
Nhiều container vô chủ tồn đọng tại cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức.

Trong những ngày sau Tết Nguyên đán 2024, tại nhiều cảng ở thành phố, lượng container tồn đọng, vô chủ có xu hướng tăng nhanh.

Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến cuối tháng 12/2023, số lượng hàng hóa tồn quá 30 ngày và 60 ngày có 825 container. Sang tháng 1/2024, số lượng hàng tồn tăng lên 1.227 container, tăng hơn 400 container (tương đương 48%) so với tháng trước đó.

Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, số lượng hàng tồn đọng quá 30 ngày và 60 ngày trong tháng 12/2023 là 123 dòng hàng với hơn 32,6 tấn; sang tháng đầu năm nay, số lượng hàng tồn đọng tăng lên 134 dòng hàng với hơn 67,6 tấn, tăng hơn gấp đôi so với tháng 12.

Đáng lưu ý, hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển khu vực thành phố tính đến cuối tháng 12/2023 là 5.092 container.

Trong đó, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tồn đọng 4.784 container; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 tồn 211 container; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 tồn 56 container và 15 dòng hàng lẻ; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước 41 container.

Sang tháng 1/2024, số lượng hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển này giảm còn 4.845 container nhưng đây vẫn là con số container hàng tồn khá lớn trong hoạt động kinh doanh tại cảng.

Theo ghi nhận, trong hàng nghìn container quá 90 ngày chưa có người đến nhận, có những container đã khá lâu, nhiều container đã bạc mầu, thậm chí còn gỉ sét do mưa nắng… chiếm dụng diện tích lớn tại cảng.

Lý do nhiều container vô thừa nhận tại cảng thời gian dài, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết: Nhiều doanh nghiệp không đến nhận có nguyên nhân do bên giao hàng gửi nhầm, không đúng hàng hóa.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp bỏ hàng vì chi phí lưu bãi, lưu container vượt giá trị hàng hóa, nhất là đối với hàng hóa đông lạnh (chi phí điện rất lớn).

Ngoài ra, hiện doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cũng không có chính sách miễn giảm đối với các container là hàng hóa tồn đọng, dẫn đến doanh nghiệp từ bỏ nhận hàng.

“Lượng container lưu bãi lên đến hàng nghìn, chiếm diện tích không nhỏ đã gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của cảng”- đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết.

Bên cạnh đó, việc xác minh doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, có doanh nghiệp thông tin vẫn đang hoạt động nhưng khi cán bộ tìm đến nơi thì đã ngừng hoặc có người khác kinh doanh nhưng không báo cáo với cơ quan thuế, chính quyền địa phương.

Ngoài ra, cơ quan hải quan đang gặp khó trong việc tìm kho bãi lưu giữ tang vật, nhất là các lô hàng tồn đọng có số lượng lớn. Vì thế, lượng container tồn lâu ngày có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ách tắc tại cảng.

Việc tồn đọng hàng trong bãi cũng làm thiếu container rỗng, buộc các hãng tàu phải tăng giá cước vận chuyển. Đơn cử, tại cảng Cát Lái, việc hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại cảng dẫn tới các doanh nghiệp cảng phải luân chuyển nhiều lần vị trí các container trong bãi cảng hoặc giữa các cảng với nhau.

Điều này làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất khai thác cảng; ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời, làm phát sinh các khoản chi phí trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng, gây khó khăn về nhân sự tham gia giám sát, tiêu hủy phế liệu…

Theo Phó Cục trưởng Hải quan thành phố Nguyễn Hữu Nghiệp, mặc dù Cục Hải quan đã rất tích cực trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng nhưng việc xử lý hàng hóa tồn đọng không chỉ có cơ quan hải quan mà liên quan nhiều đơn vị khác, quy trình xử lý, bán đấu giá... phải qua nhiều khâu.

“Bên cạnh đó, có những lô hàng qua nhiều lần đấu giá vẫn chưa tìm được người mua, phải làm thủ tục hạ giá bán... mất nhiều thời gian xử lý” - ông Nghiệp phân tích.

Vì vậy hiện nay, cơ quan hải quan gặp khó khăn về kho bãi lưu giữ tang vật, đặc biệt các lô hàng tồn đọng có số lượng lớn.

Đối với việc xử lý hàng tồn đọng được Cục Hải quan phối hợp xử lý định kỳ, với hàng quá 90 ngày nhập khẩu về cảng, cơ quan Hải quan sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng tìm chủ sở hữu.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu, nếu chủ hàng hóa, người vận chuyển đến nhận hàng sẽ được giải quyết làm thủ tục hải quan và bị phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và phải chịu các chi phí phát sinh do việc chậm nhận hàng.

Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo, nếu các tổ chức, cá nhân không đến làm thủ tục hải quan nhận hàng, cơ quan hải quan sẽ xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, ông Nghiệp nhìn nhận: Để xử lý hàng hóa tồn đọng, các hãng tàu, đại lý hãng tàu cần lưu ý nghiên cứu và thực hiện theo quy định của Chính phủ về việc lưu giữ và thực hiện giám định, xác định giá trị hàng hóa để bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, các hãng tàu ít quan tâm áp dụng Nghị định số 169/2016/NĐ-CP cho nên việc xử lý hàng tồn đọng do các doanh nghiệp vận chuyển chưa hiệu quả, vừa tạo áp lực cho cơ quan quản lý, vừa gây khó cho các doanh nghiệp trong việc phải lưu container trong thời gian dài.

Thời gian tới, khi ngành hải quan xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh sẽ giải được bài toán quản lý hàng hóa container cảng biển. Từ đó, có thể theo dõi diễn biến hằng ngày và làm rõ trách nhiệm của các bên. Như vậy, trong tương lai, hàng hóa tồn đọng sẽ giảm đi nhiều hơn.