Gian nan giữ rừng Vĩnh Thạnh

Giữ rừng chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng, nhất là tại những địa bàn miền núi hiểm trở, xa dân cư như tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Giữa đại ngàn bao la, lực lượng giữ rừng thường xuyên đối mặt nhiều nguy hiểm…
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, quản lý rừng phòng hộ.
Cán bộ kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, quản lý rừng phòng hộ.

Ở các địa bàn sâu, xa, tình trạng người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng là thực trạng kéo dài.

Nỗi lo thường trực

Huyện miền núi Vĩnh Thạnh có hơn 45.454 ha rừng tự nhiên và hơn 5.378 ha rừng trồng, do ba đơn vị quản lý là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và UBND xã Vĩnh Sơn. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý không ít trường hợp vi phạm liên quan luật lâm nghiệp và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật nhưng việc xử lý còn bất cập.

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, mặc dù huyện thường xuyên tập trung tuyên truyền, vận động người dân không phá hoại rừng, lấn chiếm đất và trả lại diện tích đã lấn chiếm cho chủ sở hữu, thế nhưng kết quả chưa được khả quan. Phần lớn các đối tượng có hành vi xâm hại rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế. Đôi khi họ còn bị một số đối tượng đứng sau kích động, xúi giục nên những giải pháp xử lý có phần bế tắc. Điều này khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng của huyện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương. Điều đáng lo là khi bị kiểm tra, nhiều người xâm lấn rừng sẵn sàng dùng hung khí để chống đối, tấn công người thi hành nhiệm vụ.

"Trước đây, nhiều người lấn chiếm rừng giáp ranh đã bị xử lý hình sự, phạt tù, tuy nhiên sau đó họ vẫn tiếp tục tái phạm và sẵn sàng chống đối khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng kiểm tra, ngăn chặn", một cán bộ kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho biết.

Ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cho biết, công ty luôn cố gắng tập trung cao độ, chủ động xây dựng, triển khai phương án bảo vệ rừng, chuẩn bị chu đáo các phương tiện, vật tư chống cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ". Cùng với đó là phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, cũng như phòng cháy, chữa cháy cho các hộ nhận khoán rừng trồng, các tổ chức, nhân dân sống gần rừng dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể là thông qua tuyên truyền miệng, các phương tiện thông tin, tờ rơi; lập bản cam kết việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với người dân, cộng đồng dân cư sống ven rừng, trong rừng. Vận động nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy rừng, sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra.

Hiện nay, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát tình trạng phá rừng, một trong những giải pháp các trạm bảo vệ rừng thường xuyên triển khai là áp dụng biện pháp kỹ thuật lâm sinh, giảm vật liệu cháy, xây dựng và duy trì hàng trăm ki-lô-mét đường băng cản lửa. Với việc bám rừng, bám dân, lực lượng bảo vệ rừng tuần tra phát hiện và xử lý nghiêm các vụ xâm lấn đất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở khu vực rừng giáp ranh.

Điều đáng mừng là đồng bào người dân tộc thiểu số tự bao đời sống gắn bó với rừng, nên sau khi được tuyên truyền sâu rộng, họ đã có ý thức trong việc bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, phần nào hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Tuy nhiên, cứ đến mùa khô là lực lượng giữ rừng lại căng sức trước nỗi lo kép, đó là vừa phải tăng cường lực lượng tuần rừng, truy quét lâm tặc, vừa tập trung, chủ động phương án phòng, chống cháy rừng. Mỗi đợt ra quân như vậy thường kéo dài từ 3-5 ngày, thậm chí lâu hơn tùy thuộc mức độ phức tạp và địa bàn, nhất là các khu vực lâm tặc lén lút hoạt động nằm giữa ranh giới Gia Lai và Bình Định.

Ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho biết, tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng trên địa bàn diễn ra phức tạp, kéo dài. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống, đời sống khó khăn, ý thức trách nhiệm về bảo vệ rừng còn hạn chế. Một số người dân sợ va chạm nên khi phát hiện hành vi vi phạm không báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng để xử lý. Ngoài ra, nhu cầu gỗ làm nhà ở của đồng bào miền núi còn cao, trong khi giá cả các vật liệu thay thế để sử dụng rất cao và chưa phù hợp tập tục của đồng bào, nên một số hộ dân lén lút khai thác trái phép gỗ làm nhà. Khi phát hiện vi phạm, việc xử lý gặp khó khăn do đối tượng thường không chấp hành quyết định xử phạt. Do đó, Hạt kiểm lâm huyện phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân, chủ rừng, chính quyền các cấp, các ngành. Đồng thời phối hợp lực lượng công an, quân sự huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trong việc tổ chức kiểm tra, truy quét các tổ chức và cá nhân phá hoại rừng, tập trung chủ yếu ở các vùng trọng điểm giáp ranh, gắn với việc kiểm tra các cơ sở cưa xẻ gỗ, trại mộc trên địa bàn.

Tăng cường bảo vệ rừng

Trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất lâm nghiệp, tranh chấp đất rừng, khai thác lâm sản trái phép còn xảy ra ở hầu hết các địa phương trong huyện và kéo dài nhiều năm, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh giai đoạn 2021-2030. Công tác quản lý rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh được thực hiện trên cả ba phương diện kinh tế-xã hội-môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, mục tiêu của phương án là phát triển bền vững có hiệu quả toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp nhằm bảo vệ và điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học. Tăng giá trị từ các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, phát triển các hoạt động kinh doanh tổng hợp, các hoạt động lâm sản ngoài gỗ, du lịch sinh thái nhằm tăng doanh thu cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, ổn định thu nhập cho cán bộ, nhân viên, đồng thời nâng cao đời sống các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Từ đó, củng cố và tăng cường các mối quan hệ với cộng đồng dân cư địa phương dựa trên cơ sở hợp tác trong quản lý bảo vệ rừng, xây dựng các cơ chế để bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong quản lý rừng. Việc chia sẻ lợi ích từ rừng, thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu, cơ bản của người dân địa phương sống trong và gần rừng hằng năm sẽ đóng góp cho cộng đồng địa phương nguồn kinh phí ổn định cho các hoạt động phát triển cộng đồng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ hàng chục nghìn héc-ta rừng tự nhiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh cần được bổ sung nguồn nhân lực cho tương xứng với nhiệm vụ được giao; bảo đảm an toàn lao động, bảo hiểm y tế, sức khỏe, vệ sinh, tiền lương, thưởng minh bạch trong lao động cho công nhân theo tiêu chuẩn ILO về thực hành an toàn sức khỏe trong ngành lâm nghiệp.

Muốn có nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển, ban quản lý cần phối hợp chính quyền địa phương khuyến khích người dân đầu tư cho con em được đào tạo các ngành nghề nông, lâm nghiệp, cũng như cần có những cơ chế hợp lý để bảo đảm nguồn nhân lực này sẽ được sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả nhất.