Giãn khoảng cách giữa các lần sinh

Kéo dài khoảng cách sinh con của các bà mẹ, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng kinh tế gia đình theo chiều hướng tích cực. Các lần sinh tiếp theo lần sinh trước một khoảng thời gian ngắn, đặc biệt là dưới 24 tháng, thường gắn liền tỷ lệ chết và bệnh tật cao đối với cả mẹ và con. Theo kết quả của một điều tra thì tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi của các bà mẹ có tuổi sinh con dưới 20 lên tới 85% đối với khoảng cách sinh so với lần sinh trước đó dưới 24 tháng, trong khi đó tỷ suất này chỉ là 7,5 đối với các trường hợp có khoảng cách sinh hơn 36 tháng.

Một nghiên cứu nhỏ hơn 412 hộ nghèo thì có tới 317 trường hợp (chiếm 76,9%) có khoảng cách sinh con thứ nhất và con thứ hai dưới 36 tháng (tính cả các trường hợp con đã chết). Điều tra sâu một số trường hợp kết quả cho thấy những nhận định nêu trên về diễn biến kinh tế hộ gia đình và lịch sử các lần sinh khá thống nhất, đặc biệt đúng đối với những cặp vợ chồng trẻ không có sự giúp đỡ về kinh tế từ bên ngoài.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thu thập tại một số xã vùng nông thôn có triển khai thực hiện dự án tín dụng xóa đói, giảm nghèo, kết quả cho thấy tỷ lệ nghèo đói và khoảng cách giữa các lần sinh có quan hệ theo tỷ lệ nghịch. Nhóm có khoảng cách giữa các lần sinh càng thấp thì tỷ lệ nghèo đói càng cao và ngược lại. Với những hộ có khoảng cách sinh con trung bình dưới 12 tháng thì tỷ lệ nghèo đói lên tới 56,2%, những hộ có khoảng cách sinh con trung bình từ 12 tháng đến 24 tháng thì tỷ lệ nghèo đói là 46,7%, khoảng cách sinh trung bình từ 24 tháng đến 36 tháng thì tỷ lệ nghèo đói là 35,7%, trong khi đó tỷ lệ này chỉ là 23,5% đối với những hộ có khoảng cách sinh con hơn 36 tháng. Một nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài đã kết luận: Thu nhập thực tế trung bình của một gia đình có một con, ba năm sau khi sinh, lớn hơn năm lần tích lũy thực tế của một gia đình trong ba năm sinh hai con (giả thiết các yếu tố khác giống nhau). Nếu sử dụng khoảng cách 36 tháng giữa lần sinh thứ nhất và lần sinh thứ hai làm chuẩn thì chi phí y tế đối với một đứa trẻ có khoảng cách sinh so với lần sinh trước dưới 12 tháng cao gấp 2,1 lần và chi phí cho đứa trẻ có khoảng cách sinh từ 12 đến 24 tháng là 1,39 lần. Như vậy, khoảng cách giữa các lần sinh càng ngắn, nguy cơ nghèo đói càng cao, ngược lại khoảng cách sinh con hợp lý, chi phí chăm sóc trẻ em giảm - nguy cơ nghèo đói thấp.

Kéo dài khoảng cách giữa các lần sinh là tạo điều kiện để duy trì sức lao động của phụ nữ, bảo đảm dinh dưỡng và sự chăm sóc cho trẻ em, bảo đảm khả năng lao động sản xuất lâu dài của xã hội và mỗi gia đình. Mặt khác tránh được nguy cơ về mất cân bằng nghiêm trọng giữa các nguồn thu và chi cho mỗi lần sinh đẻ, tránh tình trạng nợ nần, tạo điều kiện tích lũy và đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Khoảng cách giữa các lần sinh chịu ảnh hưởng của yếu tố kinh tế và số con mong muốn của mỗi cặp vợ chồng. Khi điều kiện kinh tế cho phép thì việc sinh thêm con có thể sẽ được quyết định. Nói một cách khác yếu tố kinh tế là yếu tố điều kiện trong việc tác động đến khoảng cách giữa các lần sinh. Song nhìn tổng thể, yếu tố kinh tế quyết định đối với nhiều vấn đề mà những vấn đề này lại có thể ảnh hưởng tích cực đến trình độ văn hóa xã hội, tư duy, lối sống của các cá nhân trong cộng đồng từ đó ảnh hưởng tích cực việc kéo dài khoảng cách giữa các lần sinh. Vì vậy, phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như phát triển kinh tế cộng đồng ở các mức độ khác nhau trong một thời điểm nào đó có thể sẽ có những tác động khác nhau, thậm chí là ngược chiều nhau. Nhưng về cơ bản lâu dài nó sẽ có tác động tích cực đối với công tác DS - KHHGĐ nói chung và kéo dài khoảng cách giữa các lần sinh nói riêng.

HẢI NAM

Có thể bạn quan tâm