Giãn cách xã hội và gánh nặng áo cơm của người bán vé số dạo

NDO -

Mỗi ngày bán được vài chục đến 100 tờ vé số, kiếm lời vài chục đến 100 nghìn đồng để chạy gạo mỗi ngày. Đó là hoàn cảnh chung của những người bán vé số dạo ở miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua, cuộc mưu sinh của những người nghèo càng thêm khó khăn, gánh nặng cơm áo gạo tiền chồng chất.

Đường phố trung tâm Cần Thơ sáng 9/7 thưa vắng người, xe và không còn người bán vé số dạo.
Đường phố trung tâm Cần Thơ sáng 9/7 thưa vắng người, xe và không còn người bán vé số dạo.

Tạm dừng kinh doanh xổ số 15 ngày

Để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, giãn cách xã hội ở TP Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/7, Ban thường trực Hội đồng xổ số kiến thiết Khu vực miền nam đã có công văn gửi các công ty thành viên về việc xin chủ trương của chủ sở hữu tạm dừng kinh doanh hoạt động xổ số toàn khu vực miền nam trong vòng 15 ngày. Việc làm này nhằm góp phần cùng nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong khu vực miền nam đẩy lùi dịch Covid-19; đồng thời tạo sự thống nhất trong hoạt động kinh doanh xổ số của khu vực, bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, hệ thống đại lý và những người bán vé số dạo.

Theo công văn trên, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9/7. Trong đó, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Cũng trong ngày 8/7, nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam Bộ cũng đã ban hành công văn thống nhất tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết như tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ…

Giãn cách xã hội và gánh nặng áo cơm của người bán vé số dạo -0
 Cụ già mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo ở Cần Thơ. (Ảnh chụp ngày 8/7, trước khi tạm dừng bán vé số).

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ký văn bản về việc thống nhất tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết trên địa đến hết ngày 23/7. Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Cần Thơ cho biết, trên cơ sở TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16, và công văn của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền nam, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Cần Thơ trình Sở Tài chính và Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết trên địa bàn từ ngày 9 - 23/7.

Theo ông Trần Minh Tâm, tất cả các công ty xổ số kiến thiết miền nam đến thời điểm này cơ bản tạm dừng việc kinh doanh, vì miền nam là thị trường chung nên không thể công ty riêng lẻ nào thực hiện một mình. “Công ty đang xin ý kiến từ Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc hỗ trợ cho người bán vé số dạo trong thời gian tạm dừng này. Năm rồi, việc hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết 42/NĐ-CP thì Bộ Tài chính nói cụ thể, cho phép luôn. Còn năm nay thực hiện theo Nghị quyết 68 có khác hơn, nên xem chủ trương, thực hiện theo cách nào”, ông Tâm nói.

“Không bán vé số là nhà không có gạo nấu cơm”

Đến thời điểm này, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là hai địa phương cuối cùng ở đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận mỗi nơi năm ca mắc, nghi mắc Covid-19. Từ 0 giờ ngày 9/7 cũng là thời điểm thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang nâng cao mức độ kiểm soát và giải pháp phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho thành phố trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, người dân (kể cả người dân thành phố Cần Thơ) đi vào địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ phải cung cấp giấy xét nghiệm âm tính có hiệu lực.

Giãn cách xã hội và gánh nặng áo cơm của người bán vé số dạo -0
 Phần lớn những người bán vé số dạo là những người tật nguyền, nghèo khó.

Từ sáng nay, đường phố Cần Thơ đã không còn những dòng người xe tấp nập. Thay vào đó là khung cảnh vắng lặng, các quán ăn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh đa phần đều đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Không chỉ những cơ sở kinh doanh làm ăn lớn, mà cả những người lao động nghèo cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến cuộc sống mưu sinh của họ vốn đã khó nay càng khó khăn hơn.

Rảo quanh tuyến đường 3 tháng 2, Đại lộ Hòa Bình, Quang Trung... trung quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, chúng tôi không còn bắt gặp hình ảnh những cụ bà, cụ ông ngồi bên vệ đường cùng chiếc xe lăn, liên tục vẫy tay mời khách mua vé số như mọi ngày. Thay vào đó, một bà cụ lại ngồi co ro ở một góc đường với ánh mắt buồn vời vợi.

Bà cho biết tên là Châu Thị Giàu, năm nay đã 67 tuổi, nhưng vẫn ngày ngày bán vé số kiến thiết dạo để mưu sinh, kiếm từng đồng lời còm cõi giữa đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành… Vậy mà, từ hôm nay, công việc mưu sinh ấy phải tạm gác lại, ít nhất nửa tháng trời để cùng chính quyền và người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác phòng chống dịch. “Dịch bệnh mà, sức khỏe, an toàn là quý nhất nên mọi người dù giàu có hay khó khăn cũng phải chấp hành để cùng chống dịch”, bà lão nói.

Theo lời bà, chồng mất, người con gái đi làm thuê tại một công ty nhỏ ở tỉnh An Giang để lại bà nuôi hai đứa cháu gái. “Con gái tôi cũng phải đi làm xa để kiếm tiền, thường thì tầm hai, ba ngày sẽ về một lần nhưng dạo này dịch bệnh phức tạp nên nó cũng không về. Hằng ngày, tôi ở đây với hai đứa cháu, buổi sáng hai đứa nó đi học còn tôi đẩy xe đi bán vé số, tới chiều tối bà cháu về nhà hủ hỉ với nhau”, bà Giàu bộc bạch.

Nói đoạn, bà lại mếu máo khi cuộc sống bình thường vốn dĩ đã khó khăn, lại thêm dịch bệnh nên lâm vào khốn đốn. “Trước đây tôi bán mỗi ngày được 200 tờ vé số, bỏ hết chi phí ăn uống cũng kiếm được 150.000 đồng. Thời gian gần đây, mỗi ngày chỉ bán được 100 tờ, giảm phân nửa, nhiều hôm bán ế phải “ôm”, coi như mất hết tiền lời ngày hôm đó, có khi lỗ vốn, nhưng cũng còn đỡ, có đồng ra đồng vào, chứ nghỉ bán vé số là không có tiền chạy gạo hằng ngày”, bà thổ lộ.

Cùng công việc mưu sinh nhưng đối với bà Nguyễn Thị Ánh (70 tuổi) là một hoàn cảnh khác. Bốn người con đều lập gia đình riêng và vì cuộc sống mưu sinh phải bôn ba lên tận TP Hồ Chí Minh đi làm thuê, mỗi người một công việc. Nhắc về gia đình ánh mắt bà Ánh lại rưng rưng, kể: “Mấy đứa con tôi phải đi làm xa, mà bây giờ dịch bệnh nhiều quá nên bị cấm đi lại, lâu rồi tụi nó không về được”.

Giãn cách xã hội và gánh nặng áo cơm của người bán vé số dạo -0Việc tạm dừng bán vé số 15 ngày khiến gánh nặng cuộc sống của người bán vé số dạo thêm chồng chất.

Trong căn nhà nhỏ ở khu vực 5, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, hàng ngày bà Ánh sống với người cháu trai 20 tuổi. Trước khi có dịch bệnh xảy ra, cháu của bà đi phụ hồ kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhưng hiện tại thì đang thất nghiệp. Tiền chi tiêu của hai bà cháu thời gian gần đây phụ thuộc vào thu nhập từ việc bán vé số của bà, nhưng giờ phải tạm dừng, không đi bán vé số dược nữa.

“Lúc trước bán về còn dư hơn 100.000 đồng mỗi ngày, nhưng dịch bệnh nhiều người thấy người bán vé số dạo là họ… tránh xa vì sợ bị lây bệnh nên bán được ít hơn, mỗi ngày bỏ hết chi phí ăn uống cũng còn dư được hai ba chục nghìn đồng. Còn bây giờ, không đi bán vé số được nữa là không biết lấy tiền đâu mua gạo”, bà Ánh tâm sự.

15 ngày - nửa tháng không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng đủ để Chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát, dập dịch để người dân sớm có cuộc sống bình thường mới. Nhưng cũng không ngắn với một bộ phận người nghèo mưu sinh chính bằng nghề bán vé số dạo hầu hết là những người tật nguyền, không có công việc ổn định với bao nhiêu lo toan, gánh nặng cơm áo, gạo tiền thêm chồng chất.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan