Giãn cách linh hoạt, mềm dẻo ở Cà Mau

Từ 0 giờ 19/7, Cà Mau chính thức áp dụng thực hiện giãn cách xã hội trong 14 ngày theo Chỉ thị số 16 trên phạm vi toàn tỉnh.

Tỉnh ủy Cà Mau họp trực tuyến ba cấp triển khai các phương án thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ 19/7.
Tỉnh ủy Cà Mau họp trực tuyến ba cấp triển khai các phương án thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ 19/7.

Trong suốt buổi sáng 18/7, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền tỉnh hội nghị trực tuyến 3 cấp để triển khai phương án ứng phó trong thời gian giãn cách, bảo đảm đúng quy định nhưng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…

Hàng hóa nội tỉnh đủ cung ứng 25 ngày

Trước đó từ sáng 17/7, các chợ đầu mối, cung ứng thực phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh Cà Mau chen chúc người dân đi mua hàng tích trữ. Sau khi nắm thông tin về việc áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau, lượng người đổ xô đi mua hàng tăng nhiều hơn, từ 200-300%. Sức mua tăng đột biến tạo khan hiếm một số loại hàng hóa nhất thời, trong đó trứng và các loại mì gói gần như “cháy hàng”, còn các loại rau củ, thịt cá, thực phẩm khác… thì tăng bình quân từ 10-40%, có loại tăng gấp đôi so với trước.

Theo báo cáo của Sở Công thương Cà Mau, tổng lượng hàng hóa hiện có ở các địa bàn trong tỉnh còn khá nhiều. Trong đó, các mặt hàng thiết yếu như: gạo còn hơn 44.000 tấn; thịt heo hơn 9.000 tấn; thịt gà, vịt hơn 2.000 tấn; hơn 424 tấn hàng thủy hải sản các loại; 140.000 tấn rau; 179 tấn muối...

“Với lượng hàng hóa nêu trên bảo đảm cung ứng cho dân số toàn tỉnh Cà Mau dùng trong 25 ngày” - Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Dương Vũ Nam, nhận định và cho biết, nhu cầu tiêu thụ tuy có tăng nhưng Cà Mau không thiếu hàng. Vấn đề là giá cả trong thời gian giãn cách, các mặt hàng trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi bảo đảm được giữ mức ổn định, nhưng giá cả tại các chợ truyền thống có thể sẽ tăng hơn ngày thường.

Liên quan đến vấn đề hàng hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, chỉ đạo Sở Công thương và các đơn vị chức năng trong tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm bình ổn giá, cũng như xử lý nghiêm việc các trường hợp thừa cơ trục lợi gây bất ổn xã hội. Qua đây, người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, kêu gọi: “Nhân dân Cà Mau bình tĩnh, không nên mua sắm, tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm,... quá mức cần thiết, dễ tạo ra sốt giá, khan hiếm hàng hóa nhất thời, gây bất ổn thị trường, tập trung đông dễ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”.

Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, yêu cầu ngành công thương bằng mọi giá bảo đảm không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu hàng hóa cục bộ giữa các địa phương.

Người đứng đầu cấp ủy Cà Mau, nhấn mạnh: “Cà Mau không đóng cửa chợ truyền thống cũng như các chợ tạm trong thời gian giãn cách, với điều kiện hoạt động mua bán tại các chợ phải đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong hoạt động thương mại, các chợ, cơ sở mua bán trong tỉnh phải niêm yết giá tất cả các mặt hàng và cam kết bán đúng giá. Nếu nơi nào không niêm yết giá, bán chênh lệch giá thì sẽ bị xử lý”.

Giãn cách linh hoạt, mềm dẻo ở Cà Mau -0
 Người dân TP Cà Mau đổ xô đi mua hàng tích trữ vào sáng 18/7.

Giãn cách nhưng vẫn duy trì sản xuất

Ngoài các chợ truyền thống tự phát (nếu đủ điều kiện), trong phiên họp sáng 18/7, Tỉnh ủy Cà Mau chủ trương không dừng hoạt động các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống trên địa bàn.

Đối với vận chuyển hàng hóa, trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chức năng Cà Mau linh hoạt liên hệ với các sở giao thông vận tải của tỉnh bạn để thống nhất cách làm, bảo đảm sao cho hàng hóa lưu thông tốt giữa các địa phương. Khi hàng hóa về tỉnh, doanh nghiệp phải bảo đảm đăng ký bến bãi lên xuống hàng hóa cố định, số xe, lượng xe, danh sách tài xế, lơ xe… để chính quyền quản lý, giám sát. Những doanh nghiệp nào không thực hiện được thì phải đăng ký tại những điểm lên, xuống hàng hóa theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Xác định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở Cà Mau là giải pháp đảm bảo sức khỏe an toàn nhất cho người dân. Do đó, chủ trương của Cà Mau vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh. Các ngành, địa phương trong tỉnh cần nắm vững các nguyên tắc để thực hiện nghiêm, bảo đảm tính thống nhất trong phòng, chống dịch. Đặc biệt là không làm quá, làm căng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta giãn cách theo Chỉ thị 16 mềm dẻo nhưng có cái rất riêng nhằm cô lập, cách ly, khống chế, xử lý để mầm bệnh không lây lan từ nơi này đến nơi khác, địa phương này với địa phương khác. Do đó, những nơi nào đã cách ly tập trung, khu vực phong tỏa thì phải thực hiện nghiêm túc. Còn những người từ vùng có dịch về phải thực hiện cách ly luôn cả gia đình, không để người trong gia đình đi lung tung, lây cho người khác - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, lưu ý.

Đối với hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị: Các chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Nếu công nhân quá đông thì phải chia ca, để bảo đảm giãn cách và phải đăng ký với ngành quản lý. Trong trường hợp sử dụng nhiều lao động, phải đảm bảo phương châm 3 tại chỗ (ăn, làm, nghỉ tại chỗ), bảo đảm công nhân làm việc không tiếp xúc với bên ngoài. Cùng với đó, chủ cơ sở, doanh nghiệp phải cấp thẻ cho công nhân lao động, cung cấp họ tên/nơi làm việc trước 19/7 để các lực lượng giám sát, làm nhiệm vụ dễ kiểm tra khi cần thiết.

Đối với các đơn vị sử dụng lao động ngoài tỉnh, lao động nước ngoài thì được hoạt động nhưng phải áp dụng chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, phải báo cáo cụ thể tình hình lao động với UBND cấp huyện, thành phố nơi có công trình, doanh nghiệp.

Trong công tác phòng, chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo: những nơi điều trị F0 cần quản lý thật sát, điều trị thật kỹ, hiệu quả để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Đối với hoạt động của một số phòng khám tư nhân, nếu phát hiện hoạt động không đảm bảo quy định về phòng, chống dịch thì người dân có quyền ghi hình, phản ánh và tỉnh kiên quyết xử lý ở mức độ cao nhất.

Ngoài ra, ngành y tế cần xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho lực lượng đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1. Việc tiêm diễn ra trong thời gian giãn cách xã hội, nên cần phải tính toán các cụm, điểm tiêm… bảo đảm an toàn nhất.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện đang thực hiện cách ly tập trung 860 người. Những ngày tới, có nhiều người sẽ hoàn thành cách ly 14 ngày theo quy định. Hiện, 20 bệnh nhân đang điều trị Covid-19 ở Cà Mau không ghi nhận có triệu chứng nặng. Nhưng để bảo đảm an toàn nhất, tỉnh cũng đồng ý phương án tiếp tục điều trị các bệnh nhân này đến ngày thứ 14 và xét nghiệm lần 3, thay vì 10 ngày theo quy định của Bộ Y tế rồi mới cho xuất viện.

Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Nguyễn Văn Dũng

Ngành công thương, quản lý thị trường Cà Mau phải chủ động rà soát, nắm các nguồn hàng, không để thiếu cục bộ. Đồng thời, cần theo dõi những mặt hàng người dân mua nhiều để chủ động chuẩn bị nhập nguồn hàng bổ sung; những mặt hàng người dân có nhu cầu nhiều, giá lên cao thì tỉnh phải tổ chức bán hàng bình ổn giá, kiên quyết không để lợi dụng tình hình giãn cách dịch bệnh mà nâng giá, bắt chẹt người khác.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19